Nguyễn Thị Thanh Bình (Danlambao)
- Eureka! Chân lý và lý lẽ của kẻ mạnh! Nên rồi họ lại tiếp tục giở trò
để lại những vết tích, vết bầm, vết chém, vết đục, vết cắt, vết khoét,
vết cứa, vết khoan... trên những giấc mơ rất đỗi Việt Nam của chúng ta.
Như thể trong mắt bọn họ, chúng ta chỉ là thứ đá cuội ngu ngơ, thứ đá
sỏi lót đường không hơn không kém. Liệu chúng ta còn phải chịu đựng thêm
bao lâu nữa, khi những cái loa đỏ CAND đã quá rè, đã quá thời kỳ sử
dụng “made in China” mà vẫn cố ré, réo, và thi nhau phét lác vào 300 hay
600 cái màng nhĩ đáng yêu quí nhất của Việt Nam ở tượng đài Lý Thái Tổ
hôm 19/1/2014?
Tiếc là những kẻ có tài “sáng chế” quái đản(g) đàn áp có máy cưa và máy
thổi bụi của trấn áp bạo lực, và có cả cái lếu láo, giả dối của những
cái loa: “xin quý vị giải tán, để công nhân cắt đá thi công cho kịp ăn Tết”, vẫn không hề biết tủi nhục là gì, mà trái lại chắc đang ngồi rung đùi phủ phê khi chừng như
“chua thấy quan tài chưa đổ lệ”. Phải nói là có bị đui mù họ mới không
nhìn thấy những tên đồ tể khét tiếng nhất thế giới cũng đã thê thảm
chết, hay đã chết thê thảm!
À thì ra chúng ta cần phải cất giữ lại mảng đá đau cắt lịch sử “ngày chủ
nhật cay mắt vì bụi đá”. Như những mảng đời tan tác vỡ vụn Việt Nam,
đang nằm dưới bàn tay quỷ ám, luôn miệng “hảo hảo” chuốc rượu Mao đài.
Điều đớn đau và gây phẫn nộ nhất, chính là với một ngày chúng ta cố gắng
sống lại với hồn thiêng sông núi và đất nước như thế, chúng ta đã chẳng
đòi lấy được gì, ngoài mốc điểm tưởng niệm đặc biệt này để tri ân những
tử sĩ đã biểu dương một tấm lòng giữ nước, nhưng lại chính họ là những
người đã có cùng tiên tổ, vẫn cứ “mài dao” cho sắc hơn, để tha hồ cõng
rắn cắn gà nhà hoặc rước voi về dày mã tổ. “Lệnh trên” là ở đâu, nếu
không nằm trong đường dây nóng “song phương” mà thôi?
Những vết cứa, vết dao cắt hôm 19/1 “sợ” là một ngày không xa cũng sẽ
cắt lại chính bọn họ, những kẻ đã cạn kiệt giống nòi và tuồng như đã bế
tắc, không còn đường nào để lại gần với dân chúng được nữa. Không phải
sao và biết trả lời sao với đồng bào đây?
Không còn một “diệu kế” nào mà cứ hòng múa may điên cuồng. Chỉ còn là
những trò ruồi hèn hạ và bắt chúng ta có ngày phải chết oan ức trong
lòng bàn tay của đám gọi là CAND. Không lẽ chúng ta không nhìn thấy cái
loa mang màu máu đỏ có dính chữ CAND, cứ xăm xăm nhã hết âm thanh chát
chúa vào cô phóng viên ngoại quốc, là quá phản cảm, nhưng mắc cười (đau)
hay sao?
Có người còn đùa, CAND là Công An Nhân Danh (mà lị), hoặc CAND là CÀN
D(ân), CẮN D(ân)… Khỏi nhắc thì chúng ta cũng nhớ, có đời thủa nào mà
người dân Việt chúng ta bước vào đồn công an chỉ vì mới tình nghi thì
còn là một xác sống, nhưng được “mời” đem ra khỏi đồn lại là một xác
chết?
