Thứ Ba, 11 tháng 10, 2011

Giải pháp cho cách mạng Việt Nam

Hoàng Minh

Xã hội Việt Nam ngày nay đang đứng trước ngưỡng cửa của sự hội nhập với thế giới, và sự nghiệp cách mạng dân chủ cũng nhận lãnh một vai trò vô cùng hệ trọng đối với vận mệnh dân tộc. Những con đường đã được vạch ra cho sự nghiệp dân chủ hóa nước nhà, con thuyền Cách mạng Việt Nam đang hướng tới sứ mệnh huy hoàng đó, và chúng ta cần có ánh sáng dẫn đường để đi tới đích an toàn và hạnh phúc. Toàn thể dân tộc Việt Nam cần một giải pháp cho con đường cách mạng của mình.

Phần I: Những cảm nhận ban đầu

Trong đêm tối của chế độ độc tài toàn trị, gần 90 triệu người dân Việt Nam không biết tìm đâu cho dân tộc mình một hướng đi khả dĩ để thoát khỏi bóng đêm. Những nỗi day dứt cho sự kiếm tìm một đường lối đấu tranh cho tự do, dân chủ đã làm xói mòn niềm tin của bao người con yêu nước. Tầng lớp trí thức trẻ, những người con ưu tú của dân tộc lo lắng cho vận mệnh đất nước trong một thế giới mới đầy biến động, muốn dùng sức trẻ của mình để nâng cánh dân tộc đến với những giá trị tự do của thời đại đang bị chế độ độc tài giam giữ. Mọi tầng lớp xã hội đang băn khoăn và thao thức cho tương lai dân tộc, một tương lai đang bị vây hãm trong bóng tối của sự lừa dối và cai trị độc tài.
Tôi cũng như bao trí thức trẻ khác cùng thế hệ, từ lâu đã phải chứng kiến một xã hội Việt Nam bị đổ vỡ và bế tắc bởi sự áp đặt của một hệ tư tưởng phi nhân và bạo lực. Chúng tôi vô cùng ưu tư và lo lắng cho thời cuộc, trước một thực tế xã hội đầy rẫy bất công đang hiện hữu. Những gì được học trong nhà trường phổ thông hay giảng đường đại học đã không giúp được gì cho chúng tôi trong việc tìm cho thế hệ mình một hướng đi tốt đẹp. Đó là làm sao để có thể có được tự do, dân chủ cho đất nước Việt Nam? Làm sao để người dân có được những quyền làm người cơ bản mà hiện đang bị nhà cầm quyền cướp đoạt? Lý tưởng đó là cao đẹp, nhưng dường như bị bế tắc trong vòng quay nghiệt ngã của xã hội đương thời. Cần phải tìm thấy ánh sáng để thoát khỏi bóng đêm đang ngự trị.
Tôi đã đọc thật nhiều các tác phẩm triết học Đông – Tây, Kim – Cổ và nghiền ngẫm trong đó những chân giá trị đích thực của con người. Tất cả đều chỉ ra rằng: Chế độ độc tài chuyên chế là kẻ thù của nhân loại, rằng Cộng sản chủ nghĩa là một dự án không tưởng và không hề tồn tại trên thực tế. Nhưng oái ăm thay, đất nước chúng ta đang phải ngập chìm trong sự ngu dốt và dối trá đó. Các bậc thức giả đương thời bất lực trước thực tế đau lòng của đất nước, đành ngoảnh mặt làm ngơ và phó mặc cho số phận.
Những tháng năm vật lộn với cuộc sống, tiếp cận thực tế xã hội, tôi đã thấy rõ sự phi lý và bất công của chế độ cộng sản. Một chế độ mà họ rêu rao là ưu việt và tiến bộ nhất của thời đại, là đỉnh cao của trí tuệ loài người. Nhưng thực tế đó là một chế độ độc tài toàn trị, được xây dựng dựa trên một mớ lý thuyết hoang tưởng và đầy bạo lực. Kết quả là cả đất nước Việt Nam chìm đắm trong đau khổ, tự do và nhân quyền bị tước đoạt.
