Thứ Tư, 29 tháng 1, 2014

Đội bóng Hoàng Sa - 2014: Đừng yêu nước bằng tiếng chửi!


Xuân 2014, đội bóng Hoàng Sa xin chúc mọi nhà một năm yêu nước chân thành hơn. Nhờ một lòng yêu nước thật chân thành, mỗi người Việt sẽ hạnh phúc hơn, và cuộc phấn đấu vì một nước Việt Nam tự do, thịnh vượng và hòa bình cũng sẽ vượt qua được nhiều thách thức.
Hẳn nhiều bạn sẽ cho lời chúc này là kì cục. Chỉ yêu nước thôi cũng đã là đáng quí, sao chúng mình phải chúc nhau “yêu nước chân thành hơn”? Xin thành thực báo cáo với quí bạn: chính sự lo ngại trước “dư luận yêu nước” đã thôi thúc chúng tôi chọn lời chúc ngộ nghĩnh này.
Chúng ta đang có một dư luận chính trị nhiều GHÉT hơn YÊU, nhiều CÁI TÔI hơn ĐẤT NƯỚC.
Hãy ghé thăm những cuộc thảo luận về tình hình đất nước trên không gian ảo. Trong những cuộc trò chuyện ấy, bạn bắt gặp bao nhiêu lời yêu thương? Trong những “người yêu nước” tham gia thảo luận, bạn bắt gặp bao nhiêu sự hiểu biết, chững chạc, ôn hòa? Trong những nội dung được nêu ra, bạn bắt gặp bao nhiêu giải pháp khả thi cho những vấn đề thiết thực của xã hội và đất nước?

Rất hiếm, và không đáng kể. Những tiêu chuẩn tối thiểu ấy có lẽ chỉ tồn tại trong 1% số cuộc “thảo luận chính trị” ở nước ta. Phần còn lại, đáng tiếc, là cả một đại dương ngập ngụa những lời than thở, oán trách và chửi bới tục tằn. Tiếng chửi lên ngôi, và được tôn vinh như một hành động yêu nước. Không ai không chửi, và không ai không bị chửi. Người già chửi người trẻ, người Nam chửi người Bắc, người trong nước chửi người hải ngoại, người thành phố chửi người người nhà quê. Để chứng tỏ lòng yêu nước, người ta chửi Bill Gates, chửi fan K-pop, chửi “bọn phản động”, chửi “bè lũ cầm quyền”. Trước tình trạng bi đát của quốc gia, người ta oán trách cộng đồng và đổ mọi lỗi lầm lên đầu thể chế. Rồi người ta chê bai dân tộc của mình bằng điệp khúc người Việt xấu xí, ngu dốt, đớn hèn, bị nhồi sọ… Để khẳng định lòng yêu nước, người Việt Nam nào chũng chửi hàng triệu người Việt Nam.
Trong cuộc đại chiến chửi bới, mặt trận nhộn nhịp nhất có lẽ là trận địa đả kích chính quyền. Người ta chửi từ sớm tới khuya, từ năm này qua năm khác. Có những nick không đăng gì khác ngoài chửi, và chửi đi chửi lại một bài suốt vài thập kỉ. Người ta hả hê nhục mạ tất cả những gì thuộc về Cộng sản, và đôi lúc, cả những kẻ không chịu chống Cộng với “quân ta”. Chửi nhân danh Tổ Quốc, Công Lí, Dân Chủ, Nhân Quyền… Chửi bằng những lập luận kiểu báo Nhân Dân, chửi như tố nhau trong Cải Cách Ruộng Đất.
Thật không may, phương thức “đấu tranh” bệnh hoạn này thường lại đưa chủ nhân vào vài tình huống đáng xấu hổ. Chẳng hạn, để phê bình hành vi xâm hại Quyền Con Người của nhà nước, nhiều vị chống Cộng đã chửi toàn bộ công chức Việt Nam là chó, là quỷ, và thổ lộ một niềm tin mãnh liệt vào ngày họ “trả nợ máu trên khắp quê hương”. Người ta trách móc mọi thất bại của chính quyền trong việc xử lí các vấn đề của đất nước, nhưng lại không đề nghị được giải pháp thay thế nào. Và cứ như thế, ngày qua ngày, người ta chửi như Chí Phèo trong cơn say, như các tín đồ trong buổi lên đồng, như những con vẹt truyền thông trong chế độ mà họ chống.
