Thứ Năm, 8 tháng 12, 2011

TÀI TỬ PHIM BA MÙA - ĐƠN DƯƠNG


San Jose - TCS - Tài tử Đơn Dương đang hôn mê tại bệnh viện Regional Medical Center ở San Jose, 
Hoa Kỳ với hệ thống trợ sinh để duy trì sự sống mong manh chờ đứa con trai của anh từ Việt Nam về đến Mỹ ngày mai để có mặt trong giây phút chia tay cuối cùng.
Theo người bạn của anh cho biết thì tối Thứ Sáu vừa qua, Đơn Dương bị “stroke” và gọi điện thoại nhờ chở tới bệnh viện cứu cấp. Cơn tai biến mạch máu não này nhẹ và anh được chữa khỏi nhưng sau đó một cú “stroke” khác xảy ra và lần này nghiêm trọng là vỡ mạch máu ở não bộ và đưa đến hôn mê. Bệnh viện cho biết là bộ não đã chết “brain dead” và cơ hội sống hầu như không có và gia đình đang chuẩn bị lo hậu sự.
Theo Người Việt

WESTMINSTER (NV) – Tài tử Đơn Dương, một trong những tài tử điện ảnh nổi tiếng của Việt Nam sau 1975, đang trong tình trạng hôm mê sâu, sau khi đưa vào cấp cứu tại Alexander Regional Medical Center, miền Bắc California, vào tối khuya Thứ Ba, 6 tháng 12 (giờ California).
Tài tử Đơn Dương. 
Bà Bùi Thị Trường, chị ruột của tài tử Đơn Dương, xác nhận tin này với báo Người Việt vào lúc 9 giờ 30 phút sáng ngày 7 tháng 12 (giờ California).
Trước đó, nhiều cơ quan truyền thông loan tin ông qua đời ở tuổi 54 vì tai biến mạch máu não.
Nói chuyện với phóng viên báo Người Việt qua điện thoại về tình trạng của tài tử Đơn Dương, bà Bùi Thị Trường cho biết: “Tôi vừa nhận được điện thoại của bác sĩ báo tin về tình trạng của Đơn Dương, hiện nay Đơn Dương đang nằm tại bệnh viện Alexander Regional Medical Center, bây giờ tôi đang rất hồi hộp, bối rối nên tôi không thể trả lời bất cứ câu hỏi nào của báo chí”.
Về nguyên nhân dẫn đến việc tài tử Đơn Dương vào bệnh viện, theo bà Bùi Thị Trường cho biết 'chưa thể nói nhiều hơn trong thời điểm hiện tại.'
Bà Bùi Thị Trường cho hay, gia đình sẽ có một thông cáo báo chí vào chiều nay, 7 tháng 12.
Theo 'wikipedia', 'Diễn viên Đơn Dương tên đầy đủ là Bùi Đơn Dương, sinh ngày 27 tháng 8 năm 1957 tại Đà Lạt.'
Tại Việt Nam, ông đóng nhiều phim điện ảnh và truyền hình được nhiều người biết đến như: Mê thảo thời vang bóng. Ba Mùa, Đời cát, Chung cư (1999), Chuyện ngã bảy, Người đẹp Tây Đô (1996); Giữa dòng (1995); Cỏ Lau (1993); Dấu ấn của quỷ (1992), Canh bạc (1991)...
Tuy nhiên, cuộc đời Đơn Dương gặp nhiều sóng gió khi ông sang Hollywood đóng hai bộ phim về chiến tranh Việt Nam và người Việt di tản là  phim We Were Soldiers và Green Dragon (Rồng Xanh).
Phim We Were Soldiers, làm năm 2002 với Mel Gibson trong vai chính. Ngay trong cuối tuần đầu tiên khởi chiếu, cuốn phim đã thu về hơn $20 triệu tiền vé. Chuyện của phim này là trận Ia Drang, trong đó Đơn Dương đóng vai trung tá Nguyễn Hữu An của quân đội Bắc Việt.
Trong phim Green Dragon về người Việt Nam di tản năm 1975, do Timothy Linh Bùi đạo diễn, một cuốn phim độc lập, sản xuất không qua các studio lớn, nhưng cũng kéo được sự tham gia của hai diễn viên lớn là Patrick Swayze (phim Ghost) và Forest Whitaker (giải Oscar 2007).
Báo chí thời đó chạy nhiều bài viết tố cáo Đơn Dương bằng những lời lẽ rất nặng - loại lời lẽ mà có thể khiến Đơn Dương bị tù, bị kết án tử hình - những chữ như "phản động," "phản bội," "bán nước." Cả các con Đơn Dương cũng bị đấu tố, và quán nhậu nơi Đơn Dương mở chung với gia đình bị đập phá.
Trước sức ép từ phía nhà cầm quyền Việt Nam, giới làm phim Hollywood đã vận động và Ngoại Giao Hoa Kỳ can thiệp để Đơn Dương sang Mỹ tị nạn vào năm 2003.
Việc ra đi khỏi Việt Nam của Đơn Dương được công điện của Ngoại Giao Mỹ tiết lộ qua Wikileaks mới đây là 'Ông đã bị chính quyền "xua đuổi ra khỏi quê hương mình."(ĐT - KN)

