Võ Văn Tạo
Trái tim yêu nước Lê Hiếu Đằng đã ngừng đập vào lúc 22h 07 phút tối 22-1-2014!
Rạng sáng 23-1, từ điện thoại của luật gia Lê Hiếu Đằng, chị Lê
Thanh An, con gái duy nhất của ông xác nhận tin đau buồn trên. Hiện thi
thể ông được bảo quản tại nhà lạnh ở đường Trần Phú (gần Bệnh viện 115) ở
TP HCM. Gia đình dự kiến sáng nay (23-1) sẽ khâm liệm và đưa linh cữu
ông về quàn tại Chùa Xá Lợi, sau đó sẽ hỏa táng và đưa di cốt về một
ngôi chùa gần nhà, vì gia đình không mua được đất để an táng ông.
Chị An cho biết thêm, từ 2 tuần nay, sức khỏe của ông xuống rõ rệt,
không còn nhận biết được. Trước đó, ông lâm bệnh ung thư hiểm nghèo.
Luật gia Lê Hiếu Đằng từng là Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về dân
chủ và pháp luật thuộc Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam, nguyên Phó tổng
thư ký Ủy ban trung ương liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa
bình Việt Nam, nguyên Tổng thư kí Uỷ ban nhân dân cách mạng khu Sài Gòn
Gia Định, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM. Tính tới
2013, ông 45 năm là đảng viên Đảng CSVN. Ông là một trong các “lãnh tụ”
sinh viên trước đây đã có một thời kỳ lẫy lừng trong phong trào đấu
tranh tại Sài Gòn và các đô thị Miền Nam trước 1975, thành viên Ban chấp
hành Tổng hội sinh viên Sài Gòn và Đại học luật khoa Sài Gòn.
Ông Lê Hiếu Đằng quê ở Quảng Nam, từng học Trung học Phan Châu Trinh ở
Đà Nẵng, Đại học luật khoa ở Sài Gòn, và một năm học Đại học văn khoa
Sài Gòn (1964). Từ 1975 đến 1983 ông là giảng viên triết học và chủ
nghĩa xã hội khoa học ở Trường đảng Nguyễn Văn Cừ thuộc Khu ủy Sài
Gòn-Gia Định.
Ông là một trong 72 người đầu tiên ký vào Kiến nghị 72 trong đợt sửa đổi Hiến pháp 2013.
Ông cũng là là một trong những người đi đầu trong phong trào biểu
tình tại Việt Nam chống Trung Quốc xâm lược Biển Đông. Ông tuyên bố
“Việt Nam vi phạm nhân quyền khi trấn dẹp biểu tình chống Trung Quốc“.
Theo ông: “mọi người phải xác định rằng đất nước là của chung, nước
Việt Nam là một, đã là người Việt Nam thì phải làm sao để Việt Nam lớn
mạnh hơn, từ đó chung tay, góp sức làm cho đất nước phát triển” và “sự
tồn vong của đất nước là quan trọng“.
Về vụ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không từ chức, ông Đằng nói: “Việt
Nam chưa có «văn hóa từ chức» thể hiện lòng tự trọng của một vị lãnh
đạo. Vấn đề ở chỗ «lỗi hệ thống». Nếu muốn không có một vị Nguyễn Tấn
Dũng nữa thì phải thay đổi thể chế. Trong thế chế đó phải thực hiện được
những quyền dân chủ của người dân, và xây dựng nhà nước pháp quyền, xã
hội dân sự, và nền kinh tế nhiều thành phần”.
Về phiên tòa xét xử hai nhạc sĩ Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình ngày
30/10/2012, ông nói: “Trấn áp không dập tắt được những tiếng nói yêu
nước phản kháng”
Ông khẳng định: “Việc đổi tên nước là thời cơ rất lớn để thay đổi một
số điều trong hiến pháp, làm đòn bẩy cho sự phát triển của đất nước.
Nếu vẫn như cũ thì rất tiếc, thời cơ qua đi”.
Vào tháng 8/2013, trong bài viết “Suy nghĩ trong những ngày nằm
bịnh”, ông đã công khai nói lên những suy nghĩ của mình. Về việc Đảng
CSVN đã phản bội lý tưởng cách mạng, phản bội nhân dân, phản bội những
người góp phần xây dựng nên chế độ, trong đó có ông, cũng như việc cần
thiết phải dân chủ hóa, xây dựng thể chế đa đảng để cứu đất nước thoát
khỏi tình thế nguy cấp hiện tại, kêu gọi thành lập chính đảng mang tên
Đảng dân chủ xã hội tại Việt Nam. Ngày 4 tháng 12 năm 2013, ông viết
tuyên bố từ bỏ Đảng CSVN, vì theo ông: “Đảng CCSVN bây giờ không còn như
trước (đấu tranh giải phóng dân tộc) mà đang suy thoái biến chất, thực
chất chỉ là đảng của những tập đoàn lợi ích, trở thành lực cản cho sự
phát triển đất nước, dân tộc, đi ngược lại lợi ích dân tộc, nhân dân”.
Luật gia Lê Hiếu Đằng ra đi ở tuổi 70, phong trào đấu tranh vì một
Việt Nam thật sự độc lập, tự do và tiến bộ, vì hạnh phúc của nhân dân
mất đi người chiến sĩ tiên phong, kiên cường đầy nhiệt huyết.
Trong giờ phút đau buồn này, xin gửi tới gia quyến luật gia Lê Hiếu
Đằng và những người cùng chí hướng lời chia buồn sâu sắc nhất!
V.V.T.