Thứ Hai, 20 tháng 1, 2014

Vài cảm nghĩ về những cuộc điều trình nhân quyền vừa qua.

Trương Đình Trung

Dân Luận
Trong những năm gần đây, nỗ lực vận động cho Nhân Quyền của đồng bào trong Nước ngày càng gia tăng, số lượng người tham gia ngày càng đông đảo, càng gồm nhiều thành phần xã hội hơn, và càng lúc càng thu hút sự chú ý của công luận. Sự vận động không chỉ giới hạn trong phạm vi quốc nội, mà đang bắt đầu mở rộng, vươn lên tầm mức quốc tế. Các vụ điều trần mới đây tại Tiểu Ban Nhân Quyền của Hạ Viện Mỹ của người Việt từ trong Nước ra là một bằng chứng về điều đó. Tất nhiên, do tính chất phổ quát của Nhân Quyền, vấn đề ngoại vận là cần thiết, những cố gắng của các nhà hoạt động Nhân Quyền để vận động chính giới Mỹ, trong bước đầu, như vậy là đáng khâm phục và rất đáng được ủng hộ.
Tuy nhiên vì do mới khởi sự, những nỗ lực ngoại vận đó của người trong Nước, cũng như những các cuộc vận động chính trị khác của người Mỹ gốc Việt, vẫn còn tỏ ra hạn hẹp, tổ chức yếu và thiếu tính phối hợp, có vẻ ít cân nhắc kỹ càng khi đưa ra các đề nghị.
Hạn hẹp vì phần đông các kiến nghị, thỉnh nguyện, hay kêu gọi đều chỉ tập trung vào một số viên chức, hay cơ quan chính quyển của Mỹ; như gởi lên TT, cho các vị đại diện dân cử, đệ trình cho các tiểu ban của Quốc Hội, v.v... Tất nhiên những vận động như vậy là cần thiết và rất đáng khuyến khích. Nhưng chỉ có vậy thì chưa đủ và không rộng rãi. Bởi vì những hoạt động đó chỉ giới hạn lại trong phạm vi nhỏ đối tượng là các chính khách nhà nghề, và với tính cách rất chính thức (formality).

Để một sự vận động chính trị đạt được kết quả mong muốn, sự vận động cần thiết phải mở rộng ra hơn nữa, vượt khỏi khuôn khổ hạn chế của các cơ quan chính quyền quen thuộc, với cho được tới công luận (American public opinions) để từ đó công luận Mỹ sẽ tác động lên các giới chức lập và hành pháp cùng quá trình làm chính sách của họ. Điểm muốn nêu lên ở đây là nỗ lực của giới vận động người Việt để tạo lập mối quan hệ với giới truyền thông của Mỹ, như là bước quan trọng trong công tác vận động. Có lẽ không ai không thấy vai trò quan trọng của truyền thông đối với đời sống chính trị ở Mỹ. Trong số các cộng đồng người thiểu số ở Mỹ, người Do Thái đứng hàng đầu về khả năng biết khai thác đến mức tối đa vai trò của giới truyền thông Mỹ nhằm phục vụ cho các yêu sách chính trị của họ và phục vụ cho lợi ích của nước Do Thái. Thiết nghĩ về mặt này, người Việt chúng ta nên học hỏi ở người Do Thái. Một buổi điều trần trước một tiểu ban nào đó ở Hạ hay Thượng Viện Mỹ sẽ chỉ có ảnh hưởng hạn chế, và phần nhiều sẽ không gây được tiếng vang lớn so với một cuộc phỏng vấn trên CNN, PBS, MSNBC, hay FoxNews... đôi khi mức ảnh hưởng không bằng một bài báo trên tờ New York Times, chẳng hạn.
Một khiá cạnh khác nữa của sự vận động chính trị; đó là việc vận động hành lang (lobbying). Đây là lãnh vực thường đòi hỏi khả năng tài chánh, và với nó là năng lực huy động và tổ chức cao của những người vận động chính trị. Tiếc rằng, cộng đồng người Việt ở Mỹ, cho đến nay, dường như chưa có đại diện của mình chen chân vào trong lãnh vực này; trong số hơn 15,000 lobbyists có đăng ký hành nghề ở Washington DC, có vẻ như chưa có một người gốc Việt nào! Điều đó nói lên sự non yếu của Cộng đồng người Việt ở Mỹ và khả năng tổ chức rất kém của người Việt chúng ta nói chung, trong vận động chính trị. Ngoài yếu tố thời gian cư trú chưa đủ lâu, sự non yếu của chúng ta còn do ở sự thiếu quan tâm và hiểu biết về đời sống chính trị nước Mỹ của đa số người Mỹ gốc Việt.
