Lê Nguyên Hồng
Trước tiên – một cách thật lòng nhất – xin khen ngợi ông Đinh
La Thăng, bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), vì những việc làm mạnh
mẽ và mới mẻ của ông. Như trang tin BBC tiếng Việt đã dùng cụm từ: “Một thế hệ bộ trưởng mới”. Nhưng cũng xin nhận định một cách nghiêm túc nhất, đó là: Ông Thăng nói khoác!
Ông Đinh La Thăng
Với những phát biểu mạnh mẽ với báo giới sau ngày 3/8/2011được Quốc
hội phê chuẩn làm bộ trưởng GTVT rằng, “bộ trưởng là tư lệnh lĩnh vực
ngành, phải cho tôi toàn quyền”. Ông Đinh La Thăng cũng cho rằng khâu
đột phá chiến lược gồm có: “Đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, tình
trạng tai nạn giao thông, và ùn tắc giao thông”. Nhưng những bước đi
chập chững đầu tiên trên cương vị bộ trưởng Bộ GTVT của ông Đinh La
Thăng đã cho thấy, rất có thể ông sẽ là một Nguyễn Văn Linh thứ hai.
Người dân Việt Nam chắc hẳn vẫn còn nhớ như in hình ảnh ông Nguyễn
Văn Linh – cựu tổng bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam – trong nhiệm kỳ 1986 –
1991 nổi danh với bút hiệu NVL - “nói và làm”, nổi tiếng với chương
trình “những việc cần làm ngay”. Và cuối cùng thì ông Mười Cúc (Nguyễn
Văn Linh) cũng cho thấy rằng, những việc "cần làm ngay" của ông chỉ gây
được sự ồn ào, chứ ông chẳng làm được gì hơn những người tiền nhiệm.
Nguyên nhân tất cả chỉ tại cái cơ chế mà thôi…
Tại sao lại nhận định là ông Thăng nói khoác? Chỉ cần xem lại hai
động thái, một là tổ chức cán bộ, hai là kế hoạch giải quyết nạn ùn tắc
giao thông đã cho thấy ông Thăng không thể tiến xa hơn. Thứ nhất về sự
kiện ông “trảm tướng”
như một số trang báo đã ngầm ví von ông như một ông vua. Nếu chỉ dựa
vào việc đi thị sát công trình nhà ga cảng hàng không Đà Nẵng, ông Thăng
cách chức viên trưởng ban quản lý dự án Đặng Hồng Cương “chỉ bằng một
cú điện thoại” là việc làm mang dụng ý gây tiếng vang.
Trên nguyên tắc, một dự án dù là cỡ trung bình chứ chưa nói gì đến
tầm cỡ như cảng hàng không Đà Nẵng, muốn hoàn thành đúng tiến độ thì
phải có đủ kinh phí đáp ứng kịp thời, nguồn nhân lực kỹ thuật mạnh về số
lượng và tính chuyên nghiệp. Bên cạnh đó thiết bị và thiết bị kỹ thuật
phải luôn đáp ứng với các khâu xây dựng cơ bản đồng bộ. Như vậy có thể
chỉ vướng một khâu nhỏ, nhưng dự án vẫn bị chậm do phải chờ nguyên vật
liệu và thiết bị song song.
Dự án nhà ga sân bay Đà Nẵng dự đoán sẽ có hàng chục nhà cung cấp
nguyên vật liệu và thiết bị, trong đó sẽ có những loại thiết bị phải
nhập ngoại. Vấn đề là ở chỗ sẽ có thể có những đường dây cung cấp thiết
bị “cửa sau” của những ông lớn có quan hệ gia đình hoặc thân hữu với các
cán bộ cấp cao trong chính quyền. Nhiều khi nhà thầu muốn mua thiết bị
hay vật liệu từ một nhà cung cấp có uy tín, chất lượng tốt, giá rẻ.
Nhưng vì sợ mất lòng các ông lớn quan chức nên đã phải cắn răng chấp
nhận mua hàng giá cao, chờ nhận hàng lâu và chất lượng kém.
Chỉ cần điểm sơ qua như vậy đã có thể thấy việc “trảm tướng” của ông
Định La Thăng là có vấn đề: Thứ nhất, nếu ông Thăng đã nghiên cứu kỹ hồ
sơ dự án và xem xét quá trình lãnh đạo thi công của ông Đặng Đình Cương
từ trước khi thị sát công trình sân bay Đà Nẵng, thì việc thay người
lãnh đạo “ngay tại công trường” là hành động chỉ nhằm gây tiếng vang
(như đã nói).
Thứ hai, ông Thăng yêu cầu ông tổng giám đốc Tổng công ty hàng không
Miền Nam – Nguyễn Nguyên Hùng - chỉ trong chưa đến một ngày, tức là trưa
ngày 4/10/2011 phải điều động một cán bộ khác thay thế ông Cương là
việc làm vừa trái với quy trình thuyên chuyển cán bộ, vừa thiếu khoa
học. Trường hợp này chỉ xảy ra trong thời chiến hoặc cần đối phó với
thiên tai. Chậm tiến độ thi công có vô vàn nguyên nhân, cả khách quan và
chủ quan. Nếu không chế ngự được nguyên nhân, kể cả chấp nhận giá thành
vượt toán, thì đừng nói đến chuyện thi công đúng và vượt tiến độ.