Công cuộc chửi bới này đang được vinh danh như một biểu hiện của lòng yêu nước, yêu tự do và sự thức tỉnh. Nhưng có thực là yêu nước, khi người ta nói lời thù hận thay vì yêu thương? Có thực là yêu nước không, khi người ta nguyền rủa và căm ghét đồng bào mình? Có thực là yêu nước không, khi thay vì bắt tay vào làm, người ta dành cả ngày để đổ lỗi cho người khác?
Có thực là yêu tự do không, khi người ta trở thành nô lệ của chủ thuyết, mĩ từ và thù hận?
Và có hay không sự thức tỉnh, khi người ta chìm đắm vào cuộc lên đồng của đám đông vô thức, để rồi nhại đi nhại lại vài luận điệu xưa cũ suốt cả chục năm?
Tiếng chửi đã trưng ra nhiều lập luận để tự bào chữa cho mình. Chẳng hạn, “để xã hội tốt đẹp hơn, chúng ta phải kiên quyết đấu tranh chống cái xấu”. Nhưng nếu bạn chống lại cái xấu bằng một phương thức thậm chí còn xấu hơn, thì bạn đang đấu tranh cho ai: xã hội hay cái tôi của bạn? Khi bạn trút vào môi trường thông tin toàn những tình cảm tiêu cực và ngôn từ nhớp nhúa, bạn đang quét sạch cái xấu ra khỏi xã hội, hay đang reo rắc thêm nhiều mầm xấu trong tâm trí người nghe? Để kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn, bạn nên tự rèn luyện mình thành một hạt giống tốt, hay nên ngồi than thở và trách móc tình trạng bi đát hiện giờ?
Khi bạn lao vào đánh lộn với đống phân bò, dù kẻ chiến thắng là ai, hắn ta cũng thối.
Người ta cũng thường biện bạch rằng để đất nước thoát khỏi mọi bế tắc hiện nay, chúng ta phải đấu tranh để lật đổ chế độ. Trong trường hợp ấy, họ đã lặp lại vết xe đổ của những người Cộng sản đầu thế kỉ 20. Các đảng chống Cộng là anh em với đảng Cộng sản về cả phương pháp lẫn tinh thần. Cả hai đều cực đoan, dữ dằn, độc đoán. Cả hai đều kêu gọi người Việt Nam chống người Việt Nam nhân danh giai cấp và hệ tư tưởng. Cả hai đều bạo lực trong ngôn từ và hành vi. Cả hai đều không chấp nhận những luồng tư tưởng và ý kiến khác biệt với mình. Cả hai đều kêu gọi đạp đổ để xây mới. Cả hai đều tuyên bố rằng khi “cách mạng thành công”, họ sẽ tiêu diệt, hạ nhục để trả thù tầng lớp cầm quyền đương nhiệm. Thêm một cuộc cách mạng như thế, nước Việt sẽ đi về đâu?
Người ta có thể mô tả màn chửi rủa nhức óc ấy như những hoạt động “phản biện” và “tố cáo” cơ quan công quyền. Nhưng chúng ta không thể thay đổi hệ thống chính trị hiện nay bằng cách phàn nàn và chửi bới nó. Thêm nữa, một dư luận chỉ biết đổ tội và công kích suốt mấy chục năm ròng, thay vì thảo luận một cách ôn hòa và có học để tìm giải pháp khả thi, là một thứ dư luận bệnh hoạn. Thay vì góp phần cải thiện tình thế, nó chỉ góp phần đẩy đất nước vào một sự bế tắc lớn hơn.
Đây có phải là một dư luận yêu nước chân thành? Không, chúng tôi không nghĩ thế. Lòng yêu nước quả thực vẫn hiện diện trong nó như một thành tố quan trọng. Nhưng tình cảm tốt lành này đã bị lấn át, và sau đó bị ngụy tạo, bởi tầng tầng lớp lớp những mâu thuẫn xã hội sắp làm nghẹt thở cả quốc gia. Xã hội Việt Nam đang trên đà phân rã cao độ do những hệ lụy của độc tài, nội chiến, và một hành trình thay đổi hệ giá trị không có người dẫn đường. Do quán tính của những xung đột chính trị và văn hóa từ thế kỉ 20, cho đến lúc này, những mảnh vỡ của dân tộc Việt vẫn đang tiếp tục nhân danh lòng yêu nước để mạt sát và hạ nhục nhau, theo đúng cái cách mà họ từng làm trong chuỗi ngày cách mạng và nội chiến.
