Truyện kể về 1 người tù
Gã Ðầu Bạc
(Nguồn: Facebook)
Năm 1982 sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự, tôi về lại Hà Nội nơi sinh ra và lớn lên.
Trong thời gian tim kiếm việc làm tôi vô tình được tham gia 1 chuyến đi, được tiếp xúc, được nghe kể 1 câu chuyện. Câu chuyện đó đã đọng lại trong tôi suốt năm tháng mặc dù đã gần 30 năm trôi qua song đến nay nó vẫn còn mang tính thời sự và vẫn là 1 dấu hỏi lớn cho mọi người trên đất Việt này, cũng như những người vì thời thế xô đẩy đã phải ly hương.
Số là tôi có 1 người bà con mà tôi gọi là dì. Dì Lê. (Tên địa danh kể cả tên người trong câu chuyện này tôi đều sử dụng tên thật.) Dì tôi đẹp lắm, năm đó dì chắc chỉ khoảng trên dưới 30 tuổi. Cao, trắng, khuôn mặt thanh tú, giọng nói Sài Gòn rất truyền cảm. Dì có chồng là 1 sĩ quan quân đội Cộng Hòa mà chúng ta vẫn gọi là “Ngụy quân.” Ông bị đi học tập cải tạo sau 30 tháng 4 như cả vạn người khác thời đó.
Dì ra Bắc thăm nuôi chồng. (Miền Bắc gọi là tiếp tế, tôi thấy từ thăm nuôi đúng hơn.) Dì rủ tôi đi áp tải cùng. Phần tôi, lúc đó đang thất nghiệp. Và lại tôi cũng hết sức tò mò không biết 1 sĩ quan QLSG ra sao, tôi đồng ý đi liền.
Hai dì cháu lên tàu hỏa đi suốt 1 đêm. Cái đêm hôm đó qua lời kể của dì tôi nghiệm ra 1 điều: trong cuộc chiến Bắc-Nam những người đau khổ nhất, thiệt thòi nhất là những người mẹ, những người vợ của lính. Cũng là đương nhiên những người mẹ những người vợ ở bên kia chiến tuyến, sự đau khổ và thiệt thòi “được” nhân đôi khi cuộc chiến kết thúc. Câu chuyện dì Lê kể luôn thấm đẫm nước mắt!!
Vì quá nhiều đồ thăm nuôi nên 2 dì cháu đi toa đen (tức là toa không có ghế, người và hàng hóa cùng chung sàn tàu, dân miền Bắc đều biết loại toa tàu này) và kỳ lạ thay, hành khách trên toa đa phần là dân tiểu thương buôn thúng bán mẹt. Ða phần là các mẹ, các chị tất thẩy đều lắng nghe câu chuyện của dì. Câu chuyện của vợ 1 sĩ quan “Ngụy,” với thái độ thông cảm và chia sẻ! Tôi lặng lòng. Ôi người phụ nữ Việt Nam, chẳng có từ ngữ nào có thể nói được hết những tấm lòng của họ. Họ thật vĩ đại!
5 giờ sáng, tàu đến ga Ấm Thượng 1 ga nhỏ của tỉnh Phú Thọ. 2 dì cháu khuân hết hành lý xuống 1 bến đò. Dì cho biết đường bộ không vào đến nơi chỉ có đi đò là tiện nhất.
Dì còn tranh thủ vào chợ mua 1 ít đồ tươi sống rau, củ, quả... Ðiều làm tôi ngạc nhiên là dì mua được 1 tạ gạo. Thời đó miền Bắc đang là nơi ngăn sông cấm chợ. Gạo, thực phẩm khan hiếm lắm. Sau nghe dì kể tôi mới biết dân ở đây luôn ưu tiên những người vợ lính đi thăm chồng (chỉ dân thôi nhé). Chẳng biết đường bao xa nhưng tôi đi lâu lắm. Tôi còn chập chờn ngủ được 1 giấc trên đò. Xế trưa đò cập bến. Dì thuê 1 chiếc xe bò khuân hết đồ đạc lên. 2 dì cháu đi thêm chừng 1km nữa khu trại hiện ra đó là phân trại K5. 2 dì cháu ở ngoài khu giam giữ dãy nhà đó được đặt tên là Nhà Hạnh Phúc. Tù mà hạnh phúc? Tôi thắc mắc. Dì Lê giảng giải: Ðây là khu nhà dành cho những phạm nhân có vợ lên thăm và được ở 2 ngày 1 đêm với điều kiện người tù phải cải tạo tốt.
