Thứ Hai, 17 tháng 10, 2011

Chuyện về hơn 100 bộ hài cốt chiến sĩ VNCH bị lãng quên

 
Ngôi chùa nhỏ và những hài cốt vô danh
QUẢNG NAM - Thắp một nén nhang, mua áo giấy, vàng mã và lên đường. Đó là câu của mẹ tôi nói với chúng tôi sau khi nghe người bạn kể về trận đánh nảy lửa ngay trong thời điểm quân Cộng Sản Bắc Việt tiến công vào Quảng Nam (ngày 24 tháng 4 năm 1975) và 64 ngôi mộ chiến sĩ VNCH chưa có người thân đến thăm một lần cũng như nhiều bộ hài cốt đồng đội của họ còn nằm quanh quất đâu đó trong khuôn viên chùa Dương Lâm, thôn Dương Lâm, xã Tam Dân, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam.


Những ngôi mộ nằm lưng chừng đồi và nhìn ra lòng hồ. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)
Chúng tôi vượt qua hơn 80 cây số đường nhựa, vào một con đường nhựa khác còn lại thời trước 1975 lổ chổ ổ gà ổ voi, qua mấy con kênh, vòng qua một hẻm núi nhỏ và qua một cánh đồng rộng mênh mông, chùa Dương Lâm nằm khiêm tốn giữa bốn bề ruộng đồng và núi.
Tiếp chuyện chúng tôi là vị trụ trì còn khá trẻ, Ðại đức Thích Pháp Tánh. Sau một hồi trò chuyện, vị trụ trì bắt đầu kể và giới thiệu thêm vài người từng mục kích trận đánh năm đó, những người tham gia bốc mộ, di dời mộ lên núi và nhiều chuyện linh ứng...
Thầy kể: “Lúc thầy về đây trụ trì, chùa này vắng lạnh lắm, thậm chí có người muốn vào chùa thắp nhang nhưng khi vào đến cổng chùa lại quay ra vì cứ nghe rờn rợn âm khí, cảm giác như âm linh đang đứng đâu đó sau lưng mình, đang quanh quẩn đâu đó trong mấy vạt sắn, vạt cỏ tranh... Nhưng kể từ ngày di dời, qui tập mộ các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa tạm mồ yên mả đẹp thì thanh khí hơn, Phật tử tụ về nhiều hơn...”
“Lúc đó, thầy chỉ nghe các Phật tử quanh đây họ chứng kiến và kể lại thôi, nhưng mỗi người kể mỗi khác nhau, khó cho rõ một câu chuyện, khó mà thống nhất lắm. Nhưng nhìn chung là có hai tuyến chuyện, một tuyến nói rằng vào ngày hôm đó, các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa biết mình bị bao vây, đã tử thủ trong chùa này. Chuyện dài lắm!”



Chùa Dương Lâm - thôn Dương Lâm - xã Tam Dân - huyện Phú Ninh - tỉnh Quảng Nam. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)
Nói đến đây, Ðại đức Thích Pháp Tánh im lặng, ông nhìn ra vạt khoai mì phía sau chùa rồi thở dài.
Một Phật tử khác, không yêu cầu giấu tên nhưng chúng tôi quyết định giấu tên ông, cho biết: “Khi chôn các chiến sĩ VNCH, tội nghiệp lắm, con số lên đến cả vài trăm người chứ không phải một trăm lẻ mấy người như người ta thường kể đâu. Vì lúc đó, ngoài Trung Ðoàn 5 Sư Ðoàn 2 ra, còn có một số lính Thủy quân lục chiến, lính Ðịa phương quân, lính Dù... Cũng tụ về đây tử thủ”.
“Trong đó có một y tá đang chăm sóc các chiến sĩ bị thương, nghe nói đã đánh trận trên Khâm Ðức, Hiệp Ðức, Tiên Phước, bị thương, băng rừng về náu trong chùa, chữa trị vết thương. Nhưng rồi quân miền Bắc tấn công vào, họ tử thủ, bị B.40, B.41 bắn vào chùa, họ chết nhiều lắm”.
“Họ chết, chùa bị phá gần như nát, người dân chung quanh thì sợ quá, bỏ trốn khỏi nhà, cả thôn không còn mấy người, thậm chí không ai dám bén mảng đến khu vực chùa... Cả tuần sau, mùi tử thi bay ra khắp xóm. Bà con mới bắt đầu rủ nhau chôn vào một hố tập thể. Nói là chôn cho sang chứ thật ra sơ sài lắm...”
Hy sinh không toàn thân
Nói đến đây, người đàn ông này bắt đầu lạc giọng, mắt rươm rướm, ông nhấp một ngụm trà rồi im lặng ngồi nhìn ra vạt khoai mì, nơi có hố chôn tập thể mà theo như ông nói: “Nhiều lắm, chết nhiều lắm, chết anh dũng và thê thảm lắm!”



