Thứ Tư, 7 tháng 12, 2011

Lãng phí

Đọc bài viết của Ngô Minh mà không ai không tự hỏi, thời buổi công nghệ thông tin bùng nổ, có bao nhiêu cách để thông tin với nhau, thế mà quan chức VN vẫn dùng phương cách đến tận nơi để họp với hành, rất mất thì giờ của dân. Ở một công ty, người ta cũng hạn chế tới mức tối đa để có những "conference call" , một cuộc họp qua điện thoại mà tất cả những người đang họp cùng có thể bàn luận với một đoàn khác, người khác ở tận bên kia trái đất. Các cuộc huấn luyện chuyên môn còn nhắc nhở nên tổ chức cuộc họp gần giờ cơm, không phải để chấm dứt cho mau còn dắt nhau đi nhậu, mà là để không kéo dài thì giờ cà kê dê ngỗng không đi vào vấn để của cuộc họp.  Và họ còn khuyến cáo nên tổ chức họp, cho mọi người đứng hết, để không có kiểu "ngồi lê đôi mách", có như thế mới đạt được hiệu quả.  Nhưng đó là hơi cực đoan không ai làm thế, nhưng đủ thấy khi họp ở một công ty tư doanh, họ phải nghĩ đến thời giờ của cá nhân phải sản xuất ra "sản phẩm" có giá trị, chứ không phải là các cuộc họp lê thê chẳng đi đâu vào đâu.  Ngày xưa tôi làm cho hãng nhỏ, hàng năm còn tổ chức những sinh hoạt vui chơi từng quí cho nhân viên, cuối năm còn có tiệc Giáng Sinh, nhưng từ ngày vào hãng lớn, mấy ngàn công nhân viên trên thế giới, thì họ lại càng tiết kiệm hơn nữa, những cuộc vui chấm dứt, không còn tiệc Giáng Sinh nữa.  Chấm dứt, tập trung vào lãi suất cho cổ đông. 
Như thế tưởng tượng, một chính phủ với bao nhiêu ngàn nhân viên lãnh lương của dân nhưng lại chỉ tập trung vào việc đi họp, đi hội. Thì một ngày, một tháng, một năm, họ học hỏi được gì, nắm bắt được gì để phục vụ cho dân? Bảo sao họ không hiểu chuyện gì đang xảy ra đời sống của dân, hoặc có hiểu họ cũng không có thì giờ giải quyết cho dân.  Lại thêm các cơ quan của đảng điều hành song song với chính phủ, chỉ nghe thôi cũng thấy người dân VN đang è cổ ra gánh hai cái thúng nặng ở hai đầu, làm sao người dân ngóc đầu lên được. Chỉ khi nào vất bớt một thúng, thu dọn một thúng cho nó nhẹ, người dân có đội trên đầu, họ vẫn có thể đứng thẳng đi thẳng để giữ cho thúng khỏi đổ.  May ra. 

