Thứ Ba, 7 tháng 1, 2014

Trạch Cường - Trung Quốc và Những cuộc Chiến tranh Việt Nam, 1950 -1975 (p.2)

Diên Vỹ chuyển ngữ


CHƯƠNG 1: CÔNG NHẬN VÀ GIÚP ĐỠ 1950-1953

Những Tiếp xúc Ban đầu giữa Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Trung Quốc
Quan hệ giữa Hồ Chí Minh và Cộng sản Trung Quốc đã có từ đầu thập niên 1920 khi Hồ còn hoạt động trong Đảng Cộng sản Pháp tại Paris. Chính tại thủ đô nước Pháp ông đã gặp những nhân vật trong ĐCSTQ như Chu Ân Lai, Vương Nhược Phi, Tiêu Tam và Lý Phú Xuân. Vào cuối năm 1924, Quốc tế Cộng sản điều Hồ từ Moscow đến Quảng Châu để phụ giúp Mikhail Borodin, đại diện cho Đệ tam Quốc tế trong chính quyền cách mạng Trung Quốc do Quốc Dân Đảng (QDĐ) lãnh đạo. Tại Quảng Châu, Hồ cũng đã tham dự vào các hoạt động chống thực dân, điều hành một “lớp đào tạo chính trị đặc biệt” cho thanh niên người Việt. Ông đã mời Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai, Lý Phú Xuân và Bành Bái đến nói chuyện trong lớp đào tạo của mình[1]. Sau này Chu Ân Lai đã kể lại với một nhóm khách người Việt rằng: “Năm 1922, tôi đã quen biết Hồ Chủ tịch. Vào năm 1925, Hồ Chủ tịch đã đến Quảng Châu để hỗ trợ cách mạng Trung Quốc. Đây là mối quan hệ máu thịt.”[2]

Hồ đóng vai trò tích cực trong phong trào nổi dậy của nông dân và công nhân tại Nam Trung Quốc trong giữa thập niên 1920. Trong thời kỳ tổng đình công chống lại người Anh tại Quảng Đông và Hồng Kông vào tháng Sáu 1925, Hồ đã phát biểu bằng tiếng Trung tại các cuộc biểu tình, ca ngợi hành động của họ.[3] Hồ cũng tích cực quan tâm đến Học viện Phong trào Nông dân do chính quyền Tôn Dật Tiên thành lập tại Quảng Châu như một guồng máy huy động hậu thuẫn tại các khu vực miền quê ở miền nam Trung Quốc. Hồ khuyến khích việc Bành Bái tìm cách tổ chức các hoạt động cách mạng tại Huyện Hải Phong và đóng vai một liên lạc viên giữa chính quyền Quảng Châu và tổ chức Nông dân Quốc tế (Krestintern) tại Moscow.[4]
Khi Tưởng Giới Thạch tách khỏi Cộng sản Trung Quốc vào năm 1927 và sự thay đổi đường hướng tư tưởng của Quốc tế Cộng sản đã buộc Hồ rời Trung Quốc đi Moscow. Ông quay lại Hồng Kông vào đầu năm 1930 để triệu tập một cuộc họp nhằm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Không bao lâu sau, dưới yêu cầu của Quốc tế Cộng sản, tổ chức này đã đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương (ĐCSĐD).[5]
Bị cảnh sát Anh cầm tù tại Hồng Kông vào tháng Sáu 1931, hai năm sau Hồ được trả tự do và đi Moscow và ở lại đấy trong năm năm để nghiên cứu những tài liệu do Lenin viết. Vào mùa thu 1938, Hồ đến căn cứ của Mao tại Diên An và ở lại trong vài tuần. Sau đó ông đi về miền nam đặt các trạm liên lạc trong các khu vực do Quốc Dân Đảng chiếm đóng và tìm cách tái lập liên lạc với các phần tử thuộc ĐCSĐD đang hoạt động trong vùng.[6]