Calitoday


Đơn Dương trước hí viện San Jose năm 2001 (Photo Trần Củng Sơn)
Tên thật là Bùi Đơn Dương, theo giấy tờ sinh năm 1957 tại Đơn Dương, Đà Lạt, từng đóng nhiều phim ở trong nước như Mê Thảo, Dấu Ấn Của Quỉ... Anh đã đóng vai người phu xích lô trong cuốn phim Ba Mùa (Three Seasons) của đạo diễn Tony Bùi được giải thưởng Sundance năm 1999. Qua năm 2001, Đơn Dương đóng vai chính trong phim Green Dragon cùng với Lê Thị Hiệp do đạo diễn Timothy Linh Bùi kể lại đời sống dân tị nạn Việt Nam ở trại Camp Pendleton sau tháng 4/1975. Năm 2002, anh được mời đóng vai trung tá Việt Cộng trong cuốn phim We Were Soldiers của đạo diễn Randall Wallace với sự tham gia của tài tử Mel Gibson. Chính vì đóng trong cuốn phim này mà công an đã gây khó khăn cho Đơn Dương trong cuộc sống hàng ngày và kết quả là người tài tử điện ảnh này lưu vong sang Hoa Kỳ cùng với gia đình năm 2003 sau khi có sự thỏa thuận giữa hai chính phủ Hoa Kỳ và Việt Nam.
Qua xứ Mỹ, cơ hội trở lại với điện ảnh đối với Đơn Dương hầu như không có và cuộc sống nghệ thuật trở nên buồn tẻ. Tuy vậy sự nghiệp điện ảnh của anh cũng có một vài cuốn phim để đời, cho khán giả những cảm giác luyến tiếc khi coi lại những hình ảnh năm xưa.
Xin mời đọc bài Tâm Sự Đơn Dương của nhà báo Trần Củng Sơn viết năm 2003 để hiểu thêm về trường hợp lưu vong của anh.

