Việt Hoàng
“…Nếu muốn như vậy thì trước hết chính quyền Việt Nam cần nhanh chóng trả tự do cho tất cả tù nhân chính trị và tôn giáo (theo đề nghị của giáo sư Hoàng Tụy), tiến tới việc tổ chức các cuộc gặp gỡ, đối thoại ôn hòa với đại diện mọi tầng lớp nhân dân…”
Thông điệp đầu năm 2014 của thủ tướng chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn
Dũng là một văn bản khá dài với nhiều nội dung, tuy nhiên một “thông
điệp” quan trọng mà dư luận bàn tán và quan tâm nhất đó là “thay đổi thể
chế, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng nhà nước pháp
quyền…”. Có hai nội hàm đằng sau thông điệp này, một là ông Nguyễn Tấn
Dũng chỉ nói cho vui như bao lần khác và tiếp tục cho người dân Việt Nam
ăn bánh vẽ, hai là ông dọn đường dư luận để tiến hành những thay đổi
quan trọng như cải cách thể chế... Nếu là trường hợp đầu tiên thì không
có gì để nói. Bài viết này là để phân tích những gì mà ông Dũng có thể
làm và nên làm trong trường hợp muốn Việt Nam thay đổi.
“Thay đổi thể chế” là thay đổi cái gì? Tất nhiên đó là thay đổi “thể
chế chính trị”. Điều này có nghĩa là phải thay đổi tư duy chính trị, từ
một thể chế toàn trị mà đảng cộng sản đứng trên và đứng ngoài luật pháp
thành một nhà nước dân chủ và pháp trị. Một nhà nước dân chủ dưới
cái nhìn của thế giới văn minh là một nhà nước mà trong đó người dân là
chủ nhân thật sự của đất nước, vì vậy người dân; thứ nhất: Có quyền tự
do ngôn luận, tự do báo chí; thứ hai: Có quyền lập hội, đoàn và các tổ
chức của riêng mình; thứ ba: Có quyền tự do bầu cử và ứng cử vào các cơ
quan công quyền. Mô hình của nhà nước pháp trị tuy có ít nhiều khác nhau
nhưng phải dựa trên nền tảng “tam quyền phân lập” giữa ba cơ quan: lập
pháp, hành pháp và tư pháp. Mục đích là để giám sát lẫn nhau, không cơ
quan nào được lạm dụng quyền lực.
Sự nhìn nhận dân chủ giữa thế giới văn minh cũng như những người dấn
thân cho dân chủ với chính quyền Việt Nam rất khác nhau. Thông điệp của
ông Dũng chắc chắn phải do một nhóm cố vấn của ông cùng viết ra chứ
không phải một người và thật là ngạc nhiên về sự nhìn nhận của họ về dân
chủ. Trong thông điệp có đoạn viết “tăng cường sự lãnh đạo của đảng, quản lý của nhà nước cũng là nhằm phát huy tốt hơn quyền làm chủ của nhân dân” hay đoạn “dân chủ là tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.v.v.
Mấy chục năm nay, chưa cần “tăng cường sự lãnh đạo của đảng” mà người
dân Việt Nam khốn khổ như thế nào thì ai cũng thấy rõ, giờ lại “tiếp tục
tăng cường sự lãnh đạo của đảng” thì đất nước sẽ đi về đâu? Đổi mới là
đổi mới cái gì?
Đảng cộng sản Việt Nam cần phải hiểu rằng đất nước Việt Nam là của
chung, là của tất cả 90 triệu người Việt trong nước và gần 4 triệu người
Việt ở hải ngoại. Chính vì đất nước Việt Nam là của chung nên nó không
thể nào lại đồng thời là “chiến lợi phẩm” hay “phần thưởng” để ban tặng
cho ai, hoặc một nhóm người nào đó vì đã từng “có công với đất nước”.
Luận điệu “vì đảng cộng sản có công giải phóng đất nước nên giờ đương nhiên phải cầm quyền vĩnh viễn”, “không có đảng cộng sản thì không có ngày hôm nay”…là
những suy nghĩ thiếu hiểu biết, nông cạn và phản động. Nước Việt Nam có
lịch sử gần 4000 năm và trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử với bao
triều đại như Đinh, Lê, Lý, Trần, Nguyễn… Những vị vua và anh hùng dân
tộc trong lịch sử đã có công rất lớn trong việc dành lại độc lập và đánh
đuổi ngoại xâm. Hậu thế ghi nhận công lao của họ và lịch sử không bao
giờ quên ơn họ nhưng không thể vì thế mà con cháu họ lại có quyền thừa
kế…đất nước Việt Nam. Đảng cộng sản cũng không là ngoại lệ. Nếu có công
họ sẽ được lịch sử ghi nhận. Nếu họ muốn tiếp tục cầm quyền và lãnh đạo
đất nước thì họ phải có chính danh trong hiện tại. Chính danh đó chỉ có
được nếu họ được đa số người dân Việt Nam lựa chọn thông qua một cuộc
bầu cử dân chủ, công bằng và minh bạch với sự tham gia của tất cả các
đảng phái khác nhau.
