Thứ Tư, 5 tháng 10, 2011

Vì khát vọng SẠCH, ai dám nhảy vào “vạc dầu”?

Hồ Bất Khuất

Ông Nguyễn Đức Kiên (được gọi thân mật và ngắn gọn là bầu Kiên) đã làm được một việc có ý nghĩa: Sổ toẹt cái báo cáo đẹp đẽ về bóng đá ngay tại Hội nghị tổng kết mùa giải bóng đá Việt Nam 2011. Hơn thế nữa, sau phát biểu của ông, từ “SẠCH” được báo chí nhắc đến rất nhiều. Nhiều người bày tỏ khát vọng sống sạch không chỉ trong bóng đá mà còn ở nhiều lĩnh vực khác của cuộc sống. Như vậy là chúng ta công khai thừa nhận với nhau, cuộc sống xã hội đang bị nhiễm “BẨN” nặng.

Bóng đá được chọn làm nơi khởi đầu cho khát vọng “Sạch”?

Kỳ lạ là bóng đá Việt Nam rất lẹt đẹt, xếp hạng thứ 129 gì đó, nhưng tình yêu bóng đá của người Việt Nam được xếp vào loại nhất, ngang ngửa với dân Brazil. Đã có những lúc bóng đá Việt Nam sạch sẽ, thơm tho cuốn hút hàng triệu khán giả tới sân.
Bao nhiêu năm nay, người ta nói về cái bẩn của bóng đá, nhưng chỉ nói ở quán nước hay trên báo, còn vừa rồi ông Kiên nói trực diện ngay tại Hội nghị của Liên đoàn bóng đá Việt Nam. Thật vui khi có người dũng cảm và thẳng thắn nói lên khát vọng SẠCH. Còn vui và hy vọng hơn khi những người yêu cái sạch lần này rất kiên quyết. Họ được sự cổ vũ của đông đảo quần chúng nên quyết tâm làm cuộc “cách mạng SẠCH” trong bóng đá. Và “chuyển động sạch” trong bóng đá Việt Nam đã được bắt đầu. Kết quả ra sao thì chúng ta còn phải chờ đợi, nhưng ít nhất là chúng ta có niềm hy vọng.
Tôi rất hoan nghênh, thậm chí là biết ơn những doanh nhân tài năng và thành đạt bỏ nhiều tiền và công sức ra để phát triển bóng đá nước nhà, nhưng tôi vẫn xin nói thẳng là họ vẫn thiếu một chút cao ngạo! Hơn nữa, họ là những doanh nhân mà lại không biết quý trọng “thương hiệu”. Những cái tên đã trở thành “thương hiệu” của bóng đá Việt Nam như Thể Công, Công an Hà Nội, Cảng Hải Phòng, Cảng Sài Gòn… đã bị xóa đi không thương tiếc vì một số người có tiền. Tại sao không học nước ngoài? Tỷ phú người Nga Abramovich bỏ tiền mua đội bong Chelsea của Anh nhưng ông ta có đổi tên đội bóng ấy đâu? Hay nước Nga đã trải qua những biến động lớn, các đội bóng nổi tiếng đã thay chủ sở hữu, nhưng vẫn còn đó những cái tên quen thuộc: Spartak, CSKA, Dinamo, Lokomotiv… Bỏ tiền ra để “chơi” bong đá nhưng không gắn tên tuổi mình, công ty mình vào đó mới là cuộc “chơi đẹp”.
Dẫu sao thì hiện nay ở nước ta, trong bóng đá đã thể hiện khát vọng SẠCH. Nhưng có lẽ bóng đá chỉ là sự khởi đầu, vì cái BẨN hiện hiện khắp nơi. Muốn bóng đá sạch, chúng ta phải làm đồng bộ thì cơ hội thành công sẽ lớn hơn nhiều. Hơn nữa, có những lĩnh vực quan trọng hơn, thiết thực hơn bóng đá đang rất mong được làm sạch.

Thời trong trẻo, thanh tao nay còn đâu?!

