Thứ Ba, 20 tháng 12, 2011

Không đề

Cuối tuần có hai cái chết quan trọng, một là cựu tổng thống của Tiệp Vaclav Havel, một người khác là Kim Jong Il, hai cái chết, hai cuộc đời ảnh hưởng hai mặt xấu và tốt ảnh hưởng đến hàng triệu người trên thế giới.  Và dù thế nào họ cũng làm tốn giấy mực của báo chí, đọc tin về cái chết của họ dù ngay cả ông Havel, người mà báo chí ca ngợi là lãnh tụ ảnh hưởng nhất của Âu Châu vào cuối thế kỷ trước, tôi cũng không thấy lòng mình xúc động cho lắm, nhưng đọc bài viết của Người Buôn Gió, nói về cái chết của một bà mẹ đang chết âm thầm ở một thôn làng nào đó ở quê hương, ngóng trông đứa con duy nhất của bà, làm tôi ứa nước mắt. Có bao nhiêu bà mẹ như thế trên quê hương đang mong chờ con trở về, từ nhà tù chỉ vì hai chữ "cải tạo".   Đời người mẹ có thể chỉ quan trọng đối với một người con, nhưng đó là tất cả của bà và của con.  Mong là nhà nước VN sẽ trả người con của bà về với bà trước khi bà phải ra đi vĩnh viễn.  
Người Buôn Gió
Đêm ấy là ngày Noel. Mình đi ngủ sớm, ở một vùng quê Kinh Bắc cách đây 20 năm thì có điện còn là may, nói gì đến hội hè hay cái lễ của người Tây.
Nhà ông mình làm nghề thịt lợn, sáng từ 4 giờ đã phải dậy đun nước, ngả lợn, chọc tiết, pha thịt với ông chú. Tuần trước mình về thăm bố, bố ốm nằm trên giường, mình không nỡ đi. Nhưng bố cứ hối thúc mình về quê. Chả hiểu sao bố cứ bắt mình phải về quê, hình như bố dặn ông Tài (em bà nội) là thu xếp cho mình ở quê, lấy vợ, sinh con và lập nghiệp ở đấy. Bố chỉ nói với mình, mong có đứa con nào về quê lấy vợ, lập nghiệp bố sẽ thu xếp mua đất làm nhà, bố bảo nếu không đứa nào ở, sau này sự thân thiết với họ hàng sẽ phai nhạt đi.
Đấy có thể là một trong lý do, mình nghĩ lý do chính là bố không muốn mình ở thành phố.
Đêm lạnh, trùm đầu trong chăn thì nghe tiếng xe máy nổ ở sân, rồi tiếng người lao xao. Mình thót tim, thường những xáo trộn như thế về đêm thường không lành chút nào. Mình đi ra cửa thấy anh rể đứng giữa sân. Chưa hết ngạc nhiên thì anh bảo:
- Bố mất rồi.
Mình hẫng trong lồng ngực, lịm người đi, ngồi bám vào cột hiên nhà.
Anh rể chở mình về, đến nhà mọi người rẽ cho mình vào. Mình chạm vào người bố, thấy cứng và lạnh như tảng đá. Lúc ấy mình mới khóc.
Hồi 12 tuổi mình học võ, bố biết đánh cho một trận đau. Bố bảo cấm loại mày không được học võ. Mình chuyển sang đọc sách, xin tiền sách thế nào bố cũng cho dù nhà rất nghèo. Mỗi lần bố nhìn mình đọc sách, ánh mắt của bố rất ấm áp. Ngày đó thì tất nhiên toàn sách nghiêm túc, không có sách, truyện nhố nhăng như truyện tranh hay truyện thập cẩm bây giờ. Sách trong nước có Tô Hoài, Vũ Tú Nam, Sơn Nam, Đoàn Bổng... bên ngoài có Pauxtopky, Alx Đuy Ma, truyện cổ Grim, truyện cổ An Đéc Xen, Thần thoại Hy Lạp....
