Thứ Tư, 3 tháng 8, 2011

Chừng nào Việt Nam trở thành khu tự trị của Trung Quốc?


Võ Long Triều


Từ ngàn xưa vua chúa nước Tàu luôn luôn chủ trương mở rộng bời cõi. Thu phục chư hầu, bắt phải triều cống ngọc ngà châu báu, lương thực và hiến dâng mỹ nữ vào làm cung phi.


Dân tộc Trung Quốc hãnh diện về văn hóa và lịch sử của mình, nó ăn sâu vào tim óc của họ, do đó tinh thần Bành Trướng không phải là chính sách mà đã trở thành bản chất của đa số người Hán tộc. Ðặc biệt đối với nhà cầm quyền cộng sản cũng vậy (Bộ Chính Trị đảng) họ cũng độc quyền cai trị, cũng nuôi tham vọng thống trị như vua chúa ngày xưa. Hơn thế nữa, Trung Quốc ngày càng đông dân, nhu cầu thực phẩm ngày càng nhiều, tham vọng bá quyền càng lớn nên sự cạnh tranh kinh tế quân sự ngày càng thôi thúc mãnh liệt hơn.

Ðể thỏa mãn những điều kiện đó Trung Quốc cần chiếm Biển Ðông nơi có thể cung cấp một phần lớn hải sản. Trung Quốc cần rất nhiều khoáng sản quan trọng dùng cho ngành kỹ nghệ đang phát triển trong xứ nên họ mới bỏ vòi thôn tính bằng tiền bạc, đối với các nước nghèo khó ở Phi Châu hay Bắc Mỹ. Trung Quốc cần trữ lượng dầu khí tiềm tàng dưới đáy Biển Ðông mà các chuyên gia ước tính con số không thua tổng sản lượng các nước ở lục địa Châu Phi.


Bá quyền Trung Quốc tại Biển Ðông và Việt Nam


Vì nhu cầu và tham vọng, dựa vào sức mạnh kinh tế và quân sự đang lên, và cũng theo sự chỉ giáo của chiến lược gia Ðặng Tiểu Bình, Trung Quốc nhận thấy thời cơ đã cho phép họ ngang nhiên tuyên bố: “Hải phận Trung Quốc nằm gọn trong cái lưỡi bò,” xấc xược liếm gần hết Biển Ðông. Họ còn nói thêm: “Ðiều đó không thể tranh cãi,” và khẳng định rằng các hải đảo trong vùng thuộc sở hữu của Trung Quốc từ hai ngàn năm về trước. Ngang ngược tuyên bố điều đó một cách trơ trẽn trước hội nghị quốc tế làm cho tất cả chuyên gia, luật gia, sử gia, hiện diện đều phủ nhận và phê bình. Thế nhưng Trung Quốc vẫn làm ngơ bất chấp, và tìm cách ép buộc các nước đang tranh chấp chủ quyền, từng đối tác một, thương lượng với nước láng giềng khổng lồ, trước áp lực quân sự và hành động của kẻ mạnh.


Riêng đối với Việt Nam, mưu đồ của Trung Quốc đã có từ khi Hồ Chí Minh và đồng bọn cậy nhờ trong lúc họ trốn sang Tàu hoạt động cuối thời Pháp thuộc. Về sau họ van xin cầu viện sẵn lòng hy sinh hàng triệu mạng sống người Việt để làm nghĩa vụ quốc tế, lan truyền chủ nghĩa cộng sản. Hồ Chí Minh và đồng bọn hứa hẹn bất cứ điều gì miễn sao chiếm được quyền cai trị toàn nước Việt Nam.


Nhiều thập niên qua, chúng ta đã thấy quá nhiều sự việc chứng minh Hà Nội đầu phục Bắc Kinh, dâng đất, dâng biển, đổi lấy lợi lộc công danh.


