Phạm Văn Điệp
Trong thời gian qua tại Việt Nam, tôi được cơ quan an ninh Việt Nam
chú ý và được mời đến để đàm luận với nhau về các vấn đề về Biển Đông
giữa Việt Nam với Trung Quốc, vụ án Cù Huy Hà Vũ và các vấn đề vô lý
trong bầu cử ở Việt Nam. Trước các chủ trương phải để cho Đảng và nhà
nước lo và điều phối trong các sự việc liên quan đến biển Đông, chủ
trương kết luận ông Cù Huy Hà Vũ phạm pháp và chủ trương Đảng không giao
cho ai quyền lãnh đạo, chỉ đạo trong bầu cử, tôi đã giải thích với cơ
quan an ninh Việt Nam như sau:
1. Chủ trương để cho Đảng, nhà nước lo và điều phối
trong các sự việc liên quan đến biển Đông giữa Việt Nam với Trung Quốc
là một chủ trương bất lợi cho an ninh, chủ quyền quốc gia Việt Nam và
bất lợi cho uy tín của chính phủ với người dân Việt Nam và thế giới.
Do sự vội vã tán thành Tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc gồm cả quần
đảo Hoàng Sa và Trường Sa năm 1958 bằng Công hàm của Thủ tướng chính phủ
Việt Nam là Phạm văn Đồng gửi cho Thủ tướng Trung Quốc là Chu Ân Lai
nên mọi cuộc đàm phán của chính phủ Việt Nam sau này với Trung Quốc để
khẳng định chủ quyền của Việt Nam gồm có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa
đều bị phía Trung Quốc khống chế, bác bỏ và có lý do để chỉ chỉ trích
phủ Việt Nam lật lọng, thủ đoạn và vô liêm sỉ. Người dân Việt Nam không
thể khoanh tay đứng nhìn quân xâm lược Trung Quốc vừa ăn cướp vừa lên
giọng dạy dỗ liêm sỉ nên đã cùng nhau tập hợp phản đối Trung Quốc xâm
lược và đòi chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa dựa theo các bằng chứng lịch
sử, nhằm không cho Trung Quốc lợi dụng Công hàm có nội dung liên quan
đến chủ quyền quốc gia không thông qua biểu quyết của Quốc hội và toàn
dân. Giải pháp hiệu quả hiện tại phải để cho dân lo liệu theo tinh thần "Khó vạn lần, dân liệu cũng xong".
Đảng, chính phủ phải thành thật nhận khuyết điểm trước người dân và
cùng nhân dân Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt lợi dụng công hàm sai
trái để tiến tới bàn giao chủ quyền dựa theo các bằng chứng sở hữu lịch
sử. Kiên quyết không tán thành việc câu giờ để Trung Quốc tiếp tục
chiếm đóng, tạo bàn đạp để gây hấn, phá hoại và bắn giết ngư dân Việt
Nam.
Trong thời gian qua, những người Việt Nam yêu nước đã xuống đường
biểu tình phản đối Trung Quốc xâm lược. Đảng Cộng sản và nhà nước Việt
Nam đã tiến hành một loạt các hành vi sai trái như cô lập, đàn áp, đe
dọa người yêu nước đã tham gia biểu tình, loại bỏ những người công dân
Việt Nam yêu nước ra khỏi cộng đồng xã hội bằng cách không cho báo chí
là diễn đàn của người dân nói về tinh thần yêu nước của người Việt Nam
biểu tình chống Trung Quốc xâm lược. Những hành vi đó của Đảng và Nhà
nước phải được xem là phản dân, hại nước và cần phải xem xét lại. Không
có kẻ nào có quyền ngăn cấm lòng yêu nước hay đăng ký phiền hà để bày tỏ
lòng yêu nước, mà chỉ có kẻ cướp và bán nước mới hay làm các điều ngăn
cản và phiền hà này.
2. Tạo ra Vụ án Cù Huy Hà Vũ, Chính quyền đã gây một
tổn thất nặng nề cho an ninh, chủ quyền quốc gia và đẩy Việt Nam vào
thế tứ cố vô thân để Trung Quốc tự tin hơn trong kế hoạch thôn tính.
Trước câu hỏi của cơ quan an ninh: Tại sao lại khẳng định ông Cù Huy
Hà Vũ vô tội và người không đáng bắt thì bị bắt còn người đáng bắt lại
không bắt?
