Diên Vỹ, X-Cafe chuyển ngữ
Từ lâu trước khi chính quyền cộng sản Tiệp Khắc sụp đổ vào năm 1989, Václav Havel đã là một trong những nhân vật nổi bật trong lịch sử Czech - vốn đã là một nhà viết kịch thành công trước khi ông trở thành người lãnh đạo không chính thức của phong trào đối kháng. Mặc dù ông hi vọng quay lại việc viết văn, cuộc cách mạng đã đưa ông trở thành tổng thống Tiệp Khắc, và sau khi quốc gia tách ra vào năm 1993, ông đã được bầu làm Tổng thống của nước Cộng hoà Séc mới, làm việc cho đến năm 2003.
Một sự nghiệp chính trị bắt nguồn từ ngẫu nhiên của lịch sử đã biến Havel thành một chính trị gia đặc biệt. Không những ông đem đến môi trường chính trị hậu 1989 một mức độ hoài nghi đối với các đảng chính trị; là một người bất đồng chính kiến trước đây, ông cho rằng rất quan trọng khi nhấn mạnh khía cạnh đạo đức trong chính trị - một vị thế đã đưa ông đối đầu với những kẻ thực dụng và kỹ trị của quyền lực mà đại diện chính là Václav Klaus, người kế nhiệm chức Tổng thống thay ông.
Cuộc sống xã hội ủa Havel có thể chia ra làm ba giai đoạn khác nhau: nghệ sĩ (1965-1969), nhân vật đối lập (1969-1989), và chính trị gia (1989-2003) - ngoại trừ việc ông luôn tổng hợp cả ba tri giác này vào những hoạt động xã hội của mình. Là một nhà viết kịch đầy hứa hẹn trong những năm 1960, rõ ràng là ông đã mang tính “chính trị” nhiều, chú trọng vào sự vô lý của chính quyền. Ông cũng là một tiếng nói chỉ trích mạnh mẽ nhất đối với nạn kiểm duyệt và những vi phạm nhân quyền khác, biến ông thành một người phản kháng ngay cả trong gian đoạn cấp tiến “Mùa xuân Prague” năm 1968.
Havel đã bị liệt vào sổ đen và bị đàn áp công khai sau khi Liên Xô chiếm đóng Tiệp Khắc vào tháng Tám của năm ấy, nhưng ông vẫn tiếp tục viết những vở kịch chống độc tài. Vào năm 1977, ông và hơn 200 nhà chống đối khác đã thành lập phong trào nhân quyền Hiến Chương 77, tổ chức này nhanh chóng trở thành một lực lượng chống đối hàng đầu. Havel là một trong ba phát ngôn viên đầu tiên của phong trào.
Một năm sau, ông đã viết một bài bài tham luận kết tinh “Quyền lực của Không Quyền lực” trong đó ông tường thuật chính quyền “bình thường hoá” của Tiệp Khắc giai đoạn hậu 1989 là một hệ thống phá sản về luân lý dựa trên sự dối trá toàn khắp. Năm 1979, ông bị kết án 5 năm tù vì những hoạt động trong Uỷ ban Bảo vệ những người bị Truy bố một cách bất công, một chi nhánh của Hiến Chương 77 chuyên theo di những vi phạm và đàn áp nhân quyền tại Tiệp Khắc. Ông đã được trả tự do khi gần mãn hạn tù sau khi bị mắc bệnh viêm phổi (một nguyên nhân của những khó khăn trầm trọng về sức khoẻ trong suốt cuộc đời ông). Tác phẩm Lá thư gửi Olga bao gồm một loạt những bài viết trong tù gửi cho vợ ông, đã nhanh chóng trở thành một tác phẩm kinh điển của văn học chống độc tài.
Trong thời gian làm tổng thống, Havel tiếp tục tổng hợp những tri giác chính trị, chống đối và nghệ sĩ của mình. Ông nhất định tự mình viết diễn văn, biến nhiều bài trở thành những tác phẩm văn học và tư tưởng, trong đó ông không chỉ chỉ trích thủ thuật vô nhân đạo của nền chính trị đương thời, mà còn liên tục kêu gọi người Séc không biến thành con mồi của chủ nghĩa tiêu thụ và những đảng chính trị vô tâm.
