Nguyễn Bặc
Trong một buổi chất vấn chính phủ trong Quốc hội Việt Nam ngày
25 tháng 11 năm 2011 vừa qua, 22 đại biểu đã đặt câu hỏi cho ông Nguyễn
Tấn Dũng, Thủ tướng Chính phủ CHXHCN Việt Nam, trong đó có hai người hỏi
về vấn đề chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông. Ông Dũng đã có bài diễn
văn dài 10 phút để trả lời về vấn đề hiện đang sôi bỏng này. Ngay sau
đó, các báo chí nhà nước và cơ quan truyền thông quốc doanh (“báo chí lề
phải“) đã đăng tin nhiều ngày liên tiếp và không ngớt lời ca tụng nào
là “các phát biểu có trách nhiệm, tâm huyết”, nào là trả lời thẳng thắn, công khai và đanh thép”
của một nhân vật thuộc cái gọi là Tứ trụ triều đình Hà Nội - gồm có Chủ
tịch Đảng Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang, Chủ tịch
Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và ông Nguyễn Tấn Dũng.
Vậy ông Dũng đã tuyên bố những gì ghê gớm thế?
Xin được lại ghi tóm tắt các điểm chính yếu theo nguyên văn Quốc hội Việt Nam công bố. Ông Dũng đã nói hôm 25 tháng 11 như sau:
“Chúng ta phải giải quyết và khẳng định chủ quyền đối với 4 loại vấn đề trên biển Đông như sau:
Vấn đề thứ nhất, về đàm phán phân định ranh giới
vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ. Vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ là
quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, vì vậy 2 nước Việt Nam và Trung
Quốc cùng nhau đàm phán để phân định ranh giới vùng biển này trên cơ sở
Công ước Luật biển, trên cơ sở DOC, trên cơ sở các nguyên tắc đã thoả
thuận.
Vấn đề thứ hai, chúng ta khẳng định rằng
quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Năm 1956 Trung Quốc đưa quân chiếm đóng các đảo phía Đông của quần đảo
Trường Sa. Đến năm 1974 cũng Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ
quần đảo Hoàng Sa trong sự quản lý hiện tại của chính quyền Sài Gòn, tức
là chính quyền Việt Nam Cộng Hoà. Chính quyền Sài Gòn, chính quyền Việt
Nam Cộng Hoà đã lên tiếng phản đối, lên án việc làm này và đề nghị Liên
hợp quốc can thiệp. Chính phủ Cách mạng Lâm thời Miền Nam Việt Nam của
chúng ta lúc đó cũng đã ra tuyên bố phản đối hành vi chiếm đóng này. Lập
trường nhất quán của chúng ta là quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của
Việt Nam. Nhưng chúng ta chủ trương đàm phán giải quyết đòi hỏi chủ
quyền đối với quần đảo Hoàng Sa bằng biện pháp hoà bình.
Vấn đề thứ ba, quần đảo Trường Sa, năm 1975 giải
phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc thì Hải Quân chúng ta đã tiếp quản 5
hòn đảo tại quần đảo Trường Sa, đó là đảo Trường Sa, đảo Song Tử Tây,
đảo Sinh Tồn, đảo Nam Yết và đảo Sơn Ca, năm đảo này do quân đội của
chính quyền Sài Gòn, chính quyền Việt Nam Cộng Hoà, đang quản lý chúng
ta tiếp quản.
Sau đó với chủ quyền của chúng ta, chúng ta tiếp tục mở rộng thêm
lên 21 đảo, với 33 điểm đóng quân. Ngoài ra chúng ta còn xây dựng thêm,
15 nhà giàn ở khu vực bãi Tư Chính để khẳng định chủ quyền của chúng ta
ở vùng biển này, vùng biển trong phạm vi mà 200 hải lý thuộc thềm lục
địa và vùng đặc quyền kinh tế của chúng ta. Trong khi đó ở quần đảo
Trường Sa, Trung Quốc cũng đã chiếm 7 bãi đá ngầm, Đài Loan chiếm 1 đảo
nổi, Philipin chiếm 9 đảo, Malaixia chiếm 5 đảo, còn Bruney có đòi hỏi
chủ quyền trên vùng biển nhưng không có chiếm giữ đảo nào.
