Nguyệt Quỳnh
Lịch sử đang chờ em để bước sang trang
Dân tộc vịn vai em để đi cùng nhân loại
Những người chết đang bắt đầu sống lại
Những người đi đang lần lượt quay về
Dân tộc vịn vai em để đi cùng nhân loại
Những người chết đang bắt đầu sống lại
Những người đi đang lần lượt quay về
(Mấy vần thơ cho Đỗ thị Minh Hạnh - Trần Trung Đạo)
Những người chết đang bắt đầu sống lại, những người đi đang lần lượt
quay về. Hai câu thơ của Trần Trung Đạo nhắc tôi đến hình ảnh 13 liệt sĩ
Việt Nam Quốc Dân Đảng tại pháp trường Yên Bái. Khi bước lên máy chém,
khi đối diện với cái chết họ đã dõng dạc hô to câu: “Việt Nam Muôn Năm”.
Họ là những đảng viên trẻ của VNQDĐ; họ là Nguyễn Thị Giang đứng giữa
đám đông, chứng kiến những giây phút hào hùng cuối cùng của đồng chí,
của người yêu. Quả thật, họ đang sống lại từng giờ từng khắc qua hình
ảnh của Đỗ thị Minh Hạnh, của Đoàn Huy Chương, của Nguyễn Hoàng Quốc
Hùng…
Hãy lắng nghe tiếng nức nở của chị Chiêm Thị Tường Mạnh vợ của anh Đoàn Huy Chương:
"Từ lúc anh bị bắt đến giờ đã được chuyển đi 4 trại, anh bị đánh
nhiều lắm... Từ lúc ở Trà Vinh cũng bị đánh, lúc ra tòa ảnh la hét, bị
còng tay... nó xử ép, xiết tay ảnh, em thấy em đứng em khóc không...
Thấy đau lòng quá, xử án quá oan ức... người 9 năm, người 7 năm... Em đi
thăm thì ảnh nói bị uýnh rất nhiều, rất tàn nhẫn, nhìn người thấy tiều
tụy lắm, dạ cả 3 người đều bị đánh tiều tụy luôn, nhìn thấy tội lắm....
Còn Đỗ Thị Minh Hạnh thì nói với mẹ:
- Con không tin một người công an nào hết, má hãy nhìn thân thể con đi nè.
Và rồi:
- “Má ơi, con rất là đau buồn, con không buồn thân thể con, ở tù
bao nhiêu năm cũng được... Họ bảo con hãy nhận tội đi rồi sẽ được giảm
xuống 4 năm, nhưng không, ở đời thì chết chỉ có một lần mà thôi... để
cho họ thấy rằng, họ không được phép coi thường tinh thần bất khuất của
dân tộc. Mỗi dân tộc, mỗi một con người, nhất là người lãnh đạo đất nước
phải biết rằng "Đặt quyền lợi và danh dự của tổ quốc lên trên quyền lợi
cá nhân của mình chứ…”
Tôi tin nhiều người đã ứa lệ khi nghe Hạnh nói, điều Hạnh muốn rõ
ràng không cho riêng cô, mà cái giá sao thật tàn nhẫn. Người con gái với
đôi mắt đẹp, tâm hồn trong sáng và nụ cười xinh xắn đó đã bị đánh đập
ngay từ khi chưa bước chân vào nhà tù. Ngày 23/01/2009 cô cùng mẹ và chị
gái đến trụ sở công an để làm lại giấy chứng minh nhân dân. Hạnh bị mời
lên lầu làm việc, và ở đây công an đã ra tay đánh đập cô. Nghe tiếng
hét, chị gái Hạnh chạy lên thì thấy khuôn mặt em mình đầy máu. Khi cơ
quan công an áp giải Hạnh về nhà để lục soát, dù đã bị còng tay, nhưng
cô vẫn tiếp tục bị hành hung với những cú đấm vào đầu và mặt.
Trên một đất nước không có thượng đế, Hạnh là một cô bé giữa bọn sói
rừng. Giữa những con người cùng khổ, Hạnh là một thiên thần. Giữa những
suy tàn của một đất nước đang bị cai trị bởi những kẻ cướp, những tên
hung đồ, Hạnh là người của lịch sử, những con người đang có mặt để đòi
lại những điều mà ngàn đời dân ta nối tiếp đòi hỏi:
“Chết chỉ có một lần thôi... để cho họ thấy rằng, họ không được phép coi thường tinh thần bất khuất của dân tộc”.
Trên một đất nước không có Thượng Đế.
Em là gương mặt thiên thần phát sáng,
thiên thần chỉ là một cô bé ngồi muốn khóc
trước sự phản bội.
Những người cầm vận mệnh quốc gia này phản bội em
Em là gương mặt thiên thần phát sáng,
thiên thần chỉ là một cô bé ngồi muốn khóc
trước sự phản bội.