Tháng Năm 1941, Hồ chỉ đạo một hội nghị của ĐCSĐD tại Bắc Pó, một ngôi làng sát biên giới Việt Nam. Kết quả quan trọng nhất của cuộc họp này là sự xuất hiện của một mặt trận đoàn kết dân tộc có tên Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội, thường được gọi là Việt Minh. Tổ chức này được thiết kế để liên kết tất cả các nhóm hoạt động dân tộc vì cuộc đấu tranh chung vì độc lập quốc gia. Hồ và các đồng sự Cộng sản đóng vai trò lãnh đạo Việt Minh đã khôn ngoan kêu gọi tinh thần dân tộc của người Việt, giảm nhẹ quyết tâm vì cách mạng xã hội và ủng hộ một cương lĩnh chính trị nhấn mạnh tính độc lập dân tộc và những cải cách “dân chủ”. Tháng Tám 1945, Việt Minh lợi dụng lỗ hổng chính trị khi Nhật đầu hàng để chiếm giữ chính quyền tại Hà Nội và thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.[7]
Trong khi Hồ Chí Minh đang ăn mừng chiến thắng nhất thời, Cộng sản Trung Quốc đang chuẩn bị khôi phục cuộc nội chiến với QDĐ sau khi đánh bại Nhật. Các lực lượng quân đội ĐCSTQ nhỏ bé và trang bị nghèo nàn tại miền nam Trung Quốc đang bị đe doạ nghiêm trọng khi Quân đoàn 46 và 64 của Tưởng Giới Thạch chuyển đến các tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây. Khu uỷ Quảng Đông quyết định rút Đệ nhất Trung đoàn thuộc Lực lượng Nhân dân Nam Quảng Đông, đơn vị chủ lực của ĐCSTQ trong khu vực, vào Việt Nam để tránh QDĐ tấn công. Khu uỷ Quảng Đông đã gửi Pang Zi và Zhu Langqing, hai cán bộ quen thuộc với Việt Nam, đến Hà Nội để yêu cầu giúp đỡ. Hoàng Văn Hoan, người đóng vai trò liên lạc với Cộng sản Trung Quốc đã tiếp đón phái đoàn ĐCSTQ và đồng ý đón nhận Đệ nhất Trung đoàn vào Việt Nam.[8]
Dẫn đầu bởi Tư lệnh Huang Jingwen và Chính trị viên Tang Caiyou, Đệ nhất Trung đoàn với số quân ở khoảng 1 nghìn người đã vào Việt Nam vào tháng Ba 1946. Hồ Chí Minh không những thoả mãn nhu cầu của Trung Quốc về lương thực và những nhu yếu phẩm khác mà còn cung cấp thuốc men để chữa các binh lính Trung Quốc đang mắc bệnh sốt rét và kiết lỵ. Để chuẩn bị chiến tranh chống Pháp khi quốc gia này đang quyết tâm tái lập vị thế thống trị của mình tại Đông Dương, Hồ đã yêu cầu các đơn vị ĐCSTQ tại Việt Nam giúp đào tạo binh lính của ông. Để tăng cường mối quan hệ với Việt Minh, vào tháng Sáu 1946 Phân bộ Đảng uỷ Hồng Kông của ĐCSTQ đã gửi Chu Nam, phó Phòng Tổ chức của Khu uỷ Quảng Đông đến Hà Nội để đóng vai trò đại diện liên lạc cho ĐCSTQ. Hoàng Văn Hoan đã yêu cầu Chu triệu tập cả Đệ nhất Trung đoàn lẫn người gốc Trung Quốc tại Việt Nam đóng góp vào cuộc chiến tranh chống Pháp. Đặc biệt Hoan muốn ĐCSTQ giúp quân đội Việt Minh đào tạo các sĩ quan và thiết lập một bộ máy tình báo.[9]
Sau khi thảo luận với Huang Jingwen, Tang Caiyou và Lin Zhong, bí thư Uỷ ban Hoạt động Biên giới Lâm thời Quảng Tây-Việt Nam của ĐCSTQ, Chu Nam thảo ra một kế hoạch giúp đỡ Việt Minh. Theo kế hoạch này, Đệ nhất Trung đoàn sẽ gửi các sĩ quan đến Trường Lục quân Cao cấp và Trung tâm Đào tạo Cán bộ Thái Nguyên để làm cố vấn và giảng viên, đến Bộ Quốc phòng để làm chuyên viên tình báo và đến các đơn vị của lực lượng Việt Minh để làm huấn luyện viên quân sự hoặc chỉ huy. Đệ nhất Trung đoàn cũng nhận các sĩ quan Việt Minh vào doanh trại để huấn luyện. Trong việc vận động người Việt gốc Trung Quốc, kế hoạch yêu cầu Đệ nhất Trung đoàn và Uỷ ban Hoạt động Biên giới Lâm thời Quảng Tây-Việt Nam của ĐCSTQ gửi cán bộ đến tỉnh Bắc