Người Ba Đồn
Theo Diễn Đàn Thế Kỷ
Ngày xưa
Gia đình tôi, bị quy địa chủ trong những năm tháng cải cách ruộng
đất. Đó là điều vô lý, thật là vô lý. Đến bây giờ bố tôi và tôi vẫn
không hiểu vì sao một gia đình nghèo đói như thế này, bỏ tất cả theo
kháng chiến, không một mảnh đất cắm dùi thời kỳ đó mà vẫn bị quy là địa
chủ.
Bố của bà nội tôi được triều đình nhà Nguyễn phong cho một cái chức
nhỏ thôi và được cấp ở quê một mảnh ruộng. Ông ở Đồng Hới có biết chi
chuyện ruộng đất nên cho người em làm. Về sau cuối đời ông bất mãn sa
vào cờ bạc, khuynh gia bại sản, nhà cửa, đất đai bán hết kể cả đám ruộng
của vua ban ở ngoài quê. Bà tôi có biết gì đâu, lấy chồng rồi theo
chồng lên chiến khu chợ Gát làm Cách mạng.
Đội cải cách về làng, đêm đấu tố ở làng có người bảo làm thuê trên
đất ruộng của ông cố tôi. Ông cố tôi lúc đó mất rồi và còn lại là bà
tôi. Bà tôi bị quy là địa chủ (bố chết thì con phải chịu thay). Đội cải
cách tìm mọi cách lùng sục, chỉ chờ bà tôi về là bắt ngay. Lúc đó, Ba
Đồn đã được giải phóng, bà tôi phải ở lại Ba Đồn không dám về quê cho dù
chỉ cách một khúc sông Gianh. Bố tôi, hằn sâu nổi đau của đợt cải cách
mà đến bây giờ anh em tôi có tý tiền muốn mua đất cát, ông đều gạt đi,
mua làm gì, đất đai nhiều mà chi, cuối đời quy là địa chủ thì khổ lắm.
Bố tôi kể, đợt cải cách ruộng đất oan sai nhiều lắm. Người oan
toàn người giỏi, người tài và rất nhiều Đảng viên bị giết. Ở Ba Đồn ai
ai cùng nhớ và đau câu chuyện ông Nghị Các. Ông là đảng viên, được tổ
chức giới thiệu vào hoạt động ở Nghị viện dân biểu Trung Kỳ nhưng khi
cải cách ruộng đất ông vẫn bị quy là địa chủ và chặt đầu. Đêm hôm trước
khi hành hình, ông Nghị Các đã lấy ống nứa cứa vào mách máu tay tự vẫn.
Nghe kể lại, ông bảo ông sẽ tự chết chứ sáng mai để đồng đội của mình
hành hình mình thì đau đớn quá?
Vẫn là câu chuyện mà bố tôi kể có một đảng viên (ông đã quên
tên) theo cách mạng, hòa bình lập lại ông này làm đến chức chủ tịch mặt
trận Liên Việt xã Quảng Thạch (bao gồm cả vùng chiến khu Trung Thuần),
nhưng vẫn bị quy là địa chủ và bị hành hình trong đợt cải cách ruộng
đất. Con ông sau này trúng tuyển nghĩa vụ quân sự đã khóc: “Bố tôi, theo
cách mạng hòa bình lập lại bị giết, giờ tôi cầm súng ra chiến trường
chiến thắng trở về có bị giết không”. Ai cũng thương con ông, họ không
dám nói ra và con ông cũng không được “vinh dự” ra chiến trường.
Tôi đã nhiều lần ngồi nhậu với nhà thơ Ngô Minh, ông cũng mang
trong mình nổi đau của oan sai cải cách ruộng đất. Khi rượu vào mềm môi,
tôi hỏi: “Chuyện gia đình chú bị quy sai địa chủ chú có đau không?”.
Ông cười nhưng từng thớ thịt trên mặt giật liên tục, như đang cố nuốt
một nổi đau mà chỉ có người trong cuộc mới hiểu nổi: “Mày xem cái làng
Ngư Thủy nghèo nhất nước này thì làm chó gì có địa chủ. Thôi không nhắc
nữa, chuyện củ!”. Nhà thơ họ Ngô đã xung phong đi bộ đội và được kết nạp
Đảng tại chiến trường. Đến bây giờ ông không hổ thẹn mình là con địa
chủ, không hổ thẹn mình là một đảng viên.
Chuyện củ, thôi đừng nhắc nữa. Câu nói của nhà thơ Ngô Minh mà sao tôi cứ thấy nghẹn nghẹn trong cổ họng
Người Ba Đồn
Theo blog Cu Làng Cát
Theo blog Cu Làng Cát