Những người cầm vận mệnh quốc gia này phản bội em
(Vết cắt – Trần Tiến Dũng)
Những việc làm đã đưa Hạnh và các bạn cô vào tù với những bản án nặng
nề là vụ đình công tại nhà máy giày da Mỹ Phong. Tại nhà máy này đã xảy
ra liên tục những trường hợp chuyên gia Trung Quốc, Đài Loan chửi bới,
đánh đập người lao động Việt Nam. Một số công nhân nữ bị chuyên gia nước
ngoài ném giày vào mặt gây thương tích, số khác bị chửi bới, xúc phạm
bằng cách phải chui xuống gầm bàn để nhặt những lô giày mà các chuyên
gia này vừa ném đi. Nhiều trường hợp bị ngất xỉu vì làm việc quá sức...
Cuối tháng 1/2010, trước tết Nguyên đán 2 tuần, ban giám đốc công ty
Mỹ Phong ngang nhiên ăn chặn tiền lương và thưởng Tết của công nhân. Rồi
như giọt nước làm tràn ly nước, điều này đã tạo nên làn sóng bất bình
trong công ty. Một số người đã nhờ công đoàn nhà máy can thiệp, nhưng
đáp lại vẫn là những cái lắc đầu vô cảm. Tháng 01/2010 Đỗ Thị Minh Hạnh,
Nguyễn Hoàng Quốc Hùng cùng với Đoàn Huy Chương và những người bạn cùng
chí hướng về Trà Vinh để hỗ trợ cho các công nhân nhà máy Mỹ Phong.
Trong các ngày từ 29/01 đến 01/02/2010, hàng vạn công nhân nhà máy Mỹ
Phong – Trà Vinh đã đồng loạt đình công.
Ngoài việc đòi hỏi mức lương cùng chế độ lao động hợp lý, đây là lần
đầu tiên xuất hiện một cuộc đình công mà người lao động yêu cầu trách
nhiệm của giới công đoàn, đồng thời đòi hỏi phải được tôn trọng nhân
phẩm. Chính điều này đã khiến phía công ty tỏ ra lúng túng khi bắt đầu
xuống nước đối thoại với công nhân. Ngay cả khi phía công ty chấp nhận
các yêu sách về lương & thưởng, các cuộc đình công vẫn tiếp diễn vì
công ty chưa đáp ứng đòi hỏi được tôn trọng nhân phẩm. Mãi cho đến khi
Liên đoàn Lao động cùng đại diện chính quyền Trà Vinh kéo đến can thiệp,
tất cả các yêu sách đã được đáp ứng thì công nhân mới quay trở lại làm
việc sau khi đình công 7 ngày liên tục.
Gần 2 tháng sau, lực lượng công an đã bắt giam Hạnh và Hùng sau khi
đã bắt giam Đoàn Huy Chương. Khi nghe tin Chương bị bắt, Hạnh biết rằng
sắp đến lượt mình. Cô dành những ngày ít ỏi còn lại để trở về Di Linh an
ủi và chăm sóc mẹ. Trong những ngày đó, Hạnh tâm sự với bạn bè rằng "Ước gì có thêm thời gian, mình sẽ làm được nhiều việc hơn cho đất nước".
Nguyễn Hoàng Quốc Hùng bị bắt, bị đánh gãy sống mũi, bị tra tấn tại
một nhà giam bí mật tại Sài Gòn. Sau 7 ngày bị tra tấn, Hùng vẫn kiên
cường không khai bất cứ điều gì, công an liền áp giải anh về trại giam
B34 – Nguyễn Văn Cừ.
Về phần Đỗ Thị Minh Hạnh, cô bị đánh đập, bỏ đói và tra khảo, nhưng cô vẫn nói với mẹ:
- Má lấy thành tích cách mạng của gia đình để được hưởng những
quyền lợi, để được giảm án, chính là điều làm sỉ nhục đối với con, vô
tình làm nhục con.
Mẹ Hạnh đã kể lại tâm tư của cô qua một cuộc phỏng vấn:
"Làm sao để cho mọi người hiểu rằng, trước hết là phải bảo vệ
danh dự của dân tộc... họ đánh đập công nhân, lấy giầy ném vào mặt công
nhân, làm sao con có thể chịu đựng được, rồi sỉ nhục dân tộc, phụ nữ
Việt Nam đi làm đĩ… mà tại sao Nhà nước không bảo vệ công nhân mà lại đi
bảo vệ chủ??? để cho họ có quyền đi chà đạp, bắt giam cầm những người
công nhân đó... không để người Trung Quốc xúc phạm đến danh dự của mình."
Ngày 18/3/2011 Toà án Nhân dân Trà Vinh mở phiên phúc thẩm xử án ba
người trẻ Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đỗ Thị Minh Hạnh và Đoàn Huy Chương
với tội danh: "Phá rối an ninh trật tự nhằm chống chính quyền nhân dân".
