Thứ Năm, 6 tháng 10, 2011

Steve Jobs và những bài học ở đời

BS Ngọc

Chiều nay nhận một tin buồn. Ông Steve Jobs, người sáng lập công ty MacIntosh và tác giả của iPhone, iMac, iPad, iPod mới qua đời. Ông thọ 56 tuổi. Sự ra đi của ông đã được đoán trước. Tôi là một trong hàng triệu người vô danh trên thế giới này ngưỡng mộ ông. Nên cũng có đôi dòng gọi là nhật ký của một ngày buồn.
Tôi bị thu hút bởi những ý nghĩ của Steve Jobs. Những ý nghĩ về sự sống, triết lý ở đời, và nhất là về cái chết. Nói về triết lý sống, ông khuyên “Đừng phung phí thì giờ để sống cuộc sống của người khác. Đừng trói buộc mình bằng những giáo điều. Đừng để tiếng động của ý kiến người khác làm chìm tiếng động của trái tim mình. Và quan trọng hơn hết, nên dũng cảm để theo đuổi những ý tưởng của con tim và trực giác.” Quan điểm của ông về cái chết rất… khác thường nhưng không phải là phi lý. Ông quan niệm rằng cái chết có lẽ là một phát minh độc nhất và hay nhất của Sinh Mệnh. Cái chết là một tác nhân của Sinh Mệnh. Quan niệm đó cũng không khác với triết lý Đông phương. Theo triết lý Đông phương, cái chết cũng tự nhiên như sự sống, cũng kỳ diệu và tốt đẹp như nhau. Chết có lẽ chỉ là một sự chuyển nghiệp.

