Thứ Sáu, 7 tháng 10, 2011

Hòa giải xã hội với trí thức (Nhân thư ngỏ của 36 trí thức)

Nguyễn Gia Kiểng

 
“....Đất nước tiến bộ nào xét cho cùng cũng đặt nền tảng trên một hợp đồng theo đó trí thức lãnh đạo xã hội và xã hội kính trọng trí thức vì họ hiểu biết, lương thiện, đi trước quần chúng và đủ dũng cảm để chấp nhận thử thách...”
Tôi không đồng ý với những đả kích nặng nề đối với thư ngỏ ngày 21/8/2011 của 36 trí thức hải ngoại gửi lãnh đạo đảng và nhà nước CSVN. Họ là một thiểu số hiếm hoi còn quan tâm tới đất nước, phần lớn những người cùng tuổi và địa vị của họ đã bỏ cuộc để dành trọn thời giờ cho những ngày nghỉ hưu thoải mái. Tôi còn lý do để hài lòng vì qua thư ngỏ này họ đã bày tỏ sự hưởng ứng đối với lập trường hòa giải và hoà hợp dân tộc, lập trường nền tảng của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên từ gần ba mươi năm qua và đã từng khiến chúng tôi gặp nhiều chống đối. Tôi quen biết nhiều vị ký tên thư ngỏ này. Họ đều là những trí thức mong muốn một tương lai dân chủ cho đất nước, đối với một vài vị tôi có sự quí trọng đặc biệt. Những dòng này vì vậy là những trao đổi tương kính giữa những người cùng chia sẻ những trăn trở chung. Giữa những người quí trọng nhau cũng có thể có những ý kiến khác nhau. Không có ý định tranh cãi, vả lại những ý kiến trong thư ngỏ được soạn thảo rất công phu này đều tốt ngay cả khi người ta có lý do để nghĩ rằng chúng có thể đúng hơn, tôi sẽ không mổ xẻ chi tiết thư ngỏ mà chỉ nêu một vài điểm để thảo luận.

Điểm đầu tiên đáng lưu ý là hầu hết những gì mà thư ngỏ đề nghị đối với bài toán Trung Quốc chính quyền cộng sản đều đã làm rồi. Khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông kể cả Trường Sa và Hoàng Sa, tranh thủ sự ủng hộ của các nước ASEAN là những điều mà họ đã và còn đang làm. Họ chỉ không chính thức đưa vấn đề ra trước công pháp quốc tế, nhưng điều này thư ngỏ cũng không thôi thúc họ. Còn thái độ hiếu hòa đối với Trung Quốc mà thư ngỏ khuyên họ nên có thì không những họ đã có mà còn có một cách quá đáng.
Điểm thứ hai là một điểm mà thư ngỏ không nói. Đó là muốn giải tỏa áp lực Trung Quốc, Việt Nam không có cách nào khác hơn là tranh thủ sự bênh vực của các cường quốc dân chủ, đặc biệt là Hoa Kỳ và Châu Âu. Nếu có một điều mà mọi người, kể cả chính quyền cộng sản, đều đồng ý thì đó là Trung Quốc quyết tâm chiếm đoạt Biển Đông bất chấp công pháp quốc tế. Như thế thì sự ủng hộ của ASEAN chỉ có một tác dụng rất tương đối. Chỉ có Hoa Kỳ và Châu Âu có khả năng buộc Trung Quốc phải biết điều bởi vì đó vừa là những thị trường tối cần thiết cho Trung Quốc vừa là những quân lực thừa sức đánh bại Trung Quốc nếu có đụng độ. Tại sao thư ngỏ lại không thẳng thắn đề nghị chính quyền CSVN tìm kiếm thế hợp tác chiến lược với Hoa Kỳ và Châu Âu? Không nhìn thấy hay không dám nói ra? Cả hai trường hợp đều không ổn. Nếu không nhìn thấy một yếu tố cốt lõi như vậy thì có tư cách gì để nói về quan hệ Việt – Trung? Còn nếu không dám nói ra (vì biết là chính quyền cộng sản không muốn hay vì sợ bị đánh giá là công cụ của Hoa Kỳ?) thì mâu thuẫn với chính mình, và với thái độ trí thức, vì lên tiếng nhưng lại không dám nói ra điều cần nói.
