Nguyễn Hồng Phi
Một buổi tối, anh bạn nhà thơ goi điện bảo đến một quán nhỏ bên
đường Trần Hưng Đạo, tôi đã lừng chừng từ chối nhưng khi nghe câu: “đến
ngay, có cả một cây đàn violon nữa” nên tôi quyết định đi, vì vốn thích
các cuộc tụ tập đàn hát vỉa hè.
... Trong số những khuôn mặt bạn bè văn nghệ quen thuộc, có một
người râu tóc đã bạc, chừng 70 tuổi hoặc hơn, đội chiếc mũ rộng vành,
đang kéo một bản nhạc về Hà Nội của nhạc sĩ Phú Quang. Đó là nghệ sĩ Tạ
Trí Hải...
Hôm đó, bác Hải không ăn gì, chỉ nhâm nhi chén rượu, rồi kéo đàn cho
chúng tôi hát, rất kiệm lời, nét mặt đăm chiêu... Tôi gặp bác lần đầu
tiên như thế...
Rồi bận rộn việc gia đình, xong tang mẹ tôi trở về Hà Nội.
Ngày xử phúc thẩm Cù Huy Hà Vũ, sau khi đám đông bị công an dùng áp
lực giả tán và Bùi Thị Minh Hằng đã bị lôi lên xe đưa về công an quận
Hoàn Kiếm, tôi và bác lại có dịp ngồi với nhau chốc lát bên vỉa hè…bác
bảo, bác chưa bao giờ "sợ chúng nó" và ra hiệu cho tôi nhận dạng một
an ninh chìm đang đứng ngay bên cạnh (bác đã cố tình nói to để người
này nghe thấy).
Trời đột nhiên đổ mưa, nhiều người chúng tôi phải đứng tấp vào mái
hiên nhưng, bác Hải lững thững đi ra miệng, lầm bầm câu gì nghe không
rõ, thì ra, quanh đó lại là mấy tên an ninh chìm lởn vởn, chắc đã "làm
khó"bác nhiều lần...
Một hôm, được tin bác đang bị giam giữ tại CA phường Hàng Bài, tôi
vội tức tốc phi xe máy tới, định đón bác về vì biết bác đi lại bằng
chiếc xe đạp cà tàng... Nhưng đến nơi, tôi lại đổi ý, biết đâu họ đã
chụp ảnh và lấy cả dấu vân tay của tôi hôm 21 /8 thì chẳng dễ gì đón
được bác mà có khi lại bị giữ luôn... Nghĩ thế, tôi ngồi lại một quán
cóc ven đường goi điện bảo bác chịu khó đi bộ ra ngoài... Nhưng bác bảo,
họ không chịu thả, lấy cớ phải có người nhà đến “bảo lãnh”.
Họ thừa biết bác không có gia đình, cũng chẳng có ai là người nhà ở
Hà Nội cả. Đó chỉ là cái cớ để giữ bác trái phép suốt một ngày trời chỉ
vì tội đi biểu tình!
Hôm đó đến tận 6h tối họ mới chịu thả bác Hải... Bị chủ nhà trọ ở phố
Đào Duy Từ đuổi, bác cứ lang thang với cây đàn. Tôi thật ái ngại nhưng
cũng không có cách gì giúp bác được vì chính tôi cũng đang bị công an
gây áp lực với chủ nhà. Rồi bao nhiêu sự việc xảy ra khiến tôi không còn
liên lạc với bác được nữa...
Thế đấy, bao nhiêu lần gặp bác, vậy mà tôi vẫn chưa biết gì nhiều về
bác... cho đến hôm nay, đọc bài viết của tác giả Hà Long, tôi mới biết
bác “chính là người đã đấu tranh đến cùng với các lãnh đạo của Tổng công
ty chế biến cao su tại Sài Gòn, vạch chuyện tham nhũng của bọn họ và bị
họ sa thải.” Khi dám nói ra sự thật, người ta hoặc là mất việc, mất
nhà cửa, bị trả thù bằng mọi cách, thậm chí là vào tù! Còn bác Hải, bác
đã phải từ giã Sài Gòn, nơi gắn bó bao nhiêu năm tuổi trẻ để lang
thang tự kiếm sống bằng cây đàn vĩ cầm nhỏ bé, rong ruổi du ca nay đây
mai đó, rồi ra Hà Nội tham gia biểu tình chống Trung Quốc!
Gương mặt bác Hải và Ngọc, người thanh niên chơi guitar bên cạnh bác
tràn ngập trên các trang báo mạng,đẹp vô cùng! Trong suốt 11 cuộc biểu
tình, giữa những tiếng hô "đả đảo TQ xâm lược", "Hoàng Sa,-Trường
Sa-Việt Nam", những gương mặt ấy đã khiến nhiều nhà báo nước ngoài và
những người đi đường xúc động, cảm phục!
Tương phản với những lời kích động chiến tranh của một vài tờ báo TQ
là những người VN, với những Bùi Thị Minh Hằng, Nguyễn Văn Phương... -
biểu tương của lòng quả cảm, thì hình ảnh nghệ sĩ Tạ Trí Hải kéo đàn
violon đi đầu đoàn biểu tình còn là chất thơ, là văn hóa và tinh thần
VN, một dân tộc đã có lịch sử mấy ngàn năm không chịu khuất phục trước
ngoại bang!
Xin lấy lời Bài ca Biểu tình chống TQ của nghệ sĩ, nhạc sĩ Trần Lê Quỳnh làm lời kết cho bài viết này:
"Làm sao ngăn được tình yêu với quê hương, đi trên đường tay trong tay đều nhịp bước.
Để còn nhớ tiếng nói cha ông, giặc vào đây sẽ bại vong, còn ghi dấu Bạch Đằng Giang cuộn sóng.
Để ngày sau nhớ hôm nay người Việt Nam tay cầm tay. Tình yêu nước đến bên nhau đứng chung đồng bào.
Tổ Quốc gọi ta Hoàng Sa Trường Sa, rồi sẽ đến lúc chúng ta giành lại.
Nổi sóng biển đông, con cháu Tiên Rồng.
Này người anh em, nắm tay cùng tôi!"