Ông có lẽ là một bệnh nhân tuyệt vời. Một bệnh nhân biết chọn cho mình một cách ra đi thanh thản. Quả đúng như vậy, ông là người biết trước mình sẽ ra đi về cõi vĩnh hằng. Giữa tháng 5 năm nay, sau khi được bác sĩ báo cho biết bệnh ung thư tuyến tụy của ông ở vào giai đoạn cuối, ông tự nguyện từ chức CEO của công ty ông sáng lập. Ông muốn dành thời gian cho gia đình và sắp xếp những công chuyện còn dang dở. Thế là chỉ vài tháng sau, đến ngày hôm nay thì ông vĩnh viễn ra đi.
Steve Jobs ra đi, nhưng di sản của ông thì còn mãi mãi. Nếu có một người có thể làm thay đổi thế giới và làm cho thế giới hạnh phúc hơn, người đó phải là Steve Jobs. Những sản phẩm bắt đầu bằng Mac và i do ông thiết kế đã làm thay đổi cách chúng ta sử dụng máy tính. Apple và ông làm cho máy tính đơn giản hơn, đẹp hơn và thân thiện với con người hơn. Apple và ông lúc nào cũng là người dẫn đường. Microsoft cũng bắt chước cách thiết kế của ông. Ông sẽ được lịch sử ghi nhận như là một trong những kiến trúc sư của Thời Đại Mới. Cuộc đời thăng trầm của ông là cả một bài học cho nhiều người, trong đó có tôi. Những bài học mà tôi và nhiều người trong chúng ta có thể học từ Steve Jobs là:
- Một cá nhân có ý tưởng và ý chí có thể làm thay đổi thế giới.
- Chúng ta không nhất thiết phải làm theo quy luật của người khác đặt ra. Chúng ta có thể bất tuân!
- Chúng ta không nhất thiết phải lắng nghe tất cả các ý kiến và lời khuyên. Chúng ta nên làm theo những gì chúng ta nghĩ là có ích cho xã hội.
- Chúng ta đáp ứng những gì xã hội cần, chứ không phải những gì xã hội muốn.
- Lúc nào chúng ta cũng có cơ hội thứ hai.
- Cái đẹp và tính đơn giản đóng vai trò quan trọng trong tất cả việc chúng ta làm.
Khoảng 7 tháng trước, tôi có tóm lược và lược dịch một bài nói chuyện của ông ở Viện đại học Stanford. Trong bài nói chuyện, ông kể lại sự cận kề cái chết và định nghĩa về cái chết như một lời tiên tri:
Khoảng một năm trước, tôi biết mình mắc bệnh ung thư. Tôi đi làm scan lúc 7:30 sáng, và kết quả cho thấy một khôi u rõ ràng trong tuyến tụy. Lúc đó, tôi thậm chí không biết tuyến tụy là cái gì. Các bác sĩ cho tôi biết rằng đó là một loại ung thư không thể chữa trị, và tôi chỉ có thể sống trong vòng 3 đến 6 tháng. Bác sĩ khuyên tôi nên về nhà và sắp xếp công việc đâu ra đó. Đó cũng chính là mật mã của giới bác sĩ: chuẩn bị chết. Điều đó có nghĩa là tôi phải nói cho con cái biết tất cả những gì tôi nghĩ tôi đã làm trong 10 năm qua. Điều đó cũng có nghĩa là nói lời chia tay.
Tôi sống với chẩn đoán đó suốt cả ngày. Buổi chiều hôm đó, tôi đi làm sinh thiết. Bác sĩ đặt cái ống soi trong cổ họng tôi, xuyên qua bao tử và đến ruột, rồi đặt một cây kim để lấy một mô tụy để làm xét nghiệm. Tôi được gây mê, nhưng vợ tôi có mặt bên cạnh nói cho tôi hay rằng khi bác sĩ xem các tế bào dưới kính hiển vi, họ bắt đầu khóc vì đây là một loại ung thư tụy rất hiếm và chỉ có thể cố gắng điều trị bằng phẫu thuật. Tôi đồng ý làm phẫu thuật. Và nay thì tôi khỏe.
Đó là thời điểm tôi cận kề cái chết. Đã cận kề cái chết, tôi có thể nói cho các bạn một các xác quyết hơn khi cái chết chỉ đơn thuần là một khái niệm tri thức:
Không ai muốn chết. Ngay cả người muốn lên thiên đàng cũng không muốn chết để đến đó. Vậy mà tất cả chúng ta đều phải chết. Không ai có thể tránh khỏi cái chết. Cái chết là một sáng tạo duy nhất và hay nhất của cuộc đời. Cái chết là một tác nhân của sự thay đổi. Nó dọn cái cũ qua một bên để nhường đường cho cái mới. Ngay lúc này, cái mới là các bạn, nhưng một ngày nào đó không xa lắm đâu, các bạn sẽ trở thành cái cũ và bị cái chết dọn đường.
Nên nhớ rằng tôi sẽ chết nay mai và đó chính là công cụ quan trọng nhất mà tôi chạm trán để giúp tôi có những lựa chọn lớn trong cuộc sống. Bởi vì tất cả — những kỳ vọng, niềm tự hào, những nỗi lo âu về xấu hổ và thất bại – tất cả những kỳ vọng ngoại tại đó sẽ bị sụp đổ trước cái chết.
Mỗi sáng tôi nhìn vào kính, và tự hỏi mình, “Nếu hôm nay là ngày cuối cùng của cuộc đời, những gì tôi sắp làm hôm nay có phải là những gì tôi muốn làm?” Và nếu câu trả lời là “Không” trong vài ngày liền thì tôi biết rằng mình nên thay đổi định hướng.
Vĩnh biệt Steve Jobs, người tôi chưa bao giờ quen biết. Từ nay, mỗi lần sử dụng cái iPhone 3 tôi nhớ đến người sáng chế ra nó. Như thế thì Steve Jobs vẫn còn bên chúng ta trên khắp hành tinh.
BSN
TB: Sau đây là vài câu nói bất hủ của Steve Jobs. Tôi chỉ trích dịch vài câu tâm đắc nhất:
Là người giàu nhất trong nghĩa địa chẳng có ý nghĩa gì với tôi … Với tôi, điều quan trọng là mỗi đêm lên nằm giường và nói chúng ta đã làm một điều gì đó kỳ diệu trong ngày. (Being the richest man in the cemetery doesn’t matter to me … Going to bed at night saying we’ve done something wonderful… that’s what matters to me.)
Công việc của tôi không phải là dễ dãi với người khác, mà là làm cho họ tốt hơn (My job is to not be easy on people. My job is to make them better).
Bạn không thể hỏi khách hàng họ muốn gì rồi cố gắng đáp ứng nhu cầu của họ. Đến khi bạn làm xong thì họ đòi hỏi cái mới khác (You can’t just ask customers what they want and then try to give that to them. By the time you get it built, they’ll want something new).
Thiết kế không có nghĩa là thẩm mĩ và cảm nhận như thế nào, mà là nó vận hành như thế nào (Design is not just what it looks like and feels like. Design is how it works).
Sáng kiến phân biệt giữa người lãnh đạo và kẻ theo theo gót chân người khác (Innovation distinguishes between a leader and a follower).
Chất lượng quan trọng hơn số lượng (Quality is more important than quantity).

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"