Điều đó thể hiện rõ trong nhiều trường hợp; vụ vận động chính phủ Mỹ can thiệp cho nhạc sĩ Việt Khang là một ví dụ. Trong vụ đó, những vị cầm đầu cuộc vận động đã vụng về đem số phiếu cử tri gốc Việt ra làm con bài đe doạ, quên rằng với thủ tục tuyển cử plurality- the winner takes all, và bang California là bang mà đảng Dân Chủ chiếm ưu thế tuyệt đối, thì số lượng vài trăm ngàn lá phiếu của cử tri Mỹ gốc Việt chẳng có ảnh hưởng gì đáng kể đến cuộc bầu cử TT đang diễn ra cả. Bản thân sự đe doạ còn phơi bày sự thiếu lưu tâm đến khiá cạnh ngoại giao của vấn đề. Chưa kể là do thiếu am hiểu sinh hoạt chính trị ở thủ đô và do phối hợp kém, các vị lãnh đạo cuộc vận động đó đã có những ứng xử kém linh hoạt khi được mời vào White House, khiến cho cuộc vận động kết thúc một cách không mấy tốt đẹp như mong đợi, và nỗ lực can thiệp cho nhạc sĩ Việt Khang từ đó rơi vào quên lãng! Đó là một bài học về vận động chính trị đáng nghiền ngẫm để rút tiả kinh nghiệm về sau.
Về mối quan hệ với truyền thông Mỹ và việc vận động hành lang QH, thì đây chính là những lãnh vực mà người Mỹ gốc Việt nên tích cực hoạt động để chứng minh cho nhiệt tình ủng hộ phong trào vận động Nhân Quyền-Dân Chủ ở trong Nước. Đây chính là thời cơ mà cộng đồng người Việt ở Mỹ nên nắm lấy để chứng tỏ vai trò hỗ trợ quốc nội của mình bằng cách thống nhất lại với nhau, thiết lập chẳng hạn như một Quỹ Nhân Quyền chung trên phạm vi liên bang, để giúp đỡ cho phong trào NQ trong Nước, tạo lập quan hệ với American Media và với các cơ sở lobbyists ở Washington DC, hoặc để trợ giúp tài chánh cho mọi nỗ lực ngoại vận NQ. Các cộng đồng người Việt ở Mỹ có thừa khả năng về nhân tài và vật lực để đóng vai trò tích cực hậu thuẩn của mình; chỉ cần thành tâm để hiện thực hoá những khẩu hiệu đã hô vang lâu nay thôi.
Một khiá cạnh khác trong công tác ngoại vận, thiết nghĩ cũng cần quan tâm, là việc đề ra KHẨU HIỆU, hay các ĐỀ NGHỊ; một vấn đề hết sức quan trọng cho mọi cuộc vận động chính trị nói chung, cũng như cho công cuộc ngoại vận Nhân Quyền trong lúc này. Về mặt này, các cuộc điều trần vừa qua của các vị từ trong Nước ra đều đã đưa ra những đề nghị, hoặc thỉnh cầu, đặt trọng tâm vào hiệp ước TPP. Thiển nghĩ những đề nghị như vậy cần phải được soát xét lại để rút tiả cho những hoạt động tương tự trong tương lai.
Ngoài những điểm tổng quát tôi đã nêu trong phản hồi trước, ở đây xin góp ý thêm vài điểm nữa. Trước hết, nội dung hiệp định TPP và chi tiết các điều khoản là do bên Hành pháp soạn thảo và ký kết với các nước tham gia; phiá lập pháp, tức QH Mỹ không can dự vào quá trình đó. Quốc hội Mỹ, cụ thể là Thượng Viện, chỉ có thẩm quyền ra Nghị quyết Phê chuẩn (resolution of ratification) để chấp thuận một hiệp ước sau khi bên Hành pháp đã ký với ngoại quốc. Với thẩm quyền đó, Thượng Viện chỉ có vai trò "Advice anh Counsel" thôi.