Khi ấy với nhiệt huyết của tuổi trẻ, với sự ý thức trách nhiệm đối với đất nước, tôi cùng vài người bạn cùng chí hướng đã bàn luận thật nhiều để tìm một lối thoát cho đất nước mình. Nhưng chúng tôi cũng chỉ thống nhất được quan điểm rằng: Muốn đất nước có tự do, dân chủ và người dân được sống hạnh phúc thì phải đưa đất nước thoát khỏi chế độ chính trị phi lý và độc tài hiện tại. Nhưng cách thức và đường hướng để thực hiện mục tiêu cao đẹp đó thì chúng tôi đã không định ra được. Nói cách khác, chúng tôi đang bị khủng hoảng trong việc tìm kiếm con đường giải thoát cho dân tộc Việt Nam.
Giữa lúc ấy thì ánh đuốc dẫn đường đã xuất hiện trong đêm đen, ngọn đuốc của niềm tin và hy vọng cho tương lai, soi rọi đường đi cho dân tộc Việt Nam. Đó chính là phương thức đấu tranh và chuyển thể xã hội Việt Nam được soi tỏ trong “Đề cương Việt Nam mới”, một văn kiện có vai trò như là ngọn đuốc của thời đại.
Khi được tiếp cận với bản “Đề cương Việt Nam mới”, chúng tôi mới tìm được ánh sáng soi đường đi cho lý tưởng của mình. Đó là lộ trình tốt nhất cho các thế hệ Việt Nam bước tới trên con đường giải thoát đất nước khỏi chế độ độc tài.
Với một nhận thức và tâm thức mới mẻ, chứa đựng những nội dung tiến bộ của thời đại, bản đề cương đã vạch ra cho dân tộc Việt Nam một phương án chuyển thể toàn diện và tối ưu. Một phương án mà sự nhân ái, vị tha thay cho lòng thù hận và bạo lực. Chế độ độc tài tàn bạo sẽ được thay thế bởi một xã hội dân chủ đầy nhân bản. Sự thay đổi mà sẽ hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại có thể có cho đất nước và dân tộc. Với chủ trương cách mạng là để “Thay thế chế độ độc tài bằng chế độ tự do dân chủ, chứ không phải thay thể đảng này bằng một đảng lãnh đạo khác”. Mục tiêu của phương án chuyển thể xã hội là xác lập một xã hội dân chủ chứ không phải là thay thế chế độ độc tài này bằng một chế độ độc tài khác. Điều khiến tôi chú ý nữa là cách mạng không gây nên cảnh trả thù báo oán, mà là sự tha thứ và lòng vị tha, mọi tầng lớp sẽ cùng nhau bắt tay vào xây dựng một xã hội mới tự do và hạnh phúc.
Đây đúng là ngọn đuốc của thời đại đã chỉ lối soi đường cho lý tưởng của chúng tôi, hướng dẫn cho mọi người dân trên con đường đến với tự do dân chủ. Trong khi chúng tôi, những trí thức trẻ yêu nước cũng chỉ mãi quanh quẩn, chưa bao giờ ra khỏi đất nước tối tăm này thì bản đề cương đã khái quát được nội dung của thời đại với nhãn quan rộng lớn. Người Viết đã từng bôn ba khắp năm châu để tìm một con đường xây dựng nước Việt Nam mới, một Việt Nam dân chủ và không còn bóng dáng của chế độ độc tài. Hẳn tác giả đã từng đau đáu nhiều cho vận mệnh dân tộc, mong muốn đất nước mình được có tự do dân chủ như các quốc gia dân chủ mà người đã đi qua và từng sinh sống.
Một niềm hạnh phúc dâng trào trong tâm hồn của mỗi chúng tôi, vậy là đất nước Việt Nam đã có con đường đi cho mình, con đường của hạnh phúc và tự do. Và quan trọng hơn cả là phương thức mà chúng ta sẽ bước ra khỏi chế độ độc tài toàn trị. Từ đây, những trí thức trẻ chúng tôi sẽ kết hợp với mọi tầng lớp nhân dân trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và giải phóng chính mình. Trong tâm trí mỗi người đã có một ngọn đuốc soi đường, và từ nay chúng ta sẽ cùng nhau vững bước trên con đường dân chủ với nhận thức và tâm thức mới để hướng tới tương lai.