Chuyện mảng đá và cái loa hy vọng sẽ còn nhiều người nhớ đến, sẽ còn
nhiều văn thi sĩ báo chí trong thôn hoặc đầu thôn cuối xóm nhắc lại,
“vịnh” về cho quên mấy nỗi chán chường (cố mà quên là một cách để nhớ,
vì làm sao quên được và trái lại cũng không được quên). Một giọt nước
(mắt) đáng ra phải được tràn ly, từ hôm trước ở Đà Nẵng đã bị hủy bỏ tức
tưởi buổi thắp nên tri ân. Nói chi cho xa, chỉ riêng năm 2013 ở những
ven biển nơi đây lực lượng biên phòng cũng đã phát hiện 516 lần tàu bè
Trung Cộng xâm phạm chủ quyền. Còn nước mắt nào cho đủ, khi nỗi đau xâm
lấn bất nghĩa càng ngày càng tiếp diễn, mà chúng ta dường như người này
ùn cho người kia, rốt cuộc không ai dám đứng lên, đôi khi đơn giản chỉ
là đòi “trả cá cho ngư dân Việt Nam”, và đơn giản như khi lòng chỉ muốn
dâng hoa, dâng nến, dâng hương mà còn bị báng bổ, dập tắt từ trứng nước.
Nhân dân ở Đà Nẵng đâu sao không thấy một nhất cử nhất động nào hết, ơi
những bước chân “tưởng niệm” đã đi về đâu? Mà tại sao những que diêm ở
vùng miền khác không thể đốt lên? Đốt lên đi, dù bắt đầu bằng những que
diêm nhỏ, khi bao lâu rồi chúng ta ở khắp vạn nẻo đường quê hương cứ
ngồi rủa sả bóng tối? Nếu họ không cho tổ chức, cách dễ nhất là tại sao
những người trong chúng ta không ngồi yên trong nhà, ai ở yên nhà người
nấy, không cần bước xuống lòng đường làm gì: chỉ một ngày ở nhà tưởng
nhớ mà không làm được sao?
Vậy chính họ không những đang bị cùng đường, mà còn đẩy nhân dân đến chỗ
đường cùng! Nhân dân sẽ biết mình phải làm gì, như một phản xạ tự nhiên
và là điều tất yếu của lịch sử. Cũng như trước hết chúng ta không những
“vịnh”, mà cần “vịn” mảng đá, mảnh đá hay cái loa ô nhục này, chính là
“vịn” vào lòng tưởng nhớ những mất mát của dân tộc mình đã bị thương tổn
liên tục, lại từ những vị đang nắm quyền lãnh đạo có cùng một giống
nòi.
Trách người rồi lại trách mình. Nếu tất cả những người con dân Việt biết
tự dặn lòng phải trở thành chiến sĩ theo nhiều nghĩa, khi tổ quốc từ
biển đảo, đất liền lâm nguy thì liệu có chính sách hay nắm đấm quyền lực
trong thời đại toàn cầu nào có thể cản nổi? Nhìn mà xem, xung quanh ta
bấy lâu nay làn sóng “đa nguyên” đã dấy lên mạnh mẽ từ Campuchia, Thái
Lan, Ukraina, nơi đâu cuộc tuần hành cũng khí thế hàng trăm ngàn người.
Nơi đâu cũng là những cái đuốc sống cháy cả người và cả lương tâm thế
giới, nhưng đợi đến lúc như ở Tân Cương, Tây Tạng thì mọi sự chừng như
đã quá muộn. Tự hỏi cho vui là không lẽ mấy Thủ tướng nước này không
biết chơi khăm, chơi xấu nhân dân họ và thả lỏng? Chơi xấu và xử đẹp đến
độ, nhân dân Việt Nam chỉ dám đến tưởng niệm những người con yêu của Tổ
Quốc được vài trăm người. Vài trăm người với dân số gần 100 triệu, và
trong một thủ đô được mệnh danh là chiếc nôi văn hóa của Việt Nam? Phải
chăng đây là chuyện đội đá vá trời, khiến không một người Việt tự trọng
nào còn kham nổi? Không làm nổi cho chỉ một lần lặng lẽ diễu hành, tưởng
niệm ghi ơn biểu tỏ lòng yêu nước? Không làm nổi cho chỉ một lần không
quỳ gối trước ngoại xâm? Lực lượng vận động của chúng ta, của tuổi trẻ
Việt Nam đang ở đâu?