Lãng phí lãnh đạo

Ngô Minh

Theo blog Ngô Minh
Trong xã hội ta hiện nay có quá nhiều loại lãng phí rất “xót tiền dân”: Lãng phí vốn đầu tư vào các công trình không mang lại hiệu quả; lãng phí đất đai, lãng phí điện nước, điện thoại, xe con, lãng phí lao động , lãng phí chất xám v.v... Mỗi năm nếu cất công tính toán số lãng phí sẽ lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng, gấp đôi gấp ba số thu ngân sách hàng năm của tất cả các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên! Trong lãng phí lao động, có một sự lãng phí đau xót nhất là lãng phí lãnh đạo! Vâng, nước ta rất lãng phí lãnh đạo. Một bộ, một sở có tới sáu bảy ông thứ trưởng, phó giám đốc sở mà việc vẫn không chạy. Lãng phí nhất là việc tiếp khách, đi dự hiếu hỉ của cán bộ lãnh đạo nhiều quá.
Nêu vấn đề này ra có thể có người ngạc nhiên cho là làm gì có chuyện đó! Xin thưa, đây là điều hoàn toàn có thật. Không chỉ lãng phí bình thường mà đây là sự lãng phí “kép“. Tôi thấy một thực tế đau lòng là: Hầu hết cán bộ lãnh đạo các bộ, các địa phương gần như toàn bộ thời gian công tác trong một ngày đều dành để đi họp và đi dự lễ kỷ niệm, lễ khánh thành công trình, lễ đón huân chương… Một lần được mời tham dự một lễ đón huân chương của một doanh nghiệp tôi thấy có ông Bí thư tỉnh ủy, chủ tịch tỉnh, phó chủ tịch và gần nửa cán bộ lãnh đạo ban ngành của tỉnh, rồi giám đốc các sở, ban ngành cấp tỉnh v.v...! Hôm sau, đi dự một lễ khai trương đại lý của một Doanh nghiệp ở Sài Gòn mở ở một thành phố miền Trung, tôi lại thấy đủ bộ sậu lãnh đạo cấp tỉnh giống như hôm trước, chỉ thiếu năm ba người, chắc đi công tác xa hoặc đau ốm. Không cần đi dự lễ đón, lễ khai trương, ngồi nhà xem ti-vi cũng thấy trên màn ảnh nhỏ địa phương hàng ngày tất cả các cuộc lễ lạc ấy đều có mặt đông đủ cán bộ chủ chốt nhất của một tỉnh. Mới hôm qua đây (4/12/2011), Công ty dược ở Huế đón Huân chương Lao động hạng ba mà có cả thứ thưởng Bộ y tế, Bí thư, chủ tịch tinh Thừa Thiên Huế, rồi đầy đủ văn võ bá quan tỉnh ủy, UBND tỉnh tới dự. Việc gì mà nghiêm trọng thế! Vợ tôi bảo: Một là vì phong bì, hai là vì họ không có việc gì làm. Đặc biệt tôi còn xem trên ti-vi cuộc lễ của một tỉnh mà có tới hai ông phó thủ tướng, rồi phó chủ tịch Quốc hội và nhiều bộ trưởng tới dự. Vì họ bao giờ cũng ngồi ở những hàng ghế đầu nên toàn dân đều thấy. Đồng ý là các “cán bộ chóp bu” của Trung ương, Bộ, tỉnh, huyện đến dự lễ khánh thành, đón huân chương… là để động viên anh em cơ sở. Và tất nhiên cũng có cuộc họp cần thiết như họp HĐND bàn việc phát triển kinh tế-xã hội, họp bàn về bảo vệ môi trường, thống tham nhũng v.v... Nhưng các cuộc họp chiếm phần lớn thời gian làm việc của lãnh đạo các cấp là đi lễ khánh thành, kỷ niệm, khai trương mang tính hiếu hỷ là việc không thể được. Mà lạ kỳ thay, chỉ một HTX nhỏ bé, hay một UB phường thôi, kỷ niệm 30 năm thành lập cũng mời cho được các đồng chí lãnh đạo chủ chốt nhất của tỉnh. Lãnh đạo chưa tới thì chưa họp. Thế là mời 7 giờ 30 mà hội nghị phải chờ có khi đến 10 giờ sáng mới khai mạc. Vì có đồng chí lãnh đạo một ngày nhận được năm sáu cái giấy mời, không đủ thời gian để “chạy xô”! Ở Trung ương tôi không thạo thủ tục ngoại giao, nhưng tôi thấy một vị thủ tướng, phó thủ tướng, thậm chí một vị bộ trưởng, thái tử con vua, hay phái viên của tổng thống nước khác v.v... đến thăm nước ta, lần nào cũng đủ “bốn trụ cột quốc gia” là Tổng bí thư, Chủ tịch nước, thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội đớn tiếp. Không phải bốn ông tiếp chung trong một cuộc mà mỗi ông mỗi cuộc riêng. Tất nhiên có thể là do chương trình họ yêu cầu, nhưng chẳng lẽ nước nào cũng yêu cầu như vậy? Mà về ngoại giao, bố trí sắp xếp hay không là quyền mình chứ. Hãy để cho các vị lãnh đạo cao cấp của Đảng Nhà nước có nhiều thời gian suy nghĩ về chiến lược, phương sách phát triển và bảo vệ đất nước, đừng bắt các đồng chí ngày nào cũng tiếp khách. Lãng phí lắm.
Một đồng chí lãnh đạo một tỉnh tâm sự rằng, tỉnh không đủ lãnh đạo để đi họp! Mà đi dự lễ hiếu hỷ như thế là lãng phí lớn lắm. Thứ nhất là lãng phí lao động. Một cuộc khánh thành công trình xây dựng khách sạn mà có cả hơn hàng chục lãnh đạo các cấp của tỉnh, trong đó chỉ một người phát biểu chào mừng thôi, còn lại ngồi nghe suốt hai tiếng đồng hồ. Tính ra công đi họp vô bổ như thế một năm một tỉnh lên tới hàng tỷ đồng tiền công.
Thứ hai là lãng phí chất xám. Lãnh đạo các cấp là những người được cử tri “sáng suốt lự chọn”, hay do giỏi giang mà được đề bạt (trừ những thành phần được cơ cấu). Khi được đề bạt lên lãnh đạo rồi, thì suốt ngày đi họp, không phải làm gì cả, dân gọi loại cán bộ này là “lãnh đạo ngồi chơi xơi nước”, “lãnh đạo phong bì”. Thậm chí chí không được mời dự lễ thì trách, có khi “trù dập cấp dưới”. Dự lễ xong thì liên hoan, cụng ly “trăm phần trăm”, rồi đi “tươi mát”, tối về nhà chưa xem hết chương trình thời sự đã ngủ! Thế là chẳng có thời gian nào để đến với dân, nghe ý kiến của dân, để đọc sách, nghiên cứu thêm tài liệu chuyên môn, chính trị, pháp luật…. Thế là người giỏi thành người hành nghề ”đi họp”, ngồi cho có vị như một con manơcanh. Lãnh đạo thì lương cao, ba năm lại lên một bậc lương, mà không có nghiên cứu gì, sáng kiến gì, đề xuất gì để giúp phát triển kinh tế xã hội của địa phương và đất nước, lãng phí vô hậu lắm!

