Thứ Năm, 23 tháng 1, 2014

Giới thượng lưu Trung Quốc cất giấu tài sản ở nước ngoài


(Từ trái qua) Cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, và Cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo
BẮC KINH — Theo một toán ký giả điều tra, thân nhân của các nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Trung Quốc, kể cả chủ tịch Tập Cận Bình và cựu thủ tướng Ôn Gia Bảo, cũng như các thành viên của giới thượng lưu kinh doanh đã được các ngân hàng tây phuơng giúp cất giấu tài sản để trốn thuế.
Bản phúc trình của Tổ hợp Quốc tế các Ký giả Ðiều tra, còn gọi tắt là ICIJ là cuộc điều tra mới nhất về tài sản của một số cá nhân nhiều thế lực nhất Trung Quốc, kể cả những người còn được gọi là “thái tử đảng,” có liên hệ máu mủ hay hôn nhân với các nhà lãnh đạo cách mạng Trung Quốc.

Các ký giả tập trung vào những tài liệu bị tiết lộ
Các ký giả đã dành nhiều tháng để rà soát khoảng hai triệu rưỡi văn kiện bị tiết lộ trước khi công bố kết quả điều tra hôm nay.
Tin được đưa ra vào lúc một trong những người lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ nhất tính minh bạch tài chính bên trong chính trường Trung Quốc bị đưa ra tòa về các tội có liên quan đến chuyện ông tán thành việc công khai tài sản các giới chức chính phủ.
Các Ngân hàng Tiết lộ Tài liệu
Các tài liệu mật đã bị tiết lộ bởi hai ngân hàng có trụ sở ở Singapore và Quần đảo Virgin của Anh. ICIJ đã công bố kết quả điều tra từ hồi tháng Tư năm ngoái, nhưng đây là lần đầu tiên tổ chức này tiết lộ các chi tiết của gần 22.000 thân chủ nước ngoài có địa chỉ ở Trung Quốc và Hong Kong.
Bản phúc trình viết: “Trong khi đất nước đã tiến từ một chế độ cộng sản cô lập tới một chế độ hỗn hợp xã hội chủ nghĩa và tư bản, Trung Quốc đã trở thành một thị trường hàng đầu cho các nơi an toàn ở nước ngoài quảng bá bí mật, tránh thuế và thực hiện các giao dịch quốc tế hữu hiệu.”
Các công ty sát nhập ở nước ngoài không có tính hợp pháp ở Trung Quốc, nơi hệ thống thuế khóa có những kẽ hở giúp cho các công ty bán sản phẩm qua những chi nhánh ở nước ngoài và báo cáo mức lời thấp hơn ở Trung Quốc.
Công chúng Trung Quốc nhạy cảm với vấn đề tham nhũng
Nhưng sự tích tụ tài sản kếch sù và các quan hệ với thế lực chính trị vẫn còn là một đề tài nhạy cảm ở Trung Quốc, nơi dân chúng rất dễ nổi giận trước các dấu hiệu tham nhũng lộ liễu của các giới chức.
Ông Jean-Pierre Cabestan, một nhà khoa học chính trị tại trường Ðại Học Baptist ở Hong Kong nói người Trung Quốc giàu có, nhất là những người có liên hệ huyết thống với giới thượng lưu chính trị, có thể chọn sát nhập với các công ty nước ngoài vì lý do thuế khóa cũng như lý do chính trị.
Ông Cabestan nói: “Họ không muốn bỏ tiền vào trong cùng một giỏ, họ muốn để tiền ở một nơi an toàn cho tuổi già của họ, hoặc phòng khi có chuyện gì xảy ra. Nó chứng tỏ là họ không hoàn toàn tin tưởng vào chế độ và tương lai của hệ thống chính trị hiện hữu.”
Các giới chức cấp cao Trung Quốc bị cáo buộc có can dự vào các công ty ở nước ngoài