Năm 1982, tôi tốt nghiệp đại học. Sau khi nộp giấy tờ cho Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, tôi về quê đi tắm biển. Sau vài tháng có giấy gọi ra nhận công tác. Nhận quyết định xong, tôi phải hỏi đường chán mới về được trụ sở Tạp chí Cộng sản. Tôi ra mắt cơ quan bằng một bao thuốc lá Sông Cầu và một lạng chè Thái Nguyên. Hơn chục năm làm việc ở đó cho tôi biết nhiều thứ. Tôi chuyển chỗ làm việc nhiều lần nữa, nhưng lãnh đạo ở các cơ quan tôi đến làm việc không nhận được ở tôi một chút quà, kể cả một chai rượu. Ấy vậy mà tôi vẫn làm việc bình thường, thân thiện.
Chính vì vậy, dăm năm trước, khi một người bạn khoe: “Mình vừa chạy cho con gái mình vào làm việc ở Bệnh viện Xanh Pôn. May có người quen mối lái, hết có 70 triệu đồng thôi”, tôi đã nổi đoá lên: “Cái gì?! Lương tâm của cái bọn người ấy ở đâu mà nỡ lấy 70 triệu đồng mới cho người học giỏi, có bằng cấp đàng hoàng được làm việc để cứu người?!”. Thấy tôi hùng hổ, mấy người bạn chỉ cười, cho rằng tôi chẳng hiểu gì thực tế cuộc sống ở Việt Nam cả, chỉ cần sống một thời gian sẽ thấy.
Đúng thế thật, mấy năm sau tự tôi được chứng kiến cảnh ăn tiền vô tội vạ ở mọi lĩnh vực, trong đó có ngành y tế, giáo dục, văn hóa… và đặc biệt là lĩnh vực tổ chức-cán bộ. Người ta làm bẩn mọi thứ vì tiền.
Tôi là người am hiểu giáo dục vì có 5 năm ngồi ở trụ sở Bộ Giáo dục và Đào tạo 49 Đại Cồ Việt, Hà Nội nên thật sự căm phẫn vì những cái bẩn trong ngành này. Để được làm giáo viên mà phải chạy tới cả trăm triệu đồng thì mong gì nền giáo dục ấy sạch sẽ, tốt đẹp! Khi người ta công khai bôi bẩn nền giáo dục, cũng có nghĩa là cuộc sống càng ngày càng bẩn nặng.
Nhưng nguyên nhân của mọi cái bẩn có lẽ nằm ở công tác tổ chức – cán bộ, hay nói chính xác là nơi sắp xếp “ghế”, dự định ban phát chức, quyền.

Bây giờ, cái gì cũng đùng đục, bẩn thỉu

Tôi có nhiều bạn bè, người quen có chức có quyền, nhưng cũng có nhiều người không được ngồi vào cái ghế mà đáng ra họ được ngồi. Còn có những người không hề có những phẩm chất xứng đáng với vị trí đó, nhưng họ vẫn cứ được đặt vào. Ngồi trò chuyện với mọi người, được biết là người ta chạy bằng tiền cả đấy. Thế mới biết cái câu: “Cái gì không mua được bằng tiền thì mua được bằng rất nhiều tiền” là rất chí lý.
Mặc dù không có giá cố định cho những chức vụ tương đương vì ở những vùng miền khác nhau, giá khác nhau. Hoặc cũng là vụ trưởng cả đấy, nhưng ở vụ tài chính - kế toán khác với vụ, quản lý học sinh – sinh viên chẳng hạn. Chỉ biết chức vụ càng cao, vị trí càng béo bở thì số tiền chi ra để được ngồi vào đó càng nhiều, có khi lên tới hàng chục tỷ đồng.
Tôi có người anh em họ, công tác trong lực lượng vũ trang. Gần chục năm trước đây, khi anh mang quân hàm thượng tá, anh đã giữ chức trưởng phòng. Bây giờ anh đã mang quân hàm đại tá, nhưng vẫn trưởng phòng. Tôi hỏi: “Tại sao anh không được lên chức Cục phó, Vụ phó gì đó?”. Anh cười ngượng nghịu rồi khẽ trả lời: “Tôi không đủ tiền đi “chợ”. Với chức vụ đó phải mất cỡ 1 tỷ, tôi gom mãi cũng chỉ đủ 500 triệu. Vậy nên chấp nhận “đứng” mãi chức trưởng phòng”. Còn một người bạn học cùng phổ thông với tôi, làm cấp phó từ năm 1989 đến bây giờ mà không lên trưởng được. Vừa rồi mới gặp nhau, tôi hỏi thẳng: “Tại sao cậu mãi không lên được cấp trưởng? Đừng nói với tôi là cậu không đủ tiền để đi “chợ” đấy!”. Anh bạn cười buồn, nhưng vẫn không giấu được vẻ ranh mãnh, anh nói: “Tiền thì tôi có đủ, nhưng mãi gần đây mới được gợi ý. Tôi nhẩm tính, thấy mình tuổi đã cao, chi phí nhiều, thời gian tại vị ngắn, có giỏi cướp may ra mới hoà vốn. Vì vậy tôi thôi, không chạy chọt nữa…”

“Thợ mộc vĩ đại và Giám đốc Tiếp thị đại tài”