Vấn đề thứ tư, chúng ta phải giải quyết và khẳng
định chủ chúng ta trong phạm vi 200 hải lý thuộc vùng đặc quyền kinh tế
và thềm lục địa theo Công ước Luật Biển năm 1982.
Do không có thời gian, nên tôi xin trình bày vắn tắt 4 vấn đề mà
chúng ta đang chủ trương giải quyết và khẳng định chủ quyền trên Biển
Đông.”
Không biết Quý vị Độc giả thấy có gì gọi là hùng hồn trong câu trả lời chất vấn đó không?
Tôi thì không. Chỉ ngạc nhiên mà thôi.
Trước tiên, một vấn đề sôi bỏng của đất nước, trọng đại như ranh
giới, biển đảo và toàn vẹn lãnh thổ, một vấn đề đã và đang kéo dài từ
mấy năm trời qua – thậm chí mấy chục năm nếu tính từ 1974 - vậy mà
trong Quốc hội chỉ có hai (2) ông nghị đặt ra câu hỏi có tính cò mồi cho
chính phủ! Và đối lại, người cầm đầu nhà nước Việt Nam chỉ dành vỏn vẹn
có 10 phút đồng hồ, để đọc một bản Statement, rồi kết luận bằng câu “do không có thời gian, nên tôi xin trình bày vắn tắt 4 vấn đề…”
. Không có một phê phán, không một tranh luận, không một ý kiến đề nghị
nào từ phía các ông bà nghị Quốc hội Việt Nam sau bài nói của ông Dũng
cả.
Mà đúng ra, người ta phải có rất nhiều điểm cần đặt vấn đề với ông Nguyễn Tấn Dũng.
Thứ nhất, cuộc chiến huynh đệ tương tàn đã chấm dứt
năm 1975 với sự chiến thắng của miền Bắc, vậy mà 35 năm trời qua, năm
nào cũng như năm nấy, nhà cầm quyền CSVN đều tổ chức rầm rộ bồng súng,
diễu binh, phất cờ, bắn pháo bông tốn kém, ra rả tuyên truyền cho chiến
thắng của mình. Nhưng tại sao từ 36 năm qua, từ ngày 17-1-1974 khi CS
Trung Quốc xua tàu lớn tàu bé ngang ngược xâm chiếm bằng vũ lực toàn bộ
quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, mà cho đến tháng 11 năm 2011 mới có một
lãnh tụ CSVN chính thức và công khai khẳng định hành động đó của Bắc
Kinh là xâm lăng thô bạo lãnh thổ của Việt Nam? Không những 74 chiến sĩ
hải quân Việt Nam Cộng Hoà đã hi sinh trong cố gắng bảo vệ giang sơn tại
Hoàng Sa năm 1974, mà 64 thuỷ binh Việt Nam cũng đã hi sinh anh dũng
trong trận hải chiến bất cân đối chống hải quân Trung Quốc tại Trường Sa
ngày 14-3-1988. Và trong cuộc Chiến tranh biên giới Việt – Trung tháng 2
năm 1979, máu của 50.000 thanh niên trai tráng Việt Nam đã đổ xuống để
giữ gìn bờ cõi nước nhà, cho dù ngày nay một phần thác Bản Giốc và Ải
Nam Quan đã bị Trung Quốc nuốt trửng.
Vậy câu hỏi đáng lí phải đặt ra với ông Dũng tại Quốc hội vừa qua là: Tại sao lại lịt lịt, im ỉm 36 năm trời trước một kẻ xâm lăng không hề che đậy ý đồ từ phương Bắc?
