Trần Minh Khôi
Những người quan tâm nên hệ thống pháp lý Việt Nam có lý do để lo ngại cho nó về trường hợp Bùi Minh Hằng. Những người quan tâm đến tương lai của Việt Nam có lý do để bi quan về triển vọng của những thay đổi nền tảng về các ý niệm công lý và quyền lực nhà nước trong trường hợp này.
Bùi Minh Hằng bị bắt và bị giam giữ trong hai năm tới mà không đi qua một tiến trình pháp lý nào. Bổng chốc, người ta có cảm giác là đang sống trong những năm ’70, ’80 của thế kỷ trước khi quyền lực tuyệt đối của nhà nước luôn là sự đe dọa thường trực lên đời sống của công dân. Tất cả những cố gắng xây dựng hệ thống pháp quyền, một hệ thống mà trong đó nhà nước phải chịu sự chi phối của quyền lực pháp lý, trong hơn hai mươi năm qua, chỉ qua một trường hợp giam người vô tội vạ này, đã trở nên vô nghĩa: bước vào thập niên thứ hai của thế kỷ mới, nhà nước Việt Nam vẫn hành xử như một nhà nước của bạo lực, bất chấp ngay cả những giới hạn pháp lý mà chính nó đã đẻ ra.
Tính hiện đại của một hệ thống pháp lý không ở chổ là nó đã cho ra đời bao nhiêu đạo luật mà ở chỗ nó có chức năng nào trong vai trò giới hạn quyền lực của nhà nước. Quốc hội Việt Nam có thể đưa ra hàng trăm đạo luật nhưng nếu nhà nước Việt Nam vẫn có thể dùng quyền lực tuyệt đối của nó để bắt và giam giữ người bất cứ khi nào nó muốn thì hệ thống pháp lý Việt Nam vẫn chưa bước ra khỏi cái bóng đè của tư duy mông muội.
Trường hợp của Bùi Minh Hằng là trường hợp của bạo lực nhà nước chà đạp các quyền tối thiểu của công dân, ở đây là quyền được xét xử bởi tòa án. Một nhà nước văn minh không tự cho mình cái quyền bỏ tù công dân khi chưa có quyết định của tòa án.
Nhà nước Việt Nam có thể tự cho phép nó hành xử như thế là vì nó không gặp phải bất cứ sự phản kháng nào từ phía xã hội dân sự đối với những hành xử ngang ngược của nó. Xã hội dân sự Việt Nam quá yếu để trực giác công lý của tập thể công dân có thể trở thành một xung lực ngăn chặn sự hiếp đáp của nhà nước đối với nó. Hoặc trực giác công lý của mỗi công dân quá yếu để có thể cộng hưởng thành một xung lực đủ mạnh làm ngần ngại những toan tính bạo lực từ phía nhà nước?
Đâu đó trên các trang blogs, người ta đọc thấy những ý tưởng mà ở đó tác giả bám víu vào những suy luận cảm tính dựa trên tư cách cá nhân của Bùi Minh Hằng để biện minh cho hành xử ngang ngược của nhà nước. Đây là trường hợp điển hình của sự lẩn tránh trực giác công lý ở cá nhân, đưa đến sự lẩn tránh trực giác công lý của xã hội. Cho đến khi Bùi Minh Hằng bị tòa án phán quyết là có tội, Bùi Minh Hằng vẫn là một người vô tội, cho dù nhà nước và quyền lực tuyệt đối của nó muốn thế nào đi nữa.
Nếu nhà nước Việt Nam thành tâm trong cố gắng xây dựng một nhà nước pháp quyền thì việc đầu tiên nó cần phải làm là xóa bỏ những nghị định tự cho phép nó hành xử với quyền lực vô hạn đối với xã hội dân sự. Người ta không tìm thấy những từ ngữ như “cải tạo” trong Nghị Định 76/2003/NĐ-CP mà chỉ có những mỹ từ như “giáo dục”, “văn hoá”, “học nghề”. Nhưng những mỹ từ không che được tính man rợ của nó: nhà nước tự cho phép nó phán xét nhân cách của công dân và bỏ tù họ bất cứ khi nào nó muốn.
Một khi nhà nước vẫn tự cho nó cái quyền bắt bớ và giam giữ bất cứ ai thì không ai được an toàn cả, trừ khi người ta từ chối sống như những người tự do. Sự im lặng trước hành xử chà đạp công lý của nhà nước đe dọa toàn bộ xã hội dân sự, trong đó đương nhiên có cả những người đang muốn biện minh cho sự chà đạp này. Nó đe dọa ngay cả những người đặt bút ký lên cái nghị định kia. Bài học của Thương Ưởng còn đó.
Cho đến khi nhà nước Việt Nam biết hành xử như một nhà nước văn minh, người ta không có lý do gì để hy vọng ở nó. Nhưng nó sẽ không hành xử như một nhà nước văn minh cho đến khi mỗi thành viên của xã hội dân sự có đủ ý thức để hành xử theo trực giác công lý của mình.