Thứ Năm, 13 tháng 10, 2011

Tầm cao chiến lược là cái chi chi?

Tôi run bắn người khi nghe những dòng sau đây trong hội đàm mở đầu chuyến viếng thăm Trung Quốc vào ngày 11 tháng 10 năm 2011 giữa TBT Nguyễn Phú Trọng và các nhà lãnh đạo Trung Quốc:
“Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí cho rằng, trong quan hệ giữa hai nước còn tồn tại một số bất đồng chung quanh vấn đề Biển Ðông và nhất trí hai nước đều nỗ lực tránh làm phức tạp tình hình và bình tĩnh xử lý những bất đồng thông qua đàm phán hòa bình, nhìn từ tầm cao chiến lược quan hệ hai nước và vì lợi ích của nhân dân hai nước”.
…… “Về vấn đề Biển Ðông, hai nhà lãnh đạo nhìn nhận đây không phải là toàn cục quan hệ Việt – Trung, nhưng đây là vấn đề hết sức nhạy cảm và phức tạp đối với cả hai Ðảng, hai nước, vì nó liên quan đến chủ quyền quốc gia dân tộc. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề hoàn toàn có thể giải quyết được. Nếu hai bên xuất phát từ tầm cao chiến lược, từ lợi ích của nhân dân hai nước và căn cứ vào các chuẩn mực của luật pháp quốc tế thì hoàn toàn có thể tìm ra được một giải pháp thỏa đáng, có lý, có tình, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai nước, nhất là khi hai nước đã có kinh nghiệm trong việc giải quyết hai vấn đề không kém phần nhạy cảm và phức tạp là vấn đề phân giới cắm mốc toàn tuyến biên giới đất liền và vấn đề phân định Vịnh Bắc Bộ”.
Run bắn người vì lo lắng.
Run bắn người vì tức giận.
* Tôi liên tưởng đến hai sự kiện:
a – Tháng 8 năm 1963, Mao Trạch Đông tuyên bố trong cuộc hội đàm với đại biểu đảng Lao động Việt Nam ở Vũ Hán “Tôi sẽ làm chủ tịch 500 triệu bần nông đưa quân xuống Đông Nam châu Á”. Sau đấy một tháng, trong cuộc gặp giữa đại biểu bốn đảng Cộng sản: Việt Nam, Trung Quốc, Lào, Indonesia tại Quảng Đông thủ tướng Chu Ân Lai năn nỉ, dỗ dành:  “Nước chúng tôi thì lớn, nhưng không có đường ra, cho nên rất mong đảng Lao động Việt Nam mở cho một con đường mới xuống Đông Nam châu Á ”.
Tháng 8 năm 1965, Bộ Chính tri đảng Cộng sản Trung Quốc đã phải quán triệt chủ trương này: “Chúng ta phải giành cho được Đông Nam châu Á, bao gồm cả Miền Nam Việt Nam, Thái Lan, Miến Điện, Malaysia và Singapore … Một vùng như Đông Nam Á rất giàu, ở đấy có nhiều khoáng sản … xứng đáng với sự tốn kém cần thiết để chiếm lấy … Sau khi giành được Đông Nam châu Á, chúng ta có thể tăng cường được sức mạnh của chúng ta ở vùng này, lúc đó chúng ta sẽ có sức mạnh đương đầu với khối Liên Xô – Đông Âu, gió đông sẽ thổi bạt gió tây ”.
b – Ngày 29.8.90, đại sứ Trương Đức Duy xin gặp gấp TBT Nguyễn Văn Linh và Thủ tướng Đỗ Mười chuyển thông điệp của TBT Giang Trạch Dân và Thủ tướng Lý Bằng mời lãnh đạo ta sang Thành Đô (thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên), Trung Quốc để hội đàm bí mật về vấn đề Campuchia và vấn đề bình thường hoá quan hệ hai nước vào ngày 3.9.90.
Kết quả thảm hại của cuộc gặp này được Thứ trưởng Ngoại giao Trần Quang Cơ giải thích:
Sở dĩ ta dễ dàng bị mắc lừa ở Thành Đô là vì chính ta đã tự lừa ta. Ta đã tự tạo ra ảo tưởng là Trung Quốc sẽ giương cao ngọn cờ CNXH, thay thế cho Liên Xô làm chỗ dựa vững chắc cho cách mạng Việt Nam và chủ nghĩa xã hội thế giới, chống lại hiểm hoạ “diễn biễn hoà bình” của chủ nghĩa đế quốc do Mỹ đứng đầu. Tư tưởng đó đã dẫn đến sai lầm Thành Đô cũng như sai lầm “giải pháp Đỏ” ”.
Trước khi đến Thành Đô, ngày 30.8.90, Bộ Chính trị họp bàn về việc gặp lãnh đạo Trung Quốc, ông Nguyễn Văn Linh nêu ý kiến là sẽ bàn hợp tác với Trung Quốc để bảo vệ chủ nghĩa xã hội chống đế quốc, và hợp tác giữa Phnom Penh và Khmer Đỏ để giải quyết vấn đề Campuchia, mặc dù trước đó Bộ Ngoại Giao, đứng đầu là Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã trình bày đề án nêu rõ là rất ít khả năng thực hiện phương án này vì phương hướng chiến lược của Trung Quốc vẫn là tranh thủ phương Tây để phục vụ “4 hiện đại” của họ. Ông Võ Chí Công cũng không đồng ý với ông Linh và nói: “Trung Quốc sẽ không nghe ta về hợp tác bảo vệ chủ nghĩa xã hội. Trung Quốc muốn tranh thủ phương Tây”.