Mâu thuẫn này cũng bộc lộ ở một điểm khác, khi thư ngỏ nói với các cấp lãnh đạo đảng và nhà nước cộng sản rằng: "cần trả tự do cho các công dân bị giam giữ vì đấu tranh ôn hòa cho tự do, dân chủ, cho chủ quyền quốc gia, để đoàn kết toàn dân". Không ai chối cãi thiện chí được bày tỏ, cũng như khi thư ngỏ yêu cầu chính quyền cộng sản thúc đẩy tiến trình dân chủ hoá, chấp nhận bầu cử tự do, tôn trọng những quyền con người được qui định trong các công ước quốc tế và cả trong hiến pháp Việt Nam. Tuy nhiên ở đây có một sai lầm về nguyên tắc, và một sai lầm nghiêm trọng, cần được thảo luận, nhất là ở trình độ của các vị ký tên. Trả tự do, và bồi thường thiệt hại, cho những người tranh đấu ôn hòa cho tự do, dân chủ và chủ quyền quốc gia không phải chỉ là một nhu cầu "để đoàn kết toàn dân" mà là một bắt buộc của luật pháp và đạo đức chính trị phải được đòi hỏi một cách dứt khoát và quả quyết. Những người này chỉ hành xử những quyền tự nhiên và căn bản. Họ là nạn nhân của sự vô đạo và vô lý. Thư ngỏ đã muốn tỏ ra ôn hoà và thực tế nên đã bỏ qua điều không thể bỏ qua, đó là ý nghĩa nền tảng của chính khái niệm "quyền".
- Quyền thuộc về luật và vì thế nó phải thẳng thắn, nó không thể chấp nhận thỏa hiệp trên những điểm cơ bản, nếu không nó không còn là quyền.
- Quyền không thể chấp nhận thái độ "thực tế" bởi vì nó luôn luôn đối nghịch với thực tại; người ta viện dẫn quyền trước một thực tại vi phạm hoặc có nguy cơ vi phạm đến quyền. Nhân danh thực tại để hy sinh quyền là sai; quyền đòi hỏi nhìn thực tại với con mắt của con người chứ không chấp nhận để nhìn con người từ thực tại; sự phản kháng là cốt lõi của quyền.
- Quyền cũng không thể chấp nhận sự vô lý; nó là thành quả của trí tuệ và nó không thể tách ra khỏi sự hợp lý vì trí tuệ là nền tảng chính đáng của nó.
Những gì đúng với khái niệm quyền lại càng đúng với quyền con người bởi vì đó là những quyền bắt buộc nhất, nếu không con người không còn là con người. Trên vấn đề nhân quyền thái độ duy nhất đúng đắn là không nhân nhượng. Thư ngỏ đã phạm một lầm lẫn cương vị. Đúng là có yêu cầu thực tiễn và thỏa hiệp trong hoạt động chính trị - Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên chưa bao giờ chủ trương phải cô lập và trừng phạt chế độ cộng sản Việt Nam, trái lại chúng tôi luôn luôn cho rằng phải mở cánh của bưng bít bằng hợp tác và trao đổi, đó là phương tiện để có thể tạo áp lực bênh vực nhân quyền - nhưng đó là vấn đề của các chính quyền và các tổ chức chứ không phải là vấn đề của các cá nhân. Cá nhân không có nhu cầu thương thuyết và thỏa hiệp và vì thế không có quyền nhân nhượng. Ở cương vị cá nhân thái độ thực tiễn thực là không thực tiễn bởi vì tiếng nói của cá nhân sẽ mất hết trọng lượng ngay khi nó nhích ra khỏi lẽ phải. Các vị ký tên thư ngỏ dù ký chung với nhau cũng vẫn chỉ là 36 cá nhân.