Phần 2: Đấu Tranh Ôn Hòa, Bất Bạo Động

“Trong cuộc đấu tranh này, bom đạn sẽ được thay thế bằng lý trí, tình thương và kiến thức. Bởi lẽ đây là một cuộc đấu tranh ôn hòa và nhân bản – một cuộc đấu tranh quyết liệt với thành phần độc tài, tham ô nhưng nhất quyết không để cho một thành phần dân tộc nào trở thành nạn nhân của chế độ mới.”*
Đấu tranh ôn hòa, bất bạo động là chủ trương xuyên suốt của Đảng Vì Dân được đề cập trong ‘Đề cương Việt Nam Mới’. Trong bối cảnh phức tạp của cuộc đấu tranh cho dân chủ hiện nay ở nước ta, đối mặt với sự ngoan cố và lỳ lợm của một bộ phận lãnh đạo đảng Cộng Sản, nhiều tổ chức đấu tranh đã chủ trương sử dụng bạo lực để trừng trị những kẻ độc tài. Nhưng chủ trương đấu tranh đó sẽ dẫn đến những đổ vỡ và thiệt hại cho đất nước và nhân dân, cũng là cái cớ để cho chế độ độc tài đàn áp những người đấu tranh dân chủ.
Kẻ độc tài tồn tại dựa trên bạo lực, vì thế sức mạnh bạo lực là sở thích của chúng, nếu chúng ta sử dụng bạo lực đấu tranh thì sẽ dẫn đến hậu quả xấu cho đất nước. Việc đấu tranh bằng vũ lực, nếu thắng lợi thì cũng sẽ gây nên nhiều mất mát và đổ vỡ, vì thế việc khắc phục và hàn gắn đất nước về sau cũng là một việc khó khăn. Với bối cảnh lịch sử của Việt Nam hiện nay, chủ trương đấu tranh ôn hòa – bất bạo động là điều đúng đắn và phù hợp với xu thế của thời đại.
Có nhiều đảng phái và tổ chức đấu tranh chủ trương đường lối này, nhưng chưa có biện pháp toàn diện và cũng chưa đưa ra được một phương án chuyển thể tối ưu cho biện pháp đấu tranh ôn hòa. ‘Đề cương Việt Nam Mới’ đã làm được điều đó, và giải tỏa được nổi ưu tư cũng như khát vọng của mọi tổ chức, cá nhân đang quan tâm tới cuộc đấu tranh cho dân chủ nước nhà: “Việt Nam đang cần có một cuộc cách mạng xã hội có khả năng hóa giải tận gốc rễ các vấn đề của đất nước và dân tộc. Cuộc cách mạng đó phải vượt lên trên những ranh giới tầm thường của chính trị, tôn giáo và kinh tế. Nó phải có mục tiêu phụng sự xã hội trên tinh thần dân tộc tự quyết, để các thế hệ trẻ có tinh thần tiên phong trong lý tưởng phụng sự quốc gia, dân tộc có thể đóng góp công sức và tài năng của mình để xây dựng một xã hội mới, một đất nước mới.”*
Nhiệm vụ của dân tộc Việt Nam lúc này là phải làm một cuộc cách mạng xã hội toàn diện để giải quyết tận gốc rễ những vấn đề tồn tại bấy lâu của đất nước. Những vấn đề tồn tại này do chế độ độc tài cộng sản gây ra trong suốt thời gian cầm quyền của họ, đó là: Các quyền căn bản của con người bị cướp mất, không có tự do dân chủ, sự đổ vỡ về nhận thức do sự tuyên truyền nhồi sọ của đảng cộng sản, sự tụt hậu của đất nước, sự chia rẽ dân tộc, tình trạng tham nhũng và bất công xã hội... Một cuộc cách mạng chủ trương sẽ đặt lợi ích dân tộc và nhân dân lên trên hết, vượt lên mọi định kiến và khác biệt về chính trị, tôn giáo