Ảnh minh họa của Dân Luận (không nhất thiết không ám chỉ cái gì :D)
Lãng phí lao động, lãng phí chất xám thành lãng phí “kép“ là như thế! Ước tính sơ sơ, cả nước ta 64 tỉnh thành, hàng chục Bộ ngành rung ương, một năm có tới hàng chục triệu “ngày công lãnh đạo” bị lãng phí kép như thế. Muốn hạn chế và chấm dứt sự lãng phí này, theo thiển ý chúng tôi, mỗi cuộc họp hiếu hỷ, Tỉnh hay Bộ, Trung ương chỉ nên cử một vài cán bộ lãnh đạo đi dự thôi, còn lãnh đạo tỉnh đi làm việc khác lớn hơn, ích quốc lợi dân hơn. Lãnh đạo Đảng đi rồi thì UBND thôi, HĐND đi dự rồi thì Tỉnh ủy, Ủy ban thôi, không nên kéo nhau cả bộ máy đến ngồi không làm gì thì kỳ cục quá! Có nhiều hội nghị ngành ngân hàng, tài chính, thuế… trong giấy mời ghi rõ “yêu cầu không tặng hoa”, để tiết kiệm, nhưng lại mời hàng trăm đại biểu lãnh đạo các cấp của tỉnh, để ngồi vài tiếng đồng hồ nghe đọc một bản bản cáo thành tich 20 năm, mà bản báo cáo này đã được phát trong cặp tài liệu, rồi nhận một người vài trăm phong bì. Đúng là nhà nước thiệt đơn thiệt kép!
Tôi đề nghị Quốc hội phải đưa vào chương trình nghị sự nghiên cứu ban hành ngay “Luật họp”. Luật này quy định mỗi cán bộ lãnh đạo các cấp của địa phương, trung ương mỗi ngày được dành bao nhiêu % thời gian để đi họp, bao nhiêu phần trăm thời gian đi xuống cơ sở tiếp xúc với dân, bao nhiêu phần trăm ngồi nghiên cứu chính sách, nghiên cứu các dự án quy hoạch, phát triển…. Các tỉnh cũng nên chỉ thị quy định cho các địa phương, đơn vị trực thuộc, các doanh nghiệp nhà nước v.v... trên địa bàn trong các cuộc họp hiếu hỷ chỉ được mời những ai, không được mời thành phần nào, mời bao nhiêu người v.v.. Phải có một cuộc “ cách mạng” trong họp hành mới chấm dứt được tình trạng lãng phí lãnh đạo như hiện nay.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"