Con số khiêm nhường 300, thay vì 3000 của “tình hè rực nắng năm 2011”
khiến chúng ta muốn coi đây như chỉ là một cuộc hâm nóng lại. Hâm nóng
lại có bài bản, tổ chức hơn. Chúng ta vẫn còn những cuộc tưởng niệm kế
tiếp, như một lời nhắc nhở của tấm biểu ngữ hôm 19/1 này: “19/1 - 17/2 - 14/3 Nhân dân không bao giờ quên”.
Vâng, “Nhân dân không bao giờ quên”, thì nhân dân sẽ phải làm gì? Tại
sao Trung Cộng biết khơi gợi tinh thần dân tộc chống bọn Phát Xít Nhật,
bật đèn xanh cho nhân dân xuống đường khắp đường phố và thậm chí còn để
yên những cử chỉ bạo động như đập phá xe Toyota Nhật, những cửa hàng...
và con số của những lúc cao điểm đã lên tới 60.000 người cách đây không
lâu, khi những vấn đề tranh chấp càng hứa hẹn gia tăng và vũ bão. Trong
khi đó, mối thù truyền kiếp của dân tộc Việt ngàn năm nô lệ, và tinh
thần yêu nước bị cản trở nếu không muốn nói là tìm cách triệt tiêu, chỉ
vì “cả hai” đều đã rắp tăm giao kèo, bảo kê cho nhau.
Ghi nhận thêm ở đây là điều họ không thể ngờ được. Tôi đặt đoạn văn thơ này là “Ngụy Khúc”, và này nhé:
“Chính mảng đá đã bùng lên mảnh đá
Mảng đá thô nhám bị những bàn tay nham hiểm vụng về mài dũa
Hằn từng vết sâu u mê
Dẫu vậy, đá (loa) dù trơ như đá (loa)
Thì dưới chân tượng đài linh ứng
Khi có sự cọ xát giao thoa
Mảng đá ấy cũng sẽ bốc thành lửa
Chúng ta đã, đang mồi ấm cho nhau chưa?
Bằng những que diêm này, trong màn đêm góp lửa
Trong hoang lạnh của biển đảo đã mù sương
Chỉ có những mảng đá được
bị cắt dũa
Mới chuẩn bị thành sức ma sát vây bủa
Sự cắt dũa đôi khi làm thành những bước chân
Những bước chân phẫn nộ không thể lùi bước và không đi tới
Cũng là đá, nhưng hãy là viên đá đầu tiên
Những mảng đá rồi cũng sẽ thành đá tảng
Vậy sao còn đứng đó tập làm thi sĩ huyên thiên
Cứ hỏi thầm đá ơi, liệu đá có giấc mơ không?
Giấc mơ của đá chính là giấc mơ của một chí sĩ, một thi sĩ
Họ sẽ phải viết cùng đá lịch sử
Không phải chỉ là thứ đá bia trăm năm
Sự độc ác của những bản mặt nhẵn thín trơ trơ như đá
Cuối cùng chỉ có đá mới đè bẹp hoặc xây lăng cho họ
Trong một ngày tất cả những bụi đá cùng bay!
Những bụi đá đã làm cay mắt chúng ta hôm nay!!!
Và bây giờ chắc bạn biết tại sao tôi gọi đoạn thơ xuôi này là “Ngụy
Khúc”. Không phải chỉ vì những điều chúng ta viết ra nơi đây đều bị gán
ghép là Ngụy, là phản động đồng nghĩa. Lẽ nào tất cả chỉ là hư ngụy?
