Lê Nguyên Hồng
Nói đến việc chê cái dốt, cái dở của nhà cầm quyền hiện nay ở
Việt Nam, nhiều người cho rằng có định kiến thì chỉ nhìn thấy cái xấu, “không ưa thì dưa có giòi”. Nhưng chuyện xua dân thường tay không bắt cướp thì rõ ràng là một hành động vô nhân đạo và thiển cận!
Chủ trương đẩy mạnh phòng chống tội phạm và tuyên truyền ý thức người
dân chủ động phòng chống tội phạm, phải nói một cách khách quan là đúng
đắn. Nhưng phòng như thế nào, chống bằng biện pháp nào mới là vấn đề
cần nói. Chống trộm thì khá là đơn giản rồi: Đề cao cảnh giác, tiền gửi
ngân hàng hoặc nạp vào thẻ ATM, đi tàu xe phải giấu tiền thật kỹ và chỉ
mang vừa đủ tiền tiêu vv… Riêng chống cướp là điều vô cùng khó, vậy mà
chính quyền chủ trương khuyến khích người dân chống cướp, bắt cướp bằng
tay không mới là chuyện lạ đời!
Tối 2/10/2011 tại Nhà hát Hòa Bình thành phố Sài Gòn, công an đã tổ
chức một cuộc gọi là “hội ngộ” các hiệp sĩ đường phố của Sài Gòn, Bình
Dương và một số tỉnh Miền Bắc, có quay phim ghi hình phát lên truyền
hình hẳn hoi. Chuyện tôn vinh tinh thần dũng cảm của các công dân quên
mình bắt cướp là điều rất tốt. Nhưng điều này không thể trở thành một “chủ trương của Đảng và nhà nước”,
nhằm khuyến khích người dân mạo hiểm đối đầu bắt cướp, vì đây là một
việc làm hoàn toàn sai trái, vô nhân đạo. Chẳng khác nào cho trẻ em tay
không bắt rắn độc, hoặc khuyến khích người ta lội bộ xuống sông mà bắt
cá Sấu.
Chuyện ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao tặng bằng khen cho câu lạc
bộ phòng chống tội phạm phường Phú Hòa, thành phố Biên Hòa ngày
19/8/2011 là một việc làm đúng về ý nghĩa, nhưng hoàn toàn sai về chủ
trương. Tuy chẳng có một văn bản nào từ cấp trung ương đến địa phương
quy định thành lập các nhóm hiệp sĩ đường phố. Nhưng hàng ngày vẫn có
hàng trăm dân thường tay không trên khắp cả nước bất đắc dĩ phải trở
thành hiệp sĩ, vì những chỉ đạo bằng mồm từ chính quyền và công an.
Theo thông tin từ công an Bình Dương, tính
đến nay, ít nhất đã có 7 “hiệp sĩ” ở tỉnh này phải vào bệnh viện cấp
cứu vì bị tội phạm tấn công. Mới đây, một “hiệp sĩ” ở thị trấn Uyên
Hưng, huyện Tân Uyên, khi dũng cảm đón đầu bắt cướp đã bị chúng tông xe
máy gãy chân. Một “hiệp sĩ” khác cũng ở huyện Tân Uyên bị xe tải đâm tử
nạn khi đang truy đuổi một nghi can. Đó là những con số đau lòng! Đó là
những con số của sự thất bại...
Hàng năm tổng số tiền mà người dân Việt Nam phải đóng thuế để nuôi
ngành công an ước tính lên đến hàng tỉ USD chứ không ít. Công an là lực
lượng giữ gìn an ninh trật tự chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản, có
pháp luật bảo vệ, có đầy đủ phương tiện kỹ thuật, vũ khí, khí tài chống
tội phạm. Chỉ có công an mới có đủ sức mạnh và năng lực chống cướp.
Ngoại trừ nguồn gốc xa xôi của mầm mống tội phạm là giáo dục yếu kém,
nạn thất nghiệp, môi trường văn hóa không lành mạnh vv... Ngành công an
phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về việc để xảy ra tình trạng gia tăng
tội phạm, mất trật tự trị an xã hội.
Xét về tâm lý tội phạm, không một tên cướp nào muốn giết người. Mục
đích của chúng chỉ là cướp lấy tài sản, tiền bạc. Những vụ giết người
cướp của xảy ra chỉ vì tên cướp biết chắc nếu không giết nạn nhân thì
không thể thành công, hoặc kẻ đó bị người bị hại kiên quyết chống trả,
hay sợ bị lộ diện mà phải ra tay giết người. Trong trường hợp này, nếu
có kiến thức, và nhận thức được sự nghiêm trọng thì nạn nhân nên bỏ của
giữ an toàn cho tính mạng mình là hơn. Vì như người xưa nói “còn người
là còn của”, hoặc “người làm ra của chứ của không làm ra người”.
Trong trường hợp một vụ cướp xảy ra trên đường phố chẳng hạn, thường
là giật túi xách, dây chuyền, điện thoại di động. Việc truy đuổi cướp
bằng xe máy với tốc độ cao sẽ có thể gây tai nạn chết người. Không những
nguy hiểm cho người đuổi bắt cướp mà còn gây nguy hiểm tính mạng cho
chính tên cướp và những người đang tham gia giao thông khác. Vì vậy ta
nên hô hoán tấn công tinh thần tên cướp để xua đuổi chúng mà thôi. Thực
ra giá trị của một sợi dây chuyền hay chiếc điện thoại hoặc kể cả là
chiếc ví xách tay bình thường cũng không phải là khối tài sản gì lớn.