Quả vậy, sau Hội đàm, ta bị Campuchía óan trách nặng nề, trong Hội đàm Trung Quốc cũng tảng lờ, tránh né vấn đề bình thường hóa quan hệ.
* Tôi hình dung ra hai hoạt cảnh:
c – Một con Mèo và một con Cáo cùng chạy qua một chiếc cầu mong đến xóm XHCN. Cầu hẹp chỉ đủ cho một cá thể đi, lại sắp gẫy. Thấy Mèo đang ngậm một miếng thịt, Cáo bỗng kêu lên: “Dưới kia có một ”Đại cục …thịt” kìa! ”. Méo vội gửi thịt cho Cáo và lao xuống vực. Cáo đi đến xóm XHCN thì cũng sẽ chết.
d – Hai cậu bé đối diện nhau. Thấy cậu Đần có kẹo trong túi, cậu Đểu kêu to: “Trên trời có cái kẻo kèo keo kia”. Cậu Đần với theo. Cậu Đểu thò tay khoắng rách cả túi cậu Đần.
Ngày 11 tháng 10 năm 2011 trong khi TBT Nguyễn Phú Trọng lên đường đi Trung Quốc thì Chủ tịch Trương Tấn Sang lên đường sang Ấn Độ. Trên chính trường Việt Nam thấy nổi lên bức tranh Hai – Mũi – Tên – Trái – Chiều. Mũi tên Người Hùng và mũi tên Kẻ Hèn.
Khi nghe Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc buông lời trâng tráo:
Phản đối bất cứ quốc gia nào tham gia thăm dò dầu lửa ở những vùng biển thuộc quyền thực thi pháp lý của Trung Quốc… Trung Quốc có chủ quyền lãnh thổ không thể tranh cãi ở Biển Ðông… Bất cứ nước nào thăm dò dầu khí ở trong vùng này mà không có sự chấp thuận của chính quyền Trung Quốc cũng đều vi phạm chủ quyền và lợi ích quốc gia của Trung Quốc, là bất hợp pháp và vô giá trị.”
“Hoàn Cầu Thời Báo” cũng ngông nghênh hù dọa:
“Ấn Độ cần nhớ rằng hành động của họ tại Nam Hải (Biển Đông) sẽ đẩy Trung Quốc tới bờ giới hạn. Trung Quốc quý trọng quan hệ hữu nghị Trung-Ấn, nhưng không có nghĩa quý hơn mọi thứ trên đời.” 
Dõng dạc và oai phong, ngày 9 tháng 10 năm 2011, hai ngày trước khi đến Ấn Độ, Chủ tịch Trương Tấn Sang tuyên bố:
Thực tế là tất cả các dự án hợp tác giữa Việt Nam và các đối tác khác, bao gồm tập đoàn Ấn Độ ONGC trong lĩnh vực dầu khí đều nằm trên thềm lục địa, trong vùng đặc quyền kinh tế và thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, hoàn toàn phù hợp với pháp luật quốc tế, đặc biệt là Công ước năm 1982 của Liên Hiệp Quốc về Luật biển”.
“Chúng tôi hoan nghênh các công ty nước ngoài đến làm việc với đối tác Việt Nam trong các dự án dầu khí trên thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và phù hợp với pháp luật Việt Nam”
Theo chúng tôi, và có lẽ cả toàn dân Việt Nam, giải quyết tranh chấp Biển Đông phải và chỉ cần căn cứ trên lợi ích của nhân dân hai nước và căn cứ vào các chuẩn mực của luật pháp quốc tế.
Không được để cho người ta đen “tầm cao chiến lược” ra phỉnh phờ, lừa bịp; không được đem “kinh nghiệm trong việc giải quyết hai vấn đề không kém phần nhạy cảm và phức tạp là vấn đề phân giới cắm mốc toàn tuyến biên giới đất liền và vấn đề phân định Vịnh Bắc Bộ” làm chuẩn mực để tiếp tục hiến đất hiến biển cho bọn tham tàn.
Chúng tôi hoan nghênh lời tuyên bố chí lý ngày 25 tháng 7 năm 2011 của chủ tịch Trương Tấn Sang: “Vấn đề chủ quyền quốc gia là thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Bất cứ nước nào dù to hay bé cũng đều có nhận thức như vậy. Giữ vững độc lập chủ quyền, trong đó có chủ quyền biển đảo, trước hết phải dựa vào cơ sở quan trọng là luật pháp (luật quốc nội và luật quốc tế)…”.
Tôi không hài lòng với những ai vơ đũa cả nắm khi thóa mạ đảng Cộng sản Việt Nam, cũng không đánh giá xấu toàn thể Bộ Chính trị ĐCSVN mà luôn tỉnh táo nhận biết rằng trong đó, bên cạnh những kẻ lú lẫn, ngu xuẩn, vẫn còn những người sáng suốt, có tấm lòng vì nước, vì dân.
Hà Nội, sáng 12 tháng 10 năm 2011
© Nguyễn Thanh Giang
© Đàn Chim Việt

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"