Tư tưởng của ông là một sản phẩm của dân chủ dựa trên một xã hội dân sự và luân lý vững mạnh. Điều này làm ông khác hẳn với Klaus, nhân vật lãnh đạo khác của quá trình chuyển hoá hậu cộng sản, người cổ vũ một quá trình chuyển hoá nhanh chóng, loại bỏ, nếu có thể, những dè dặt và trở ngại về đạo đức phiền toái mà nền pháp trị đặt ra. Mâu thuẫn giữa hai người đã xảy ra vào năm 1997, khi chính phủ do Klaus lãnh đạo bị đổ vỡ sau hàng loạt tai tiếng. Havel đã xem hệ thống kinh tế tạo ra bởi quá trình đổi mới hậu cộng sản của Klaus là “Chủ nghĩa tư bản mafia”.
Mặc dù Klaus không quay lại làm Thủ tướng, phương pháp “thực dụng” của ông đã chiếm thế thượng phong trong nền chính trị Séc, đặc biệt sau khi Havel rời khỏi chức tổng thống vào năm 2003. Thật vậy, thất bại lớn nhất của Havel có thể là việc đa số người Séc hiện xem đất nước mình như là một nơi mà các đảng chính trị hoạt động như những đại diện cho những nhóm kinh tế đầy quyền lực (đa số được tạo ra bởi quá trình tư nhân hoá đầy tham nhũng do Klaus chỉ đạo).
Trong những năm cuối nhiệm kỳ tổng thống của ông, những đối thủ chính trị của Havel đã chế nhạo ông như là một nhà đạo đức ngây thơ. Trong khi đó, nhiều người dân Séc đã không thích ông không chỉ vì cái mà họ xem là quá trình đạo đức hoá không ngừng nghỉ, mà còn bởi vì ông đã phản ánh lại cho họ thấy sự thiếu can đảm của chính họ dưới chế độ cộng sản. Trong khi ông tiếp tục nhận được lòng kính trọng và ngưỡng mộ từ nước ngoài qua việc tiếp tục đấu tranh chống nạn vi phạm nhân quyền trên thế giới, tiếng tăm của ông trong nước lại bị lung lay.
Nhưng điều này đã không còn nữa. Người Séc, với sự bất bình ngày càng tăng đối với nạn tham nhũng lan tràn và những thất bại khác của hệ thống chính trị hiện tại, đã ngày càng thấy cảm kích tầm quan trọng từ những lời kêu gọi luân lý của Havel. Trên thực tế, giờ đây, sau khi ông qua đời, ông đang trên quá trình được tôn vinh như người đã tiên lượng được trước nhiều vấn đề hiện tại, và không chỉ ở trong nước: khi còn là Tổng thống, ông đã liên tục kêu gọi lưu tâm đến những sức mạnh tự huỷ hoại của nền văn minh công nghiệp và chủ nghĩa tư bản toàn cầu.
Nhiều người sẽ hỏi rằng điều gì khiến Havel trở nên nổi bật. Câu trả lời thật đơn giản: sự đứng đắn. Ông là một con người đứng đắn, tôn trọng nguyên tắc. Ông không đấu tranh chống lại chủ nghĩa cộng sản vì động cơ cá nhân thầm kín nào đấy, mà đơn giản bởi vì theo ông, nó là một hệ thống không đứng đắn và vô đạo đức. Khi còn là tổng thống, ông đã ủng hộ việc ném bom Nam Tư vào năm 1999 hoặc là việc chiếm đóng Iraq sắp xảy ra vào năm 2003, ông đã không nói về tình hình địa chính trị hoặc mục đích chiến lược mà chỉ vì sự cần thiết phải chấm dứt những vi phạm nhân quyền bởi những kẻ độc tài tàn bạo.
Hoạt động dựa trên những niềm tin này trong sự nghiệp chính trị đã biến ông thành một loại chính trị gia mà thế giới hiện tại không còn thấy được. Có lẽ vì thế mà tại sao khi thế giới - và đặc biệt là châu Âu - đang đối diện với giai đoạn khủng hoảng trầm trọng, hiện đang thiếu vắng thứ ngôn ngữ rõ ràng và can đảm vốn thường đưa đến những thay đổi có ý nghĩa.
Cái chết của Havel, một người tin tưởng lớn vào sự hội nhập của châu Âu, vì thế đã trở thành biểu tượng: ông là một trong những người của tầng lớp chính trị gia vốn đã tiệt chủng, những người có thể lãnh đạo một cách hiệu quả trong những giai đoạn đặc biệt, vì cam kết đầu tiên của họ là sự đứng đắn chung và vì mục đích chung chứ không phải là để nắm lấy quyền lực. Nếu thế giới vượt qua được những khủng hoảng một cách thành công, cần phải nuôi dưỡng di sản của ông.
Jiří Pehe từng là Trưởng Cố vấn Chính trị của cựu Tổng thống Czech Václav Havel, hiện là nhà phân tích chính trị và giám đốc Đại học New York tại Prague.
Nguồn: Project Syndicate