Thứ Ba, 28 tháng 1, 2014

Trái sung và đèn lồng

Cánh Cò
Không biết từ năm nào mình đã mất hẳn thú vui may áo mới cho con vào những ngày cuối năm. Cũng mất luôn thói quen không thể thiếu là nấu bánh vào ngày 30 tết. Có người bảo siêu thị bán bánh ngon hơn, tiện lợi cho gia đình để bà nội trợ không phải lo toan vào những việc nấu nướng như thế này. Thời gian dôi ra để dành cho việc khác.
Làm sao đồng ý với cách suy nghĩ như thế nhỉ? May áo mới cho con là hạnh phúc của người đàn bà và người mẹ. Đường kim mũi chỉ và sự nhẫn nại, nắn nót sẽ được trả công bằng nụ cười trẻ thơ có phải là phần thưởng lớn nhất của một ngày cuối năm hay không? Tết không phải để ăn để mặc dù dân gian vẫn gọi là ăn tết. Cao hơn những cái bình thường ấy là những kết nối không thể thiếu trong tinh thần ngày tết.
Nồi bánh đêm giao thừa là chiếc cầu nối ký ức vào hiện tại, không phải chỉ một năm đâu mà nhiều năm đã qua, có chuyện đã quên chợt sống dậy làm mình mỉm cười và cũng lắm chuyện làm mình muốn khóc. Chiếc cầu ấy bị gẫy gập vì con người chứ nào phải đời sống công nghiệp? Nồi bánh chưng không cạnh tranh nỗi với nồi bánh siêu thị chỉ vì lòng người đã sơ tán mất rồi.

Chúng ta sơ tán, bỏ thói quen thuần Việt để chạy về vùng đất được gọi là công nghiệp. Ban đầu là sơ tán vì còn nghĩ đến ngày trở lại, bây giờ không còn đường về thì thôi đành ngồi nhớ nồi bánh chưng ngày ba mươi tết như nhớ một kỷ niệm đẹp đã bị đánh bom trong những ngày xưa của Hà Nội.
-Bạn gửi thư về từ Mỹ, vùng đất bình yên mà hàng triệu người muốn tới. Bạn không chào hỏi cũng chẳng chúc tết hay hỏi han người nào. Bạn viết một lèo những câu chữ mình không đọc kịp.
-Bà biết không, hai mươi ba năm ở Mỹ tôi không bao giờ ăn tết. Có gì là tết đâu mà ăn. Tôi dửng dưng với mọi việc vào những ngày giáp tết. Người ta mua tất cả những gì thuộc về tết để đặt trên bàn chỉ nhà tôi là không. Hình ảnh tết rất gượng, rất giả và rất tội nghiệp. Tôi thấy lạ, tại sao người ta lại giả vờ ăn tết trong cái không khí cực kỳ lạnh giá của đất nước này.
Lạnh theo cả hai nghĩa bóng và đen. Cuối đông nên tuyết ngập đầy mọi nơi. Tết nhưng vẫn lò mò tới sở làm nếu không muốn ngày mai ăn tết không lương. Hoa thì hầu hết là nilon, bánh chưng hoa quả mua ở chợ đem về chất đống. Sáng ra con cái tới trường nếu tết rơi vào ngày thứ Hai, hai vợ chồng mỗi người một chiếc xe, một cạp lồng đến sở. Tết đấy.
Mà bà ơi năm nay tôi sẽ ăn tết như người ta. Bà biết tại sao không? Hôm qua tôi ra chợ định mua thức ăn về nấu cuối tuần bất chợt gặp một thứ trái cây rất lạ đối với Mỹ nhưng lại rất quen thuộc với người Việt mình, bà biết trái gì không? Trái sung!
Ôi trời, tôi chỉ biết thầm thì trong lòng khi thấy loại trái quê mùa ấy nằm ngay giữa siêu thị của nước Mỹ. Sao mà nó tội nghiệp như chính tôi vậy bà ơi. Tôi biết nó đang lưu lạc từ quê nhà sang đây vì cái tết của người Việt xa xứ. Đến cái trái vô tri mà còn bị ảnh hưởng như thế thì huống gì con người da thịt như mình.
Tôi sẽ ăn tết năm nay, như một khởi đầu về nguồn trong tâm hồn. Tôi không thể ăn tết như bà và bạn bè mình bên đó nhưng đối với tôi chỉ một trái sung là đủ. Nó hơn hẳn những thức ăn đỏ chót lòe loẹt trên bàn của mọi gia đình. Trái sung ấy mang tới cho tôi một cảm giác gần gũi, ấm áp và gợi mở không biết bao nhiêu là nỗi niềm.
-Bức thư chỉ có thế nhưng làm tôi ngơ ngẩn suốt một buổi chiều. Bạn tôi ra đi với một tinh thần luôn luôn cảm thấy cạn kiệt còn chúng tôi ở lại với một cuộc sống đầy ắp những lo toan và chắc gì tinh thần không thiếu thốn, tổn thương?
Trái sung nhỏ bé hiền lành và còn dính đầy đất cát phù sa mà bạn tôi gặp ở xứ người đã gợi cho bạn ấy một nỗi nhớ nhà gay gắt. Trong khi người ở lại như chúng tôi cũng gay gắt không kém khi mỗi năm màu đỏ của ngày tết càng đỏ thêm. Cái màu đỏ không còn tượng trưng cho thịnh vượng nữa mà nó gợi lên sự phân tán trong lòng mỗi người Việt Nam.
Màu đỏ của máu thắm Hoàng Sa Trường Sa. Màu đỏ của đèn lồng Trung Quốc tràn ngập các tỉnh phía bắc. Màu đỏ ấy còn ám ảnh chúng tôi lâu lắm khi mà hàng hóa lẫn con người Trung Quốc hiện diện một cách kiêu hãnh mọi nơi trên dải đất này.
Bạn ơi cứ ăn tết như thế. Cũng giống chúng tôi vẫn ăn tết như thế. Chúng ta trong hay ngoài gì cũng như nhau, cái mất lớn nhất không phải là tết hay không tết mà là tương lai. Tôi thấy cả dân tộc chúng ta sắp trở thành đứa trẻ Tân Cương bị người lớn Trung Quốc đánh đập, sỉ vả ngay giữa đất nước của họ trên một video mà người ta quay được.
Bạn sẽ buồn và đau đớn khi việc này xảy ra, tuy nhiên bạn vẫn ở xa, sự chia cắt đôi khi làm người ta nhẹ thở. Còn chúng tôi, những sinh vật mang tên là người nhưng không biết có làm người được nữa hay không khi Việt Nam tự nguyện hiến thân cho những ngày tết có lời chúc đầu năm đến từ phương Bắc?
Vậy đó, trái sung làm bạn nhớ quê và đèn lồng làm chúng tôi muốn khóc.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"