Bùi Tính
Bóng đá Việt Nam mấy ngày gần đây rung động bởi cuộc chiến giữa
các ông bầu và Liên đoàn bóng đá VFF. Có rất nhiều sự kiện, nhiều phát
biểu gây sốc của các ông bầu cũng như các phát biểu “chày cối” của đại
diện VFF, nhưng tựu trung lại, nguyên nhân căn bản chính là mâu thuẫn
giữa “tính chuyên nghiệp của các ông bầu” và “tính tòan trị” của VFF.
Cuộc sống bóng đá, dù muốn dù không cũng không sao thoát ra được khỏi
đời sống chính trị. Ngày xưa, với nền chính trị XHCN triệt để và nền
kinh tế bao cấp thì bóng đá nghiệp dư là chuyện đương nhiên. Thế nhưng
khi đó chúng tôi vẫn say mê theo dõi các bạn Cao Cường, Thế Anh trong
màu áo “Câu lạc bộ quân đội” (Thể Công). Tất nhiên, cái đẹp của bóng đá
nghiệp dư chỉ có một thời nhất định, bởi vì nó phản quy luật mong muốn
“tư hữu” của con người. Cũng như con người mới XHCN ở thời kỳ đầu bao
cấp, cũng hăng say lao động, sức người làm bằng hai. Chỉ một thời gian
ngắn là trở nên kiệt quệ về cả thể xác lẫn tinh thần.
Khi “Đảng ta” chuyển đổi từ kinh tế bao cấp sang kinh
tế thị trưởng (tôi không dùng từ đổi mới), thì sau đó, bóng đá cũng
chuyển sang nền bóng đá chuyên nghiệp. Nhưng khốn nỗi, Đảng ta vẫn giữ
định hướng XHCN, có nghĩa là vẫn khư khư độc tài toàn trị, thì VFF cũng
chẳng ngu gì mà không ôm đồm mọi việc. Chúng ta có thể hình dung VFF
lãnh đạo bóng đá như Đảng ta lãnh đạo đất nước, bóng đá chuyên nghiệp
như kinh tế thị trường, các ông bầu như người dân và khán giả thì như
các tổ chức quan sát quốc tế. Rõ ràng, VFF lãnh đạo bóng đá chẳng khác
gì Đảng ta độc tài toàn trị lãnh đạo đất nước. Các ông bầu bóng đá không
nhận ra được điều này và đổ tiền của vào bóng đá. Để rồi nhận ra rằng
số tiền đó không sinh lợi, cũng không giúp bóng đá Việt Nam phát triển,
mà chỉ làm giàu có mấy tay gộc trong VFF.
Việc VFF bao đồng vừa tổ chức giải, vừa phân bổ trọng tài, vừa cử ra
giám sát trận đấu chính là bản sao của việc Đảng ta vừa lập pháp, vừa
hành pháp, vừa tư pháp.
Việc tuyên bố “từ chức thì ai thay” là bản sao của việc ông Nguyễn Sinh Hùng sợ “sa thải hết không có ai làm”.
Việc một số ông bầu vẫn thích sân chơi của VFF cũng không
có gì lạ. Vẫn có một số doanh nghiệp thích sống trong cơ chế độc quyền.
Bóng đá là cuộc chơi của các ông bầu chứ không phải của VFF, đất nước này là của nhân dân chứ không phải của “Đảng ta”.
Ông Phạm Ngọc Viễn, phó chủ tịch VFF đã chứng tỏ tư duy bao cấp, giáo
điều một cách xuất sắc không kém các tay Mác – Lê chính hiệu: “(không tổ chức Super Liga, S-L dược vì) Mọi chuyện phải thông qua luật”.
(ai không biết mọi chuyện phải thông qua luật, có luật nào cấm người ta
tổ chức một giải đấu bao giờ. Hay là ông học theo cách nói của an ninh
chính trị: chưa có luật cấm biểu tình nên không được biểu tình???”.)
“VFF thay mặt nhà nước quản lý, điều hành các giải đấu, được Liên
đoàn bóng đá thế giới công nhận. Super Liga hay bất kỳ giải đấu nào
khác, đều không thể nằm ngoài hoạt động của VFF nếu xét theo luật FIFA
và luật của VFF. Vì thế, không thể có S-L ở Việt Nam”
(Đấy, tư duy toàn trị ghê chưa. Thế tôi tổ chức giải đấu cho các cụ
cựu chiến binh lấy tên Super Former Soldier cũng phải “nằm trong tầm
hoạt động của VFF” hả ông Viễn?)