Lời giải thích được nêu lại như sau:
A. Với nhận xét người vô tội không đáng bắt như ông Cù Hùy Hà Vũ:
Do trong xã hội đang tồn tại phương châm: Dân biết, dân bàn, dân làm,
dân kiểm tra và người dân là chủ, cán bộ, đảng viên là đầy tớ nên người
dân với hiểu biết của họ, họ có quyền bàn luận và nêu tất cả các vấn đề
đang hiện hữu trong xã hội. Có dân trước, có cán bộ sau. Người dân bàn,
hội ý với nhau trước, Đại biểu quốc hội hay cán bộ nắm bắt ý của dân
sau và phải đem các ý muốn của người dân ra bàn để lập ra các chính sách
phù hợp, lập ra các điều trong Hiến Pháp, trong luật pháp phù hợp, các
cơ quan chức năng phải giải quyết các mong muốn, nguyện vọng của người
dân một cách khẩn trương và hợp lý. Với tư cách là một Công dân Việt
Nam, ông Cù Huy Hà Vũ đã sử dụng kiến thức của mình một cách tự tin để
nêu ra các vấn đề cùng các sự kiện để cả xã hội cùng quan tâm và giải
quyết theo hướng có lợi cho đất nước và dân tộc. Trong khi nhiều người
khác do hiểu biết có hạn, không đủ khả năng nêu ra vấn đề cùng hướng
giải quyết, hoặc thiếu tự tin, thiếu can đảm nên không tích cực đưa ra
những bài viết, quan điểm sát với thực tiễn. Trong vụ án Cù Huy Hà Vũ có
nhiều sự ngộ nhận và quy kết vô lý từ phía chính quyền như cho rằng
xuyên tạc lịch sử, coi cuộc chiến tranh trước 1975 là cuộc nội chiến,
đòi thả hết người của VNCH trong các nhà tù, tuyên truyền đa đảng, đòi
bỏ điều 4 chống lại Hiến Pháp, kêu gọi nước ngoài (Mỹ) can thiệp vào nội
bộ Việt Nam, bị các thế lực thù địch lợi dụng để chống phá nhà nước
CHXHCN Việt Nam. Những luận cứ của chính quyền đưa ra trong vụ án đều
bộc lộ hiện tượng vi phạm các quyền cơ bản của công dân được ghi trong
Hiến Pháp và các văn bản pháp luật của Việt Nam.
- Đánh giá về cuộc chiến trong hoàn cảnh "Chiến tranh lạnh" bao trùm
toàn thế giới, việc người Việt Nam tự tìm các lực lượng hậu thuẫn để đối
đầu với nhau là việc đã từng xảy ra, Bác Hồ tìm sự hậu thuẫn của phe
XHCN, Ngô Đình Diệm tìm sự hậu thuẫn của phe TBCN là một sự thật, trong
khi đó, nhiều tư liệu lịch sử về cuộc chiến đang được bảo mật nên việc
đánh giá, nhận định phụ thuộc vào kiến thức chủ quan của từng người, ai
đó gọi cuộc chiến đó là nội chiến đối với xã hội cũng không gây hại gì.
Việc đang còn bảo mật các tài liệu mật của cuộc chiến và buộc người dân
phải nói và hiểu giống như Đảng đã tuyên truyền là vi phạm quyền bày tỏ
quan điểm khác biệt, khác chính kiến của người dân. Quan điểm đòi thả
hết tù nhân là cán chính VNCH trong các nhà tù hiện nay cũng hoàn toàn
phù hợp và có lợi cho dân tộc trong tinh thần đoàn kết, xóa bỏ hận thù,
hướng tới tương lai. Nguyễn Cao Kỳ là người còn sống có vai trò và địa
vị cao nhất của VNCH đã được chào đón và tự do ở Việt Nam đi lại thì chế
độ này sao lại tiếp tục giam tù cấp dưới của ông ta? Đó là sự bất công
cần phải xem xét lại và ông Cù Huy Hà Vũ đứng trước một thực trạng đó đã
đưa ra vấn đề và mong xã hội giải quyết theo vấn đề đó cũng là việc làm
thường tình, không có gì nên tội.
- Nhân dân Việt Nam đã từng bàn kể cả việc so sánh, thảo luận giữ chế
độ nào là phù hợp để Đại biểu quốc hội căn cứ theo nguyện vọng đó mà
soạn thảo Hiến Pháp thì việc bàn luận bỏ điều 4, điều 5 hay dăm điều nào
đó cũng là việc bình thường trong xã hội, điều này chứng tỏ nhân dân
Việt Nam luôn vận động và liên tục góp ý với nhau để xây dựng đất nước.
Nếu chính quyền cho rằng việc vân động, bày tỏ hiểu biết để đòi bỏ, thay
đổi nội dung một vài điều của Hiến Pháp là chống lại Hiến Pháp thì đáng
lý ra phải bắt bỏ tù toàn bộ các Đại biểu Quốc hội từ những năm khi sắp
ban hành các HP của Việt Nam 1959, 1980 và 1992 hoặc tối thiểu là bắt
bỏ tù những người đang tham gia soạn thảo sửa đổi Hiến Pháp 1992. Thành
ra việc bàn để hủy bỏ hoặc thay đổi nội dung một số điều là việc làm
thường xuyên trong nhân dân, đặc biệt là giới trí thức và không thể coi
đó là hoạt động chống lại Hiến Pháp hay nhà nước. Ông Cù Huy Hà Vũ là
một trí thức nên càng không thể phủ nhận vai trò tích cực của ông trong
xã hội. Bắt tù công dân vì họ đã bàn luận tích cực các điều của Hiến
Pháp là vi hiến vì công dân có quyền bàn luận và tạo cơ sở cho Đại biểu
Quốc hội dựa vào đó để biểu quyết.
