Vạn Tường
“…Để có được sự HÒA GIẢI DÂN TỘC, trước tiên phải HÒA GIẢI với những người khác biệt ý kiến với mình. Để thực hiện điều này, cần có ba yếu tố : thành thật, lịch sự, khiêm nhường; thông tuệ và đạo đức…”
Hoàn cảnh xã hội chúng ta hiện nay thiếu hụt trầm trọng niềm tin và có nguy cơ “lố bịch hóa” niềm tin: "Sống bằng niềm tin à?”. Đó là một thực tế rất khó phủ nhận. Người dân mất niềm tin vào con đường đi lên xã hội chủ nghĩa. Người dân mất niềm tin vào lãnh đạo đất nước. Một bộ phận không nhỏ người dân cũng không có niềm tin vào những chức sắc tôn giáo (gọi họ bằng những danh xưng như thầy tụng, hòa thượng Nhà nước, giáo hội nhà nước v.v…). Người dân không tin vào Công lý, Chính quyền. Người dân cũng không tin vào hàng hóa, thực phẩm đang bày bán trên thị trường. Hàng hóa chứa chất độc hại, kém phẩm chất, dịch vụ “đểu”, thực phẩm ôi thiu …tràn ngập trên các bản tin. Sự mất niềm tin tràn ngập trong xã hội đã bào mòn tới tận cùng sinh khí của cá nhân nói riêng và của dân tộc nói chung. Chúng ta không có niềm tin giữa người với người nên cũng dễ hiểu khi một vụ va quẹt xe cũng đủ khiến cho chúng ta …“sống mái” với nhau. Cũng vì không có niềm tin với nhau mà chúng ta cũng không thèm kiên nhẫn để nói chuyện một cách nhã nhặn, ôn hòa với người đối diện để từ đó, hàng loạt những từ ngữ xúc phạm, đe dọa, thậm chí cả rác rưỡi được chúng ta hào phóng ban tặng vào mặt nhau. Chúng ta có thể “cầm cự” trong “giây lát” nhưng không phải với một sự quyết tâm thường trực sẽ kiềm chế mà chỉ là lựa chọn thời điểm lúc đối phương …sở hở để tung “độc chiêu” với mục tiêu duy nhất là hạ bệ đối phương và cảm thấy hả hê, vui sướng. Chúng ta mất niềm tin ngay cả những thứ tốt đẹp của bản thân mình. Thôi đừng nói với nhau những ước vọng cao xa như …Hòa giải dân tộc. Thứ cao quý nhưng cực kỳ xa xỉ này chỉ có thể có khi chúng ta trước tiên, phải có niềm tin vào chính mình, và, sau đó, niềm tin vào người đối diện. Điều này tương tự như ta muốn xây tòa tháp Buji Khalifa hào nhoáng rực rỡ chỉ với cái móng nhà cấp bốn ọp ẹp.
Vậy thì, chúng ta hãy bắt đầu từ những cái nhỏ nhặt thôi, thực tế thôi, không nói gì sâu xa, xa xôi hay mơ hồ. Đầu tiên, hãy nói chuyện nhẹ nhàng, tử tế với nhau. Với người lớn hơn, hãy dùng từ “Dạ”, “Thưa anh/chị, chú/bác”. Với người bằng vai phải lứa hoặc nhỏ hơn, hãy xem đó là những người bạn hoặc đứa em …KHÁC GIỚI TÍNH để có thể nhẹ nhàng mà không làm mất đi vẻ nam tính (nam tính thật sự hay không, là câu chuyện khác:D).
Ba tôi vẫn thường nói với anh em tôi: ”Dùng lời lẽ ôn hòa, thái độ nhã nhặn thì không cần dùng roi sắt, mà chỉ với một sợi tóc, cũng có thể dắt được con voi”. Thật không có gì chính xác hơn! Tôi cho rằng, với cách thành thật, khiêm tốn và… dễ thương như vầy, ngay cả khi chúng ta phạm lỗi, người đối diện cũng không nỡ nặng lời hay xử phạt ta. Đó là cách xây dựng lại NIỀM TIN từ những việc nhỏ nhất. Và đó sẽ là tiền đề để chúng ta HÒA GIẢI với nhau khi có xung khắc. Một cách chắc chắn, điều này không giúp chúng ta HÒA GIẢI một cách trực tiếp nhưng để HÒA GIẢI mà không có yếu tố này thì chắc chắn thất bại. HÒA GIẢI DÂN TỘC, trước tiên, phải là HÒA GIẢI những người con người không cùng chung một quan điểm (về một vấn đề cụ thể nào đó) với nhau. Có quá nhiều vấn đề chúng ta cần nói chuyện, chia sẻ và cả tranh luận, tranh cãi nữa. Chúng ta có thể đồng ý với nhau về vấn đề này, nhưng lại không đồng tình về vấn đề kia. Sự HÒA GIẢI của chúng ta nằm ở cách chúng ta xử lý các vấn đề gây tranh luận, tranh cãi một cách ôn hòa, văn minh, lịch sự như vốn dĩ bản chất tốt đẹp vẫn nằm đâu đó trong mỗi chúng ta. HÒA GIẢI không chỉ những người thuộc bên Thắng cuộc – bên Thua cuộc; nhà cầm quyền - đối lập; nhà cầm quyền - người dân mà cả những người bình thường. Mục đích không phải là điều gì đao to, búa lớn. Đơn giản chỉ để cứu lấy giá trị của niềm tin, của hy vọng. Mất niềm tin là mất tất cả. Hết hy vọng thì đời người cũng chấm dứt từ đây.