Ðầu giờ chiều chúng tôi được gặp người nhà, đây là lần đầu tiên tôi được gặp cậu và cũng là lần đầu tiên tiếp xúc trực diện với 1 người mà bấy lâu tôi luôn được giáo huấn: Ðó là Kẻ Thù!
Cảm nhận đầu tiên của tôi, ông thật đẹp, dáng cao, da bánh mật, khuôn mặt sáng, tóc đen bóng mà xoăn từng nếp. Ðó là chân dung 1 đại úy cảnh sát đặc biệt của chế độ Sài Gòn! Ông tên là Liêm, có biệt danh là Liêm Xoăn.
Vào những năm sau 1975 có 1 cuốn sách tựa đề “Chân dung (hay khuôn mặt gì đó) của 1 số viên tướng Ngụy Sài Gòn.” Tôi đã đọc và tự mình đưa ra 1 nhận xét. Tôi nói nhận xét đó của tôi cho 1 chính trị viên đại đội (nhập ngũ năm 1963): Thưa thủ trưởng thằng cha nhà văn này nó bêu xấu quân đội ta. Ông trợn mắt rồi nói: Thằng này láo! Tôi cười rồi vội giải thích với ông: Nếu mấy cha tướng ngụy chỉ cần đúng 50% những gì kể trong cuốn sách này thì chả hóa ra quân đội ta chiến thắng 1 lũ ngu ngơ chả biết gì. Tôi chỉ là thằng lính trơn còn sôi máu huống gì các thủ trưởng? Ông nghe ra rồi hạ giọng: Cậu chỉ nói với tớ thôi nhé đừng lộng ngôn mà khổ đấy con ạ! Buồn! Có thể sau này người ta cũng biết hay sao mà cuốn sách đó tuyệt nhiên chả tìm thấy đâu nay tôi muốn tìm đọc lại cũng không có. Chung quy cũng chỉ vì nền “văn học chính trị” luôn cho mình là giỏi, là tài là đỉnh cao muôn trượng còn người khác thì vứt đi hết.
***
Tối hôm đó tôi giữ ý xin phép cho tôi được đi xem TV (tù chính trị được xem TV tập chung ở sân trại). Lúc này đang là Word Cup 1982 đài hoa sen hồi đó phát sóng trực tiếp trận Pháp với CHLB Ðức. Cậu tôi không đồng ý cho tôi đi, ông nói: Cháu ở lại đây với cậu, bởi cậu không muốn có 1 đứa con sinh trong tù. Và tôi đã ngồi lại để rồi thức trắng 1 đêm nữa nghe ông kể chuyện đời chuyện tù.
Sau ngày 30 tháng 4 ông cùng chung số phận với nhiều người. Số phận của những người thua cuộc - Mất hết! Nhưng ông biết chấp nhận chẳng cay cú chẳng hằn học. Thế nên ngay ngày đầu ra trình diện gia đình chuẩn bị cho ông đủ thứ mà 1 người sắp phải đi xa cần có! Nhưng thật bất ngờ, ban quân quản thành phố sau khi gặp gỡ khai báo đều cho tất cả mọi người về. Cứ như vậy, 3 lần tiếp theo họ đều được cho về. Và đây là 1 cú lừa, 1 cú lừa ngoạn mục! Lần thứ 5 khi gọi tập trung, hầu như không ai trong số họ chuẩn bị gì và đây là lúc họ phải ra đi! Kẻ ít 9-10 năm kẻ nhiều 15 năm và đến tận hôm nay 35 năm sau cuộc chiến không ai dám đoan chắc là tất cả đã được về!
Tất cả họ -1 bộ quần áo đang mặc, không tư trang không vật dụng cá nhân bị dồn xuống sà lan tại cảng Sài Gòn. Họ không biết bị đưa đi đâu. Sà lan là 1 khoang hầm rộng chỉ có cửa sổ trên cao. 2 người đứng trên vai nhau để nhìn ra cửa sổ và thông báo: Bên phải là biển - Bên trái là đất liền! Mọi người lúc đó mới biết họ bị đưa ra Bắc. Lênh đênh vài ngày 1 tối nọ, sà lan cập bến 1 cảng nhỏ đó là cảng Cửa Lò thuộc tỉnh Nghệ An. Khi rời sà lan lên bờ, 1 cảnh tượng kinh hoàng đập vào mắt họ, dọc con đường từ cảng ra ga tàu hàng trăm người dân đứng chờ sẵn, tay cầm đuốc miệng liên tục hô: Ðả đảo bọn Việt gian, đả đảo bọn ác ôn, đả đảo bọn bán nước... Ðó là cảnh ấn tượng nhất của họ khi đêm đầu tiên đặt chân lên miền Bắc XHCN! Kể đến đây ông trầm ngâm nước mắt ứa ra rồi nói như tự hỏi mình: Tại sao? Tại sao họ phải làm như vậy? Không thể hiểu, không thể lý giải nổi hành động của họ.