Trong cuộc gặp mặt bạn bè vui vẻ, một người đưa ra câu đố đơn giản: “Theo các vị thì những người thợ mộc giỏi nhất sống ở đâu?”. Nhiều người trả lời: “Ở Đồng Kỵ, Bắc Ninh”. “Sai, những người thợ mộc giỏi nhất, tạo nên những mặt hàng đắt tiền nhất sống ở Thủ đô Hà Nội. Các vị thấy đó, họ tạo nên những chiệc ghế bán hàng chục tỷ đồng…”. Có người đế thêm vào: “Đúng vậy, nhưng họ không chỉ là những người thợ mộc vĩ đại đơn thuần mà còn kiêm luôn cả chức Giám đốc tiếp thị nữa. Họ rao bán những chiếc ghế đó đúng lúc, đúng chỗ nên luôn luôn có cạnh tranh đẩy giá lên. Kết quả họ bán được giá rất hời”. “Anh có ví dụ nào về vấn đề này không?”. “Có chứ! Trước ngày quyết định ai giữ vị trí gì trong bộ máy công quyền của chúng ta vừa qua, có một người đến chơi ở nhà một người có quyền cao, chức trọng, có thể quyết định nhiều thứ. Vị này hỏi người đến chơi: “Chú đã yên vị chưa?” “Làm sao yên được anh?! Em quen với công việc điều hành cụ thể trên địa bàn, nay làm một việc thiên về tổ chức trong các cơ quan, thấy không hợp”. “Vậy còn một vị trí nữa, nhưng chú không phải là ứng cử viên duy nhất đâu…”. Thế là người khách hiểu, anh ta về, chuẩn bị tiền, vàng mang đến những nơi cần thiết. Mấy ngày sau, anh ta ngồi vào vị trí mới, không to hơn về hàm, cấp nhưng nhiều bổng lộc hơn. Các anh có thấy người rao bán chiếc ghế đó tiếp thị tinh tế không?”
Ở bàn trà, quán nhậu, công sở (khi thủ trưởng cơ quan không có mặt), trong gia đình, mọi người đều nói về những tệ nạn bẩn thỉu trong các lĩnh vực của cuộc sống. Ai cũng căm tức điều này, muốn loại bỏ nó nhưng chưa biết làm thế nào.

Đi tìm nơi hang ổ của cái bẩn

Trên một chuyến xe chở đại biểu dự hội thảo ở Đồ Sơn về Hà Nội, khi mọi người nói về vai trò quan trọng của công tác tổ chức - cán bộ, tôi góp vui bằng câu chuyện sau:
“Tôi có người bạn từ cơ quan trở về, vui sướng nói với bố: “Bố mừng cho con đi! Con vừa được đề bạt làm Vụ trưởng Vụ Tổ chức - cán bộ!”. Ông bố buồn bã lắc đầu rồi nói: “Sao mày dại dột vậy con?! Đấy là chỗ dành cho bọn vô học, mày là tiến sỹ, sao lại nhận cái chức đó?”. “Căn cứ vào đâu mà bố lại nói vậy?”; “Thế mày chỉ cho tao ở Việt Nam cũng như trên thế giới, có cái trường đại học nào gọi là trường Đại học Tổ chức không?””.
Mọi người cười ồ vui vẻ, chỉ có hai người là không cười. (Sau này tôi mới biết đấy là hai quan chức làm ở Vụ Tổ chức của một Bộ quan trọng ở Hà Nội). Tôi cho rằng, nguyên nhân chính của cái BẨN mà chúng ta đang phải chịu đựng hôm nay bắt nguồn từ việc mua quan, bán chức; hay như bây giờ người ta thường nói là “chạy chức, chạy quyền”. Vì đã bỏ tiền ra để “mua” chức, quyền; khi có chức quyền rồi thì người ta tìm cách lấy lại vốn – không chỉ hoàn vốn, mà phải có lãi. Thế là nạn tham nhũng tràn lan. Quan chức thì ăn tiền của cán bộ, nhân viên; cán bộ, nhân viên thì ăn tiền của dân; trong giáo dục: trưởng phòng giáo dục, hiệu trưởng ăn tiền của giáo viên, giáo viên ăn tiền của cha mẹ học sinh… Tóm lại, chỉ những người dân không có chức tước hay không phụ trách một công việc nào đấy là không ăn “bẩn” được mà thôi.
Ai cũng công nhận việc hối lộ tiền bạc để được việc là bẩn thỉu, nhưng nhiều người vẫn phải “nhắm mắt đưa chân”, nghĩa là chúng ta đã chấp nhận sống chung với cái “bẩn” vì chống lại nó rất khó.