“(Nếu S-L ra đời) Trong trường hợp đó, bóng đá Việt Nam sẽ thay
đổi mạnh mẽ về cơ cấu tổ chức. S-L ra đời, V-L không còn là giải đấu cao
nhất. VFF không còn là tổ chức cao nhất bởi S-L nằm ngoài hoạt động.
Khi ấy, FIFA sẽ không xem VFF là thành viên. Tôi khẳng định lại lần nữa,
S-L không thể tổ chức”.
(Cái máu lãnh đạo và quân phiệt kinh thiệt. Chưa gì đã sợ V-L không
còn là giải đấu cao nhất. Sao ông không dám cạnh tranh tổ chức để V-L
của mấy ông tốt hơn S-L của người ta. Ông Viễn sợ S-L nằm ngoài VFF
chính là bản sao của việc “Đảng ta” cấm tất cả việc thành lập hội, cấm
tư nhân hóa báo chí, cấm tất cả những gì làm cho Đảng mất khả năng toàn
trị.)
Chúng ta cũng nghe các ông bầu nói để hình dung sự tương đồng giữa VFF và Đảng ta:
“Tôi ủng hộ việc phê phán trọng tài nhưng quan điểm của tôi mấu
chốt là lỗi sai nằm ở cả hệ thống. Nếu chúng ta chỉ chăm chắm vào cái
sai từng bộ phận thì không ổn.”
(Vấn đề của xã hội Việt Nam cũng vậy. Cái sai là nền chính tri độc
đảng. Giáo dục sai, giao thông sai, kiểm lâm sai, y tế sai… Xử lý vài
ông hiệu trưởng mua dâm, xử lý vài ông CSGT mãi lộ, vài ông kiểm lâm làm
luật khôn giải quyết được gì cả.)
“Doanh nghiệp đang làm bóng đá, chính vì vậy nên trả lại các
quyền quyết định cho các doanh nghiệp vì sự phát triển chung của bóng đá”
(Nhân dân làm nên đất nước này, phải trả lại các quyền quyết định cho nhân dân vì sự phát triển của đất nước.)
"Khi bầu VFF các anh cũng cơ cấu rồi. Phòng nào ban nào cũng đã
cơ cấu. Các doanh nghiệp rõ ràng thiếu sự quan tâm đến những người mình
đã đề cử”
(Một bản sao của Đảng ta điển hình hơn cả là việc đề cử trưởng ban tố
chức giải. Để gọi là có tiếp thu và thay đổi, VFF đưa ra một số cá nhân
để các ông bầu chọn làm trưởng ban tố chức V-L. Thậm chí các ông bầu có
thể “tự do” chọn lựa, miễn sao người đó phải nằm trong VFF! Phải công
nhận VFF áp dụng bài học “Đảng cử, dân bầu” chuẩn không cần chỉnh. Dân
Việt Nam được tự do đi bầu những người do Đảng cử…)
Tại sao các ông bầu thắng?
Kết quả sau cùng cuộc đấu tranh giữa các ông bầu và VFF, các
ông bầu đã chiến thắng. Họ không chấp nhận “sự đổi mới” cải lương của
VFF. Giải V-L là cuộc chơi của họ, cần có một công ty điều hành giải
đấu. VFF nếu muốn tham gia thì cứ việc tham gia với tư cách cổ đông. VFF
cần tập trung vào nhiệm vụ chính của mình là phát triển bóng đá nước
nhà một cách căn cơ, đào tạo bóng đá trẻ, soạn thảo quy chế về chuyển
nhượng, đạo đức cầu thủ, lương bổng, kỷ luật…
Tuy nhiên, tôi không đồng ý với tác giả cho rằng “bóng đá đi trước xã
hội một bước”. Ngược lại, tôi cho rằng bóng đá đi chậm hơn xã hội. Hơn
10 năm từ khi có kinh tế thị trường, chúng ta mới có bóng đá chuyên
nghiệp. Sự việc các ông bầu làm cách mạng diễn ra trước vì có nhiều lý
do:
Thứ nhất, đời sống bóng đá có quy mô nhỏ hơn nhiều so với đời sống xã hội. Vi vậy, dễ có được sự đồng lòng hơn.
Thứ hai, sự việc xảy ra liên quan trực tiếp sát sườn đến túi tiền của
các ông bầu. Trong đời sống xã hội, hậu quả của chế độ toàn trị không
phải ai cũng nhận ra được.
