Bùi Tín viết riêng cho VOA
Vấn đề xây dựng tượng đài “Bà Mẹ Anh Hùng”
ở tỉnh Quảng Nam đang được bàn luận sôi nổi ở trong và ngoài nước. Theo
dự định đây là một bức tượng đài hoành tráng, tạc vào một ngọn núi tự
nhiên, hình nửa người một bà mẹ Việt Nam, dựa vào hình ảnh một bà mẹ có
thật - mẹ Thứ có chồng và nhiều con cháu bỏ mình trong chiến tranh.
Những người chủ trương dựng tượng rất tự hào khoe rằng đây sẽ là
tượng đài không những đồ sộ nhất nước ta, mà còn là nhất cả khu vực Đông
Nam Á. Họ so sánh bức tượng này với bức tượng Bà Mẹ Tổ Quốc trên đỉnh
đồi Mamaép ở Stalingrad (Nga), đánh dấu cuộc chiến đấu kiên cường chống
bọn phát xít Hitler trong Thế chiến II.
Một điểm khiến dư luận băn khoăn là chi phí cho bức tượng này quá
lớn, dự định ban đầu là 81 tỷ đồng, nay được nâng lên đến 410 tỷ đồng,
bằng hơn 10 triệu đôla Mỹ.
Bức tượng đã được khởi công ngày 27 tháng 7 năm 2007.
Một ý kiến chung rất phổ biến là lúc này đất nước còn nhiều khó khăn,
trong xã hội có nhiều gia đình thiếu thốn, nhiều cụ già không nơi nương
tựa, ngay các bà mẹ có con bỏ mình trong chiến tranh có người sống cơ
cực, đi bán vé số, đi nhặt rác thì, có nên hay không, bỏ một số tiền quá
lớn như thế cho một việc không có lợi gì thiết thực, chỉ có ý nghĩa
tuyên truyền. Làm việc này chẳng khác gì nhà nghèo chơi ngông, bày
chuyện nuôi voi trong vườn nhà. Nên dành số tiền lớn ấy cho những công
việc thiết thực cho dân sinh, như làm nhà cho dân nghèo, giúp đỡ người
già, người tàn tật, neo đơn, xây trường học, làm cầu ở vùng núi cho các
em đi học không phải bơi qua sông, rất nguy hiểm.
Có ý kiến cho rằng nền văn hóa - nghệ thuật xây dựng tượng đài của ta
còn thô sơ, chưa có tượng đài nào có giá trị thẩm mỹ cao như ở một số
nước khác, những tượng đài hiện có đều thiếu cái “thần” tinh
túy để truyền cảm. Năm 2004 khánh thành tượng đài Điện Biên Phủ nhân kỷ
niệm 50 năm sự kiện này, thì ngay sau đó tượng bị lún, bị nghiêng, bị
chảy nhựa xanh vàng vì đồng kém chất lượng, do tham nhũng, nay để hay bỏ
đi đều khó xử.
Nhà văn hóa Nguyên Ngọc rất có lý khi nêu rõ tượng quá lớn, bộ mặt
quá to là ngược hẳn với bản chất cao quý, thầm lặng, khiêm tốn của các
bà mẹ Việt Nam.
Ông cho rằng một bức tượng quá khổ đến dị dạng sẽ trái ngược, xa lạ
với tinh thần chắt chiu, tần tảo, lặng lẽ vô danh là bản chất của người
Mẹ Việt Nam. Ông còn hài hước rằng đi đêm nhìn lên bức tượng như thế sẽ
có người sợ hãi phát hoảng.