Cần nhiều “bầu Kiên” cho các lĩnh vực khác

Chưa biết trong tương lai bóng đá Việt Nam có trở nên sạch sẽ và có đẳng cấp hay không, nhưng ít ra đã có những chuyển động tích cực. Tất cả những điều này có được là nhờ sự dũng cảm của ông Kiên và sự ủng hộ của quần chúng thông qua hệ thống truyền thông. Bóng đá đã có “chuyển động sạch”, vậy các lĩnh vực khác thế nào?
Bầu Kiên đã tạo ra chuyển động sạch trong bóng đá Việt Nam, nhưng điều chúng ta cần là “chuyển động sạch” trong tất cả các lĩnh vực của cuộc sống, nhất là những lĩnh vực như: Tổ chức – cán bộ (bố trí những người xứng đáng vào những vị trí lãnh đạo quan trọng), an ninh, quốc phòng, giáo dục, y tế, đầu tư, thuế vụ, văn hóa, nghệ thuật… Tất cả những lĩnh vực này cần trở nên sạch sẽ và mạnh mẽ.
Để tạo ra chuyển động sạch trong lĩnh vực này phải có những người dũng cảm ở những tổ chức quan trọng như Quốc hội, Trung ương Đảng, Chính phủ… Phải là những người có hiểu biết, có niềm tin, có chí khí mới có thể phát biểu thẳng thắn ở những diễn đàn quan trọng này (đã có một số người như thế là đại biều Quốc hội khóa trước như ông Nguyễn Minh Thuyết, bà Phạm Thị Loan, nhưng họ chưa kịp nói những gì quan trọng nhất (tôi tin thế!) thì nay đã không còn cơ hội để nói nữa. Nhưng tôi thấy vẫn có những trí thức, doanh nhân, những người có chí khí trong các cơ cấu tổ chức quyền lực của đất nước. Hy vọng những vị này làm được cái việc giống bầu Kiên ở lĩnh vực của mình.
Nhiều người cho rằng, sở dĩ bầu Kiên nói thẳng nói thật được vì lãnh vực bóng đá dù sao vẫn còn chỗ cho “fair play” (chơi đẹp), còn ở những lĩnh vực khác thì đừng có mơ, mà càng lên cấp cao, càng khốc liệt.
Thật ra tôi cũng biết điều này, nhưng tôi lại có niềm tin vào tiết tháo, vào sự hào sảng của một số trí thức, doanh nhân, quan chức… Ngày xưa ở nước ta có cụ Chu Văn An dám dâng tấu đòi chém 7 tham quan là đại thần của triều đình. Tuy ý nguyện của cụ Chu Văn An không được vua thực hiện, nhưng họ (vua và 7 người bị đề nghị chém) vẫn để cụ từ quan, về quê mở trường dạy học.
Còn nói rộng ra, thời xa xưa ở Trung Quốc có nhiều chuyện còn ghê gớm hơn. Vua Trụ là người gian ác, đại quan Tỷ Can luôn can ngăn những việc dốt, việc xấu, việc ác của vua Trụ. Tức giận, vua Trụ nói với Tỷ Can: “Ta nghe nói tim của thánh nhân có 7 lỗ”, rồi bèn ra lệnh mổ Tỷ Can để xem tim.
Vua Trụ làm thế cốt để dọa những người khác không được vạch cái xấu của vua ra, nhưng sau này vẫn còn nhiều người chỉ ra cái dốt, cái xấu, cái ác của vua giữa sân rồng. Họ nói xong, xăm xăm bước tới vạc dầu và bình thản nhảy vào đó.
Dưới chế độ quân chủ độc tài xa xưa mà có những người làm được như vậy, huống hồ hiện nay ta đang sống trong thời đại dân chủ. Hơn nữa Đảng cộng sản Việt Nam xem chuyện “Phê bình và tự phê bình” là một trong những biện pháp làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh hơn thì việc chỉ ra cái kém của Đảng chắc phải được hoan nghênh!?
Nếu việc phát biểu thẳng thắn về những sự việc bẩn thỉu trong đời sống của chúng ta ở những diễn đàn quan trọng thực sự nguy hiểm thì những ai đó có vị thế, trách nhiệm, có lương tâm, có chí khí vẫn phải làm. Để làm được điều này, hãy sống theo phương châm của những người thông thái: Xem ngày nào còn lại trong cuộc đời của mình cũng như ngày cuối cùng! Khi đã có được quan niệm như vậy, mọi việc trở nên nhẹ nhàng, kể cả cái chết.
Nếu tất cả chúng ta có khát vọng sống SẠCH mạnh mẽ, chúng ta phải ủng hộ những người lên tiếng vạch trần cái bẩn ở bất kỳ cấp nào trong bậc thang quyền lực đương thời thì có hy vọng được sống trong sự sạch sẽ.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"