Giang để thành lập các đơn vị vũ trang Hoa kiều. Lãnh đạo Việt Minh thông qua kế hoạch trên. Đến tháng Bảy 1947, có hơn 830 sĩ quan và binh lính từ quân đội Việt Minh được đào tạo tại doanh trại của Đệ nhất Trung đoàn. Một lực lượng tự vệ Hoa kiều với hơn 1 nghìn người đã được thành lập, sau đó được sát nhập vào lực lượng Việt Minh. Đệ nhất Trung đoàn quay về lại miền nam Trung Quốc để tái lập cơ sở cách mạng trong khu vực vào tháng Tám 1949 khi lực lượng chủ lực của Mao tại Bắc Trung Quốc đang đập tan quân đội Tưởng và toàn thắng tiến về phía nam.[10]
Nhìn chung, mối liên hệ giới hai Đảng Cộng sản Trung Quốc và Việt Nam từ 1945 đến 1949 vẫn còn hạn chế. Bên cạnh việc tương trợ lẫn nhau giữa Đệ nhất Trung đoàn và Việt Minh, Phân bộ Hồng Kông đôi khi cũng cung cấp tiền bạc cho Việt Minh.[11] Không tìm được bằng chứng về việc ĐCSTQ đã giúp đỡ nhiều về kỹ thuật trong giai đoạn này. Đường dây liên lạc bằng điện tín trực tiếp giữa trung ương đảng Trung Quốc và Việt Nam cũng chưa được thiết lập cho đến mùa xuân 1947.[12] Mao vẫn còn bận rộn với cuộc chiến chống lại Tưởng Giới Thạch tại vùng Mãn Châu và Bắc Trung Quốc. Tuy nhiên tiếp xúc đầu tiên giữa Đệ nhất Trung đoàn và Việt Minh rất quan trọng vì nó củng cố mối liên hệ giữa hai phong trào cách mạng và dọn đường cho sự hợp tác của hai bên trong tương lai.
Nguồn tin tình báo của Hoa Kỳ cho biết vào năm 1946 rằng VNDCCH đã có tiếp xúc trực tiếp với Liên Sô và căn cứ của Mao và rằng các cố vấn Liên Sô và Trung Quốc đang huấn luyện binh lính của Hồ Chí Minh.[13] Về sự dính líu của Trung Quốc, các tình báo viên Hoa Kỳ đã không đúng khi cho rằng Việt Minh đã tiếp xúc trực tiếp với giới lãnh đạo trung ương ĐCSTQ vì đã không có mối liên lạc trực tiếp giữa Hồ vào Mao trong thời kỳ ấy. Các sĩ quan tình báo Hoa Kỳ đã đúng khi chỉ ra rằng các cố vấn Trung Quốc đang đào tạo quân đội Việt Minh.
Nhưng trong những nguồn tài liệu gần đây của Trung Quốc lại không thấy đề cập đến sự hiện diện của bất kỳ nhân vật Sô Viết nào trong hàng ngũ của Việt Minh trong thời gian này. Stalin, cũng như giới lãnh đạo tại Washington, vẫn nghĩ về Đông Dương theo cái nhìn của châu Âu: việc ủng hộ Hồ có thể gây nguy hại đến viễn cảnh Đảng Cộng sản Pháp có thể nắm quyền lực tại Pháp[14]. Hơn nữa, Stalin vẫn không chắc chắn rằng Hồ có thực là một người Cộng sản thuần thành hay không. Chính sách mặt trận đoàn kết của vị lãnh đạo Việt Nam đặt vấn đề độc lập dân tộc lên trên cách mạng xã hội, và việc ông giải thể ĐCSĐD vào năm 1945 đã khiến Kremlin khó chịu.[15] (Cần lưu ý một điểm thú vị là đường lối mặt trận đoàn kết tương tự của ĐCSTQ khi thành lập chính quyền mới vào năm 1949 cũng tạo nghi ngại tại Moscow.) Theo học giả Nga Igor Bukharkin, giữa tháng Chín và tháng Mười 1945, Hồ đã gửi hai bức điện đến Moscow yêu cầu viện trợ nhưng không được hồi âm.[16] Với việc Stalin đang bận rộn với những diễn tiến tại châu Âu và sự dè dặt của ông trong việc ủng hộ những phong trào cách mạng châu Á sau Chiến tranh Thế giới Lần II, rõ ràng là khó có việc ông đã gửi những cố vấn Sô Viết sang Việt Nam vào năm 1946.