TÂM SỰ ĐƠN DƯƠNG
Tối hôm qua đang ngồi một mình trong một quán ăn khuya Mỹ, tình cờ diễn viên Đơn Dương bước vào với người bạn, rất vui vì nghe tin anh vừa tới định cư tại xứ này sau một cơn khủng hoảng đời sống, muốn tìm để hỏi thăm sự tình, dù sao thì cũng đã nói chuyện với nhau đôi lần khi anh ở đây để đóng phim Green Dragon quay tại Nam Cali.
Câu đầu tiên là chào mừng và tôi nói với Đơn Dương là con đường điện ảnh của anh trong phim VN có thể không còn nhưng ít ra tương lai của hai đứa con nhỏ của anh sẽ sáng sủa trên đất nước Hoa kỳ này hơn là ở lại. Mặc dù có chị ruột là bà Suzie Bùi, mẹ của hai đạo diễn trẻ Tony Bùi và Linh Bùi bảo lãnh mười mấy năm nay nhưng Đơn Dương vẫn không muốn đi. Được anh rể là đạo diễn Lê Cung Bắc hướng dẫn vào nghề đóng phim, không học diễn xuất ở trường nào cả mà anh vẫn thành công với mấy chục cuốn phim đã quay ở trong nước. Có lẽ trong dòng máu họ Bùi đã sẵn năng khiếu nghệ thuật thứ bảy.
Khi cuốn phim Ba Mùa của đạo diễn Tony Bùi đoạt giải điện ảnh Sundance năm 1999 với vai anh xích lô, Đơn Dương đã được giới yêu nghệ thuật hải ngoại biết tới và trên đường thăng tiến anh thủ thêm một vai chính khác trong phim Green Dragon cũng do đạo diễn là một đứa cháu khác của anh là Linh Bùi. Từ sự quen biết trong giới làm phim, anh được đạo diễn cuốn phim We Were Soldiers mời đóng một vai phụ nhưng cũng quan trọng là một tướng Việt Cộng trong trận đánh với quân đội Mỹ thời chiến tranh VN, trong đó tài tử gạo cội Mel Gibson thủ vai chính tướng Mỹ.
Đối với một diễn viên VN mà xuất hiện bên cạnh một tài tử lớn trong một phim lớn như vậy thật là môt điều hãnh diện cho Đơn Dương không những về mặt tên tuổi mà còn chuyện thù lao. Hỏi nhỏ bao nhiêu anh chỉ cười bảo rằng, cát xê của Mel Gibson là 25 triệu đô,còn anh chưa tới một phần trăm.
Khi cuốn phim We Were Soldiers ra mắt công chúng vào tháng 3-2002 và mãi đến tháng 5 thì báo chí trong nước mới có để ý tới. Đầu tiên là một bài báo xuất hiện trên tờ Người Lao Động có vẻ ngợi khen Đơn Dương làm anh cũng nở mũi nhưng sau đó vài ngày thì tờ Quân Đội Nhân Dân chạy một tít lớn : Đơn Dương- kẻ phản quốc- hãy trừng trị nghiêm minh. Và tới lúc này thì anh chàng diễn viên bắt đầu giật mình. Tiếp theo là những bài báo trên tờ An Ninh Thế Giới tiếp tục tố cáo anh cũng như các loa phóng thanh phường xóm nơi anh ở mỗi ngày đọc ra rả những bài bình luận về tên phản quốc đã dám đóng phim bôi nhọ danh dự quân đội CSVN. Công an mời anh lên làm việc, giữ giấy tờ tùy thân và bắt đầu theo dõi giám sát các hành vi đời sống của anh. Họ bắt anh phải ký tên vào biên bản là có tội đã đóng phim cho địch nhưng anh từ chối. Mặc dù phát ngôn viên Phan Thúy Thanh bảo là anh không bị bắt giữ nhưng đời sống anh bị hăm dọa và rất căng thẳng tinh thần. Hai đứa con đi học bị bạn bè dè bỉu đặt vấn đề là có người cha phản quốc, điều đó làm Đơn Dương rất buồn.Chưa hết chuyện, khi cuốn phim Green Dragon trình chiếu có đoạn anh ôm đàn hát bài Sài Gòn Vĩnh Biệt của Nam Lộc thì báo chí lại có thêm việc để kết tội thêm nữa: Đơn Dương: tên thú hoang lạc bầy.
Đơn Dương gọi về Mỹ báo tin cho chị mình biết và nhờ giúp đỡ. Với sự quen biết của Tony Bùi và Bùi Linh với giới điện ảnh Hollywood nên trường hợp của anh bị nguy khốn chỉ vì đóng phim nghệ thuật đã được sự ủng hộ của các tài tử lớn như Mel Gibson, Robert Redfford chủ tịch hội Sundance…. Một sự may mắn là khi tài tử Mel Gibson được mời vào tòa Bạch Ốc để giới thiệu cuốn phim We Were Soldiers, ông ta đã trình bày với tổng thống Bush và tổng thống đã chỉ thị cho bộ ngoại giao can thiệp với Hà Nội để cứu Đơn Dương.