Trong số những phát hiện của ICIJ, có chi tiết về các công ty ở nước ngoài được thành lập bởi thân nhân của ít nhất là năm thành viên hay cựu thành viên của Ủy ban Chấp hành Trung ương Ðảng, cơ quan thực hiện quyết định cao nhất của Trung Quốc.
Trong danh sách này có người anh rể của Chủ tịch Tập Cận Bình, ông Ðặng Gia Quý, là người mà gia sản đã bị phơi bầy trong một bài báo của hãng tin Bloomberg năm 2012.
Theo ICIJ, ông Ðặng đã làm giàu trong ngành địa ốc và điện tử, sở hữu 50 phần trăm một công ty có tên là Excellence Effort Property Development ở quần đảo Virign của Anh.
ICIJ cũng liên hệ hồ sơ của một số công ty ở đảo Virgin của Anh với người con trai, con gái và một người bạn của gia đình cựu thủ tướng Ôn Gia Bảo.
Cựu Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo
Ðây không phải là lần đầu tiên gia đình ông Ôn Gia Bảo bị dò xét về tài sản bí mật.
Năm 2012, báo New York Times tường thuật rằng trong khi còn nắm quyền, thân nhân của ông đã tích lũy hàng tỷ đôla tài sản cất giấu.
Trước khi ICIJ công bố kết quả điều tra, giới truyền thông Hong Kong loan tin Ôn Gia Gia, cái tên được âu yếm tặng cho vị cựu thủ tướng, đã tự bênh vực trong một bức thư tháng 12 gửi cho một nhà bình luận báo ở Hong Kong.
Ông Ôn viết rằng ông chưa hề can dự vào một vụ giao dịch nào lạm dụng quyền thế của ông vì tư lợi bởi vì “không có cái lợi nào có thể làm lay chuyển niềm tin của ông.”
Một số cơ quan truyền thông Hong Kong đã tường thuật rằng chính ông Ôn Gia Bảo có thể đang bị điều tra ở Hoa lục.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc biết rõ sự bất mãn của công chúng
Nhận thức được sự bất bình của quần chúng đối với tình trạng tham nhũng ngày càng gia tăng, các chính trị gia ở Trung Quốc đã hứa đem lại một chính phủ sạch bằng cách diệt trừ tham nhũng ở mọi cấp.
Trong năm vừa qua, một con số ngày càng nhiều các giới chức cấp cao đã bị đặt trong vòng điều tra, nhưng giới hữu trách vẫn lo ngại về tin tức truyền thông tiết lộ tài chính của các chính trị gia cấp cao và gia đình họ.
Theo ICIJ, một cơ quan truyền thông ở Hoa lục hợp tác với ICIJ về các tài liệu ngân hàng đã ngưng cuộc điều tra sau khi bị nhà chức trách cảnh cáo chớ nên đăng tải bất cứ tài liệu nào bị tiết lộ.
Trang web của ICIJ, đăng bản dịch của phúc trình bằng tiếng Quan thoại, đã bị chặn ở Hoa lục ngay sau khi bản phúc trình lên mạng và các tìm kiếm về tài liệu trên các dịch vụ vi blog của Trung Quốc cũng bị kiểm duyệt.
Tin về Tài sản ở Nước ngoài luôn bị tiết lộ
Ông Cabestan nói cho dù các tin tức về tài sản của các gia đình tai to mặt lớn bị chặn ở Trung Quốc, tin tức luôn lọt vào. Theo ông, về lâu về dài, sự kiện đó có thể gây ra thêm sự căm hận trong công chúng nhắm vào những thành phần đặc quyền. Ông nói:
“Song liệu dân chúng ở Trung Quốc có ở vị thế thay đổi, gây áp lực đối với các nhà lãnh đạo và thay đổi được thể chế hay không thì lại là một chuyện khác. Chúng ta phải thận trọng ở điểm đó bởi vì hệ thống chính trị khá vững mạnh.”
ICIJ nói họ sẽ tiếp tục công bố các câu chuyện trong vài ngày tới đây, và sẽ cung cấp một danh sách tên tuổi có liên hệ với các tài khoản ở nước ngoài vào ngày thứ Năm.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"