Thứ Ba, 27 tháng 12, 2011

Những kẻ trộm anh hùng

Nguyễn Tường Tâm  

 
Báo Người Lao Động ngày mùng 2/12/2011 trong bản tin “Trộm đột nhập nhà Giám đốc Công an tỉnh Long An đã liệt kê một loạt nhiều vụ trộm nhà các quan chức cách mạng khiến người đọc có thể nhận xét rằng những vị ăn trộm đó vượt hẳn các vị trí thức và giới cầm quyền hiện nay (1).
Việt Nam, đất nước của phường ăn cắp nên không thể kết án một ai.
Trong bất cứ một đất nước nào chỉ có hai giới cao trọng. Một là giới sĩ phu. Hai là giới cầm quyền. Nhưng một cách tổng quát, toàn thể giới cầm quyền Việt Nam hiện nay từ trên xuống dưới, ở khắp cả mọi ngành, từ công an tới y tế, giáo dục, văn hóa đều là quân ăn cắp hoặc ăn cướp. Giới sĩ phu, mô phạm cũng không ngoại lệ.

Giới sĩ phu ăn cắp

Theo một suy nghĩ bình dân, phổ thông, sĩ phu là những vị có bằng cấp cao. Ngày nay tại Việt Nam, bằng cấp càng cao thì chứng tỏ đã có quá trình ăn cắp càng nhiều và vẫn đang ăn cắp hay ăn cướp nhiều hơn nữa. Trong giới sĩ phu, giáo chức thường là giới được trọng vọng ở mọi xã hội. Nhưng hiện nay, trong nền văn hóa Xã Hội Chủ Nghĩa, thầy cô giáo cũng hầu hết là quân ăn cắp hay ăn cướp ngụy trang. Bắt học sinh đi học thêm với mình nếu không sẽ có hình phạt là hình thức ăn cướp được ngụy trang. Đây là dạng ăn cướp phổ thông nhất trong xã hội và lại được nhà nước (nhà trường, ty giáo dục) công nhận.
Càng dậy lớp cao, dậy đại học chẳng hạn, hay càng bằng cấp cao (tiến sĩ) càng là thành phần ăn cắp hay ăn cướp nhiều. Tình trạng này chiếm vô số mà trong phần ghi chú ở cuối bài chỉ là vài tài liệu minh chứng (2). Nguyên nhân chủ yếu đào tạo ra giới trí thức sĩ phu ăn cắp là do sự lãnh đạo bởi những “trí thức, tiến sĩ” được đào tạo bởi hệ thống giáo dục thân hữu Xã Hội Chủ Nghĩa Đông Âu khi xưa. (3)
Văn hóa ăn cắp trong giới bằng cấp đã được Giáo Sư Ngô Tự Lập thuộc Khoa Quốc tế - ĐHQGHN xác nhận (4) Một cô em bà con của tôi làm trong một cơ quan lớn chuyên về tài chánh thỉnh thoảng đã phải viết một bài “nghiên cứu” về chuyên môn trong ngành nhưng phải đề tên của xếp lớn gửi đăng báo cơ quan để xếp lớn vừa lãnh tiền (vài trăm ngàn một bài) vừa có danh, vừa được ghi thành tích có bài nghiên cứu để chuẩn bị thi tiến sĩ. Trong mọi cuộc thi hiện nay thí sinh đều là những phần tử ăn cắp với sự toa rập của giám khảo và giám thị. Cuộc thi tuyển công chức có bằng đại học trở lên tại Nam Định trong 2 ngày 16, 17/10/2011 là một ví dụ. Trong cuộc thi đó tất cả mọi thí sinh đều dùng “phao”(5). Dùng phao khi thi là một hành vi ăn cắp, vì đã lấy cái kiến thức không phải của mình cho vào bài thi.
Vì hầu hết là những tiến sĩ ăn cắp cho nên một dạo năm 2008 họ muốn “đánh bùn sang ao”, nghĩa là tạo nên tình trạng tiến sĩ thật giả lẫn lộn, bằng cách đề nghị xây dựng Công Viên Văn Miếu Đương Đại để thờ các vị tiến sĩ ngày nay (6). Đó là một đề nghị của những tiến sĩ rỏm, tiến sĩ ăn cắp.