Không thể nào có được một thể chế “dân chủ độc đảng”, đó là một luận
điệu bịp bợm. Đã một đảng lãnh đạo thì không thể có sự cạnh tranh chính
trị và người dân không thể lựa chọn cho mình những gì tốt đẹp mà sự
cạnh tranh mang lại vì họ không có gì để so sánh. Một đảng lãnh đạo cũng
không thể nào tự thay đổi được vì không có áp lực để thay đổi. Đảng là
gì? Đảng là tập hợp của những người có cùng chí hướng. Là “đồng chí” với
nhau, làm sao có thể đấu tranh dứt khoát với nhau được? Nhất là khi
không bị áp lực trừng phạt của nhân dân? Như là mất quyền lãnh đạo
v.v...
Thế nào là đảng cầm quyền? Đảng cầm quyền là một đảng chính trị được
người dân tín nhiệm và lựa chọn để quản lý đất nước. Đảng cầm quyền
cũng giống như giám đốc điều hành được hội đồng quản trị (tức là người
dân Việt Nam) bầu ra để điều hành đất nước. Nếu họ làm tốt thì sẽ được
tiếp tục tín nhiệm và lựa chọn, nếu làm dở họ sẽ bị thay thế bởi một
đảng chính chính trị (người điều hành) khác. Đảng chính trị (cũng như
giám đốc điều hành, họ) được ủy quyền của người dân để điều hành đất
nước vì vậy họ chỉ là người “giúp việc cho nhân dân” được nhân dân trả
lương và có bổn phận làm tốt công việc của mình. Không có chuyện ơn
nghĩa gì ở đây. Những khẩu hiệu như “đảng quang vinh, muôn năm”, “ơn
đảng, ơn chính phủ” là những câu lộng ngôn, láo lếu và ngược đời. Không
một người làm thuê nào được phép nói với người chủ của mình như vậy.
Đánh giá một đảng chính trị tốt hay xấu là do người dân chứ không phải
do đảng chính trị đó muốn mà được.
Khi đảng cộng sản “thay đổi” được tư duy như vậy thì cho dù người dân
có phàn nàn hay kêu ca gì thì họ cũng phải lắng nghe và sửa chữa. Một
trách nhiệm mà các chính quyền dân chủ phải làm thường xuyên đó là
“trách nhiệm giải trình”. Bất cứ một thắc mắc hay nghi hoặc gì của người
dân (thông qua báo chí) được đưa ra thì nhà nước phải nhanh chóng giải
trình một cách thành thật và nhanh chóng để người dân an tâm. Nếu có
chuyện bất đồng ý kiến của người dân thì cũng là chuyện đương nhiên,
không có chính phủ nào có thể làm hài lòng tất cả người dân của mình,
nhưng không thể vì thế mà đàn áp và bịt miệng họ bằng bạo lực. Việc thân
nhân các nhà đấu tranh cho dân chủ và bất đồng chính kiến Việt Nam đang
bị giam giữ ra điều trần trước Quốc hội Mỹ là một sự sỉ nhục đối với
nhà cầm quyền Việt Nam. Tại sao nhà nước này lại không lắng nghe tiếng
nói của người dân mình? Tại sao quốc hội Việt Nam lại không tạo điều
kiện cho họ ra điều trần trước quốc hội mình mà đẩy họ phải vượt đại
dương sang tận nước Mỹ để điều trần và kêu gọi lòng từ bi, sự giúp đỡ
của người ngoại quốc? Danh dự và thể diện của quốc gia đã bị đảng cầm
quyền vứt vào sọt rác như vậy sao? Một nhà nước “của dân, do dân và vì
dân” lại xử sự như vậy sao?
Nếu ông Dũng và chính phủ Việt Nam không thay đổi tư duy chính trị
theo cách nhìn nhận của thế giới văn minh thì mọi lời kêu gọi đổi mới
đều vô ích và nhanh chóng gặp thất bại. Bất cứ sự thay đổi nào, đầu tiên
và trên hết là phải đem lại quyền lợi cho người dân sau đó mới đến
chính phủ. Lòng dân có an thì chính quyền mới ổn vững. Mô hình nhà nước
xã hội chủ nghĩa đã thất bại thật sự trên thực tiễn lẫn trong lý thuyết.
Thay đổi là đòi hỏi tất yếu của lịch sử và đó cũng là qui luật của tự
nhiên. Những cái gì không phù hợp đương nhiên sẽ bị đào thải. Ông Dũng
không còn nhiều lựa chọn: “Ông sẽ chỉ còn hy vọng thoát hiểm nếu dám
nhanh chóng và táo bạo đứng hẳn vào hàng ngũ dân chủ, đáp ứng một cách
quả quyết nguyện vọng dân chủ của nhân dân để được nhìn nhận như là một
nhịp cầu cần thiết bắc sang kỷ nguyên dân chủ” (Nguyễn Gia Kiểng-Trước hết là một thái độ).