Thứ hai, ngay sau khi Hoàng Sa bị CS Bắc Kinh xâm
chiếm, chính quyền Việt Nam Cộng Hoà đã tức tốc cực lực tố cáo ra quốc
tế, đưa hành động xâm lăng trắng trợn này ra Liên hiệp quốc để xin can
thiệp. Trong khi đó, theo tin của đài BBC ngày 22-1-1974 (người ta có
thể dò lại hồ sơ lưu trữ của BBC), ngay sau khi xảy ra cuộc hải chiến
hải quân Việt Nam Cộng Hoà (miền Nam) và CS Trung Quốc, thì đại diện
ngoại giao của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà (miền Bắc) và của chính phủ
Cách mạng Lâm thời Miền Nam Việt Nam (Mặt Trận Giải Phóng) tại Bắc Kinh
đã im hơi lặng tiếng, tránh né, không nói một lời nào khi bị báo chí
ngoại quốc chất vấn. Cho đến 2 ngày sau khi cuộc xâm chiếm đã hoàn tất –
hôm 21/1/1974 - trước sức ép quá lớn của dư luận trong và ngoài nước,
lúc đó Hà Nội mới ra một bản tuyên bố trước hành vi ăn cướp của Trung
Cộng, với những lời lẽ nhùng nhằng như kẹo cao su: “...Đôi khi có những tranh chấp mà lịch sử để lại, rất phức tạp và cần được nghiên cứu thật kĩ lưỡng...” Sau khi được Hà Nội bất xong đèn xanh, Mặt Trận Giải Phóng mới lục tục ra một công văn tương tự.
Làm như thể vào thời điểm tháng Giêng năm 1974 lúc đó, Hà Nội và Mặt
Trận Giải Phóng chưa biết là quần đảo Hoàng Sa nằm xó nào và có thuộc về
lãnh thổ Việt Nam hay không, cho nên họ phải cần nhiều thời gian để “nghiên cứu thật kĩ lưỡng”.
Và họ đã nghiên cứu... quá kĩ lưỡng, không phải một hay hai năm, mà gần
đến 37 năm sau, nghĩa là vào cuối tháng 11 vừa qua, một ông Thủ tướng
CSVN mới công khai xác định được chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo
Hoàng Sa và lên án hành động của Trung Quốc vào ngày 19-1-1974 trên
Hoàng Sa là một hành vi xâm lược.
Câu hỏi cần đặt ra với ông Dũng trong buổi chất vấn Quốc hội vừa qua là: Rắc
rối chỗ nào mà lại nghiên cứu lâu thế? Tại sao Đảng và Nhà nước lại
phớt lờ để mất một phần của giang sơn gấm vóc gần cả 4 thập kỉ qua?
Thứ ba, như trong đoạn trích phía trên, trước Quốc hội hôm 25-11-2011 ông Dũng đã khẳng định rằng “quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam”.
Và có lẽ vì các nghị ông nghị bà trong hội trường Ba Đình đã tỏ ra hụt
hẫng và hoang mang trước lời tuyên bố mới này, nên ông Dũng đã nhắc đi
nhắc lại như đọc chính tả trong lớp tiểu học, rằng “Lập trường nhất quán của chúng ta là quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.”
Không phải chỉ có các ông bà nghị đeo bảng hiệu cờ đỏ sao vàng to
bằng tấm thẻ ATM bên ngực trái hụt hẫng và hoang mang, mà cả dân chúng
trong và ngoài nước cũng đôi chút bất ngờ và khó tin ông Dũng.