Tất cả họ được đưa lên tàu hỏa chạy thẳng lên Yên Bái, xuống phà Âu Lâu đi bộ sâu vào rừng. Tự dựng lán trại tự khai hoang... Thời gian lao động cải tạo hay được gọi dưới 1 cái tên là “Học Tập” mười mấy năm trời cũng được bắt đầu từ đấy. “Nhất nhật tại tù” những cơ cực, những khắc nghiệt mà ông và đồng đội của ông trong tù tôi xin miễn không kể lại vì rất rất nhiều người đều biết.
***
Vũng Tàu thời trước 1975 là 1 thành phố nhỏ dân không đông. Thành phố nổi tiếng vì có bãi biển đẹp. Dân Sài Gòn Thứ Bảy thường ra đây để nghỉ cuối tuần. Ðại úy cảnh sát đặc biệt Liêm Xoăn làm việc tại đó. Tôi đoán những người cùng thời với ông ở Vũng Tàu đa số đều biết ông, vì theo lời ông kể ông là 1 “dân chơi.” Ðẹp trai, ăn nói có duyên, cộng thêm bộ đồ cảnh sát trắng, mũ kê-pi, xe jeep mui trần trông oai lắm.
Nhưng ông đâu có ngờ cái mác CSÐB đã làm khổ ông 4 năm trời khi ông bị đi “Học tập.” Cảnh sát đã ghê đây lại là CSÐB!
Còn ghê hơn nữa, trong 4 năm đầu ông luôn bị coi là thành phần ngoan cố không thành khẩn khai báo. Mẫu đơn kiểm điểm của ông có 1 số gạch đầu dòng như 1 sự mặc định:
-Ðã giết bao nhiêu người.
-Mổ bụng bao nhiêu người.
-v.v...
Số giấy mà ông viết kiểm điểm trong 4 năm có thể lên tới hàng chục ký. Họ không tin ông! Ngược lại ông cũng không nhận những gì ông không tham gia, ông không làm. Sau vài năm như vậy chắc là do điều tra tận nơi người ta mới phát hiện ra rằng CSÐB thật ra là 1 thứ lính kiểng. Không biết có thật không nhưng sau này tôi được nghe rằng những nhà giàu có ở chế độ SG cũ sợ con em mình bị đi quân dịch nên đã chạy tiền cho con em đi học cảnh sát, giàu thêm chút nữa thì đút tiền để được là CSÐB. Ðơn giản chỉ có vậy. Nhưng ông còn là người may mắn, 1 số người khác cũng mang danh đặc biệt như ông còn khốn nạn hơn nhiều.
Những quy định trong trại cải tạo rất nghiêm ngặt và hà khắc nhất là với tù chính trị -Không nói chuyện với nhau bằng ngoại ngữ (100% sĩ quan QÐSG đều thành thạo Anh ngữ). Khi tiếp xúc với cán bộ phải đứng cách xa tối thiểu 2m v.v... Tuy nhiên đó là những năm đầu. Sau này tình hình được cải thiện rõ rệt hình như những cán bộ quản giáo ra tiếp xúc lâu năm nên đã hiểu rõ những con người mà lúc đầu họ cho là kẻ thù này. Theo như cậu tôi nói thì ông đã dạy tiếng Anh cho 1 vài quản giáo trẻ và họ cũng mến ông lắm.
Ðường vào trại K5 Tân Lập thời đó có 1 khúc sông không có cầu, đi lại rất khó khăn 1 tù nhân nguyên là đại tá công binh đã thiết kế 1 cây cầu, toàn bộ tù của trại Tân Lập là người thi công. Khi tôi đến cây cầu này đã làm gần xong.
Cậu tôi tư Liêm Xoăn đã được đổi tên là doctor Liêm. Ông cười khi tôi thắc mắc. Số là trong những lần đi khai thác gỗ trong rừng, được tiếp xúc với những người dân địa phương. Không ít lần ông đã chữa chạy cho họ những bệnh đơn giản như tiêu chảy, cảm cúm, nhức đầu sổ mũi... Cũng phải nói thêm là miền Bắc thời đó hệ thống y tế rất nghèo nàn, thuốc men khan hiếm quanh đi quẩn lại chỉ tetaxilin, sunfamit, croxit. Nhất là ở vùng sâu vùng xa thì càng tệ hơn nữa. Ðơn giản chỉ bị tiêu chảy cũng dẫn đến chết người nhất là trẻ em. (Cái nay tôi cũng từng chứng kiến khi đóng quân ở Lào Cai những năm chống Tàu) sẵn có chút kiến thức về y học lại có rất nhiều loại thuốc tốt của Pháp, Mỹ do gia đình cung cấp nên ông đã giúp được khá nhiều người. Cái tên doctor Liêm ra đời từ đó.