Không đem nhốt được vào tù nữa, vì hồ sơ nhân quyền của Việt Nam đã dầy
cộm như núi, lại chen chân chật đất vào Hội Đồng Nhân Quyền LHQ, rồi TPP
nghe tủi hổ xôm trò, nên bây chừ họ phạt tiền coi bộ “dễ ăn” hơn. Lại
nhét cho đầy mấy cái túi ba gang, trước khi sắm sửa son phết cho mình
chiếc “áo quan” đẹp nhất, để còn “bất ngờ” đi dự dạ tiệc với diêm vương ở
tầng cuối địa ngục thì phải. Một lời bàn của Mao Tôn Cương: các “Ngài”
làm ơn (làm oán) thả hết những tù nhân lương tâm đi, để khỏi thấy nhục
nhã quá, vì chính Thủ tướng nhà mình đã dạy dỗ chính phủ Miến Điện nên
học tập dân chủ. Tổng thống Thein Sein không những đã thả hết những tù
nhân chính trị, bước một bước nhảy vọt cho quá trình dân chủ, mà còn
biết tìm cách thoát khỏi sự kiềm tỏa của một nước bá quyền như Trung
Quốc. Bây giờ khi vị Tổng Thống đổi mới đột phá này biết hiến dâng cho
đất nước họ, vừa có mặt đúng lúc trong vai trò luân phiên của ASIAN và
giữa những khu vực tranh chấp ở Biển Đông, hẳn là chúng ta sẽ thấy những
ứng xử tế nhị sâu sắc của ông trong những ngày sắp đến, để không tiếp
tục bị phía này phía kia xỏ mũi như chơi.
Nhân đây cho tôi xin “bớ” những sĩ phu Bắc Hà một chút. Cũng xin được thắp ít nhang khói cho vong linh một-người-yêu-nước-mình
như Lê Hiếu Đằng, khi giấc thiên thu còn đầy mộng mị, nhưng hãy cố an
lành, không thèm nghi ngại nữa về sự độc ác của con người vẫn còn tiếp
diễn (dù cũng không khó hiểu, khi chế độ này sai người đến phá đám tang
ông. “Phá phách tàn ác” đã là nghề diễu võ dương oai của họ rồi.) Và cho
dẫu “ngày mai” ông đã chờ đã đợi vẫn chưa tới, thì con đường ông đã
chọn cuối đời chắc hẳn vẫn còn có những Phạm Chí Dũng, “tuổi trẻ tài
cao” khác tiếp nối. Lý do tôi muốn níu áo những nhân sĩ trí thức này, vì
tôi muốn hỏi: Có phải khi chúng ta thấy “Ngài” Nguyễn Tấn Dũng ra tay
bật bất cứ một thứ đèn xanh nào, thì càng nên coi chừng sự an toàn của
những cú vượt đèn vàng và cả đèn đỏ, nhưng không lẽ vẫn cứ chịu khó đứng
lại chờ và chờ, ở những ngã tư, ngã ba đầy bụi bặm cuộc đời, như chúng
ta đã chờ suốt 84 năm qua?
Những khuôn mặt có lòng như nhà báo Nguyễn Hữu Vinh, nhà văn Phạm Toàn,
G.S Nguyễn Huệ Chi, T/s Nguyễn Xuân Diện, T/s Nguyễn Quang A, nhà thơ
Dương Tường, blogger Nguyễn Lân Thắng, Lã Việt Dũng, Đặng Bích Phượng...
khi đọc biểu ngữ của các thanh niên trẻ: “Sang năm tới Hoàng Sa!!!” và “Không được bán Hoàng Sa”
có thấy đây chính là những mệnh lệnh của dân tộc cho năm con Ngựa (phi
nước đại)? Ấn tượng nhất phải nói là câu xác quyết thứ nhất ấy, không
tin, chúng ta thử nhờ Danlambao làm cuộc bình chọn giữa “dấu hiệu” Like
(thích) và Dislike (không thích) thì biết. Phải xác định ngay điểm hẹn,
giờ đã đến, dù ai mà chả biết có khá nhiều điều phải thiên cơ bất khả
lậu! Khi mà người ta chơi bài ba lá, chúng ta là những người không có
trong tay một tấc sắt nào nên đành chơi bài ngửa? Bề nào thì cũng phải
có những vị có tấm lòng yêu “tha nhân” và biết hy sinh cho đất nước,
thay vì những lợi ích riêng tư cho chính mình.
Thưa vâng, đồng loạt vâng: Muốn là được, và không muốn cũng không được! Ngày toàn dân toàn cầu dân tộc Việt tự quyết về Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông. Có lý lắm chứ!!!