(http://www.senate.gov/artandhistory/history/common/briefing/Treaties.htm) Còn Hạ Viện nói chung, và Uỷ Ban Nhân quyền của HV nói riêng, thì hoàn toàn không có thẩm quyền hiến định nào trong các vấn đề ký kết hiệp ước. Chính vì vậy mà cho đến nay nội dung các cuộc đàm phán TPP đều được giữ kín, tuy đã có nhiều than phiền từ các nhà lập pháp Mỹ, nhưng hầu hết các vị đều gần như mù tịt về nội dung của các cuộc đàm phán đó. Tóm lại, việc đem vấn đề TPP ra trước Tiểu Ban Nhân Quyền HV Mỹ là không đúng chỗ.
Ngoài ra, khi đưa đề nghị, hoặc thỉnh nguyện dưới dạng đề nghị, chỉ nên nêu chung chung như một gợi ý, không nên đi vào cụ thể, không nên để người Mỹ có cảm tưởng là chúng ta đang " tell them what to do.", bởi làm như vậy không những là kém diplomatic mà còn dễ vấp phải những sai lầm mang tính lập trường và nguyên tắc nữa, như trình bày sau đây.
Trước hết nói về TPP, điều đầu tiên là cần phải nắm tương đối vững TPP là gì, những mặt lợi-hại đối với nước VN về các mặt kinh tế, quốc phòng, chính trị, xã hội, văn hoá, kỹ thuật, v.v... để có thái độ và đề nghị thích hợp. Về TPP thì tôi đã có một ghi chép trước đây rồi, nhan đề là TPP và Quan Hệ Việt-Mỹ. Ở đây xin nhắc lại rất vắn tắt vài điều.
Từ gốc độ của Mỹ, chính yếu, thì TPP là mặt trận kinh tế, nằm trong " Asia Pivot" hay " Rebalancing policy in Asia" của Mỹ, phối hợp với các nỗ lực chính trị, ngoại giao, và quân sự khác, nhằm giành lại tiên cơ với Trung Quốc ở Á Châu. Nhìn từ phiá các quốc gia thành viên khác, như Australia, Singapore, hay Việt Nam, và ngay cả Nhật sau này, thì ngoài các lợi ích kinh tế-kỹ thuật, còn là để có một đối trọng nhằm giảm thiểu áp lực của Trung Quốc. Nhưng TPP, đối với một số quốc gia thành viên, như VN chẳng hạn, là con dao hai lưỡi; có mặt lợi và cũng có những mặt bất lợi. Thời hạn và năng lực người viết không cho phép đi sâu phân tích chi tiết. Dưới đây chỉ xin nêu sơ lược vài ví dụ.
Chẳng hạn, đối với nông nghiệp, TPP đòi hỏi phải chấm dứt mọi tài trợ (subsidy) cho nông nghiệp. Đòi hỏi đó gây bất lợi cho nông dân nhiều nước, trong đó Nhật là trường hợp điển hình. Qua suốt mấy thập niên, nông dân Nhật, do điều kiện điạ lý khắc nghiệt, tuy có trình độ kỹ thuật canh nông cao, đã phải nhận sự tài trợ của chính phủ để tồn tại trước sự cạnh tranh áp đảo của nông nghiệp Mỹ, Australia, Ấn Độ, Thái Lan, và nay thì cả của Trung Quốc. Việc gia nhập TPP, như vậy sẽ ảnh hưởng lâu dài đến đời sống của hàng chục triệu nông dân Nhật bản; những người mà lâu nay đã có cuộc sống an ổn với mức sống cao nhờ vào sự tài trợ và bảo hộ mậu dịch. Đó là lý do vì sao trong suốt thời gian qua nông dân Nhật đã biểu tình rầm rộ chống lại TPP, và chính phủ Nhật đã phải mất một thời gian lâu mới đạt đến quyết định xin tham gia TPP.
Riêng đối với VN thì cũng vậy TPP sẽ mang lại nhiều lợi ích, nhưng đồng thời cũng sẽ tạo ra vô vàn khó khăn cho nhiều thành phần dân chúng trong Nước, và sẽ dẫn đến nhiều hậu quả khác về văn hoá, xã hội. Lợi ích kinh tế do TPP mang lại cho các quốc gia thành viên được ước tính là sẽ rất lớn. Theo tính toán của Viện Peterson về Kinh tế Quốc tế thì sau khi vận hành, TPP có thể tạo ra một lợi tức đồng niên cho toàn thể các nước thành viên chừng 295 tỉ dollars, trong đó Mỹ sẽ được khoảng 78 tỉ dollars. Riêng Việt Nam thì cũng theo ước tính đó, TPP sẽ giúp gia tăng GDP gấp đôi vào năm 2025.