Một vài thí dụ sau đây chứng minh điều đó: Tàu của Trung Quốc đụng chìm ngư thuyền Việt Nam, truyền thông báo chí phải gọi là “tàu lạ.” Thanh thiếu niên mặc áo có chữ HS-TS-VN bị công an bắt và tra hỏi. Thanh niên biểu tình chống Trung Quốc cướp hải đảo bị bắt và ngăn cấm. Trung Quốc cắt dây cáp tàu Việt Nam thăm dò địa chất 2 lần, không dám phản ứng mạnh. Trung Quốc muốn khai thác Bauxite, Hà Nội giao liền, bất chấp sự phản đối của quân nhân, trí thức, nhân sĩ. Hà Nội giao 95% những gói thầu cho người Trung Quốc, từ xây cất, điện lực, cầu đường, thậm chí điều kiện sách gọi thầu cũng giao cho công ty cố vấn Trung Quốc soạn thảo. Nhân công Trung Quốc lập làng xã riêng biệt, nhà nước Việt Nam làm ngơ. Nhà nước cho Trung Quốc mướn rừng 50 năm dài hạn khắp các tỉnh biên giới Bắc Việt. Gần đây nhứt, Thứ Trưởng Ngoại Giao Hà Xuân Sơn đi sứ sang Tàu ký kết hứa hẹn điều gì mà 18 nhà trí thức yêu cầu bạch hóa những điều khoản đã ký, nhà nước giấu nhẹm. Riêng Hà Xuân Sơn chỉ lập lại 16 chữ vàng và 4 cái tốt sau chuyến đi du thuyết sang Tàu.


Như vậy, đủ cho thấy Trung Quốc đã chiếm Việt Nam không cần vũ khí, chỉ nhờ vào các đảng viên cao cấp đã từng “ăn bã” Trung Quốc, trở thành một loại “Quan Thái Thú” hay “Quan Toàn Quyền” của Trung Quốc. Ðiều này chứng minh Việt Nam đã âm thầm, trở thành khu tự trị của Trung Quốc rồi!


Bá quyền Trung Quốc lan sang Tây Tạng và Tân Cương như thế nào?


Tham vọng bành trướng của Bắc Kinh không chỉ ngừng trên vùng Biển Ðông hay đối với Việt Nam mà thôi. Trong quá khứ đối với láng giềng Tây Tạng, một nước độc lập từ ngàn năm xưa, Trung Quốc khôn ngoan xâm nhập một cách ôn hòa, di dân người Hán vào trước, rồi lấy cớ Tây Tạng nghèo đói, chậm tiến nên cần phải được giải phóng nhân dân bị cai trị một cách bất công.


Vì vậy, ngày 7 tháng 10 năm 1950 Trung Quốc xua 40,000 quân tinh nhuệ dẹp tan bộ đội Tây Tạng chỉ có 8,500 quân lính trang bị vũ khí thô sơ, rồi họ tuyên bố “giải phóng một cách hòa bình.” Chính phủ Tây Tạng và Quốc Hội, trí thức, cao tăng chạy sang Dharamsala miền Bắc Ấn Ðộ tị nạn. Năm 1959 sau một cuộc nổi dậy bất thành, Ðức Ðạt Lai Lạt Ma cũng phải chạy sang nơi đó tá túc. Sự thật Trung Quốc chiếm Tây Tạng chỉ vì xứ này có nhiều mỏ trong lòng đất mà Trung Quốc rất cần như Uranium, Lithium, Vàng, Bạc, Chrome, Borax, Chì, Kẽm, than đá và gỗ quý trong những khu rừng có diện tích 2,220,000 cây số vuông.


Ngày nay, nước Tây Tạng nhỏ bé, có vị thế chiến lược quân sự, phải nuôi 300,000 quân lính Trung Quốc đồn trú tại đó với một phần tư (1/4) hỏa tiễn có đầu đạn nguyên tử của Trung Quốc và 14 phi trường quân sự.