Vì đây chính là lập trường của từng lớp người Việt Nam yêu nước từ 4
năm qua, khắp mọi miền đất nước. Đây cũng là nguyên văn mà anh Blogger
Điếu Cày - Nguyễn Văn Hải đã viết bằng chữ trắng trên mũ bảo hiểm màu
đen của anh trong một cuộc xuống đường rộng lớn chưa từng có vào ngày 9
tháng 12 năm 2007: “Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam”. Và
đây là lí cớ vì sao Điếu Cày, Anh Ba SG, Tạ Phong Tần, các thành viên
trong Câu lạc bộ Nhà báo Tự do -những người có thể được xem là tiên
phong trong những lần xuống đường đầu tiên phản đối hành vi xâm lược
ngang ngược của Trung Quốc- đã bị bắt giam, cho tới nay. Còn biết bao
người nữa đã tham gia và ủng hộ cuộc biểu tình ngày đó như blogger Hồ
Lan Hương, Đông A SG, Trăng Đêm, Uyên Vũ, Thiên Sầu, Bùi Chát... vẫn
tiếp tục bị sách nhiễu, rình rập, khủng bố tinh thần... Theo Blogger Mẹ
Nấm, thì những người tham gia biểu tình cho lí tưởng “Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam”
vẫn tiếp tục bị đe doạ, bị trấn áp bằng nhiều hình thức như: đánh
nguội, bắt nguội, áp lực với nơi đăng ký tạm trú, hăm doạ gia đình, bị
tung xe, bị mất việc làm,…
Cho nên chính ra người ta cần phải chất vấn ông Dũng: Tại sao cũng với lập trường “quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa (là) thuộc chủ quyền của Việt Nam”
đó, mà các anh chị em biểu tình 11 lần trong suốt mùa Hè qua tại Hà Nội
và Sài Gòn đã bị công an đàn áp vô cùng thô bạo như: vặn cổ, bẻ quặp
tay, khiêng người biểu tình như khiêng lợn thảy lên xe buýt, thò chân
đạp giày vào mặt thanh niên biểu tình, giam giữ người không giấy tờ,…
còn ông Dũng thì vẫn tiền hô, hậu ủng, báo chí tung hê? Tại sao một
người phụ nữ yêu nước như bà Bùi thị Minh Hằng đi biểu tình để khẳng
định rằng “Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam” thì bị bắt
nhốt oan ức 2 năm trong trại Phục hồi Nhân phẩm (?!), còn ông Nguyễn Tấn
Dũng thì nhăn răng vô sự, dù ông ta đã tỏ ra vô cùng ngoan cố, không
chịu phục thiện, cứ lập đi lập lại câu nói trên nhiều lần trong bài diễn
văn, có chứng cớ rành rành trên cả 600 tờ báo lề phải?
Thứ tư, để lấy lại Hoàng Sa đã bị cướp đi một cách
thô bạo vào tay Trung Quốc từ 37 năm qua, ông Dũng đã giải thích với
Quốc hội rằng: “Chúng ta chủ trương đàm phán giải quyết đòi hỏi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa bằng biện pháp hoà bình”.
Tuy nhiên, đưa ra chủ trương đàm phán về một vấn đề vô cùng kẹt cứng là
Hoàng Sa, mà không đưa ra được bất cứ lộ trình, sách lược, chiến lược
nào cho tương lai, thì lời phát biểu này chỉ có giá trị của nguyên tắc
hi vọng mà thôi. Nói cho có nói, nói để mị dân.
Muốn đàm phán, người ta cần có ít nhất là 2 bên để nói chuyện với
nhau. Trong khi ông Dũng chủ trương đàm phán về Hoàng Sa, thì phía Trung
Quốc lại có chủ trương bóp nghẽn mọi cố gắng thương thảo, coi như
chuyện đã xong hết rồi: “Không có gì để đàm phán cả… Chủ quyền đối
với quần đảo Hoàng Sa của Trung Quốc chưa bao giờ là đề tài tranh chấp
và Việt Nam đã thừa nhận điều này trong quá khứ. Thảo luận về nỗ lực hợp
tác bảo vệ tài nguyên, tìm kiếm cứu nạn và các việc khác là một chuyện,
chủ quyền của Trung Quốc là một chuyện khác”.(1)
Trước thái độ phủi tay ngó lơ của Trung Quốc về vấn đề Hoàng Sa, chủ
trương đàm phán song phương của ông Dũng coi như rất khó khả thi. Mà
ngay cả trong trường hợp Trung Quốc đồng ý nói chuyện về Hoàng Sa đi
nữa, thì trong bối cảnh lệ thuộc nghiêm trọng vào Trung Quốc về chính
trị (2), kinh tế (3), và văn hoá (4) của nước ta hiện nay, Việt Nam cũng
chẳng có gì trong tay để mặc cả, để làm đối trọng.