Công nhận Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà
Mao tuyên bố thành lập nước Cộng hoà Nhân dân Trung Quốc vào ngày 1 tháng Mười 1949. Không bao lâu sau, Hồ Chí Minh gửi hai đại diện là Lý Bích Sơn và Nguyễn Đức Thủy sang Bắc Kinh để xin Trung Quốc việc trợ cho cuộc đấu tranh chống Pháp.[17] Lúc ấy Mao vẫn còn ở Moscow để đàm phán hiệp ước liên minh Trung-Sô. Trong thời gian ông vắng mặt ở Bắc Kinh (từ 16 tháng Mười Hai 1949 đến 17 tháng Hai 1950), Lưu Thiếu Kỳ, quyền chủ tịch Hội đồng Trung ương ĐCSTQ đang điều hành hoạt động hằng ngày của đảng. Trong khi vẫn tham vấn chặt chẽ với Mao tại Moscow, Lưu chịu trách nhiệm đích thân điều hành chính sách Đông Dương trong thời gian này. Trong những năm sau đó, ông thường xuyên tham gia vào việc quản lý các mối quan hệ với các đảng anh em.
Sau khi nhận được yêu cầu từ đại diện của Hồ, Lưu đã triệu tập một cuộc họp của bộ chính trị vào ngày 24 tháng Mười Hai 1949 để thảo luận về vấn đề thiết lập quan hệ ngoại giao với VNDCCH. Phiên họp kết luận rằng sẽ lợi nhiều hơn hại nếu Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao với VNDCCH trước khi người Pháp thừa nhận nước CHNDTQ.[18] Bốn ngày sau, Lưu đại diện cho Uỷ ban Trung ương ĐCSTQ gửi một bức điện đến Hồ Chí Minh nêu rõ việc Trung Quốc đồng ý thành lập quan hệ ngoại giao với chính quyền ông. Liên Sô và các quốc gia Đông Âu có thể theo sau, Lưu nói. Để tạo điều kiện dễ dàng cho việc này, Lưu khuyên Hồ nên đại diên VNDCCH tuyên bố việc sẵn sàng thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước khác. Sau khi báo cho Hồ rằng ĐCSTQ sẽ gửi một đại diện đến Việt Nam,[19] Lưu cũng yêu cầu vị lãnh đạo Việt Minh gửi một đại biểu cao cấp sang Bắc Kinh để thảo luận các vấn đề liên quan đến cuộc đấu tranh chung chống chủ nghĩa đế quốc.[20]
La Quí Ba, người đứng đầu Nhóm Cố vấn Chính trị Trung Quốc tại VNDCCH, 1951-54; Đại sứ Trung Quốc tại VNDCCH, 1954-57 (Tài liệu của Tân Hoa Xã)
Để dễ bề liên lạc với Cộng sản Việt Nam, vào đầu tháng Giêng 1950 Lưu đã chọn La Quí Ba làm người đại diện liên lạc của Uỷ ban Trung ương ĐCSTQ với ĐCSVN. La lúc ấy đang là giám đốc Văn phòng Quân uỷ Trung ương ĐCSTQ. Lưu chỉ đạo La sang Việt Nam để tiếp xúc với ĐCSĐD, để điều tra điều kiện hoạt động bân ấy và để báo cáo những phát hiện của mình cho Bắc Kinh hầu giúp lãnh đạo đảng ra quyết định giúp đỡ Hồ. Lưu dự trù La ở lại Việt Nam trong ba tháng.[21]
Để giúp La làm quen với phong tục Việt Nam, Lưu đã điều Dương Thượng Côn, giám đốc Văn phòng Trung ương ĐCSTQ để giới thiệu La với Lý Bích Sơn và Nguyễn Đức Thủy lúc ấy đang ở Bắc Kinh. Lưu cũng giám sát việc lựa chọn các thành viên trong nhóm của La, bao gồm một nhân viên tuỳ tùng, một chuyên viên điện đài, một số thư ký và bảo vệ. Sau khi La đi Việt Nam vào ngày 16 tháng Giêng, Lưu đã đánh điện cho Uỷ ban Trung ương ĐCSĐD vào ngày hôm sau, thông báo việc bổ nhiệm La làm đại diện ĐCSTQ.[22] Trên thực tế La đã ở lại Việt Nam lâu hơn nhiều so với dự tính của Lưu. Sau này ông đã trở thành người đứng đầu nhóm cố vấn chính trị Trung Quốc và được bổ nhiệm làm đại sứ Trung Quốc tại VNDCCH năm 1954. Ông giữ chức vụ này cho đến năm 1957.