Một lợi ích khác, rất lớn lao cho VN, là việc tham gia TPP sẽ giúp VN giảm thiểu được, ở một mức độ nào đó, áp lực kinh tế lớn lao đang ngày càng gia tăng của Trung Quốc, thể hiện ở mức khiếm khuyết mậu dịch hơn 15 tỉ dollars/ năm hiện nay. Điểm khác nữa, là với việc tham gia TPP, có hy vọng là VN sẽ được Mỹ giải toả việc cấm vận vũ khí; một yếu tố liên quan đến nền quốc phòng trong tương lai của VN.
Về những bất lợi, hoặc các hậu quả của TPP đối với VN thì nhiều và phức tạp, chỉ xin nêu ở đây một vài điểm nhỏ. Trước hết là việc áp dụng nguyên tắc Yarn-Forwarded rules trong kỹ nghệ dệt và giày dép, là nguyên tắc buộc các thành viên TPP phải mua nguyên liệu của các thành viên khác , không được mua ở ngoài; trong trường hợp VN là phải mua nguyên liệu từ các hảng của Mỹ, không được mua từ Trung Quốc là nơi đã cung cấp nguyên liệu dệt và giày dép cho VN trong nhiều năm qua. Tất nhiên việc áp dụng nguyên tắc đó sẽ ảnh hưởng bất lợi, vì giá thành sẽ cao hơn, cho toàn ngành dệt và giày dép; chưa kể đến việc phải thay đổi một số quy trình sản xuất và nhập khẩu cùng với những chi phí đi kèm.
Một ví dụ khác về hậu quả của TPP là trong lãnh vực nông sản-thực phẩm. Việc tham gia TPP sẽ đặt nông sản thực phẩm VN trước sức cạnh tranh rất lớn từ Mỹ, Nhật, Australia, v.v... Đặc biệt là sức cạnh tranh áp đảo của Genetic Modified Foods, thực phẩm sinh học, của các đại bio-engineering corporations của Mỹ. Gà, vịt, gia cầm và các nông sản sản xuất theo lối tiểu nông làm sao cạnh tranh lại những sản phẩm như vậy, và việc phá sản của nhiều nông gia VN là khó tránh. Chưa kể những hậu quả chưa lường được, tạo ra do các loại GM Foods đó gây ra cho sức khoẻ của người dân, là điều mà các chính phủ Âu Châu đã hết sức quan ngại trong nhiều thập niên qua.
Nhưng tựu trung, lợi lớn hơn hại và, với nguy cơ từ Trung Quốc ngày càng đè nặng, VN không còn sự lựa chọn nào khác hơn là tham gia cho được TPP. Nói cách khác, tham gia TPP là vấn đề hệ trọng của nước VN hiện nay, bất kể là dưới chế độ chính trị nào. Tham gia TPP lúc này, cũng như vào WTO trước đây, là nhu cầu cần thiết cho phát triển kinh tế cuả cả Nước, không phải là một ân huệ dành cho chế độ. Việc giảm thiểu sự tác hại là do nỗ lực đàm phán và khả năng thích ứng của toàn dân sau khi tham gia.
Tầm mức quan trọng của TPP đối với VN là như vậy thì liệu người Việt có nên, do sự vô tình đồng nhất Chế độ với Đất Nước, nhân danh Nhân Quyền nói chung, hay quyền dân sự của một số người nào đó nói riêng, để tạo thêm trở lực cho quá trình gia nhập TPP của Đất Nước; hoặc tự mình giúp gia tăng uy thế đàm phán cho người Mỹ trong cuôc thương lượng song phương Mỹ-Việt? Và những vị dân cử của Mỹ sẽ nghĩ sao trong lòng họ khi họ nghe chính những công dân VN đang " mớm" cho họ kế sách để bắt chẹt chính nước VN của mình trong bàn đàm phán?
Dùng việc ký kết TPP để làm áp lực như vậy cũng không khác gì trước đây, dưới thời Tổng Thống Clinton, nhiều vị ở hải ngoại đã vận động để Mỹ tiếp tục cấm vận VN vậy. Rõ ràng việc hô hào tiếp tục cấm vận đó là sai, là kết quả do óc thiển cận và sự đồng nhất máy móc giữa chế độ và đất nước, quên rằng chế độ đối với đất nước cũng như thể một khối tế bào ác tính đối với cơ thể, cần thiết phải biết tiêu diệt khối u mà không giết chết luôn cơ thể. Cấm vận chỉ làm người dân kiệt quệ và vô tình gây thiệt hại cho chính đồng bào mình!