Sự mạo nhận này ẩn chứa nhiều nguy hại. Nó là một trong những lí do quan trọng nhất khiến người Việt trẻ mặc kệ những vấn đề của quốc gia. Khi một thanh niên Việt Nam đi theo tiêng gọi của khẩu hiệu yêu nước, anh ta sẽ tìm thấy loại người đồng hành nào? Trừ vài người đủ kiên nhẫn, tỉnh táo và may mắn để tìm cho mình một con đường riêng, đa số thanh niên sẽ nhanh chóng đắm chìm vào vòng xoáy thịnh nộ và hận thù của cái “dư luận yêu nước” trên internet. Đến đây, họ có hai lựa chọn. Một: bỏ cuộc vì thất vọng tột độ trước sự hằn học và bế tắc của đám đông. Hai: bị đám đông nuốt chửng và tiêu hóa, cho đến khi họ tự đánh mất chính mình. Thay vì tự tư duy, họ chuyển sang nói và làm theo tiếng gọi của mĩ từ và óc bè phái. Thay vì tồn tại như một con người tự do, họ trở thành “dư luận viên” của một trong hai lề, thành cái loa phóng thanh của một thế lực chính trị. Rồi với niềm tin rằng mình yêu dân chủ và yêu nước, người ta ném mình vào những hoạt động làm sa lầy dân tộc và làm nô lệ hóa bản thân.
Một dư luận chính trị chỉ tràn ngập tinh thần đối đầu thay vì đối thoại, triệt tiêu thay vì hợp tác sẽ đưa đất nước đến tương lai nào? Mọi tập thể đều tồn tại nhờ chia sẻ đồng thuận và lợi ích chung, mọi sự phát triển đều có tiền đề là hợp tác. Nếu “dư luận yêu nước” chỉ làm người Việt ghét nhau, chống nhau và phủ nhận nhau, nước Việt Nam sẽ vĩnh viễn chôn chân trong tình trạng rã hàng và tụt hậu.
Hãy để viễn cảnh u buồn ấy khép lại cùng một năm cũ sắp trôi qua.
Những ngày giáp Tết, người Việt dành thì giờ để dọn dẹp những bề bộn trong tổ ấm và trong tâm hồn. Đây là cơ hội để chúng ta dừng chân và suy ngẫm. Một việc khó, nhưng cần khẩn cấp làm, là bắt đầu yêu nước một cách thành thực. Để được vậy, mỗi người cần nghĩ khác và làm khác đi.
Vậy mình nên yêu nước như thế nào? Một số tinh thần tiến bộ, mà mọi người thường xuyên nhắc đến dạo gần đây, có thể cho chúng ta lời gợi ý.
Trước tiên, là tôn trọng sự khác biệt. Trong hầu hết dòng lịch sử, chúng ta đã xem Tổ quốc của mình như tài sản của riêng một tập đoàn cầm quyền, một phong cách sống, một hệ giá trị, một sắc dân… Người ta áp đặt cách nhìn vô lí này để bảo vệ quyền lực tuyệt đối, bất chấp một thực tế không thể bác bỏ, rằng sự đa dạng về cội nguồn, quan điểm và lợi ích luôn tồn tại trong xã hội Việt Nam vào mọi thời kì. Hậu quả hiển nhiên là dân tộc ta thường xuyên bị chia rẽ. Luật chơi độc tài đã đẩy các nhóm người Việt vào vòng xoáy xung đột và tranh chấp liên miên trong tinh thần thắng làm vua, thua làm giặc. Mặt khác, nó còn bóp chết óc sáng tạo, tinh thần đổi mới và năng lực đối thoại của người Việt Nam. Để đoàn kết và phát huy tiềm năng của dân tộc, chúng ta cần nhìn đất nước bằng một ánh mắt bao dung, dân chủ và khoan hòa. Trong lòng mỗi người Việt Nam, Tổ quốc phải là quê hương chung của những người đồng bào thuộc nhiều cội nguồn, giai tầng và khuynh hướng. Một nước Việt Nam như thế sẽ dành những cơ hội và phẩm giá ngang nhau cho mọi người Việt Nam lương thiện. Một quê hương như thế sẽ là mảnh đất ươm mầm mọi mộng ước và tài năng. Nếu bạn yêu nó, đừng yêu theo cách của một nhà độc tài. Một người Việt yêu nước sẽ bảo vệ sự đa dạng về mặt bản sắc của mọi người Việt Nam, thay vì chỉ biết áp đặt những lí tưởng và phong cách sống của cá nhân mình lên người khác.