Nếu muốn như vậy thì trước hết chính quyền Việt Nam cần nhanh chóng
trả tự do cho tất cả tù nhân chính trị và tôn giáo (theo đề nghị của
giáo sư Hoàng Tụy), tiến tới việc tổ chức các cuộc gặp gỡ, đối thoại ôn
hòa với đại diện mọi tầng lớp nhân dân. Công nhận quyền tự do ngôn luận
và tự do báo chí của người dân. Chấp nhận đối thoại với các đảng chính
trị của người Việt trong và ngoài nước tiến tới việc thừa nhận đa nguyên
chính trị và đối lập dân chủ. Kiên quyết và thành tâm chấm dứt mọi hình
thức sử dụng bạo lực đối với người dân, nhất là đối với những người bất
đồng chính kiến. Một việc mà chính quyền cần làm ngay là nhanh chóng
xét xử tên Lê Văn Điệp, phó công an xã Chương Dương, Thường Tín, Hà Nội
vì tội “lợi dụng chức quyền, đánh người gây thương tích nghiêm trọng” mà
nạn nhân là ông Huỳnh Ngọc Tuấn.
Để làm những việc trên là không hề đơn giản, nhưng ông Dũng có thể
làm được vì ông nắm được quân đội, công an và kinh tế. Quan trọng nhất
là nếu ông Dũng thay đổi thật sự thì ông sẽ nhận được ủng hộ của toàn
thể nhân dân Việt Nam và đó mới là sức mạnh thật sự. Lực cản từ trong
nội bộ đảng cộng sản và các nhóm lợi ích là rất lớn, tuy nhiên thay đổi
để tiếp tục tồn tại trong vinh quang như giới lãnh đạo quân đội tại Miến
Điện sẽ tốt hơn rất nhiều so với số phận của Mubarak (Ai Cập) hay
Gaddaphi (Lybia).
Những việc của ông Dũng thì ông phải làm, không ai làm thay ông được.
Còn đối với nhân dân Việt Nam nói chung và tầng lớp trí thức tinh hoa
Việt Nam nói riêng thì chúng ta có việc của chúng ta và chúng ta cũng
phải tự làm chứ không ai làm thay chúng ta được. Không thể ngồi “há
miệng chờ sung” hay đặt mọi hy vọng vào sự “dấn thân” của ông Dũng.
Chúng ta cần “thẳng thắn và dứt khoát” rằng: Dân chủ không phải là một
khuynh hướng chính trị mà là một quyền. Và đã là quyền thì chỉ có đòi
hỏi chứ không thể thảo luận hay nhân nhượng. Người cần khiêm tốn và cần
tranh thủ sự ủng hộ là họ, người người lãnh đạo cộng sản muốn đổi mới
chứ không phải là chúng ta. Chúng ta là chủ nhân của đất nước vì vậy
chúng ta phải tiếp tục đòi hỏi những quyền lợi chính đáng thuộc về chúng
ta. Dù chưa mạnh nhưng chúng ta là một tương lai bắt buộc sẽ đến và họ
là những người đang bơi ngược dòng lịch sử. Chúng ta sẽ đến đích dù họ
có muốn hay không muốn. Nếu họ (những người cộng sản) muốn dân chủ cho
Việt Nam và chia sẻ cùng một khái niệm về dân chủ như chúng ta thì chúng
ta sẽ đồng hành cùng họ.
Cuộc đấu tranh vì tự do và dân chủ cho Việt nam là một cuộc đấu
tranh bằng sự chính nghĩa, trí tuệ và nhân cách. Vì thế nó phải xuất
phát từ tầng lớp trí thức và phải do trí thức lãnh đạo, dẫn dắt. Cuộc
thay đổi này cần và nên diễn ra trong hòa bình vì vậy vai trò dẫn đường
của giới trí thức tinh hoa là rất quan trọng. Việc nhanh chóng xuất hiện
một tổ chức đối lập chính trị hùng mạnh làm đối trọng, để giúp và buộc
đảng cộng sản phải thay đổi như Miến Điện là rất quan trọng. Tất cả
những ai có điều kiện (có hiểu biết về chính trị, muốn tham gia vào
chính trường để thay đổi xã hội và phụng sự nhân dân…), thì nên tham gia
vào một đảng chính trị dân chủ, nhất là những người có uy tín trong xã
hội và không bị gặp khó khăn khi xuất hiện công khai. Những bạn trẻ nếu
chưa thật sự tự tin thì, trước mắt, hãy tham gia vào các tổ chức xã hội
dân sự, tập làm việc trong môi trường có tổ chức, có mục đích và có lý
tưởng rõ ràng. Nên dành thời gian tìm hiểu về các tổ chức chính trị để
có thể ủng hộ và giới thiệu họ đến với người dân. Dù bất cứ hoàn cảnh
nào thì cuộc đấu tranh này phải đi qua giới trí thức tinh hoa, nhất là
giới trí thức trẻ, những người có tư duy độc lập và chưa “nợ nần” gì
chính quyền như lớp trí thức lớn tuổi.
Thông điệp mà chúng ta gửi đến đảng cộng sản đó là: Dân chủ là quyền
và nguyện vọng của nhân dân Việt Nam vì vậy chúng tôi sẽ làm tất cả để
dành lấy nó, dù đảng cộng sản có ủng hộ hay không.
Việt Hoàng