- Việc đưa ra ý tưởng liên minh với Hoa Kỳ để chống lại kế hoạch thôn
tính, xâm lược của Trung Quốc là một giải pháp hữu hiệu. Không riêng gì
ông Cù Huy Hà Vũ mà còn bao nhiêu người Việt Nam khác khi nhận thấy an
nguy của đất nước trước tham vọng xâm lăng và phá hoại, ăn cướp của
Trung Quốc đã phải suy nghĩ tìm trăm phương ngàn kế để đối phó. Có người
đưa ra ý tưởng liên kết với Nga, có người cho rằng chỉ cần liên kết với
khối Asian, có người bàn nên câu giờ với Trung Quốc để lập thế trận, có
người tập trung tạo khối Đông Dương đoàn kết và tương trợ...nên một
Công dân như ông Cù Huy Hà Vũ nêu ra giải pháp liên minh với Hoa Kỳ để
chống khả năng hung hăng, coi thường và gây hấn của Trung Quốc là điều
tất yếu và đáng được ghi nhận. Việc liên kết quân sự hay hợp tác toàn
diện không có gì là mới lạ, đã được Bác Hồ sử dụng từ 1946 khi dùng Quân
đội Pháp thay thế Quân đội Tàu Tưởng hoặc sau này là Hiệp ước toàn diện
giữa Việt Nam với Liên Xô 1978 để chống Trung Quốc 1979. Đó là điều
không có gì mới lạ hoặc sai trái mà là một việc đáng làm, đáng nêu ra
trong hoàn cảnh hiện nay. Bắt bỏ tù ông Cù Huy Hà Vũ về việc kêu gọi
liên minh với Hoa Kỳ càng làm cho Trung Quốc thỏa ý vì Bản án cho ông Cù
Huy Hà Vũ đã làm cho nhân dân và Chính Phủ Hoa Kỳ buộc phải đối phó với
chính quyền Việt Nam và chia rẽ sự hợp tác, không có Hoa Kỳ cản trở
ngáng đường gây hấn của Trung Quốc thì Việt Nam đã rơi vào hoàn cảnh tứ
cố vô thân và Trung Quốc dễ bề thôn tính. Đó là bản án mà Trung Quốc rất
cần để cô lập Việt Nam với Hoa Kỳ.
- Quan niệm của an ninh Việt Nam cho rằng ông Cù Huy Hà Vũ bị các thế
lực thù địch lợi dụng để xuyên tạc chế độ, chống phá nhà nước đàn áp
dân chủ, nhân quyền nên phải bắt ông Cù Huy Hà Vũ nhằm tránh nguy hiểm
cho an ninh quốc gia là một quan niệm sai trái, bởi nhẽ ông Cù Huy Hà Vũ
đã được chứng minh là một trí thức tích cực trong xã hội hiện tại nên
khi cho rằng ông Cù Huy Hà Vũ bị thế lực nào đó lợi dụng thì phải tìm
bắt kẻ lợi dụng và hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân là người bị lợi dụng, chứ
không thể làm điều ngược lại kém thông minh là bắt người nạn nhân bị lợi
dụng. Đó là hành vi hại dân, hại nước.
B. Với người đáng bắt thì lại không bắt:
- Như báo chí, công luân và thông tin nhiều chiều đã phơi bày nhiều
sự kiện, riêng bê bối trong vụ Vinashin, trung bình mỗi người dân Việt
Nam phải chịu thất thoát hơn 1 triệu ĐVN mà người phải chịu trách nhiệm
là Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, so với sự việc ông Cù Huy Hà Vũ không gây
hại gì cho bất kỳ người dân nào thì Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đáng lý ra
phải bị truy cứu trách nhiệm (phải bị bắt). Thành ra, mọi quan niệm,
hành xử lâu nay nên xem xét lại.
3. Bầu cử ở Việt Nam trong năm 2011 là một hiện tượng phi dân chủ và áp đặt. Cơ quan an ninh không bàn luận thêm.
Với tinh thần sống và làm việc theo Hiến Pháp và Pháp luật trong các
sự việc vừa qua, tôi có thể chủ quan đánh giá tinh thần làm việc và hiểu
biết phải trái của cơ quan an ninh tỉnh Thanh Hóa hơn hẳn cơ quan an
ninh tại Thủ đô Hà Nội. Sau khi trao đổi với nhau, cán bộ an ninh tỉnh
Thanh Hóa đều thấy được sự hợp pháp của từng vấn đề và thỏa mãn trong
việc không làm phức tạp vụ việc, không ngăn cản việc xuất cảnh ngày
10.8.2011 của tôi. Tuy nhiên do sự bảo thủ của Bộ Công An, tại sân bay
Nội Bài, lúc làm thủ tục trình hộ chiếu xuất cảnh, trên mạng vẫn lưu hồ
sơ không cho xuất cảnh và Đội an ninh sân bay Nội Bài đã tham vấn với
PA61 tỉnh Thanh Hóa để tôi trở lại máy bay kịp giờ.
Phạm Văn Điệp