Lúc mình lớn, tầm đầu những năm 90, chỗ nhà mình gần chợ Đồng Xuân, bến bãi nhiều, giang hồ anh chị cũng nhiều. Mình đang tuổi lớn đi theo hội đó kiếm chác các kiểu, đánh lộn, cờ bạc, trộm cắp suốt. Bố mới bắt về quê không cho về nhà.
Về quê theo ông chú, hàng ngày đi khắp các làng mua lợn, sớm thịt lợn. Xong ngủ tiếp đến trưa dậy ăn cơm, chiều lại len lỏi khắp vùng lân cận mua lợn. Nếu như bố mình không mất sớm, có lẽ mình đã ở quê, lấy vợ và làm một người nông dân.
Giỗ bố năm nay, mình không về nhà. Tí Hớn thay mình thắp hương cho ông nội.
Pau Lê Sơn rất quý Tí Hớn, lần nào gặp chú Sơn cũng chơi nhiệt tình với Tí Hớn, hỏi chuyện, trêu chọc và dẫn Tí Hớn đi chơi. Chú Pau Sơn hiền lành, quý trẻ con, tính hay cười. Nhà chú Sơn chỉ có một mẹ một con. Mẹ chú Sơn nuôi chú từ bé ăn học, còn bố chú thì hình như bỏ hai mẹ con từ khi chú mới sinh. Hai mẹ con chú thuê nhà trong một cái ngõ nhỏ sâu tít tắp ở Hà Nội, mẹ chú đi thu mua đồng nát. Hàng ngày bà gánh đôi quang gánh đi khắp hang cùng ngõ hẻm Hà Nội rao khản cổ để người nào có nhu cầu bán tống đi những thứ cũ nát trong nhà.
Chú Sơn ngoài giờ đi học, chú làm tự nguyện thêm ở nhà thờ, chú ở trong nhóm HIV và nhóm bảo vệ sự sống. Một thanh niên trẻ, chưa vợ nhưng chú không ngần ngại tiếp xúc với những người HIV để tư vấn, khuyến khích họ sống những ngày có ích còn lại. Chú tiếp xúc với những thai nhi bị nạo bỏ khỏi cuộc đời, tắm rửa cho thai nhi bất hạnh, bao bọc, khâm liệm và đem chôn cất.
Từ những đau thương chứng kiến, Pau Sơn viết nhiều, đưa tin nhiều về HIV, bảo vệ sự sống. Sau này Sơn viết nhiều bài phản ánh xã hội.
Một ngày đầu tháng 8, Pau Sơn bị 6 người bắt mang đi tại cửa phòng trọ. Tháng sau gia đình nhận tin Sơn bắt vì ý đồ lật đổ chính quyền Việt Nam hiện nay. Không hiểu chàng trai thư sinh, hiền lành, tốt bụng trói con gà không chặt ấy định lật đổ chính quyền bằng gì, bằng những bài viết chăng?
Từ khi Sơn mất, mẹ Sơn lâm bệnh, căn bệnh bà đã vướng vài năm nay. Nhưng từ khi Sơn bị bắt, bà không còn sức lực để đi làm nghề đồng nát nữa. Bà phải về quê sống nhờ bữa cơm bữa cháo của họ hàng, trong một căn nhà tồi tàn mà đồ đạc không có gì giá trị nổi 100 ngàn đồng.
Nỗi thương nhớ con và sự khó nghèo, bệnh tật, lạnh lẽo. Khi mình viết những dòng này, đêm nay lúc 11 giờ 30 bà đang nằm hấp hối trên giường.
Lại một người nữa chết đi không nhìn thấy mặt con mình.
Mùa đông bao giờ cũng khắc nghiệt, sự chia ly trong mùa đông bao giờ cũng ghi sâu trong lòng người. Lúc này trên nền xi măng lạnh lẽo của nhà tù, chắc Pau Sơn không biết mẹ mình đang trút những hơi thở cuối cùng với nỗi niềm thương nhớ Sơn, đứa con trai duy nhất bà đã tần tảo nuôi nấng, đã hơn 4 tháng nay không nhìn thấy mặt.
Chả biết nói gì trong đêm nay, lúc giờ phút ly biệt này, đành lấy câu cuối trong kinh Hòa Bình chia sẻ với mẹ con Pau Sơn.
Xin thương ban, xuống những ai lòng đầy thiện chí. Ơn an bình!

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"