Thứ Sáu, 24 tháng 1, 2014

Hồ Chí Minh từng đấu tranh đòi có báo chí tư nhân và lên án loại báo chí “do chính quyền thành lập và bọn tay chân điều khiển"

Luật sư Trần Hồng Phong
Dân Luận: Báo chí tư nhân góp phần tạo ra một tiếng nói "độc lập" với chính quyền. Sự độc lập của báo chí là cực kỳ quan trọng, nó tạo ra một nền báo chí đích thực để hạn chế quyền lực của chính quyền, chứ không phải một nền báo chí "mẹ hát con khen hay". Tự do ngôn luận và tự do tư tưởng không phải ngẫu nhiên mà trở thành một quyền con người cơ bản. Và cũng không hề ngẫu nhiên khi các chế độ độc tài luôn tìm cách kiểm soát báo chí, như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói: "kiên quyết không để tư nhân hóa báo chí dưới mọi hình thức; không để bất cứ tổ chức, cá nhân nào [trừ Đảng CSVN và tôi] lợi dụng, chi phối báo chí phục vụ lợi ích riêng."
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Đó chính là nói về quyền con người, quyền tự do ngôn luận, tự do tư tưởng. Trong các bản Hiến Pháp của Việt Nam, từ lần đầu năm 1946, cho tới nay, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí vẫn luôn được ghi nhận.

Vậy, báo chí và tự do báo chí theo quan điểm của Hồ Chí Minh là như thế nào?
Trên tay tôi là cuốn sách “Đây công lý của thực dân Pháp ở Đông Dương” do NXB Sự thật xuất bản năm 1962, gồm các bài viết của tác giả Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh) trong những năm 1921-1926. Trong Lời giới thiệu của Ban nghiên cứu lịch sử Đảng thuộc Ban chấp hành TW Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng cộng sản VN) ghi rõ như sau: ”Đây là những tài liệu lịch sử vô cùng quý báu đã được Đảng cộng sản Liên Xô giữ gìn chu đáo mấy chục năm nay với tinh thần quốc tế vô sản cao cả và gần đây đã gửi cho Đảng ta”.
Năm 1962 này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đang là nhà lãnh đạo cao nhất ở Miền Bắc. Như vậy, có thể khẳng định những bài viết của ông được giới thiệu trong cuốn sách là có thật, khách quan.
Trong cuốn sách này có 19 bài viết của Nguyễn Ái Quốc, nội dung đề cập nhiều vấn đề về đời sống xã hội tại Đông Dương trong thời kỳ thuộc Pháp. Như các bài: “Đời sống kinh tế”, “Độc quyền ăn cướp”, “Thuế khóa”, “Chính sách ngu dân”, “Chế độ báo chí”, “Công lý” … Ở đây, tôi muốn nói về bài “Chế độ báo chí”.
Trong bài viết này, thật bất ngờ (vì hiện nay có thấy Nhà nước cho in lại hay nhắc tới đâu), Hồ Chủ Tịch đã mạnh mẽ lên án chế độ báo chí ở Việt Nam thời kỳ giữa thế kỷ XX là “kỳ dị quá đến nỗi khó mà tin được”.
Hồ Chủ Tịch viết: “ Mãi đến bây giờ, chưa có người Việt Nam nào được phép xuất bản một tờ báo cả. Tôi gọi báo là một tờ báo về chính trị, về kinh tế hay văn học như ta thấy ở các nước châu Âu hay châu Á khác, chứ không phải là một tờ báo do chính quyền thành lập và giao cho bọn tay chân điều khiển, chỉ nói đến chuyện nắng mưa, tán dương những kẻ quyền thế đương thời, kể chuyện vớ vẩn, ca tụng công ơn của nền khai hóa và ru ngủ dân chúng. Báo đầu độc người ta như thế, thì ở Đông Dương cũng có ba hay bốn tờ đấy”.
Qua đoạn viết trên, không cần đến bằng giáo sư tiến sỹ về chủ nghĩa Mác Lê, ai cũng có thể thấy rất rõ quan điểm của Hồ Chí Minh về báo chí như sau:
- Báo chí phải bao gồm báo do cá nhân thành lập (báo chí tư nhân).
- Nền báo chí của một quốc gia phải có các tờ báo thuộc nhiều lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn học … như ở các nước châu Âu, châu Á khác, “chứ không phải là một tờ báo do chính quyền thành lập và giao cho bọn tay chân điều khiển, chỉ nói đến chuyện nắng mưa, tán dương những kẻ quyền thế đương thời, kể chuyện vớ vẩn, ca tụng công ơn của nền khai hóa và ru ngủ dân chúng”.
- Loại “báo do chính quyền thành lập do bọn tay chân điều khiển, chỉ nói chuyện nắng mưa, tán đương những kẻ quyền thế đương thời ….vv” là loại báo chí “đầu độc người ta”.
Cùng bài viết trên, trong bài “Những yêu sách của nhân nhân Việt Nam” đăng ở trang cuối cuốn sách, Hồ Chí Minh đã “đề đạt” tới chính phủ Pháp những yêu cầu sau:
- Ân xá toàn thể chính trị phạm Việt Nam.
- Tự do báo chí và tự do tư tưởng.
- Tự do lập hội và tự do hội họp.
Đến nay, sau hơn 40 năm kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, có thể thấy nền tự do báo chí của Việt Nam vẫn chưa được như mong muốn và sự tranh đấu của ông.
Đảng cộng sản Việt Nam không cho phép báo chí tư nhân hoạt động, phải chăng là vì như lời của một cán bộ cấp cao về tư tưởng văn hóa của Đảng từng nói là: “Việt Nam không có nhu cầu báo chí tư nhân”?
Xin được nhắc lại và kính chuyển quan điểm về báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới các vị lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Ghi chú:
Thời điểm viết bài báo trên (1921-1926), Hồ Chí Minh trên 30 tuổi, đã tiếp cận với chủ nghĩa Mác, biết rõ về nền báo chí ở châu Âu – nơi từ lâu đã có báo tư nhân.
Tháng 7-1921, bản thân Hồ Chí Minh (khi đó là Nguyễn Ái Quốc) đã tham gia thành lập “Hội liên hiệp thuộc địa”. Hội này đã ra tờ báo “Người cùng khổ” (Le Paria). Nguyễn Ái Quốc đã viết nhiều bài báo trên các tờ Người cùng khổ, Nhân đạo … - phản đối chính sách, đả phá nhà cầm quyền Pháp rất mạnh mẽ.
Thời gian năm 1962, ở Miền Nam VN từ lâu đã hình thành nền báo chí tư nhân, phát triển mạnh mẽ, với rất nhiều tờ báo, nhà xuất bản tư nhân hoạt động công khai, hợp pháp. Đặc biệt có cả những tờ báo có tư tưởng phản chiến, thậm chí chống chế độ Sài Gòn… như Tin Sáng,
Điện Tín v.v...

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"