Vạt khoai mì, nơi có hố chôn tập thể. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)
“Lúc chúng tôi đến đây chôn xác, có nhiều xác bị thú vật ăn hết một phần, có nhiều xác đã sình to lên rồi, không nhận ra gương mặt ai cả, chỉ cần biết họ mặc cùng loại đồng phục lính thì chôn thành một nhóm. Ðông nhất vẫn là xác lính Biệt động quân. Họ ra từ miền Nam anh à!”
Một người đàn ông khác, vốn là lính trong trận chiến này, người duy nhất thoát chết đã cho những người trong chùa biết rằng phần đông chiến sĩ VNCH nói giọng miền Nam, họ là những người trí thức, nói năng nhẹ nhàng, lịch sự và thường giúp đỡ bà con trong thôn.
Chúng tôi cố hỏi tìm người lính còn sống sót nhưng chỉ tìm được địa chỉ, ông đang sống ở một huyện miền núi Quảng Nam sau nhiều năm đi tù cải tạo ở trại giam An Ðiềm. Cũng vì một số lý do nhạy cảm, chúng tôi không nêu tên của ông trong bài viết này.
Qua điện thoại, nghe chúng tôi nhắc về những đồng đội nằm sót lại bên cạnh ngôi chùa cổ và trận đánh năm xưa, ông thở dài và thổn thức, không nói nên lời. Ba lần điện thoại, vẫn nghe ông khóc và không nói được gì. Ðến mấy lần điện thoại sau, chúng tôi chỉ nghe ông nói đúng một câu: “Họ là những anh hùng”.
Câu nói duy nhất của ông trong điện thoại cộng với nhiều luồng dư luận khác nhau, khiến chúng tôi suy nghĩ rất nhiều về trận đánh nảy lửa trong thời điểm đất nước đầy biến động - tháng 4 năm 1975.
Tìm về hướng biển
Tìm gặp một cụ già trong thôn, sống khá gần chùa Dương Lâm từ trước năm 1975, tìm hiểu thêm về trận đánh này, ông cụ cho biết: “Lúc đó tôi còn trẻ, nhưng không đi lính vì gia đình tôi chỉ có mình tôi là con nối dõi. Tôi ở nhà, nhìn toàn bộ trận đánh này. Nhưng cho đến thời điểm này, qua nhiều lời kể, tôi lại đâm ra hoài nghi về sự thấy của mình!”
“Thật ra, lúc đó, chắc chắn là các anh lính VNCH không đầu hàng, họ tử thủ, họ không chủ động bắn về phía quân Bắc Việt, nhưng họ cũng không đầu hàng theo lời kêu gọi của phía Bắc Việt”.
“Thì các anh chị biết rồi đó, một bên thì bắc loa kêu gọi đầu hàng, hễ đầu hàng thì sống, chống lại thì chết. Một bên thì im lặng, cố gắng dưỡng thương và cố gắng tìm cách thoát khỏi vòng vây để đi ra biển, hướng đi của họ là biển, nhưng bị mắc kẹt trong vòng vây chỗ này. Vì họ không hay biết rằng thôn này là cái nôi của cộng sản nằm vùng. Vào đây thì không có lối ra, nhất là trong thời điểm quân miền Nam bị thất thủ nhiều nơi...”
Có người còn kể rằng: “Họ đầu hàng rồi, một số người quyết định ra hàng, nhưng khi vừa ra đến cổng chùa, giơ cao cờ trắng (làm bằng chiếc áo trắng quấn trên nòng súng) thì bị bắn tỉa ngã gục xuống ngay. Cũng có người hoài nghi đó là đạn của những người không chịu đầu hàng, có người lại cho rằng đó là đạn của cộng sản. Nhưng theo tôi thấy thì khả năng đạn của phía Bắc Việt nhiều hơn, vì những người ra hàng là người đang bị thương, không ai nỡ bắn vào đồng đội đang bị thương đâu!”
“Có lẽ vì hàng cũng không xong, mà đánh cũng không xong nên các anh ém quân đến hai ba ngày mới có trận đánh khét tiếng này!”
Và, theo dòng kể, một trận đánh kinh hoàng đã xảy ra, long trời lở đất, ban đầu còn bắn tỉa, dần dần bao vây, bố ráp, thít chặt vòng đai lửa và tiêu diệt, tàn sát...
(Còn tiếp)
Ðón xem kỳ 2: Trận đánh long trời lở đất!

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"