Thứ hai, là tinh thần yêu chuộng công lí và thượng tôn pháp luật. Khi tham gia vào dư luận xã hội, mỗi người Việt thường có khuynh hướng phán xét các nhân vật và sự kiện bằng định kiến có sẵn và cảm xúc của đám đông. Không thể có một đất nước trật tự, bình yên và phát triển khi mỗi công dân đều tự cho mình cái tư cách của một nhà lập pháp, một cảnh sát và một quan tòa. Cũng không thể có một đất nước tự do khi các công dân không được trang bị những kiến thức, cơ chế và tinh thần để bảo vệ quyền chính đáng của bản thân và của người khác. Để giải quyết cả hai vấn đề này, cần có sự tôn trọng những nguyên tắc hành xử chung mà mọi người cùng thừa nhận. Nếu bạn yêu nước, hãy yêu công lí, tôn trọng pháp luật và góp sức xây dựng một nền pháp quyền thực sự cho đất nước, thay vì hô hào xử bắn những người Việt mà bạn không ưa.
Yếu tố kế tiếp đặc biệt cần thiết cho người Việt mình. Đó là tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc. Trong mọi đất nước, quá trình sinh hoạt và phát triển luôn tiềm ẩn nguy cơ làm bùng phát những xung đột và đổ vỡ giữa các bộ phận công dân. Khi đối diện với mối đe dọa này, quốc gia có hai lựa chọn. Một, là hòa giải mâu thuẫn để tiến tới sự chung sống hòa hợp giữa các thành phần dân tộc, và nhờ vậy, có thể giữ gìn tình đoàn kết. Hai, là xử lí các mâu thuẫn bằng bạo lực và áp đặt, để nhanh chóng làm chủ tình hình và thiết lập quyền lực chính trị, dù cái giá phải trả là đất nước có thêm nhiều đổ vỡ và đau thương. Không may, đó đã là lựa chọn quen thuộc của người Việt Nam trong hầu hết dòng lịch sử của mình. Dù chỉ mới chung sống độc lập được 1000 năm, chúng ta đã có gần 300 năm chia cắt và nội chiến. Chuỗi ngày xung đột đằng đẵng ấy để lại vô số rạn nứt giữa các bộ phận công dân và trong tâm hồn dân tộc. Không đáng ngạc nhiên khi lúc này, chúng ta có một dư luận chính trị tràn ngập sự hận thù, chia rẽ và ác tâm. Nếu còn tiếp tục, tình trạng ấy sẽ hứa hẹn những tai họa bi thảm cho đất nước trong tương lai gần. Lúc này, chế độ độc tài đã, đang và sẽ gây ra quá nhiều hận thù giữa những người trong và ngoài bộ máy. Nó đang đặt trong xã hội Việt Nam vô vàn thùng thuốc nổ. Nếu cuộc chuyển đổi chính trị sắp tới không diễn ra trong trật tự, trong một tình thế ngoại giao thuận lợi và một tình cảm dân tộc đủ để vượt qua sự chia rẽ, chúng ta sẽ không tránh khỏi một tình trạng hỗn loạn, một phong trào trả thù chế độ cũ, hoặc một cuộc nội chiến ngắn do can thiệp của các cường quốc ngoại bang. Biến động này sẽ không để lại gì ngoài một sự sụp toàn diện trong giềng mối quốc gia, tình tự dân tộc và thế cân bằng quyền lực, khiến đất nước tiếp tục lún sâu vào tụt hậu, chia rẽ, ngoại thuộc và tái độc tài. Nếu bạn yêu nước, hãy làm hết sức mình để ngăn chặn những viễn cảnh như thế. Nhu cầu hòa hợp dân tộc cũng sẽ hiện diện một cách thường trực trong mọi sinh hoạt của quốc gia, nhất là vào thời điểm diễn ra những cuộc thay đổi lớn về văn hóa, kinh tế và chính trị. Nó đòi hỏi chúng ta sẵn sàng hi sinh một phần lợi ích phe cánh của mình, để tự điều chỉnh mọi hành động và lời nói, sao cho có thể hạn chế đến mức thấp nhất những rạn nứt giữa cá nhân và tập thể, hoặc giữa các địa phương, thế hệ, giai tầng, khuynh hướng… khác nhau.