40 năm ngày Hoàng Sa bị cưỡng chiếm vì những cuộc đi đêm thề thốt nào
đó, thì chính nhân dân Việt Nam phải biết đứng lên để đòi lại. 40 năm
trước Việt Nam Cộng Hòa đã đổ máu, và chúng ta vẫn tích trữ máu, và vẫn
không dễ gì thiếu máu, là một thời gian quá dài cho một đời người ngậm
đắng nuốt cay của Nam Bắc một nhà. Và rồi cho tới 40 năm sau, vẫn phải
đoanh tròng nước mắt để chợt nhận ra rằng sự trở về vây khổn của 1000
năm Bắc thuộc lần thứ hai. Đừng an ủi là 40 năm đâu đã dài cho một
“phương cách” của chiều dài lịch sử, để rồi cứ lần lửa lạnh lùng và tiếp
tục uống thuốc cầm máu, mà chưa thể hóa, hòa những giọt máu cuối cùng
của mất mát thương đau này thành sức mạnh toàn dân. Sức mạnh này còn
được gọi là “sức mạnh nhược tiểu” cần phải bùng lên để cá lớn không nuốt
được cá bé, và con kiến vẫn có thể đi kiện của khoai như thường. Nhất
là kể từ khi có bóng dáng xuất hiện như một phép lạ của Liên Hiệp Quốc,
thứ tòa án lương tâm (nếu không muốn nói là cả mặt pháp lý công quyền)
của một tòa án lương tâm thế giới!
Điều cần thiết là những đi tới của chúng ta sẽ không thể xé lẻ từng
chiếc đuốc một, mà phải biết gộp thành một bó đuốc để cùng cháy chung,
đốt chung một niềm tin chống ngoại xâm đến kỳ cùng. Và liệu bao giờ Việt
Nam mới có cơ may cất đầu lên, để hóa thân thành Rồng lửa Đông Nam Á?
Ở hải ngoại năm nay đánh dấu ngã rẽ quan trọng của những hoạt động tưởng
niệm 40 năm Hoàng Sa thất thủ, trải dài từ Hoa Kỳ đến Đức, Pháp, Nhật,
Úc... nơi đâu cũng có những bước chân tuần hành trước Tòa lãnh sự Trung
Quốc, Tòa lãnh sự Việt Cộng. Cách phản đối nổi bật nhất đến từ tiếng nói
của những nghị sĩ đảng Cộng Hòa Mỹ, đòi Obama phải có thái độ mạnh,
không thể để Trung Quốc dùng uy lực quân sự thao tác Biển Đông. Một chú ý
khác là 15.000 chữ ký của dân Việt khắp nơi, cho một kiến nghị, một
thỉnh nguyện thư gởi Liên Hiệp Quốc nhân 40 năm Trung Quốc xâm chiếm
Hoàng Sa, do nhóm khởi động “Quỹ Nghiên Cứu Biển Đông và tổ chức Biển
Đông tại Pháp” công bố.
Ở miền Đông thủ đô Hoa Kỳ, trong tư cách cá nhân, một nhóm nhỏ gồm bạn
bè Phi, một hai em du học sinh và một hai khuôn mặt cộng đồng đại diện
mang bức thư “tả oán”, bản Anh ngữ: “Letter to the United Nations on the
40th anniversary of Chinese military interventon on the Paracel
archipelago” bỏ vào hộp thư của Tòa lãnh sự Trung Quốc ở Washington.
Được biết cùng ngày họ cũng đã ghé ngang khu tập trụng buổi lễ diễn hành
“Peacewalk” có nhạc, có trình diễn, có đọc thơ để tưởng nhớ một khuôn
mặt đứng thứ hai của thế kỷ được ngưỡng mộ và độc đáo nhất là lãnh tụ
Phong trào Dân quyền Mỹ: Dr. Martin Luther King. Họ đến chỉ vì muốn gởi
gấm một ước mơ thầm kín trong những tụng ca Tự Do, xóa bỏ 1000 năm ách
nô lệ vẫn lừng lững đến nới quê nhà xa xăm cách này cách khác.
Ở đâu đó là tấm biển nhỏ màu trắng cầm trên tay, với những dòng mực đỏ
tiếc là không thể viết được bằng máu mình như “cách thế riêng” của một
Nguyễn Phương Uyên, và những dòng ấy là: “Follow Dr. martin Luther
King / We have a dream / Let Freedom Ring for Vietnam /Stop Red China’s
aggression / Stop killing innocent Vietnamese Fishermen / Paracel Island
belongs to Vietnam!” “We have a dream” là câu nói đến từ Dr. Luther King trong bài diễn văn nổi tiếng “I have a dream” được đọc trong một cuộc tụ tập 250 ngàn người, được coi là dấu ấn vĩ đại trong lịch sử của Washington D.C.
