Thứ Hai, 20 tháng 1, 2014

Người Việt ở Nhật xuống đường nhân 40 năm “hải chiến Hoàng Sa”


1390146727.nv
Người Việt Nam ở Nhật cũng biểu tình tuần hành và gửi văn bản phản đối chính quyền Trung Quốc vì sự cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa, diễn ra cách đây tròn bốn thập niên.
Tờ “Sankei” (Sản Kinh) dẫn nguồn từ Hãng Thông tấn Nhật Kyodo cho hay, khoảng một trăm người, là những viên chức và lưu học sinh Việt Nam tại Nhật đã tổ chức diễu hành biểu tình ở khu Minato (nơi tập trung nhiều đại sứ quán nước ngoài ở thủ đô Tokyo), đồng thanh hô vang khẩu hiệu “Trung Quốc hãy cút khỏi Tây Sa, Hòa bình cho biển Đông” (*).
Những người tham dự đã tập trung lại qua lời kêu gọi trên mạng xã hội Facebook. Cuộc tuần hành khởi đầu lúc 10 giờ sáng ở đoạn đường gần ĐSQ Trung Quốc, và diễn ra trong khoảng 45 phút. Trên quãng đường dài chừng 1,7 km, biểu ngữ “Các bạn Nhật và các nước ASEAN, Việt Nam vì hòa bình trên biển Đông, sẽ cùng hành động với các bạn” đã được giơ cao.
Đoàn biểu tình cũng đã bỏ vào hộp thư trước cửa ĐSQ Trung Quốc văn bản phản đối việc Trung Quốc đưa ra luật cấm đánh bắt cá trên biển Đông. Trao đổi với báo chí, một thanh niên (29 tuổi) đang du học tại một trường đại học quốc lập ở Tokyo, đã chia sẻ: “Việt Nam là một đất nước nhỏ bé nhưng cả chúng tôi, thế hệ trẻ, muốn khẳng định với cộng đồng quốc tế rằng Hoàng Sa thuộc chủ quyền lãnh thổ của đất nước chúng tôi”.
*
Trở lại lịch sử, vào ngày này cách đây tròn bốn mươi năm, đã xảy ra một trận chiến giữa Hải quân Việt Nam Cộng hòa và Hải quân Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa, khi đó do Việt Nam Cộng hòa bảo vệ và thực hiện được chủ quyền. Trận chiến này, về sau được gọi bằng cái tên “Hải chiến Hoàng Sa 1974”, và gắn liền với tên tuổi của 74 quân nhân Việt Nam Cộng hòa đã hy sinh khi bảo vệ tổ quốc.
Kể từ năm 1975, “Hải chiến Hoàng Sa” trở thành một “điểm trắng” trong lịch sử Việt Nam khi nó ít được nhắc tới trong sách vở và dần dần trở thành một đề tài “cấm kỵ” trong “chính sử”. Phải tới dịp hồi tưởng năm nay, nhân tưởng nhớ bốn mươi năm mất Hoàng Sa, báo chí trong nước mới có dịp đăng tải những chuỗi bài vở về sự kiện Quân đội Cộng sản Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm hoàn toàn quần đảo Hoàng Sa vào ngày 19-1-1974.
Cuộc biểu tình của người Việt tại Nhật Bản nói trên là một trong số nhiều nỗ lực của người Việt trên toàn thế giới hướng về Hoàng Sa. Trong khuôn khổ chương trình “Nhịp cầu Hoàng Sa” do một số cá nhân chủ trương, chỉ sau 12 ngày, hơn 500 triệu đồng đã được quyên góp để ủng hộ phần nào “cho thân nhân những người lính đã hy sinh ở Hoàng Sa và cho những người lính từ Hoàng Sa trở về sống âm thầm suốt 40 năm qua”.
Bên cạnh đó, trong vòng 8 ngày, đã có hơn 16 ngàn người trên thế giới ký tên vào một lá thư gửi Liên Hiệp Quốc nhân 40 năm Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa. “Đây cũng là dịp để cả thế giới nhìn lại sự kiện này và cũng là dịp để Trung Quốc có thể sửa chữa sai lầm của mình trong quá khứ” – lá thư được soạn thảo bởi hai tổ chức dân sự độc lập Quỹ Nghiên cứu Biển Đông và Nhóm Biển Đông tại Pháp nhấn mạnh.
Với những tâm nguyện yêu nước mạnh mẽ như thế, người dân Việt Nam có quyền mong mỏi và đòi hỏi một thông điệp rõ ràng, cương quyết và trước sau như một hơn nữa từ phía chính quyền, nhất là khi đúng vào dịp tưởng niệm, Chương trình ca nhạc hát về biển đảo quê hương và Lễ thắp nến tri ân Hướng về Hoàng Sa ở Đà Nẵng đã bị hủy vào phút chót vì những lý do không được nêu rõ, loạt bài viết trên báo chí về “Hải chiến Hoàng Sa” thì đột ngột bị ngừng và cho “ẩn” vào trong những trang báo mạng…
(*) Tây Sa là tên mà chính quyền Trung Quốc gọi quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"