Thứ ba, chỉ mình VFF bị ảnh hưởng đến quyền lợi. Mà VFF thì chưa đủ
mạnh để có các quan thầy chống đỡ. Với các tay chóp bu, chuyện của VFF
không đáng để can thiệp.
Như vậy, việc các ông bầu làm cách mạng thành công, một lần nữa chứng
tỏ quy luật khách quan (xu thế dân chủ) phải thắng. Mặt khác, VFF lãnh
đạo bóng đá chính là bản sao thu nhỏ của “Đảng ta” lãnh đạo đất nước.
Không có văn hóa từ chức, tham quyền cố vị, ôm đồm tất cả, độc quyền tổ
chức các giải đấu. Tất cả không khác gì với việc độc quyền lãnh đạo, độc
tài toàn trị của Đảng.
Các ông bầu (nhân dân của đời sống bóng đá) đã làm cách mạng thành
công, đã buộc VFF phải “đa lãnh đạo” trong tổ chức V-L, đã cắt được cái
đuôi bao cấp trong bóng đá chuyên nghiệp. Còn nhân dân đời sống xã hội
thì sao, khi nào thì buộc được “Đảng ta” cũng phải chấp nhận “đa đảng”
trong chính trị? Khi nào thì cắt được cái đuôi định hướng XHCN ra khỏi
kinh tế thị trường?
Bùi Tính (viết từ Nghệ An)
(Có 1 số ý kiến cho rằng các ông bầu này cũng không phải hay ho
gì đâu, cách làm giàu của họ cũng có vấn đề. Tuy nhiên, đó lại là chuyện
khác).
____________________________
Ngoài bầu Kiên, còn ai muốn xóa sổ V-League?
Phản ứng của ông bầu Nguyễn Đức Kiên là ví dụ tiêu biểu để phản ánh thái độ xã hội với thực trạng của VFF và V-League.
Có thể nói là cuộc họp tổng kết V-League của VFF đã “nổi sóng” từ lúc
bài phát biểu của ông bầu Nguyễn Đức Kiên bắt đầu. Bầu Kiên, không chỉ
nói cho đứa con cưng có nguy cơ chết yểu HN.ACB của mình, mà còn nói
thay cho nhiều người làm bóng đá chân chính khác.
Từ lâu người ta đã bình luận rất nhiều về những tiêu cực xảy ra ở
giải đấu hàng đầu Việt Nam này, từ chuyện các khán đài không thể kiểm
soát nạn đốt pháo cho tới việc trọng tài bắt sai, bắt thiên vị… Và những
người làm bóng đá ai ai cũng lên tiếng mỗi khi có scandal xảy ra. Nhưng
chẳng có điều gì tiến bộ cả, những cái tai ở VFF bị điếc nặng và màng
nhĩ của họ có lẽ chẳng bao giờ hồi phục lại được.
Bóng đá: Món hàng ít lãi nhất
Sục tìm ở V-League bây giờ có toàn các CLB được các doanh nghiệp hậu
thuẫn đằng sau hoặc được chính các ông bầu lắm tiền quản lý. Các nhà
buôn một khi bỏ tiền ra để mua một đội bóng đá cũng có nghĩa họ chấp
nhận lỗ vốn, có những người làm thế chỉ để mong được địa phương cấp đất
(trường hợp của Xi măng Công Thanh trước đây là ví dụ) hoặc rửa tiền chứ
không có ý định kiếm lời từ kinh doanh bóng đá.
Nhưng có những ông bầu vì niềm đam mê với túc cầu giáo mà sẵn sàng
liên hệ với cả đội bóng hàng đầu nước Anh để lập học viện đào tạo trẻ
những mong gây dựng lứa cầu thủ mới cho CLB của mình lẫn cho ĐTQG. Cũng
vì thế mà cho đến giờ nhiều ông chủ thừa nhận rằng mình đầu tư chỉ vì
thích bóng đá. Số tiền bỏ ra mỗi mùa thì cứ tăng lên, mùa chuyên nghiệp
đầu tiên chỉ cần 4-5 tỷ là đủ nhưng càng về sau càng được bội lên, trong
khi tiền thu về từ bóng đá chẳng đáng là bao. V-League cũng hình thành
từ những đồng tiền đó.