Hôm đó là ngày 20/1/2004, khá trùng hợp cho những liên tưởng dấu ấn đen
19/1 ở Vườn hoa Lý Thái Tổ, của hai cảnh đời tuy cùng là một đích tưởng
niệm, nhưng lại khác xa ngàn kiếp như biên giới của tự do và nô lệ. Và
khi một bên vừa xảy ra là những khôi hài áp đảo, có gã “công an nhân
dân” phải đóng vai giả dạng, vừa cưa vừa đục vừa tùng xẻo mảng đá vô
tội. Đi kèm với chương trình “tạp lục Tùng Lâm” này, là vai trò của
những cái loa đỏ mang thương hiệu CAND, đã xin cầu chứng tại China (kỳ
thực tôi khó tin ở nước mình, có thứ loa mang màu máu đỏ kỳ quái như
thế). Phải nói là loại công an giả dạng hay côn(g) an trá hình này sao
họ được giao đúng công việc của những cái loa vô tri thế, dù không biết
chính cái loa kia có hay là mình đã bị phản tác dụng không. Phản tác
dụng từ khuya.
Sao khi không vẫn cố vác tới để tra tấn khu vực đang tưởng niệm khấn vái
thiêng liêng phù trì này. Chuyện mang đá và cái loa đáng ra chúng ta
phải đem kể rêu rao cho thế giới biết. Nghĩ lại đã thấy có cô phóng viên
nước ngoài kia rồi. Mà có kể chắc họ cũng tưởng mình diễu dở, vì làm
sao còn tin được ở thế kỷ 21 này vẫn còn có những nhà lãnh đạo phải nghĩ
ra những “mẹo vặt” rẻ tiền, để không cho dân kính bái những tử sĩ đã
bảo vệ đất nước, và như thế 600.000 “quân đội nhân dân” coi chừng sẽ có
ngày vừa bắt mình trung thành với độc đảng, mà rồi lại bị tước bỏ sự
đóng góp xương máu của mình và đồng đội như thường (cả trận Gạc Ma và
cuộc chiến biên giới 1979 có lãnh đạo nào còn đoái hoài đến!)
Giấc mơ của đá. Làm sao giải mã nổi. Như thể lời cảnh báo của những đoạn phúc âm buồn. “Anh em hãy cùng nhau sám hối vì nước trời đã gần kề.” Thánh Matthew đã nói thế. Phật cũng có kinh sám hối. Cả trần gian đều biết hối cải.
Nhưng có lẽ Chúa và Phật cũng đâu biết được vẫn có những hạng người
không bao giờ biết lỗi lầm chuộc tội. Không biết hay cố tình không biết.
Khi những bản mặt sinh ra đã quá phẳng lì trơ đá. Và khi ngay cả cái
loa cũng muốn độc chiếm, thì nói gì đến Điều 4 cho tủi. Thôi không đi
nói chuyện với ông Giê Su và ông Thích Ca nữa. Nói với mấy ngài “thánh
nhân” này đủ mệt rồi!
Liệu những hạng người như thế có còn sót lại một hạt, một giọt nòi
giống, để nhận ra rằng ngày phán xét cuối cùng cũng đã đến chân?
Ờ nhỉ, toàn những người phản tự do như vậy, sao khi không lại vinh danh
một con đường quận 7, ở ngay “thành phố mang tên bác” bằng một cái tên
vĩ đại đã thà chết để chối bỏ nô lệ như Dr. Martin Luther King?
Ờ nhỉ, tự do hay là chết. Hoặc nói theo cách thế của Dr. King, tôi nghĩ
phải là “tự sát hay là tự do”, bởi một ngày trước khi vị thủ lãnh của tự
do bị ám sát, ông đã tỏ ra bất chấp như một lời tiên tri báo trước cái
chết của mình.
Mùa Xuân nào chúng ta sẽ cùng hẹn nhau ở con đường mang tên ông? Hay tôi
phải chờ một mùa Xuân Việt Nam chẳng bao giờ hy vọng trở lại?