Nhà nước cũng phải có trách nhiệm khuyến cáo người dân, nếu ai đem theo
tiền mặt hoặc nữ trang nhiều thì cần có người áp tải bảo vệ…
Nhìn cảnh cướp bóc lộng hành tại Việt Nam hiện nay quả là ngao ngán.
Đây là một lỗi lớn của ngành công an. Họ đã không làm tròn bổn phận của
mình. Đành rằng dù là tại một nước giàu thì vẫn cứ có nạn trộm cướp,
nhưng xảy ra đến mức kinh hoàng như ở Việt Nam hiện nay thì hết sức đáng
sợ. Mà đẩy người dân tay không đối đầu với bọn cướp (thường là có vũ
khí) thì phần thua sẽ thuộc về người dân. Nếu may mắn, họ có thể bắt
được cướp đấy, nhưng không sứt đầu cũng mẻ trán, không mất mạng thì cũng
có thể phải nằm viện chứ không chơi.
Ngày 2/10/2011. Tại phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội, một vụ án
đau lòng đã xảy ra cho người dân lành, đó là anh Phạm Văn Chính sinh năm
1985 bị một tên trộm xe máy bắn thủng sọ, hiện đã tử vong sau hơn 1
ngày hôn mê sâu trong bệnh viện. Lý do là anh Chính đã đuổi bắt những
tên trộm xe máy, chúng đã bắn anh để mở đường thoát thân. Nếu được giáo
dục kiến thức đối đầu với trộm cướp tốt thì có thể anh Chính đã không bị
bắn. (xin đọc hàng loạt bằng chứng người dân bắt cướp gặp nạn trong
phần phụ lục)
Muốn hạn chế nạn trộm cướp, giựt dọc, tại các thành phố lớn không
khó, chỉ cần lắp đặt thật nhiều Camera bí mật theo dõi trên tất cả các
tuyến đường để nhận dạng hình ảnh lũ trộm cướp, nhằm truy tìm thủ phạm
về sau. Cho công an chìm trà trộn vào các tụ điểm ăn chơi, cờ bạc hút
chích để theo dõi các băng nhóm. Rải công an mật tuần tra thường xuyên
trên các tuyến phố quan sát và ngăn chặn các vụ cướp. Về đoạn này xin đề
nghị rút toàn bộ các nhân viên công an an ninh đang ăn không ngồi rồi
gác cổng, đeo bám các nhà đấu tranh trong nước, hãy chuyển sang theo dõi
và săn bắt cướp thì hoàn toàn phù hợp(!)
Chẳng phải vô lý mà các nước văn minh thường khuyên người dân nên
phục tùng bọn cướp, thay vì chống lại chúng, cảnh sát sẽ truy tìm bọn
cướp và thu hồi tài sản sau. Nếu tính toán thiệt hơn thì chống cướp bằng
tay không là cầm chắc phần thua đã đành. Nhưng giả sử có người bị
thương, dù là cướp hay người bị hại thì xã hội đều hao tốn tiền bạc để
khắc phục hậu quả: Bệnh nhân nằm viện là mất một nguồn sức lao động làm
ra của cải. Tốn kém viện phí, thuốc men, trả tiền bảo hiểm, thiệt hại do
hư hỏng tài sản vv… Chưa nói đến chuyện có người chết thì không thể
tiền nào mua được. Hơn thế các ngành liên quan còn tốn nhiều công sức để
điều tra, xét xử, và thi hành án, rất phức tạp. Vậy số tài sản bị cướp
có thể chẳng thấm vào đâu với công sức và tiền bạc mà xã hội mất đi, do
có thương vong trong xô sát chống cướp. Lợi một mà thiệt mười là điều
trông thấy…
Chuyện xua dân làm “hiệp sĩ” bắt cướp chắc chỉ ở chốn “thiên đường Xã
Hội Chủ Nghĩa” Việt Nam hiện nay mới có. Bi hài là chuyện “dân quân
biển”, lấy vài ông dân với thuyền thúng, ghe câu và súng trường để lo
chống trả với tàu chiến, thủy phi cơ và ngư lôi hành trình của Trung
Quốc. Nay lại khuyến khích (hay lợi dụng) những người dân dũng cảm, có
tấm lòng yêu nước, thương người, để làm lá chắn cho ngành công an chống
cướp thì quả là chuyện vừa nực cười, vừa xấu hổ.
Nếu quả thật ngành công an thiếu người và thiếu năng lực đến vậy, thì
nên chăng, họ hãy tuyển dụng chính thức vào ngành công an, trang bị vũ
khí và phổ cập chính quy các kỹ năng chống cướp cho các hiệp sĩ. Đồng
thời tăng cường lực lượng công an làm nhiệm vụ chống cướp lên gấp năm
gấp mười hiện nay. Họ cần giảm thiểu tối đa lực lượng công an giao thông
đứng đường thu tiền mãi lộ. Họ cần giảm thiểu tối đa lực lượng công an
an ninh chuyên lo băt người biểu tình chống Trung Quốc, chuyên lo theo
dõi, khám nhà, gác cổng những người bất đồng chính kiến, những nhà đấu
tranh dân chủ. Đó là những biện pháp thật sự khoa học và thật sự có thể
mang lại hiệu quả là bình yên cho xã hội.
Lê Nguyên Hồng