Sống trong hoàn cảnh lưu vong mất nước Ðức Ðạt Lai Lạt Ma thấu hiểu trào lưu tiến bộ của nhân loại là dân chủ, tự do nên ông trao quyền lãnh đạo cho một thủ tướng lưu vong, ông Lobsang Sangay, được người Tây Tạng bầu ngày 27 tháng 4 năm 2011. Vị Phật sống thứ 14 này sáng suốt phân biệt đạo và đời, có lẽ ông hy vọng nếu có thời cơ thuận tiện, những người dân sự không bị vướng mắc vì đại diện tôn giáo như ông, sẽ biết cách lãnh đạo dùng mọi phương tiên tranh đấu giành lại độc lập tự do.


Nói đến vùng tự trị Tân Cương (có tên là Turkistan Oriental) sau khi những vị lãnh đạo quốc gia được mời đi phó hội với Chủ Tịch Mao Trạch Ðông bị tai nạn máy bay trong điều kiện bí mật với nhiều nghi vấn, Trung Quốc sát nhập Tân Cương thành khu tự trị.


Nhiều cuộc nổi dậy bị thẳng tay đàn áp từ năm 1997 đến năm 2009. Ðặc biệt các cuộc nổi dậy từ ngày 18 đến 23 tháng 3 năm 2008 và ngày 5 tháng 7 năm 2009 tại Urumqi làm 800 người chết, theo tin của hội nghị quốc tế của người Ouighour tại Munich, số người bị thương không biết được. Trung Quốc bắt giam không biết bao nhiêu người và đã xử tử 26 người. Bà Rebiya Kadeer, một nhà hoạt động cho người Ouighour, tuyên bố: “Chính quyền Trung Cộng đối xử chúng tôi như thú vật. chúng tôi chịu đau khổ cũng giống như người Tây Tạng đang chịu đau khổ...”
Kết luận


Mặc dù đất nước Việt Nam chưa chính thức bị sát nhập với Trung Quốc thành một khu tự trị nhưng thực tế Hà Nội đã thay Bắc Kinh cai trị đất nước mình rồi. Như vậy một khi dân chúng nổi đậy lật đổ Bộ Chính Trị tay sai thì Hà Nội sẽ kêu viện binh Trung Quốc tàn sát dân mình như đã tàn sát cuộc biểu tình ở Thiên An Môn chiếu theo thỏa ước “hợp tác công lực” với đồng chí láng giềng hữu nghị. Cũng như Trung Quốc đã tàn sát người Ouighour ở Urumqi, người Tây Tạng ở Lhassa.


Tây Tạng có Ðức Ðạt Lai Lạt Ma tượng trưng cho sự đoàn kết chặt chẽ, Tân Cương có Rebiya Kadeer và nhóm người lưu vong tại Munich. Tiếc thay người Việt chúng ta khó kết hợp thành một khối, có uy thế và sức mạnh, khả dĩ tạo được sự tin tưởng đối với đồng bào trong nước và quốc tế. Hy vọng thế hệ mai sau ý thức được nhu cầu đoàn kết, tập hợp được toàn dân như ông cha ta dã làm, như nhiều người đang đốc thúc tạo một hội nghị Diên Hồng quyết tâm cứu dân cứu nước.


Phân tích những thực tế phũ phàng như trên không có nghĩa là bi quan, trái lại những sự chèn ép quá đáng, ngày càng rõ, càng nhiều, càng gây uất ức phẫn nộ, thì càng khuyến khích quần chúng phản ứng mạnh hơn, càng thúc đẩy lòng can đảm và sự liều lĩnh xả thân tranh đấu cho tự do dân chủ.


Cũng có thể vận nước khiến lòng người Tân Cương, Tây Tạng, Việt Nam và nhiều bộ tộc khác của Trung Quốc, nổi dậy bẻ gãy xiềng xích, đòi độc lập tự do, chừng đó nước khổng lồ Trung Quốc sẽ giống như Liên Xô sụp đổ chia thành những quốc gia độc lập sống thuận hòa trong một thế giới mà mọi công dân hưởng trọn vẹn quyền tự do và nhân quyền.












Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"