Muốn tạo một số áp lực nào đó để kéo Trung Quốc vào bàn hội nghị về
Hoàng Sa (cũng như Trường Sa và Biển Đông), thì ông Dũng bắt buộc phải
chọn con đường đàm phán đa phương trong tương lai với Trung Quốc: Vận
động các nước ASEAN để soạn thảo và thông qua bộ Quy tắc Ứng xử (COC)
trên Biển Đông, đoàn kết chặt chẽ với các nước trong vùng cũng bị Trung
Quốc ức hiếp, nâng cao mối bang giao với các nước Ấn, Hàn, Nhật, Úc, Mỹ
và nhất là thành lập một cách nghiêm túc và chuyên nghiệp hai hồ sơ
Hoàng Sa và Trường Sa, để chuẩn bị đưa ra Toà án Quốc tế về Luật biển
(ITLOS) tại Hamburg, Đức.
Công việc cần làm thì bề bộn và phức tạp, nhưng người cầm đầu chính
phủ Hà Nội tạo cho chúng ta có cảm tưởng là sau khi đưa ra những lời
giải trình “hoành tráng“ trên đây về tình hình Biển Đông, ông ta có vẻ
mãn nguyện lắm rồi, coi như thể Trung Quốc sẽ sợ khiếp vía trước những
lí lẽ chắc nịch của Việt Nam, mà đem trả lại Hoàng Sa cho nước ta trong
một tương lai gần đây.
Muốn biết ai sợ ai, người ta chỉ cần theo chân ông Hồ Cương Quyết -
một người Pháp có quốc tịch Việt Nam- về tỉnh Lý Sơn để xem ông làm cuốn
phim “Hoàng Sa - Nỗi đau mất mát”. Bộ phim này là tiếng nói
chân thật của các ngư dân miền Trung bị tàu Trung Quốc cướp bóc, đánh
đập, hành hạ tại vùng biển đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Những chiếc tàu
Trung Quốc mà các báo chí lề phải trong nước phải theo lệnh cấp trên để
nói trại ra là “tàu lạ” trong các bản tin của mình.
Buổi trình chiếu „Hoàng Sa - Nỗi đau mất mát” đã bị lực
lượng an ninh Sài Gòn ngăn cấm thô bạo vào ngày 29-11-2011 tại Sài Gòn,
chỉ có 4 ngày sau buổi trả lời chất vấn rất “ấn tượng” của ông Nguyễn
Tấn Dũng trước Quốc hội Ba Đình.
Đúng là nói như rồng leo, mà làm như mèo mửa!
Nguyễn Bặc
26-12-2011
26-12-2011
_______________________
(2) Mặc Lâm: Trung Quốc khống chế Việt Nam trên lãnh vực Chính trị
http://boxitvn.blogspot.com/2011/09/trung-quoc-khong-che-viet-nam-tren-lanh.html
http://boxitvn.blogspot.com/2011/09/trung-quoc-khong-che-viet-nam-tren-lanh.html
(3) Mặc Lâm: Trung Quốc khống chế Việt Nam trên lãnh vực kinh tế
http://boxitvn.blogspot.com/2011/09/tq-khong-che-vn-tren-linh-vuc-kinh-te.html
http://boxitvn.blogspot.com/2011/09/tq-khong-che-vn-tren-linh-vuc-kinh-te.html
(4) Mặc Lâm: Trung Quốc khống chế Việt Nam trên lãnh vực văn hoá
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/how-cn-use-soft-power-i-vn-prt3-09202011070050.html
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/how-cn-use-soft-power-i-vn-prt3-09202011070050.html