Không những thế, viên trưởng ban quản lý dự án mới sẽ phải mất nhiều
thì giờ để làm quen với dự án thi công mới. Các cán bộ dưới quyền không
quen biết, chưa tạo thế nhịp nhàng. Cấp dưới không dám tự quyết, phải
chờ ý kiến lãnh đạo mới, là những yếu tố tâm lý có thể làm chậm tiến độ
thi công. Như vậy có thể chấm điểm dưới trung bình cho ông Thăng về
quyết định “trảm tướng ngay trên công trường” sân bay Đà Nẵng.
Đối với ý kiến “tiêu hủy xe đua”
do ông Đinh La Thăng đề xuất đã cho thấy ông là người không nắm vững
luật pháp. Việc tiêu hủy tài sản phạm pháp chỉ xảy ra sau khi đã có phán
quyết phúc thẩm của tòa án. Nhưng những tài sản này phải là những chất
hoặc hàng hóa gây hại cho xã hội cấm lưu hành, như ma túy, thuốc lá giả,
băng đĩa lậu vv… Riêng xe máy vi phạm vẫn chỉ là chiếc xe máy. Mỗi
chiếc xe máy, dù là xe Tầu hay xe xịn đều đang là những tài sản có giá
trị đối với người dân nghèo như ở Việt Nam. Ngay đến chiếc xe máy mà là
tang vật vụ án cướp của giết người thì vẫn có thể được bán thanh lý, sau
khi vụ án kết thúc xét xử. Ở Việt Nam đã có hiện tượng đua ô tô, liệu
ông Thăng có dám đề xuất tiêu hủy... ô tô vi phạm hay không? Như vậy có
thể kết luận ông Thăng là một con người nóng nảy và nông nổi.
Đối với ý tưởng chủ trương hạn chế phương tiện cá nhân tại các thành
phố của ông bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cũng là một ý tưởng thiếu thực
tiễn. Ông Thăng cho rằng mình "không duy ý chí" khi đề xuất kế hoạch cấm
xe máy tại các thành phố lớn, rằng đã có tiền lệ là Trung Quốc đã cấm
xe máy thành công ở Quảng Châu. Đem so sánh Hà Nội và Sài Gòn sập xệ lạc
hậu với một Quảng Châu hiện đại tầm cỡ quốc tế, đã tổ chức Á vận hội
ASIAD 16 thành công, là một sự khập khiễng quá lớn. Quảng Châu có quỹ
đất dành cho giao thông chiếm trên 20% mặt bằng toàn thành phố, có hệ
thống giao thông công cộng ngầm, trên cao và trên mặt đất hiện đại. Việc
cấm xe máy ở Quảng Châu là để chống ô nhiễm là chính, chứ không phải
chống tắc nghẽn giao thông. Và họ phải có một lộ trình 5 năm để thực
hiện, từ năm 2002 đến năm 2007. Hà Nội và Sài Gòn phải mất ít nhất 50
năm nữa mới có thể phát triển bằng Quảng Châu. Vậy có lẽ ông Thăng đang
hoạch định chiến lược 50 năm tới cho Hà Nội và Sài Gòn?
Để giảm thiểu nạn ùn tắc giao thông tại Hà Nội và Sài Gòn thì các nhà
“quân sư” kể cả “quạt mo” và “không quạt mo” đã trình bày rõ ràng nhiều
giải pháp thuyết phục. Như xây dựng các tuyến đường tàu điện ngầm và
trên cao, di dời các cơ quan hành chính ra ngoại thành, giãn dân vv...
Riêng việc giãn dân tại các thành phố như Hà Nội và Sài Gòn gần như là
không thể. Vì nếu muốn thực hiện chủ trương này thì các cán bộ nhà nước
từ trung ương đến thành phố, đều phải gương mẫu. Nhưng họ sẽ mãi mãi
không bao giờ làm việc này. Vậy thì người dân cũng sẽ không làm.
Tương tự như vậy, việc di dời các cơ quan hành chính ra khỏi nội đô
thì sẽ kéo theo giá nhà đất trong thành phố mất giá. Mà các ông lớn quan
chức và bầu đoàn của họ lại nắm giữ quá nhiều quỹ nhà, quỹ đất đang có
giá hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn lượng vàng. Vậy thì chẳng bao giờ họ
lại hy sinh quyền lợi cá nhân cho xã hội.
Nói tóm lại, nếu lạc quan tếu một chút, chỉ có mỗi một cách khả thi,
đó là ông Đinh La Thăng hãy lên làm tổng thống nước Việt Nam dân chủ, có
thể chế đa đảng đa nguyên. Muốn có được điều đó thì phải có một cuộc
cách mạng, dù đau đớn, dù ít nhiều hao tổn sức người sức của. Nhưng nhất
định sẽ không còn hiện tượng cấp trên sách nhiễu, nhũng lạm cấp dưới,
quan chức làm gương cho dân thường, mọi người tự giác làm việc thì mới
mong đất nước tiến lên được. Và chắc chắn là ông Thăng sẽ không bị cho
là nói khoác, vì nói mà không thực hiện được!
Lê Nguyên Hồng