Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2011

Liên tiếp nhiều sáng kiến, kinh nghiệm giúp lái xe làm chủ tốc độ

Theo Tin Khó Tin
Hưởng ứng tháng hành động vì an toàn giao tranh (ATGT) do Tin Khó Tin kết hợp với đại học HGU tổ chức, liên tiếp nhiều địa phương, đơn vị đã đưa ra các sáng kiến, kinh nghiệm giúp giảm thiểu số vụ tai nạn giao thông, giúp lái xe an toàn, làm chủ tốc độ cả trên địa bàn thành phố lẫn đi đường trường. Thành phố Thanh Hóa là một trong những điển hình tiên tiến xuất sắc đó.
Nằm ở khu vực Bắc Trung Bộ, nơi “khu 4 đẩy ra khu 3 đẩy vào, đẩy sang nước Lào nước Lào không nhận”, Thanh Hóa có bản sắc riêng không pha trộn với những vùng đồng bằng Bắc Bộ hay tỉnh bạn kề bên, cái nôi của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Là quê hương của Bà Triệu, vua Lê, các cựu danh thủ đội Công An Hà Nội và Thể Công như Vũ Quang Minh, Phạm Như Thuần, nhưng Thanh Hóa lại nổi tiếng khắp cả nước nhờ ca sĩ Phương Thanh suốt gần 2 thập kỉ qua, và nổi tiếng khắp thế giới suốt 2 tuần qua nhờ các chiến sĩ cảnh sát giao thông mưu trí, sáng tạo.
Trong tháng 11, liên tiếp nhiều báo đài của Việt Nam và thế giới đưa tin về phương pháp bắt quái xế bằng lưới đánh cá của CSGT Thanh Hóa. Những tiến bộ vượt bậc so với thời kì tay không bắt giặc, lại chỉ sử dụng những phương tiện đơn sơ,thân thuộc, mang phong cách địa phương là chiếc lưới đánh cá của bà con vùng biển là một sự kinh ngạc tới khó tin.
Thien-la-dia-vong.jpg
Lưới trời lồng lộng bủa vây khắp nơi
Sau khi trung ương yêu cầu ngừng việc dùng lưới đánh cá, các chiến sĩ CSGT Thanh Hóa, cái khó ló cái khôn, đã lại có sáng kiến dùng dùi cui để hãm phanh người điều khiển xe lạng lách, quá tốc độ. Những thông tin ban đầu của chúng tôi cho biết, nhiều vận động viên chơi các môn thể thao dân tộc như chọc gậy bánh xe, ném đá giấu tay, do chưa được đưa vào chương trình thi đấu Xi Ghêm, đã tham mưu huấn luyện cho CATP một cách hiệu quả.
2_59a7a.jpg
Trẻ em lớp 1 ở thành phố Thanh Hóa được học tiếng Việt trực quan về thành ngữ "Chọc gậy bánh xe."
Đại úy Vũ Minh Hiếu thuộc đội CSGT thành phố Hà Nội hết sức hoan nghênh những sáng kiến này. Anh tâm sự: “Hình ảnh người CSGT tả xung hữu đột, khi quăng lưới, lúc ném dùi cui sẽ tạo thêm niềm tin cho người dân, đảm bảo bình yên cho mỗi tuyến đường đô thị. Hơn nữa, hiệu quả kinh tế của các biện pháp này là rất cao, ở góc phố nào cũng có quán trà đá, nếu cần chiến sĩ có thể mượn điếu cày để chọc bánh xe.”
Tại cuộc phỏng vấn chớp nhoáng với người tham gia giao thông ở quốc lộ 1A hôm nay chúng tôi đã ghi được nhiều phản hồi tích cực. Anh Phạm Thái, kĩ sư chế tạo máy ở thành phố Hải Dương cho biết, học tập những kinh nghiệm này, anh sẽ luôn luôn mang theo một bọc lưới đánh cá để trên giỏ xe máy của mình, khi nào mất tay lái, mất phanh không làm chủ được tốc độ anh sẽ quăng lưới xuống để hãm xe lại. “Để an toàn hơn, tôi sẽ mang theo luôn cái điếu cày cho chắc chắn,” anh Thái hồ hởi. Anh cũng cho biết anh đang nghiên cứu biện pháp đặc sản của riêng quê mình, như ném bánh đậu xanh vào bánh xe chẳng hạn. Chị Ngọc, vợ anh, người quê ở tỉnh Hưng Yên kế bên đề nghị phương pháp ném tương Bần vào người vi phạm. Anh Lê Việt D, quê ở Phú Quốc chỉ cười mà không đưa ý kiến gì cả.
Trước những luồng ý kiến cho rằng Hà Nội, với vị trí trung tâm đầu não của cả nước lại không có sáng kiến gì giúp cải tiến hệ thống phanh cho phương tiện, ông Đường Văn Đông, chủ tịch hiệp hội an toàn giao tranh Hà Nội phản bác: “Báo cáo các đồng chí là đường tắc suốt ngày đi nửa tiếng mới qua một ngã tư, vậy thì cần gì phải hãm phanh với giảm tốc độ.” Tuy nhiên, công ty xe buýt Hà Nội Transerco cũng không quên tính đến đặc thù thủ đô nhiều xe ô tô, nên các biện pháp chọc gậy và tung lưới sẽ không có hiệu quả. Xuất phát từ thực tiễn đó, Transerco đã nghiên cứu ra phương pháp phanh xe bằng cờ lê và dây chun:
Trong khi đó, bên ly rượu vang:
Ngo-Bao-Chau.jpg
... giáo sư Ngô Bảo Châu nói hôm nay ông uống rượu nên không lái xe.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"