Điều đầu tiên để có thể thực hiện điều nhỏ nhoi HÒA GIẢI giữa người và người với nhau, là sự thành thật, lương thiện và khiêm nhường. Ví dụ, nếu chúng ta chưa làm được hoặc phạm mười lỗi (không lương thiện, không thành thật, không khiêm nhường) thì hãy luôn tâm niệm về điều này để một thời gian sau, số lỗi chúng ta phạm phải sẽ ít dần đi, cho tới một ngày đẹp trời nào đó, sẽ không còn phạm lỗi nữa. Nhưng để những điều này luôn thường trực trong đầu như một thứ “kỷ luật” (mang tính ép buộc) hoặc nguyên tắc (mang tính nội tại) thì rất cần sự thông tuệ. Nếu như một bộ phận dân chúng không dành cho nhau phép lịch sự tối thiểu, sự độ lượng tối thiểu và sự khiêm nhường tối thiểu cần phải có để có thể HÒA GIẢI với nhau thì một bộ phận đông đảo khác lại không đủ trí tuệ lẫn tầm nhìn để thấy được bản chất lẫn mô hình tổng quát để từ đó cãi nhau, chửi nhau, thậm chí chém giết nhau. Chúng ta vẫn hành xử như những gã thầy bói mù khi sờ vào con voi. Chúng ta không đủ thông tuệ để biết được con voi (bản chất) là như thế nào, và càng không biết được những bộ phận khác nhau (các không gian khác nhau của không gian n chiều) của con voi. Bên Thắng cuộc lập luận một đằng, bên Thua cuộc lý luận một nẻo. Ngay cả những người cùng chí hướng là đấu tranh vì dân chủ cho Việt Nam cũng xung khắc về quan điểm và không thể kết hợp thành một khối thống nhất. Sự HÒA GIẢI phải bao gồm tất cả điều này. Chúng ta không được giáo dục một cách đầy đủ và đúng đắn về nghệ thuật đọc và viết, nghệ thuật nghe và nói, và nghệ thuật tư duy hợp lý. Chúng ta cũng không được giáo dục một cách đầy đủ và đúng đắn về nghệ thuật quan sát, tính toán và đo lường, làm thế nào để hiểu tường tận khía cạnh định lượng của mọi vật. Chính vì lẽ đó mà chúng ta đã là chúng ta ngày nay.
Nhưng liệu hai điều trên có đủ để chúng ta HÒA GIẢI với nhau? Có lẽ cần một thứ khác, mạnh mẽ hơn. Đó chính là ĐẠO ĐỨC. Không thể có HÒA GIẢI giữa người với người mà không đặt trên 1 nền tảng đúng đắn và lương thiện như ĐẠO ĐỨC. Xin mọi người đừng vội xỉ vả, lên án. Không phải chúng ta không có ĐẠO ĐỨC, mà là chúng ta đã không quan niệm và đưa giá trị này về đúng bản chất và vị trí của nó. Các bài học về ĐẠO ĐỨC của chúng ta chỉ là “tuồng xưa, tích cũ” cóp nhặt từ bên Tàu, không mang một ý nghĩa triết học về khái niệm này. Chúng ta thường thực hiện một hành vi không phải bởi bổn phận có nguồn gốc đạo đức của nó mà từ mục đích mà hành vi đó đạt được. Chúng ta xa lạ với những chỉ dẫn “mệnh lệnh tuyệt đối” của ĐẠO ĐỨC, chỉ bởi chúng ta quen hành xử theo tình cảm, khuynh hướng, những ước muốn và nhu cầu chủ quan. Chúng ta đi theo nhu cầu cảm tính mà không biết rằng, thực hiện bổn phận ĐẠO ĐỨC là đi theo tiếng gọi của lý trí. “1 bồ cái lý không bằng 1 tý cái tình”. Do đó, chúng ta không bị giằng xé bởi lương tâm vì những quan điểm về tình cảm chi phối chúng ta. Nhưng lương tâm lại là một sự ý thức ĐẠO ĐỨC, là một cảm thức nội tại về cái ĐÚNG và cái SAI. Một sự hiện diện rõ ràng của Lý trí. “Sự tự ý thức ĐẠO ĐỨC” ra lệnh cho một người thực hiện hành động để làm tròn một quy luật đạo đức phổ quát, không sợ bị thúc ép bởi thế lực ngoại tại, hay mong muốn thích nghi với tục lệ xã hội …Anh ta chỉ làm vậy vì muốn hoàn thành những bổn phận ĐẠO ĐỨC của mình. Tưởng niệm các chiến sĩ Hải quân VNCH đã hy sinh trong Hải chiến Hoàng Sa 1974 bảo vệ đất đai của Tổ tiên chính là hành động dựa trên bổn phận ĐẠO ĐỨC của tất cả chúng ta. Cần phải làm gì để đất nước hùng cường là một câu chuyện khác nhưng để thực hiện HÒA GIẢI DÂN TỘC thì điều kiện bắt buộc phải có là sự tự ý thức ĐẠO ĐỨC.
Thực vậy, để có NIỀM TIN vào điều lớn lao (như dân chủ hóa đất nước, HÒA GIẢI VÀ HÒA HỢP DÂN TỘC), hãy cùng nhau thực hiện việc tạo dựng NIỀM TIN từ những việc nhỏ nhặt. Để có được sự HÒA GIẢI DÂN TỘC, trước tiên phải HÒA GIẢI với những người khác biệt ý kiến với mình. Để thực hiện điều này, cần có ba yếu tố: thành thật, lịch sự, khiêm nhường; thông tuệ và đạo đức. Trước khi muốn có sự thay đổi, hãy là sự thay đổi mà thế giới muốn thấy, Bạn nhé!
Saigon, 20/01/2014
Vạn Tường
Vạn Tường