Vũ Quí Hạo Nhiên/Người Việt
WESTMINSTER (NV) - Quyết
tâm siết chặt Internet, nhà nước Việt Nam ra lệnh chặn Facebook và cấm
không cho nói chuyện Trường Sa trên mạng, dù là đang chơi game - đó là
những tiết lộ trong công điện ký tên Ðại Sứ Michael Michalak và gởi ngày 25 tháng 11, 2009, bị tiết lộ trong kho công điện ngoại giao của Wikileaks.
“Vào tháng 10, người dùng bắt đầu gặp khó khăn khi truy cập Facebook,
trang mạng có trên 1.1 triệu người sử dụng tại Việt Nam. Lúc đầu, người
ta tự giải thích là chính quyền Việt Nam đang thử nghiệm một loại kỹ
thuật mới để chặn một số trang web và tình hình sẽ không kéo dài mãi.”
“Giả dụ này có vẻ đúng,” công điện viết tiếp, “khi mà vài ngày sau
đó, Faceook lại tái xuất hiện như phép lạ, dù chỉ là trong vài giờ”.
Cũng vào tháng 10, báo Người Việt liên lạc với công ty Facebook để
phối kiểm tin Facebook bị chặn tại Việt Nam. Giám đốc Thông tin Quốc tế
và Chính sách Công của Facebook là bà Debbie Frost vào lúc đó chưa quả
quyết Facebook đang bị chặn. Tuy nhiên, bà cũng lên tiếng:
“Chúng tôi tin rằng mọi người ở khắp thế giới cần được dùng trang
mạng này để truyền tin và chia sẻ thông tin với bạn bè, gia đình và đồng
nghiệp, và thật là đáng xấu hổ, nếu người dân ở Việt Nam hoặc bất cứ
nước nào khác không có quyền vào trang Facebook, là trang giúp người ta
chia sẻ tin tức với người quan tâm.”
Chặn Facebook trong ý đồ kiểm soát thông tin
Tới lúc Ðại Sứ Michalak viết công điện này vào tháng 11, chuyện
Facebook bị chặn đã rõ ràng. “Không còn thắc mắc gì nữa, rõ ràng là
trang mạng này đang bị chặn bởi các công ty cung cấp dịch vụ Internet
tại Việt Nam, và chỉ thị cho các công ty này đồng loạt chặn trang mạng
này rất có thể đến từ nhà cầm quyền trung ương.”
Thông tấn xã AP đưa tin Facebook bị chặn. Báo chí thế giới rầm rộ tin
tức về vụ này. Thông tấn xã Ðức DPA trích lời viên chức của FPT và
VNPT, hai công ty cung cấp dịch vụ Internet lớn của Việt Nam, xác nhận
có lệnh của nhà nước bắt buộc chặn Facebook.
Bộ Trưởng Thông Tin Truyền Thông Lê Doãn Hợp phát biểu tại Quốc Hội,
và lời phát biểu này được báo chí quốc tế loan đi khắp nơi, cho thấy ông
xem mạng Internet như là một mối đe dọa: Ông gọi mạng này là nơi phát
tán những thông tin sai lạc và luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù
địch. (Ông Hợp cũng là tác giả của hai chữ “lề phải”.)
Tuy chú trọng vào Facebook vì là một công ty Mỹ, điều mà công điện của Ðại Sứ Michalak quan tâm hơn là ý đồ kiểm soát thông tin.
Nhiều người được tòa đại sứ hỏi ý kiến thì cho rằng chuyện chặn trang
mạng Facebook “là một phần khuynh hướng của Việt Nam đang dần dần giống
Trung Quốc hơn - nơi mà Facebook, Twitter và Youtube đều bị chặn,” công
điện viết.
Nhưng tại sao lại chặn Facebook trong muôn vàn trang web khác? Công
điện đặt câu hỏi, và đưa ra hai giả thuyết. Một giả thuyết là Việt Nam
chặn Facebook để chừa sân cho một sản phẩm nội hóa như Zing.com. Tuy
nhiên, Ðại Sứ Michalak cho rằng giả thuyết này không hợp lý vì Zing.com
là của Vinagames và, theo ông, “Vinagames là một công ty thuần túy tư
nhân không có liên hệ gì đặc biệt hơn các công ty khác, với chính phủ
Việt Nam.”
Chơi game cũng bị cấm “Trường Sa”
Giả thuyết khác, là việc chặn Facebook chỉ là một bước trong một loạt
các biện pháp mà Việt Nam sử dụng để siết chặt thông tin qua Internet.
Facebook là nơi nhiều người dùng để thảo luận các đề tài chính trị ngoài
luồng, và chính phủ Việt Nam không thích điều đó.
Trang
web của Vinagames. Công ty này nói họ bị bắt phải sửa phần mềm để ngay
cả khi chơi game người Việt Nam cũng không được dùng những chữ như
“Trường Sa”. (Hình: Vinagames.com)
|
Công điện tiết lộ, là người trong nước chơi game online cũng bị cấm dùng những chữ nhạy cảm như Trường Sa-Hoàng Sa:
“Công ty game online lớn nhất Việt Nam, Vinagames, xác nhận là bị bắt
buộc phải sửa đổi lại phần mềm để chặn một số chữ cấm, thí dụ như
‘Trường Sa’ - cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt.”
Trước khi Vinagames thay đổi phần mềm, nhiều game thủ dùng chức năng
“chat” của game online như là một cách để thảo luận những đề tài nhạy
cảm, đã bị cấm không thảo luận được trong các “chat room” của Việt Nam,
công điện viết.
Riêng với Facebook, tuy bị chặn, nhưng dân Việt Nam vẫn có cách leo
tường lửa để vào. “Tất cả những cách (vượt tường lửa) này được đăng tải
rộng rãi trên Internet và được chuyền tay nhau ồ ạt khắp nước.”
Tuy vậy, sự thật vẫn là “chính quyền Việt Nam đang mong muốn kiểm
soát Internet chặt chẽ hơn,” công điện viết. “Vào cuối năm 2007, Bộ
Thông Tin Truyền Thông ra một văn bản đại ý cấm hết tất cả những cuộc
thảo luận trên mạng mà có liên quan tới chính trị, kinh tế, hay bất cứ
cái gì có thể gọi là ‘tin tức.’”
“Trong hai năm 2007 và 2008, rất nhiều blogger nổi tiếng bị bắt hoặc
bị đuổi việc và nhiều người khác bị cảnh cáo là sẽ bị truy tố nếu không
ngưng viết blog,” công điện cho biết.
Tuy nhiên, việc cấm hẳn một trang mạng hàng đầu của thế giới, theo
công điện này, “là một bước gia tăng đáng kể” trong việc siết chặt thông
tin.
Ðại Sứ Michalak cho biết ông sẽ phản đối với Bộ Thông Tin Truyền
Thông, và cũng sẽ mang điều này ra nói với các nước khác đang viện trợ
cho Việt Nam: Tại Hội Nghị Nhóm Tư Vấn Các Nhà Tài Trợ Cho Việt Nam, và
trong cuộc đối thoại về Công Nghệ Thông Tin Truyền Thông (ICT Dialogue).
------------------
Liên lạc tác giả: VuQuiHaoNhien@nguoi-viet.com