Thư ngỏ nói đến ba triệu người Việt hải ngoại trong đó có 300.000 tốt nghiệp đại học để nhấn mạnh sự kiện hàng năm chỉ có 500 người trong số 300.000 này "về nước chuyển giao công nghiệp". Con số 500 vẫn còn lớn gấp nhiều lần sự thực nếu đúng là muốn nói tới những chuyên gia thực sự về nước để chuyển giao công nghiệp. Con số 50 gần với sự thực hơn. Quá ít. Tuy vậy trên điểm này tôi lại thấy thư ngỏ bất công với chính quyền cộng sản. Đành rằng họ có trách nhiệm chính nhưng họ không phải là tất cả nguyên nhân. Các chuyên gia tốt nghiệp tại Phương Tây dĩ nhiên không thể chấp nhận một chế độ độc tài cố bám lấy một chủ nghĩa Marx đã lỗi thời một cách gớm ghiếc, hơn thế nữa lại còn ngờ vực và xấc xược đối với họ, nhưng vấn đề không phải chỉ giản dị như thế. Theo tôi sự kiện các chuyên viên trẻ, và tuổi trẻ Việt Nam hải ngoại nói chung, thờ ơ với đất nước cũng do trách nhiệm của thế hệ trước, nghĩa là thế hệ của các vị ký tên thư ngỏ, trong đó có tôi. Họ đã không gây dựng được một tình cảm Việt Nam cho thế hệ sau vì thế con em họ đã hội nhập hoàn toàn vào xã hội tiếp cư và không còn gắn bó với Việt Nam. Đây là một vấn đề lớn cần một phân tích riêng. Ở đây tôi chỉ xin nêu một nguyên nhân trong khuôn khổ bài viết này. Đó là lớp người trước, lớp người của thư ngỏ và của chính kẻ viết bài này, đã không truyền được cho thế hệ sau tình cảm dân tộc vì chính họ thiếu tình cảm này. Họ đồng hóa lòng yêu nước với sự thù hận cộng sản trong khi sự thù hận chẳng bao giờ là một tình yêu. Hay họ yêu nước một cách hời hợt, nghĩa là không yêu nước tới mức thấy cần phải dành cho nó một cố gắng liên tục, bền bỉ và thành thực. Ngay cả đối với phần lớn trong số rất ít người còn quan tâm tới đất nước thỉnh thoảng một cuộc hội thảo hay một tuyên ngôn, một thư ngỏ cũng được coi là đủ. Họ không chuyển được lửa vì chính họ không có lửa. Hơn nữa họ cũng không có trọn vẹn lẽ phải và chính nghĩa sau khi làm quá nhiều thỏa hiệp không nên làm, không được làm và nhiều khi cũng không cần làm. Hậu quả là họ không thuyết phục được tuổi trẻ.
Đất nước ta đang sống một thực trạng hổ nhục. Tuy tự hào có bốn ngàn năm văn hiến nhưng chúng ta không chỉ nghèo khổ mà còn là một trong những dân tộc ít ỏi vẫn bị từ chối những quyền căn bản của con người.
Trước một thực tại thách đố như vậy người ta có thể phản ứng theo nhiều cách. Có thể đầu hàng, thậm chí bất chấp đạo đức và liêm sỉ để hùa theo chính quyền và cầu danh lợi; có thể nhẫn nhục chịu đựng và luồn lách để sống như đa số quần chúng; và cũng có thể đấu tranh để thay đổi xã hội. Nhưng một điều chắc chắn là không thể cầu xin, khuyên can, đề nghị. Chế độ này đã chứng tỏ rõ ràng là họ chỉ thay đổi trước áp lực. Cuộc "đổi mới" về kinh tế thị trường năm 1986 cũng đã chỉ có vì chế độ cộng sản đã tựa lưng vào tường, khẩu hiệu của họ lúc đó là "đổi mới hay là chết". Như vậy các kiến nghị, tuyên ngôn, thư ngỏ chỉ có ý nghĩa nếu được quan niệm là nhắm tạo áp lực, nghĩa là nằm trong khuôn khổ của cuộc đấu tranh dân chủ hóa, nghĩa là nếu có đấu tranh.
Làn sóng dân chủ hóa tại các nước Trung Đông và Bắc Phi phải chất vấn lương tâm và danh dự của chúng ta. Nói chung người Việt Nam không nghĩ là mình thiếu trí tuệ và dũng cảm so với người Ả Rập, nhưng thực tế là tại Tunisia, Ai Cập, Syria, Libya, Yemen… hàng ngàn người đã hy sinh tính mạng đứng lên chống lại các bạo quyền. Tại Việt Nam chỉ cần vài chục người thiệt mạng vì xuống đường đòi dân chủ thì chắc chắn tình thế đã thay đổi rồi. Việt Nam còn chín muồi cho dân chủ hơn các nước Ả Rập, nhưng tại sao chưa có chuyển động? Câu trả lời giản dị là quần chúng chỉ đứng dậy nếu được động viên và lãnh đạo bởi trí thức, thông qua các tổ chức dân chủ, nhưng trí thức Việt Nam đã không đảm nhiệm vai trò của mình.