***
Ðã nghe lao xao tiếng gà gáy, ngoài kia trời đã sáng, 1 ngày mới bắt đầu. Tôi đồ rằng đây là lần đầu tiên sau 7 năm ở tù ông mới có dịp chuyện trò cởi mở về 1 quãng đời của ông với 1 người khác. Ðặc biệt người đó tuy là họ hàng nhưng cũng là người, trên lý thuyết là đối kháng với ông! Âu cũng là sự lạ.
Chúng tôi còn được ở với nhau nốt ngày hôm đó nữa. 2 cậu cháu đi bộ quanh khuôn viên của khu nhà, tôi chợt nhìn thấy 1 ông già cỡ chợt 70 ở trần quần đùi đội nón rách đang chăn mấy con bò bên ngoài. Ông ta kín đáo giơ 2 ngón tay trỏ và giữa, cậu tôi đáp lại bằng cách giơ 1 ngón cái của bàn tay (thời đó ít người ở miền bắc hiểu được ý nghĩa của những cử chỉ đó) cậu tôi bảo đó là 1 vị đại tá (tôi quên tên) và cử chỉ của ông ta có nghĩa “Chiến Thắng.” Tôi thất kinh. Chiến thắng ư? Ông mỉm cười. Nguyên do là có 1 tin đồn ngươi Mỹ sẽ bảo lãnh toàn bộ sĩ quan cùng gia đình của họ sang định cư tại Mỹ. Cái hôm tôi có mặt tại trại Tân Lập thông tin này đã được khẳng định là đúng do 1 ai đó nghe trộm được qua đài BBC. Những người tù chính trị coi nguồn tin này là một chiến thắng. Tôi tò mò hỏi ông: ở tù các ông có thành lập những hội, nhóm, hay tổ chức gì không? Cậu tôi lắc đầu: “Cháu nên biết rằng Cộng Sản là những người bậc thầy trong việc tổ chức những hội kín, họ có quá nhiều kinh nghiệm trong chuyện này cho nên những người đối kháng chỉ cần manh nha là đã bị bóp từ trong trứng!” Thời đó tôi chưa hiểu hết ý nghĩa của câu này.
Thế rồi giờ chia tay cũng đến. Dì Lê, như bao người vợ khác nước mắt lưng tròng, tôi cũng bịn rịn không kém. Cậu Liêm nắm chặt tay tôi: “Sẽ có ngày cậu cháu mình gặp lại nhau, nhưng chắc chắn không phải ở chốn này!”
Vậy mà 28 năm có dư sau lần thăm tù đầy ý nghĩa đó tôi không gặp lại cậu nữa! Tôi, một người lính vừa trở về lao vào cuộc mưu sinh, vào Nam, ra Bắc, làm đủ nghề rồi gia đình vợ con. Cuộc sống cũng chật vật cũng chẳng vẻ vang gì. Phần cậu Liêm tôi nghe nói mãi đến 86-87 gì đó cậu mãn hạn tù về SG trừng hơn năm rồi cả gia đình cậu sang Mỹ. Tôi cũng bặt tin cậu từ đó!
***
Vài lời nhắn gửi thay lời kết
Cậu Liêm ơi!
Bên kia bờ đại dương xa xôi, nếu vô tình cậu đọc được câu chuyện này (ở thời đại thông tin toàn cầu cháu mong việc đó xảy ra) thì cậu hãy tin rằng ở VN ngày nay đa số người dân đã hiểu về cuộc chiến ngày xưa, họ chẳng hằn thù gì. Có chăng chỉ 1 nhóm người bảo thủ và cố chấp. Cháu cũng tin rằng vài trăm người dân ngày xưa cầm đuốc, hô khẩu hiệu cũng chỉ là 1 kịch bản được soạn sẵn mà thôi. Vậy nên nếu cậu, dì còn đủ sức khỏe hãy về thăm lại quê hương, cậu cháu mình lại có dịp hàn huyên với nhau nhưng sẽ là những chuyện vui chứ chẳng phải những câu chuyện rơi nước mắt như thủa nào ở phân trại K5 Tân Lập!