Cuộc thảo luận còn đi xa hơn những điểm trên đây, đề cập đến bản chất
chân thực của cuộc chiến tranh, đến suy nghĩ, tâm tư thầm kín của các
bà mẹ đã có con bỏ mình trong chiến tranh. Tôi có bà chị ruột và một bà
chị con ông bác ruột đều có con sinh Bắc tử Nam, chết ở tuổi 20 khi do
học giỏi đã được gọi vào đại học, nhưng vẫn phải cầm súng vào Nam theo
cưỡng ép của lãnh đạo. Tôi hiểu rõ tâm lý của 2 chị tôi. Ngay hồi ấy,
năm 1967, 2 bà đã đau lòng không muốn cho con đi xa, huống chi là đi vào
nơi các em phần lớn là không có ngày trở về, nhưng vẫn phải nuốt nước
mắt xé lòng, tan nát ruột gan mà gượng cười. Sức ép của tuyên truyền,
loa đài, của xã hội, của nhà trường, Đoàn Thanh niên Cộng sản thật ghê
gớm. Sau 30-4-1975 các bà chị tôi vào tận Quảng Ngãi, Bình Định tìm xác
con mà không sao thấy. Các bà gặp được 4 bà chị em ruột khác ở Sài gòn,
từ Hà Nội vào từ hồi 1954, từ đó tự hòa hợp hòa giải với nhau tự nhiên,
lập tức.
Từ đó tôi hiểu rõ qua 2 chị tôi là nhiều bà mẹ Việt Nam sớm nhận ra
rằng bản thân mình và con mình, gia đình mình, đồng bào mình đều là nạn
nhân, bị lợi dụng lòng yêu nước để thỏa mãn tham vọng riêng của đảng CS
là nắm độc quyền cai trị, do đó chế độ hiện tại ở cả nước còn kém xa chế
độ ở miền Nam trước đây về dân chủ, tự do, nhân quyền, cả về công bằng
xã hội.
Do đó theo tôi nghĩ, một bức tượng chân thực bà mẹ Việt Nam nên là một bà mẹ giương đôi mắt, mở to miệng, thét lớn: “Trả con tôi đây! con tôi bị chết oan!”.
Do đó theo tôi nghĩ, một bức tượng chân thực bà mẹ Việt Nam nên là một bà mẹ giương đôi mắt, mở to miệng, thét lớn: “Trả con tôi đây! con tôi bị chết oan!”.
Các bà mẹ ấy hiểu rõ rằng con các bà khi hy sinh đều nghĩ rằng tổ
quốc sẽ có độc lập, dân ta sẽ có tự do. Nếu các con của các Mẹ biết
trước rằng họ sẽ nhượng đất, nhượng biển, đảo cho quân bành trướng, và
họ sẽ đàn áp, đạp giày vào mặt người yêu nước, thì con các bà không bao
giờ hy sinh mạng quý của mình nhẹ nhàng như thế. Họ là nạn nhân của tham
vọng đảng phái.
Do vậy một bức tượng cực lớn như dự định chỉ là một sự khiêu khích đối với các bà mẹ chân chính yêu nước, yêu con, cùng là nạn nhân của đảng CS
Vẫn chưa hết. Đất nước đã thống nhất về lãnh thổ nhưng chưa hòa hợp
về tinh thần và chính trị như đảng CS đã hứa. Việc phong anh hùng cho
các bà mẹ chiến sỹ miền Bắc và vẫn đố kỵ với các bà mẹ chiến sỹ Việt Nam
Cộng hòa ở miền Nam là một việc làm thiếu đạo lý và công bằng, một sai
lầm dại dột về chính trị, một lần nữa hạ nhục các bà mẹ chiến sỹ đáng
kính ở miền Nam. Chỉ xin dẫn ra một thí dụ, bà Mẹ của liệt sỹ Ngụy Văn
Thà từng cùng đồng đội chống trả dũng cảm quân bành trướng Trung Quốc
cuối năm 1974 ở Hoàng Sa có nên được coi là bà Mẹ Anh hùng Việt Nam
không? Có quá đi chứ.
Do đó có thể tóm tắt rằng: bức tượng đài hoành tráng to nhất Đông Nam
Á…chỉ là một sự việc mù quáng, một dịp làm tiền của các quan chức và bộ
hạ tham nhũng, một sáng kiến chính trị tối tăm vô duyên có hại, một
công trình dị dạng thô xấu về thẩm mỹ. Dù cho đang làm dở dang cũng cần
sớm chấm dứt.
Bùi Tín