Nếu có một điều cần nghĩ lại trong hiện tình đất nước thì đó là hợp đồng giữa trí thức và xã hội. Đất nước tiến bộ nào xét cho cùng cũng đặt nền tảng trên một hợp đồng theo đó trí thức lãnh đạo xã hội và xã hội kính trọng trí thức vì họ hiểu biết, lương thiện, đi trước quần chúng và đủ dũng cảm để chấp nhận thử thách. Chúng ta thiếu một hợp đồng như thế. Trí thức không đảm nhiệm vai trò lãnh đạo và quần chúng coi thường trí thức. Đừng vì thấy người Việt Nam trọng bằng cấp mà nghĩ rằng họ kính trọng trí thức. Tại nước Pháp mà tôi đang sống, cũng là nước có rất nhiều công chức, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy là đa số người Pháp đánh giá rất thấp công chức nhưng đồng thời đa số cũng muốn con cái họ làm công chức bởi vì làm công chức nhàn hạ và an toàn. Thèm muốn không đồng nghĩa với kính trọng.
Phải nhìn nhận rằng trí thức Việt Nam rất xứng đáng với sự khinh thường của quần chúng. Họ vẫn chưa đoạn tuyệt được với tâm lý kẻ sĩ, nhiều người vẫn còn hãnh diện tự xưng là kẻ sĩ. Nhưng kẻ sĩ là gì nếu không phải là những người mà mộng đời chỉ là được làm tay sai vô điều kiện cho kẻ cầm quyền? Kẻ sĩ hoàn toàn không cảm thấy một bổn phận nào với quần chúng, họ chỉ có bổn phận với các vua chúa. Họ là một giai cấp riêng, ở ngoài và tự nghĩ là ở trên quần chúng. Di sản kẻ sĩ khiến đa số trí thức khoa bảng Việt Nam ngày nay vừa bạc nhược vừa cao ngạo, hành xử như thể họ không cần phải chia sẻ những khó khăn của quần chúng mà vẫn có quyền mong muốn những địa vi cao trọng. Một di sản khác là sự thiếu hụt kinh khủng về kiến thức chính trị. Kẻ sĩ ngày xưa nhờ đậu những khoa thi kinh điển, thơ phú không liên hệ gì tới việc điều hành đất nước mà được bổ làm quan cai trị cho nên trí thức ngày nay cũng nghĩ rằng một khi đã có bằng cấp đại học, bất luận bằng cấp nào, là mình đã đương nhiên có thẩm quyền để nói và làm chính trị. Kết quả là kiến thức chính trị của trí thức Việt Nam không hơn gì quần chúng. Chỉ cần một cố gắng học hỏi khiêm tốn thôi trí thức Việt Nam cũng hiểu ngay rằng chính trị là một môn học rất phức tạp – Ciceron, 21 thế kỷ trước, từng nói rằng chính trị bao gồm mọi bộ môn - và hoạt động chính trị đòi hỏi những hiểu biết rất đặc biệt. Điều đầu tiên họ sẽ khám phá ra là đấu tranh chính trị không bao giờ là đấu tranh cá nhân cả mà luôn luôn là đấu tranh có tổ chức, và họ sẽ hiểu là hoạt động cá nhân chỉ đóng góp cho cuộc vận động dân chủ nếu nhắm hỗ trợ một tổ chức dân chủ. Sự thiếu hiểu biết của trí thức chính là nguyên nhân đưa tới bế tắc kéo dài: trí thức phải đảm nhiệm vai trò lãnh đạo cuộc đấu tranh đổi đời nhưng không thể đảm nhiệm, quần chúng khinh trí thức nên không có lãnh đạo và không thể đứng dậy. Cuối cùng quyền lực vẫn ở trong tay những kẻ tồi dở nhưng có bạo lực. Bao giờ trí thức Việt Nam mới giác ngộ?
Nhu cầu lịch sử của chúng ta là phải hòa giải quần chúng với trí thức. Cần nhấn mạnh là hòa giải quần chúng với trí thức chứ không phải hòa giải giữa trí thức và quần chúng vì lỗi hoàn toàn thuộc về trí thức. Bổn phận của thế hệ trí thức đang qua đi, thế hệ đã thất bại và làm phí uổng quá nhiều thời giờ và cơ hội, là cảnh giác thế hệ năng động hôm nay về những sai lầm đừng nên lặp lại, về những gì cần làm, và nhất là chứng tỏ một tình cảm chân thực đối với đất nước để thôi thúc họ. Thư ngỏ là một bước trong chiều hướng tốt. Nó mới chỉ là một bước ngắn và do dự, chưa đủ mạnh dạn và cũng chưa chứng tỏ sự thức tỉnh cần có.
Nguyễn Gia Kiểng
(10/2011)

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"