Nhưng những việc lùm xùm trong và ngoài sân cỏ khiến CLB của họ, vì
không “vận động hành lang” hoặc chi cho các trọng tài, bị thiệt thòi đủ
điều để rồi cuối cùng bị văng ra khỏi môi trường bóng đá đỉnh cao.
Còn những ông bầu một khi đã bị ép quá đáng, họ sẽ tính đến việc bỏ
bóng đá. Mà nếu bỏ bóng đá có nghĩa là những Mạnh Thường Quân nhận thấy
rằng làm bóng đá không vui, mà không vui thì sẽ không làm nữa.
Nói thẳng nói thật, người giàu có cả núi tài sản, đúng như đã nói là
họ làm bóng đá chỉ để cảm thấy vui sướng mỗi khi đội nhà chiến thắng.
Trên đời này có cả trăm thứ cực kỳ tử tế, dễ làm mà chẳng tốn đến cả
trăm tỷ như thế. Thà bỏ tiền vào những thứ đó còn hơn, chứ chi cả núi
tiền để nhìn đội nhà thất trận, xem xong mà đứng chết lặng, mặt mày ngơ
ngác vì nhận ra mình bị lường gạt, thì chơi bóng đá làm cái gì???
Phản ánh xã hội
Người viết thích nhất câu nói của bầu Kiên là: “Việc chủ tịch HĐ Trọng tài Nguyễn Văn Mùi có cả con trai lẫn con rể cùng thổi còi ở giải VĐQG là điều không thể chấp nhận được”.
Bầu Kiên có thể nói là đã chỉ thẳng ra một trong những điều vô lý
nhất của V-League nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung. Có lý đâu 3
người có mối quan hệ gia đình lại cùng nằm trong một tổ chức chịu trách
nhiệm cầm cân nảy mực của một môn thể thao mà tính khách quan được đặt
lên hàng đầu. Phương Tây có câu, một khi người một nhà cùng làm việc với
nhau, sự đánh giá năng lực công việc sẽ… bốc mùi.
Nhưng có một điều đáng buồn là càng nhìn, càng xem, càng cảm nhận,
càng thấy nó thậm chí còn vô lý ở nhiều mặt. Chẳng hạn như việc VFF cấm
phóng viên vào trong phòng họp báo ở Lễ tổng kết, phòng họp báo mà lại
không cho phóng viên làm việc. VFF không hiểu nghĩa của từ hay nội dung
cuộc họp thuộc hàng “bí mật quân sự”?
Quá nhiều những sự việc vô lý như thế xảy ra, và người hâm mộ càng
xem thì càng “thấm nhuần” cho đến lúc họ coi những trận bóng vô lý cũng
thành hợp lý, và lại tiếp tục hàng tuần bỏ tiền ra cho những phường chèo
rẻ tiền ấy. Ít ai dám nói ra những lời phản đối, mà có nói thì cũng yếu
ớt, như gió thoảng qua.
Thế nên hành động của Bầu Kiên thực sự là đáng hoan nghênh. Nó dám
vạch mặt bản chất của những bản báo cáo tổng kết vô thưởng vô phạt được
soạn ra chỉ nhằm bịp công chúng như bịp trẻ lớp 1, lớp 2. Chưa có ai dám
khẳng định sẽ bỏ giải một cách quyết liệt như thế, và cũng chưa có ai
dám bóc mẽ sự thật về vấn đề liên quan tới ông Nguyễn Văn Mùi như thế
(con rể Võ Quang Vinh được còi vàng, con trai Nguyễn Trọng Thư được còi
đồng).
Thể thao nói chung là một tấm gương phản ánh bộ mặt và chất lượng xã
hội. Xã hội có lành mạnh thì thể thao mới trong sạch và ngược lại. Tiếc
rằng bóng đá hiện tại không được ai coi là sạch, cũng vì thế mà xã hội
mới để ý, quan tâm và xây dựng ý kiến những mong nó tiến bộ hơn. Bầu
Kiên cũng chỉ là một trong số những người làm việc đó.
Nhưng cái khó là người người nhà nhà góp ý nhưng VFF không chịu sửa
chữa, để đến lúc một ông chủ CLB phải đe dọa cùng với các đội khác bỏ
giải. Một khi bị chèn ép, bị phớt lờ như thế, chuyện những người làm
bóng đá không chỉ quay lưng lại mà còn định xóa sổ cái giải đấu đầy mùi
tanh kia là hệ quả tất yếu.
Bởi làm như vậy, tức là họ và cả chúng ta đã trừ đi một mầm mống xấu xí, có hại của xã hội.