Uy lực của đế quốc Mỹ quả to lớn, sau đó các bài báo công kích Đơn Dương ngưng hẳn và có một sự dàn xếp để anh ta sang Mỹ định cư. Tuy vậy cho tới ngày lên sân bay, chính bà tổng lãnh sự Hoa Kỳ cùng mấy nhân viên đích thân hộ tống anh đề phòng bất trắc. Quả nhiên công an làm khó dễ, đưa vào phòng cách ly khám xét hạch hỏi giấy tờ, cố tìm những sơ xuất để giữ anh lại cũng như cố tình làm chậm trễ chuyến bay của anh. Lúc đó thì các nhân viên sứ quán Mỹ làm việc, họ gọi cấp trên nhờ can thiệp và chuyến bay phải chậm lại hai mươi phút để chờ Đơn Dương.
Anh tâm sự là khi đặt chân tới San Francisco thì tâm trạng mới nhẹ nhõm là thoát nạn. Công an trong nước vẫn thắc mắc là tại sao Đơn Dương có ô dù lớn che chở như vậy, họ nghĩ anh là anh làm cho CIA, đóng phim để tuyên truyền cho kẻ thù là Mỹ quốc. Trong một lần nhậu với một tên văn nghệ, trong lúc ngà ngà say,tên này thả một câu : này anh Dương, CIA trả cho anh bao nhiêu để đóng phim vậy, nghe hỏi Dương tỉnh ngay và biết là đang bị gài bẫy.
Tin tức Đơn Dương đến Mỹ được báo chí loan tải rộng khắp, nó nói lên trường hợp một người làm nghệ thuật, tức là đóng phim, bị kết án phản quốc. Nó nói lên sự mâu thuẫn giữa nghệ thuật và chính trị. Này nhé, cái vai tướng VC không lẽ để cho một tên Á châu như Thái Lan hay Tàu đóng như các phim Mỹ trong quá khứ vẫn làm, mà mời một người trong nước như Đơn Dương đóng thì bị kẻ quá khích kết tội.
Tôi nói với Đơn Dương là tôi không ngạc nhiên khi nghe tin anh bị khó khăn vì đóng hai phim Green Dragon và We Were Sodiers vì nó phải xảy ra trong một chế độ độc tài đảng trị như vậy. Không những thế còn thêm có những bộ óc bé hạt tiêu và hẹp hòi đang nắm quyền cai trị đất nước. Tôi thật sự ngạc nhiên khi Đơn Dương bảo là anh bị cú sốc vì bị tố cáo phản quốc tội đóng phim này. Là một người đã sống trong chế độ nhiều năm và đã từng đóng nhiều phim, anh phải phải hiểu vai trò quan trọng của công tác văn hóa tuyên truyền. Có thể là anh quá nghĩ tới nghệ thuật mà quên chuyện chính trị, có thể là sau mấy năm cởi mở làm người ta lầm tưởng là chế độ đã thật sự dân chủ tự do. Cũng giống như nhiều anh Việt kiều trở về nước rong chơi thấy thoải mái, họ đâu biết rằng chưa gặp chuyện mới thấy rõ bộ mặt ác của Cộng sản như nhiều người đã trải qua và đã vượt biển tìm tự do.
Và bây giờ Đơn Dương mới hiểu rằng chế độ trong nước như thế nào. Anh bảo rằng anh là kẻ đi giữa hai lằn đạn vì phe quân đội trong Bộ chính trị muốn dùng trường hợp anh để gây cấn với phe thân Mỹ. Qua Mỹ chỉ mấy ngày, anh vẫn còn những lưu luyến với quê hương. Đó là chuyện thường tình, bỏ quê ra đi ai mà không buồn, dù sống trên xứ Mỹ no ấm đầy đủ hơn nhưng nếu quê hương tự do thanh bình thì vẫn là nơi thân yêu nhất.
Đơn Dương nhận được điện thoại thăm hỏi từ tướng Harold G Moore, người được cuốn phim diễn tả lại trận đánh ở cao nguyên Ia Drang với VC, từ đạo diễn Randall Wallace, ông nói rằng rất tiếc vì mời anh đóng phim We Were Soldiers mà làm anh phải khốn đốn và ông hứa là sẽ giới thiệu Đơn Dương nhận những vai mà anh có thể trong các phim của Hollywood. Đó là một điều đáng khích lệ cho bước đầu trên xứ lạ.
Trước khi chia tay, anh bắt tay tôi và cười đùa nói là bây giờ tôi với anh là cùng cảnh ngộ, nghĩa là thân phận lưu vong xứ người. Anh hỏi tôi là bao giờ anh mới có thể trở lại VN, tôi bảo là khi nào có công dân Mỹ thì về thăm nhưng chưa chắc đã được cấp chiếu khán. Điều quan trọng nhất là bản chất chế độ phải thay đổi, tôi biết anh yêu nơi chốn anh vừa từ bỏ lắm nhưng hoàn cảnh thì phải chịu vậy thôi. Xứ Mỹ này cũng còn nhiều đồng hương và bao điều hay lạ, hãy hưởng thụ và đợi chờ một ngày nào đó trở về. Cứ hy vọng mà sống, những tên làm nghệ thuật bao giờ cũng hy vọng tràn trề cho dù nó có là ảo tưởng. Nhưng hãy cứ hy vọng và đợi chờ, Đơn Dương nhé.
Trần Củng Sơn
San Jose 14-4-03



Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"