Trí thức ăn cắp sẽ đương nhiên tạo thành giới cầm quyền ăn cắp hoặc ăn cướp có giấy phép. 
Bản chất đã là hạng ăn cắp thì luôn luôn ăn cắp mỗi khi có điều kiện. Và đặc biệt, khi có quyền trong tay, thì hạng ăn cắp này dễ dàng tự biến thành những tên ăn cướp. Ăn cướp có bảo kê của luật pháp. Có thể nói hệ thống công quyền Việt Nam hiện nay là một hệ thống chỉ toàn những kẻ ăn cắp và ăn cướp. Muốn biết trong hệ thống công quyền có bao nhiêu phần trăm ăn cắp và ăn cướp chỉ cần nhìn tài sản, nhà cửa, xe cộ và lối sống của cán bộ mọi cấp so với mức lương hợp pháp của họ thì biết ngay. Có thể nói không ngoa gần 100% công nhân viên chức là thành phần ăn cắp hay ăn cướp. Hành dân để đòi tiền chính là hành vi ăn cướp có chứng chỉ hành nghề. Chính bởi thế không bộ nào, cơ quan nào giám thi hành đạo luật kê khai tài sản. 
Một cán bộ nhà nước trung niên mà tôi quen, trước kia là một người trẻ rất đàng hoàng. Anh ta đã dám bỏ sở, vào cái thời bao cấp, khắp nơi được lãnh đạo bởi những kẻ ngu dốt. Anh ta bỏ sở vì khinh bỉ đám lãnh đạo cơ quan chỉ để lang thang sống nhờ bố mẹ, và thường rủ tôi đi uống cà phê ở những quán nghèo. Đột nhiên cách nay mấy năm, tôi trở về thăm nhà, anh ta đã là thủ trưởng một cơ quan văn hóa thông tin. Tuy ở một địa phương nhỏ, cơ quan không có nhiều nhân viên nhưng cũng là một cơ quan có tiếng, văn hóa thông tin mà, cái loa của chế độ mà. Anh ta đi xe con có tài xế. Anh tới đón tôi mỗi buổi chiều sau khi đi làm về để đi ăn nhậu. Sau mỗi ngày làm việc, trở về gặp tôi, mặt anh đỏ gay. Chứng tỏ anh đã “được” cho ăn nhậu trong giờ “làm việc”. Không những vậy, mỗi ngày đi “công tác” trở về anh ta lại có “bao bì”. Thân tình với nhau từ thủa “hàn vi”, anh ta không thể dấu tôi. Và anh ta vẫn ngượng với tôi về những chuyện đó. Nhưng anh ta có lý do tự biện minh để mà sống. Về lý do trở vào lại hệ thống công quyền anh ta cho biết, “Thời buổi bây giờ đâu còn như thời buổi anh ở nhà, mọi người đều nghèo khổ nữa. Bây giờ tụi nó đi xe hơi, xài bạc tỉ, ở nhà tầng, nếu em không vào lại cơ quan thì em vẫn còn loẹt quẹt đi xe đạp và tụi nó sẽ coi em ra cái gì!”. Anh ta rất có lý. Giải thích mấy cái “bì thư” sau mỗi buổi đi làm, anh ta nói, “Mấy cái bao bì của em không bằng cái móng tay của tụi nó”. Tôi vẫn nín thinh, mỉm cười. Anh ta kể tiếp, “Trong cơ quan em ai cũng ăn cắp”. Miệng anh cười khan thành tiếng, tuy không lớn lắm, “Chỉ có bà lao công không ăn cắp được gì thì trước khi ra về bà ấy ăn cắp tí điện”. Tôi ngước mắt ngạc nhiên, anh ta nói tiếp, “Trước khi về bà ấy tranh thủ nấu bình nước sôi, ủ vào khăn mang về nhà để về nhà khỏi phải nấu, tiết kiệm được ít điện”.
Như vậy trên phương diện đạo đức, trong xã hội Việt Nam ngày nay, cán bộ, kể cả cán bộ trong ngành giáo dục, toàn là bọn ăn cắp và ăn cướp. Và như thế không ai đủ tư cách để kết án những kẻ ăn trộm, cho dù đó là những kẻ ăn trộm thuần túy, ăn trộm chỉ vì mục đích mưu sinh tức là những tội phạm.