và kinh tế để thực hiện hòa hợp dân tộc, bắt tay vào xây dựng xã hội dân chủ mới. Từ nay những người trẻ, thế hệ tương lai của đất nước sẽ thực sự được đóng góp công sức và tài năng của mình cho sự nghiệp phát triển đất nước. Điều đó khác biệt với sự thủ cựu và tham quyền cố vị của thành phần lãnh đạo độc tài, họ chỉ quan tâm tới quyền lực và lợi ích mà lãng phí tài năng và sức trẻ của thế hệ tương lai, đó cũng chính là một tội ác đối với dân tộc.
Cuộc đấu tranh này dựa trên lý trí, kiến thức của những người yêu nước để đối phó với những bất công và bạo lực từ phía chính quyền độc tài. Đó là một quan điểm tiến bộ và phù hợp với tinh thần ôn hòa, chứa đựng nhiều nội dung nhân bản. Quan tâm tới sự an nguy của nhân dân, nhất quyết không để một thành phần dân tộc nào phải trở thành nạn nhân của cuộc cách mạng. Như vậy không có nghĩa là chúng ta có thái độ nhu nhược hay bị động trước chính quyền độc tài, tuy có thái độ ôn hòa nhưng đây là một cuộc đấu tranh quyết liệt và không nhượng bộ với thành phần độc tài, tham ô. Thái độ và phương thức đấu tranh đã được chỉ rõ: Ôn hòa nhưng quyết liệt với kẻ độc tài, giữ vững ý chí đấu tranh của chúng ta vì sự nghiệp dân chủ cao cả: “Nhất quyết không nhượng bộ với các thành phần bảo thủ, cực đoan và tàn ác.”*. Những thành phần có được lợi ích nhờ vào sự tồn tại của chế độ độc tài sẽ trở nên bảo thủ và tàn ác đối với lực lượng dân chủ để duy trì quyền lợi của chúng. Đối với thành phần này chúng ta kiên quyết không nhượng bộ, làm rõ bộ mặt tàn ác và xấu xa của chúng trước toàn thể nhân dân.
Mục đích cuộc cách mạng của chúng ta là tiến tới một cuộc tổng tuyển cử tự do và dân chủ cho đất nước Việt Nam, xóa bỏ chế độ độc tài và xác lập chế độ dân chủ. Một cuộc cách mạng mang trong mình “tính chất ôn hòa, hợp lý và hợp hiến”*; cũng như để thực hiện sự hòa hợp dân tộc trong tương lai: “Chấm dứt sự đố kỵ, thù nghịch với các thành phần đối lập ôn hòa ở trong nước; đồng thời tạo ra cơ hội thảo luận một cách trực tiếp và công khai tiến trình dân chủ và phát triển Việt Nam với các cá nhân, đoàn thể có chủ trương đấu tranh ôn hòa.”*.
Chế độ độc tài toàn trị sắp lùi vào dĩ vãng, bình minh lịch sử sẽ lên ngôi, đó là chế độ tự do dân chủ sẽ hiện diện trên đất nước Việt Nam: “Vai trò lịch sử của đảng Cộng sản Việt Nam đã chấm dứt, cũng như chủ thuyết Cộng sản đã tàn lụi dần trong lịch sử và tư tưởng nhân loại.”*
Viết xong ngày 10/10/2011
Hoàng Minh (Hà nội, VN)
____________________________
Những câu in nghiêng và có dấu * trong bài là được trích nguyên văn từ ‘Đề cương Việt Nam Mới’.
* Giải Pháp cho Cách Mạng Việt Nam bao gồm một loạt đề tài tiếp nối nhau. Kính mời quý vị tiếp tục theo dõi nội dung những bài viết liên hệ trong thời gian tới
***

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"