Nêu lên những điểm trên, tôi không hề có hậu ý phê phán, hay công kích cá nhân các vị từ trong Nước đã ra điều trần trước HV Mỹ vừa rồi. Chẳng qua tôi chỉ muốn góp vài ý kiến mọn cho công cuộc vận động Nhân Quyền cho VN noí chung, và đối với các nhà hoạt động Nhân Quyền trẻ nói riêng. Tiền đồ của Đất Nước tùy thuộc vào lớp trẻ. Đối với lớp người này, tôi luôn mong ước họ sẽ sáng suốt, có kiến thức vững vàng hơn, vượt lên trên các bậc tiền bối về năng lực và trí tuệ, và nhờ vậy không dẫm lại những sai lầm đã qua của cha ông mình.
Một trong những sai lầm đã qua của các bậc tiền bối là họ đã lẫn lộn giữa Lý Tưởng và Chính Trị, như tôi đã đề cập đến trong phần phản hồi trước. Sự lẫn lộn đó, cộng với đầu óc vọng ngoại và ưa cầu viện từng bám rễ sâu trong lịch sử dân tộc, đã khiến cho giới lãnh đạo của VN của những thập niên 1930s, ở cả hai phiá CS và QG, phạm phải những sai lầm nghiêm trọng trong quan hệ đối với ngoại bang, gây những hậu quả tai hại từ đó cho đến nay chưa dứt. Một phiá thì tin mù quáng vào lý tưởng Cộng Sản CN, xem đó như là một lý tưởng, một tất yếu; cho rằng tinh thần quốc tế vô sản phổ quát sẽ giúp vượt lên trên ranh giới dân tộc, quốc gia để tiến đến thế giới đại đồng. Kết quả ra sao đã rõ. Thì ra Chủ Nghĩa CS chỉ là phương tiện, Liên Xô và Khối XHCN chẳng qua chỉ là kết quả do nỗ lực của Nga, do kinh nghiệm xương máu của lịch sử, muốn đẩy biên giới phòng thủ và vùng ảnh hương của mình ra xa. Thế thôi; cuối cùng các giá trị lý tưởng chỉ là chiêu bài, là phương tiện bị quy định bởi thực tế và nhu cầu chính trị thiết thân của các quốc gia. Ở Trung quốc thì cũng vậy, lý tưởng CS chỉ là phương tiện được dùng để huy động nhân lực phục vụ cho lòng trung thành đại Hán, và cuối cùng thì Đặng Tiểu Bình đã thừa nhận: " Mèo nào cũng được, miễn bắt được chuột." .
Phiá kia, phía của những người chống CS, thì xem Hoa Kỳ là lãnh đạo của Thế Giới Tự Do, và " biên giới của Thế Giới Tự Do kéo dài đến vĩ tuyến 17", là role model of human rights; mọi giá trị của văn hoá Mỹ: tự do cá nhân, làm việc chăm chỉ, kinh tế thị trường, chủ nghiã tư bản, cơ chế tuyển cử, guồng máy chính quyền, v.v... đều được xem là mẫu mực phổ quát đáng noi theo. Quan trọng hơn hết là phiá này đã xem Hoa Kỳ như một đồng minh đáng tin cậy nhất trong nỗ lực kiến quốc của mình. Kết quả đã nhãn tiền; mối quan hệ Việt Nam CH và đồng minh Hoa Kỳ cuối cùng hoá ra cũng tương tự như mối tình nàng Kiều-Sở Khanh; Mỹ đã nhân danh đủ mọi giá trị Nhân Quyền-Dân Chủ cao đẹp nhất để đưa quân qua Miền Nam VN, nhưng rồi rốt cuộc, khi thấy có món lợi khác hời hơn, đã cuốn tất cả những giá trị lý tưởng ấy gọn trong lá cờ chính trị để ra đi, bỏ rơi những đồng minh chiến đấu một thời của mình cho các trại " cải tạo" CS.
Đó là bài học lịch sử về mối tương quan Lý Tưởng-Chính Trị mà thế hệ trẻ VN nên suy ngẫm để, trong khi theo đuổi cuộc vận động Nhân Quyền cho nhân dân của mình, đừng bao giờ "doomed to repeat it."
Trương Đ. Trung

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"