Những vị trộm anh hùng

Trong phường ăn trộm đôi khi cũng có ngoại lệ. Những vị ăn trộm trong bài báo dẫn thượng là những anh hùng.
Thế nào là anh hùng? Hai trong 5 định nghĩa về Anh Hùng (hero) của Dictionary.com là:
1- Anh hùng là một người nổi trội về khả năng và lòng dũng cảm, và được mọi người ngưỡng mộ về những hành vi dũng cảm và những đức tính cao quí (a man of distinguished courage or ability, admired for his brave deeds and noble qualities.)
2- Anh hùng là một người, theo nhận xét của người khác, có những tính chất anh hùng hay đã thực hiện một hành vi anh hùng và được người đời coi là một mẫu mực hay một lý tưởng (a person who, in the opinion of others, has heroic qualities or has performed a heroic act and is regarded as a model or ideal)
Tự điển Merriam-Webster cũng ghi:
1- Anh hùng là một người được ngưỡng mộ vì thành quả đạt được và có những đức tính cao quí (a man admired for his achievements and noble qualities)
2- Anh hùng là một người cho thấy sự dũng cảm. (7)
Tóm lại, theo hai cuốn tự điển trên, một người anh hùng phải có hai tiêu chuẩn: Có hành vi thể hiện lòng dũng cảm và có những đức tính cao quí.
Người anh hùng phải có hành vi dũng cảm. Điều này là dĩ nhiên. Nếu không có hành vi dũng cảm thì sao được gọi là anh hùng? Nhưng nếu chỉ có hành vi dũng cảm không thôi cũng chưa đủ. Một kẻ trộm cướp bình thường là những kẻ có hành vi dũng cảm. Không dũng cảm không dám làm những chuyện ghê gớm đó. Nhưng những kẻ đó không được coi là những anh hùng, mà chỉ thuần túy là phường đạo tặc.
Người có hành vi dũng cảm phải có thêm đức tính cao quí thì mới được coi là anh hùng. Nhưng thế nào là một đức tính cao quí? Một người chỉ nghĩ tới mình, chỉ làm việc vì mình, vì gia đình, bà con giòng họ mình thì không thể được coi là có đức tính cao quí. Ngay cho dù một bác sĩ, khi chữa bệnh, lẽ dĩ nhiên nhận thù lao như mọi người cung cấp dịch vụ khác, nhưng nếu vị bác sĩ đó chỉ nhằm mục đích kiếm tiền thuần túy thì không phải là người làm việc vì mục đích cao quí và không đáng được kính trọng hơn nhưng người bình thường khác. Dùng sự loại suy như vậy người ta dễ dàng đồng ý với nhau rằng một người có đức tính cao quí là người có một hành vi “vì người khác”.
Chỉ nghĩ tới người khác không thôi cũng chưa đủ để được coi là có đức tính cao quí, bởi vì sự nghĩ trong đầu không ai kiểm chứng được. Một người muốn được coi là có đức tính cao quí, phải là người đã có hành vi thể hiện những đức tính cao quí một cách cụ thể; tức là phải có hành động thể hiện tinh thần mình vì người khác, vì cộng đồng, vì xã hội, hay lớn hơn, vì tổ quốc. Dựa theo hai tiêu chuẩn lý tưởng vừa nêu, thì những “vị trộm” trong bài báo trích dẫn quả xứng đáng là những vị anh hùng.
Dĩ nhiên có thể trước tiên họ ăn trộm vì một mục đích rất cá nhân: giải quyết cái đói không lối thoát. Vì đói họ mới ăn trộm. Vì cái đói của bản thân, của vợ con họ mới ăn trộm. Không ai có đầy đủ mà lại đi ăn trộm (trừ những người bị tâm thần).
Nhưng nếu chỉ để giải quyết cái đói cá nhân thì họ có thể trộm ở những nhà khác, những nhà dân thường, ít nguy hiểm hơn. Ở đây các “vị trộm” đó đã kết hợp cái lợi riêng và mục đích chung: Họ đã bày tỏ sự chống đối tầng lớp thống trị. Họ đã hành động thay cho đa số quần chúng thầm lặng, những người bất mãn, uất ức vì bị tầng lớp cán bộ thống trị cướp đoạt của cải, đất đai, nhà cửa qua các chiêu bài phát triển đô thị, phát triển kinh tế, qua các việc “hành dân” để đòi hối lộ tràn lan trong xã hội v.v...