Cuối cùng là một gợi ý đáng lẽ rất hiển nhiên, nhưng lại chưa được chú ý nhiều. Đó là tinh thần tự lập, tự giác. Khi bất bình trước hiện trạng của đất nước, người Việt thường có khuynh hướng đổ mọi trách nhiệm cho chính quyền, rồi hô hào lật đổ đảng cầm quyền đương nhiệm để thay bằng đảng khác hay hơn. Lối tư duy và hành xử này không thuộc về con người tự do, mà chỉ thể hiện não trạng nô lệ và thói quen dựa dẫm.
Nếu muốn đất nước trở thành một tài sản chung của mọi người, thay vì của riêng một tập thể vua quan, chúng ta cần tâm niệm rằng mọi Việt Nam đều có quyền và trách nhiệm đóng góp cho các công việc chung của xã hội. Bởi vậy, thay vì để nhà nước quyết định tất cả rồi chịu trách nhiệm về mọi thứ, hãy giảm tầm quan trọng của họ bằng cách xây dựng và củng cố xã hội công dân. Chẳng hạn, nếu bạn cho rằng nền giáo dục Việt Nam chỉ đáng quăng vào sọt rác, đừng mong đợi một cuộc cải cách giáo dục từ bất cứ chính đảng hoặc chế độ nào. Thay vì chỉ công kích, than thở, rồi thụ động đòi hỏi một chính sách giáo dục tử tế hơn, bạn hãy tìm những công dân có chung mối lo với mình, rồi cùng nhau tự tạo nên sự đổi mới. Bạn có thể xây dựng những thư viện online để phục vụ cho người tự học. Bạn cũng có thể xây dựng các CLB trao đổi, Vlog, diễn đàn... mang lại cho người Việt một lựa chọn khác, ngoài hệ thống trường học, để chia sẻ kinh nghiệm, tri thức và thông tin. Khi “nền giáo dục nhân dân” này lan tỏa rộng khắp, nhà nước sẽ buộc phải cải thiện chính sách giáo dục để đối phó với tình hình. Dân Việt càng tự lập trong việc dạy dỗ nhau, thì càng được tự do hơn trong việc tiếp cận tri thức. 30 năm trước, người Việt cởi trói nền kinh tế không phải bằng các cuộc biểu tình đòi tự do, mà bằng những gánh hàng rong xuất hiện nhan nhản. Kinh nghiệm này, hơn bao giờ hết, buộc chúng ta phải suy ngẫm về cách yêu nước phù hợp trong tình hình thực tế hôm nay.
Vậy xin chúc các bạn một năm yêu nước thực chân thành. Chúng ta đang sống trong một cuộc lột xác quan trọng của Việt Nam và thế giới. Những người yêu nước hôm nay chính là sứ giả của sự thay đổi. Chính suy nghĩ, lời nói và hành động của họ sẽ định hình diện mạo của Tổ quốc trong tương lai.
Trong thế kỉ 21, đất nước sẽ loạn lạc hay hòa bình? Nhục nhằn hay hãnh tiến? Chết đói hay thịnh vượng? Lệ thuộc hay tự do?
Chúng ta đang nắm giữ câu trả lời. Hãy đại diện cho tương lai mà bạn khao khát.
-- Đội bóng HOÀNG SA
Trang web của Đội bóng Hoàng Sa trên Facebook: https://www.facebook.com/hsfcvn

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"