Kết quả tòa án phúc thẩm đã giữ y án của tòa sơ thẩm vào tháng 10 năm
2010, tức là 7 năm tù cho Đoàn Huy Chương và Đỗ Thị Minh Hạnh, 9 năm tù
cho Nguyễn Hoàng Quốc Hùng. Dù toà án đã xử xong, thế mà luật sư vẫn
khẳng định cả ba người đã không hề phạm tội như trong bản cáo trạng đã
buộc tội họ.
Sau những chấn song lạnh, những người bạn tù đã nói về người con gái
bé nhỏ, người đầy thương tích nhưng không hề nao núng trước bạo lực. Cô
thương bạn tù, san sẻ tất cả những gì mình có cho bạn tù, ngay cả những
người có trách nhiệm quan sát cô. Hạnh đã lấy tình thương để cảm hóa con
người.
Hạnh thường xuyên bị kêu đi làm việc. Những lời đối đáp của cô với
quản lý trại giam đã được bạn tù kể lại với lòng kính trọng, cô thường
nói: “Cán bộ không có người thân bị mất đất, nên cán bộ không hiểu
được những nỗi lòng người dân oan bị mất đất”, “Cán bộ không làm công
nhân thì làm sao hiểu được nỗi khổ sở nhục nhã khi bị chửi mắng, đày
đọa, bóc lột của người chủ”, hoặc “Mất từng mảnh đất Việt Nam, tôi như mất từng miếng thịt da của mình”.
Sợ hãi luôn là rào cản lớn nhất ở những người dân đang sống dưới một
chế độ cực quyền. Người thiếu nữ xinh đẹp với một sức mạnh lạ lùng đã
làm tôi nhớ đến những câu thơ của người dân khổ đau Miến Điện. Sống
trong một chế độ bạo ngược họ đã tự ví mình như nước trong hai bụm tay
của kẻ cầm quyền. Nước có thể biến thành những mảnh thuỷ tinh sắc nhọn,
nước và thuỷ tinh phải chăng đang là cái chọn lựa quyết liệt của người
con gái đang muốn giải phóng chính mình, giải phóng dân tộc mình ra khỏi
những bàn tay bạo lực.
Trong xanh đó, ta có thể trong xanh đó
Như nước trong bụm tay người.
Nhưng kìa, ta cũng có thể trở thành
Những mảnh thủy tinh bén ngót
Cũng trong bụm tay kia.
Như nước trong bụm tay người.
Nhưng kìa, ta cũng có thể trở thành
Những mảnh thủy tinh bén ngót
Cũng trong bụm tay kia.
Trong một cuộc phỏng vấn mới nhất với bà Ngọc Minh mẹ của Hạnh, bà
Minh cho biết sau những trận đòn tra tấn, Hạnh đã bị điếc một bên tai.
Dù thân thể tiều tuỵ cô vẫn khẳng định với mẹ, nếu vì một lý do gì cô
được thả tự do khi hai bạn Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và Đoàn Huy Chương vẫn
còn bị giam cầm thì cô nhất định không rời nhà tù. Người Mẹ đã nói
trong nước mắt, bà nhìn thấy nụ cười tươi tắn nở trên môi con khi nói
với cô rằng bà hiểu con và hỗ trợ tất cả những công việc cô làm.
Đỗ Thị Minh Hạnh đã có một chỗ đứng thật trang trọng trong lòng dân
tộc. Với tình trạng bị tra tấn, và hành hạ như hiện nay, không biết Hạnh
sẽ ra sao, cô có thể bình an tới ngày ra tù hay không? Nhưng quả thật
cũng như nhà thơ Trần Trung Đạo, tôi nhìn thấy tuổi trẻ đang vịn vai
Hạnh đứng dậy, dân tộc tôi đang cần vịn vai em để bước đi cùng nhân
loại.
Đất nước mình không có hôm nay
Nếu hai ngàn năm trước không có bà Trưng, bà Triệu
Và sẽ tiếp tục sống trong độc tài nô lệ
Nếu không có những người con gái như em
Dòng sông dài và phiến đá chông chênh
Nhưng nếu tất cả đều co ro, sợ hãi
Nếu tất cả đều đứng nhìn, e ngại
Dân tộc này rồi sẽ ra sao?
Nếu hai ngàn năm trước không có bà Trưng, bà Triệu
Và sẽ tiếp tục sống trong độc tài nô lệ
Nếu không có những người con gái như em
Dòng sông dài và phiến đá chông chênh
Nhưng nếu tất cả đều co ro, sợ hãi
Nếu tất cả đều đứng nhìn, e ngại
Dân tộc này rồi sẽ ra sao?
Em bước vào tù khi tuổi mới hai mươi
Tuổi đẹp nhất của thời con gái
Bên ngoài trại giam, mùa xuân đang qua và không trở lại
Nhưng trong trái tim em, xuân mãi mãi không tàn
Tuổi đẹp nhất của thời con gái
Bên ngoài trại giam, mùa xuân đang qua và không trở lại
Nhưng trong trái tim em, xuân mãi mãi không tàn
(Mấy vần thơ cho Đỗ thị Minh Hạnh - Trần Trung Đạo)
Nguyệt Quỳnh
09/2011