Khi có đủ sức mạnh người dân bị đàn áp, bóc lột sẽ nổi lên chống đối bọn thống trị bằng bạo lực. Đó là qui luật. “Ở đâu có áp bức ở đó có đấu tranh”. Nhưng khi bị đàn áp quá thô bạo khiến nhân dân chưa đủ sức mạnh nổi lên chống đối bằng “bạo lực cách mạng” thì không ai và không nguyên tắc nào cấm họ chống đối âm thầm, chống đối bằng các biện pháp tiêu cực, chống đối bằng các hành vi phá hoại, chống đối bằng cách đe dọa sinh mạng và tài sản của những kẻ thống trị. Người cộng sản đã thực hiện tất cả các biện pháp cướp đoạt, phá hoại tài sản, nhà cửa và đe dọa sinh mạng cùng sát hại giới cầm quyền từ xã ấp tới trung ương tại những quốc gia họ phát động cái gọi là “cách mạng vô sản”. Người cộng sản cũng cướp đoạt tài sản của nhân dân trong vùng họ kiểm soát qua chiến dịch gọi là “thu thuế”. Cụ thể là ở Miền Nam trước 1975. Và lịch sử của mọi cuộc nổi dậy vũ trang của quần chúng trên khắp thế giới hầu như đều khởi đầu như vậy.
Những “vị ăn trộm anh hùng” trong bản tin viện dẫn cũng hành động tương tự. Bản tin viết, “Gần đây, nhà của hàng loạt cán bộ ở tỉnh Long An liên tục bị trộm đột nhập và lấy đi nhiều tài sản có giá trị. Thậm chí, nhà của Giám đốc Công an tỉnh và các lãnh đạo công an huyện, trộm cũng không tha..”. Bản tin viết tiếp, “Ở huyện Cần Đước, từ đầu năm đến nay đã có hàng chục cán bộ bị trộm viếng nhà, có người thậm chí bị trộm đến 4 - 5 lần, chán ngán đến mức không còn thiết tha gì chuyện báo công an.”
Hơn thế nữa, họ còn thể hiện sự chống đối giai tầng cầm quyền qua việc trêu chọc giới này trong khi ăn trộm. Bài báo viết, “Trộm "trêu ngươi" công an? Giáp ranh huyện Bến Lức, nhà của thượng tá Huỳnh Thanh Phơi - Trưởng Công an huyện Cần Đước cũng vừa bị kẻ gian đột nhập. Thời điểm xảy ra vụ việc, sân nhà thượng tá Phơi có dựng một chiếc xe gắn máy mới mua nhưng bọn trộm không lấy mà chỉ lấy chiếc xe cũ ông Phơi sử dụng đã hơn 10 năm. Nhà thượng tá Nguyễn Văn Hùng - Phó Trưởng Công an huyện Cần Đước giữa ban ngày cũng bị trộm mò vào. Không hiểu bằng cách nào mà vợ ông Hùng có nhà nhưng chúng vẫn vào cạy cửa phòng ngủ, lục soát đồ đạc và lấy... mấy chai dầu xanh. Nhà của thượng úy Nguyễn Văn Lai - nguyên Trưởng Công an thị trấn Cần Đước cũng bị trộm ghé mấy lần, có khi chúng cắt cửa rồi bỏ đó không thèm lấy gì, có lúc thì lấy máy laptop, lúc trộm chim cảnh...Huyện Cần Đước đang xây dựng huyện văn hóa, có lẽ bọn này cố tình phá phách, trêu ngươi lực lượng công an vì cho đến nay công an vẫn bó tay không làm gì được chúng... Riêng gia đình nguyên Bí thư Huyện ủy Cần Đước là ông Nguyễn Văn Nam trong năm 2011 bị trộm viếng tới 4 - 5 lần. Bầy gà của ông Nam bị bắt trộm trong 3 ngày liên tục đến sạch chuồng thì chúng chuyển qua bắt chim, bồ câu.
Đối diện nhà ông Nam, nhà ông Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện bị trộm cạy cửa lấy máy ảnh kỹ thuật số. Gần đó, một nhà máy xay xát lúa gạo bị trộm cắt cửa lấy cả tấn gạo rồi đem bỏ ở bãi rác...”
