Thứ Tư, 22 tháng 1, 2014

Chuyện viên đá bị cưa dưới tượng Lý Thái Tổ

Hiêu Minh
Anh Kiên cưa đá. Ảnh: Internet
Anh Kiên cưa đá. Ảnh: Internet
Chưa hết tháng đầu năm 2014, nhưng tôi vẫn bình chọn bức ảnh anh Kiên, phó công an phường Tràng Tiền, Hà Nội, đang giả làm thợ cưa đá dưới chân tượng Lý Thái Tổ. Theo tôi nghĩ, đây là sức “sáng tạo” có một không hai trên thế giới nhằm giải tán biểu tình. Sau “trốn thuế”, “hai bao cao su đã qua sử dụng”, và nhiều “mưu”  khác, nay đến đá và cưa.
Chuyện xảy ra sáng 19-1-2014, nhân kỷ niệm 40 năm Hoàng Sa bị mất vào tay Trung Quốc, một đoàn biểu tình nhỏ tiến tới chân tượng Lý Thái Tổ nhằm dâng hoa và dâng hương các chiến sỹ ngã xuống vì biển đảo, thì gặp một cách giải tán biểu tình theo mẹo cứt gà. Đó là nhóm các nhân viên an ninh giả vờ làm công nhân cưa đá, bụi mù và gây tiếng ồn để đoàn biểu tình phải bỏ đi.
Các Thủ tướng Campuchia, Thái Lan và Ukraine nên sang Việt Nam học mẹo giải tán biểu tình này vì ba vị đang nhức đầu với hàng chục vạn dân đổ ra đường chống chính phủ.
Nhân chuyện về đá của anh Người Buôn Gió, nhớ thời học phổ thông cấp 3 những năm 1970, lũ học trò chúng tôi phải phân tích bài thơ “Tức cảnh Pắc Pó” của cụ Hồ viết về bàn đá, nơi ông dịch sử đảng năm 1942.
Sáng ra bờ suối, tối vào hang,
Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng
Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng,
Cuộc đời cách mạng thật là sang!
Sau hơn 7 thập kỷ, con cháu của cụ đã dùng bàn đá trước tượng vua Lý Thái Tổ để viết nên một trang sử khác của đảng CS Việt Nam. Chỉ có điều thay vì dùng bút, họ dùng cưa điện gắn kim cương để “viết”, nên “trang sử hơi bị nham nhở”, hết cả sang trọng.
"Trang sử nham nhở". Ảnh: Internet
“Trang sử nham nhở”. Ảnh: Internet
Bàn đá xưa của cụ Hồ nay được thế hệ trẻ đến chụp ảnh lưu niệm. Bàn đá nay được cất vào bộ nhớ trong thế giới blog như một cách “lưu danh muôn thuở”.
Chuyện xảy ra dưới tượng Lý Thái Tổ nên người ta liên tưởng đến sự việc cách đây hàng ngàn năm.
Lý Thái Tổ quyết định dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long năm 1010 và lên ngôi vua, thiên hạ hưởng thái bình, do thực hiện chính sách “thân dân”. Dù đặt ra nhiều loại thuế khác nhau, nhưng ông đã nhiều lần miễn thuế cho dân vì thương giống nòi.
Cách đây một thiên niên kỷ (1013), vua Lý Thái Tổ mang quân đi chinh phục quân Man nổi dậy ở Diễn Châu, khi về bỗng trời đất tối sầm, gió nổi lên ầm ầm, sấm sét dữ dội. Thấy vậy, ông đốt hương và khấn trời
“Tôi là người ít đức, lạm ở trên dân, nơm nớp lo sợ như sắp sa xuống vực sâu, không dám cậy binh uy mà đi đánh dẹp càn bậy… Trong khi đánh nhau, hoặc giết oan kẻ trung hiếu, hoặc hại lầm kẻ hiền lương, đến nỗi hoàng thiên nổi giận phải tỏ cho biết lỗi lầm, dẫu gặp tổn hại cũng không dám oán trách. Xin lòng trời soi xét”.
Sau khi Lý Thái Tổ khấn, giông tố, sấm sét không còn dữ dội nữa và trở nên yên lặng.
Hôm rồi, vua Lý Thái Tổ đứng trên bục, nhìn xuống thấy cảnh dân biểu thị lòng yêu nước ngay dưới chân mình, giữa thủ đô Hà Nội, dân bị giải tán và đàn áp, liệu ông có nghĩ rằng, thế hệ lãnh đạo ngày nay có biết khấn vái trời đất hay không.
Các bạn thử đến hỏi vua Lý Thái Tổ xem sao.
 HM 21-1-2014
Bàn đá của cụ Hồ ở Pắc Pó. Ảnh: internet
Bàn đá của cụ Hồ ở Pắc Pó. Ảnh: internet
Trang sử "đá" lưu danh trên thế giới ảo. Ảnh: Internet
Trang sử “đá” lưu danh trên thế giới ảo. Ảnh: Internet

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"