Như vậy, từ một hành động đáng bị lên án theo tiêu chuẩn đạo đức thông thường, những vị trộm này đã đưa hành động đó lên một tầm mức cao hơn, tầm mức có chính nghĩa, tầm mức của một hoạt động cách mạng chống bạo quyền.
Hoàn cảnh của những “vị ăn trộm anh hùng” này giống như hoàn cảnh của những người tù cải tạo của miền Nam sau 1975. Sau khi chiếm được miền Nam, người cộng sản chiếm đoạt toàn bộ tài sản của các công sở cũng như của tư nhân mang về bắc. Người miền bắc hiện nay ai cũng còn biết câu đồng dao sau năm 1975, “Miền Nam nhận họ, miền bắc nhận hàng”. Việc ăn cướp tài sản của toàn bộ nhân dân miền Nam thiết nghĩ không cần trình bày thêm. Hiện nay chính những căn nhà ở miền nam có người miền bắc cư trú là những bằng chứng của sự ăn cướp. Sau khi cướp hết tài sản của nhân dân miền nam, người cộng sản bắt họ đi tù dưới mỹ danh lừa bịp là đi “học tập cải tạo”. Chính sách của đảng là bỏ đói những người tù để họ chết dần chết mòn. Một án “tử hình giả nhân đạo”. Người tù bị bắt lao động khổ sai, sản xuất ra thật nhiều lúa gạo, rau trái. Nhưng người tù không được ăn hoa mầu họ trồng. Người tù vẫn bị bỏ đói. Với cái khẩu phần nhằm làm kiệt sức người tù, dĩ nhiên người tù phải “ăn cắp” những hoa mầu họ trồng ra để tồn tại. Họ đã “ăn cắp” nhưng thực sự họ không ăn cắp. Họ chỉ “lấy lại những gì của họ đã bị người cộng sản dùng sức mạnh ăn cướp”. Đó là lý luận của những “tinh hoa miền nam” bị người cộng sản tống vào nhà tù “cải tạo” sau 1975.
Tóm lại, ăn trộm nhà những cán bộ dù lớn dù nhỏ đều không thể bị coi là hành vi ăn cắp. Đó là hành vi “dành lại những gì đã bị bọn cộng sản ăn cướp bằng bạo lực”. Đó là những hành động đầy chính nghĩa, can đảm và anh hùng, đáng ca tụng và phát huy.
Không những nên phát huy những hành vi “dành lại những gì đã bị bọn cộng sản ăn cướp bằng bạo lực” mà còn nên phát huy mọi hình thức chống đối bằng cách phá hoại mọi tài sản, nhà cửa, xe cộ của bọn cầm quyền ở mọi cấp, từ khóm, phường, cho tới các các cấp cao hơn. Có thể khẳng định rằng những hành động đó không phải là những “tội phạm hình sự” (criminals) bình thường mà là những hành động anh hùng.
Nguyễn Tường Tâm
___________________________________
Tham khảo:
(1) http://nld.com.vn/20111202102822652p0c1019/trom-dot-nhap-nha-giam-doc-cong-an-tinh-long-an.htm
“Trộm đột nhập nhà Giám đốc Công an tỉnh Long An”
Bình luận: "Đào tạo tiến sĩ - 'Chất' và 'lượng'"
http://www.viet-studies.info/NgoTuLap_NguonVanHoaCuaDaoVan.htm
NGUỒN GỐC VĂN HÓA CỦA ĐẠO VĂN -Ngô Tự Lập
“Học tiến sĩ ở Việt Nam”
http://saigonbao.info/index.php?option=com_wrapper&view=wrapper&Itemid=129
03:08:pm 16/10/11 | Tác giả: Người Sưu Tầm
“Đường lên đỉnh… tiến sĩ”
(4) http://www.viet-studies.info/NgoTuLap_NguonVanHoaCuaDaoVan.htm
NGUỒN GỐC VĂN HÓA CỦA ĐẠO VĂN -Ngô Tự Lập
“Sự thật kỳ thi tuyển công chức ở Nam Định qua lời 1 thí sinh”
“ Xây dựng công viên Văn Miếu đương đại”

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"