Mong muốn đạt được tính chính danh và được quốc tế công nhận, vào ngày 15 tháng Giêng 1950 VNDCCH đã gửi điện đến Bắc Kinh, chính thức yêu cầu xác lập quan hệ ngoại giao. Hai ngày sau, từ Moscow, Mao đánh điện cho Lưu Thiếu Kỳ ra lệnh cho ông chuyển lời đồng ý của Trung Quốc trong việc thiết lập quan hệ chính thức với VNDCCH. Trong cùng bức điện, Mao đã chỉ thị cho Bộ Ngoại giao Trung Quốc chuyển tiếp yêu cầu thiết lập quan hệ ngoại giao của VNDCCH đến Liên Sô và các nước Đông Âu.[23]
Tại Moscow, Mao đã báo với Stalin rằng Trung Quốc đang sẵn sàng thừa nhận VNDCCH và tích cực hỗ trợ cho cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của nhân dân Đông Dương. Ủng hộ kế hoạch của Mao, vị lãnh tụ Sô Viết nói rằng Trung Quốc nên công nhận VNDCCH trước và Liên Sô sẽ làm theo sau. Ông cũng nói với Mao rằng Moscow sẵn sàng cung cấp những viện trợ cần thiết cho Hồ Chí Minh.[24] Stalin chần chừ trong việc thừa nhận VNDCCH vì sợ làm mất lòng Pháp vì lúc ấy Paris đang phản đối kế hoạch của Hoa Kỳ trong việc tái vũ trang Tây Đức.[25]
Ngày 18 tháng Giêng, CHNDTQ trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới công nhận nước VNDCCH. Liên Sô kế bước vào ngày 30 tháng Giêng và không bao lâu các chính phủ Cộng sản tại Đông Âu và Bắc Hàn cũng làm theo. Bằng cách đi đầu trong việc thừa nhận VNDCCH và hối thúc những quốc gia xã hội chủ nghĩa khác làm theo, ĐCSTQ đã có một lựa chọn rõ ràng đối với cuộc cách mạng đang nổi lên tại Đông Dương và đặt tình đoàn kết với đảng anh em lên trên khả năng tạo dựng quan hệ ngoại giao với Pháp.[26]
Người Pháp đã giận dữ trước hành động của Moscow và Bắc Kinh. Paris đã tố cáo Liên Sô vi phạm luật quốc tế: “Việt Nam là một bộ phận của Liên hiệp Pháp, và với chính quyền Bảo Đại mà Pháp vừa chuyển giao chủ quyền mà nước này có được trong khối Liên hiệp Pháp.” Cho đến lúc ấy, Pháp vẫn còn do dự có nên noi gương Anh Quốc thừa nhận nước CHNDTQ hay không. Quan điểm ngả theo hướng này giờ đây đã bị dẹp bỏ.[27]
Nôn nóng thiết lập mối quan hệ cá nhân với giới lãnh đạo ĐCSTQ, Hồ đã quyết định đích thân đến thăm Bắc Kinh. Với tinh thần kiên định và bền bỉ, vị lãnh tụ Việt Minh mảnh khảnh cùng với Trần Đăng Ninh, một uỷ viên Trung ương ĐCSĐD, đã đi lội rừng suốt mười bảy ngày trước khi vượt qua địa phận Quảng Tây.[28] Được tin Hồ đến, ngày 26 tháng Giêng Lưu Thiếu Kỳ đã chỉ đạo các cán bộ đảng tại Vũ Hán tổ chức một cuộc “đón chào ấm cúng” cho vị khách Việt Nam và “cẩn thận đưa ông về Bắc Kinh.”[29]
Sau khi Hồ đến Bắc Kinh vào ngày 30 tháng Giêng, Lưu Thiếu Kỳ và Chu Đức, phó chủ tịch Chính quyền Nhân dân Trung ương và tổng tư lệnh Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (QĐGPNDTQ) đã mở tiệc đón chào ông. Hồ tường thuật tình hình tại Việt Nam và yêu cầu Trung Quốc viện trợ. Các lãnh đạo Trung Quốc nhanh chóng đồng ý thoả mãn yêu cầu của ông. Sau đó Lưu đã điện cho Mao để báo cáo về cuộc gặp mặt.[30] Ông nói với Mao rằng đảng đã thành lập một hội đồng bao gồm Chu Đức, Nhiếp Vinh Trăn, quyền Tổng Tham mưu QĐGPNDTQ, Lý Duy Hán, giám đốc Bộ Mặt trận Thống nhất ĐCSTQ và Liệu Thừa Chí, phó chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Hoa kiều thuộc Chính quyền Nhân dân Trung ương để giải quyết các vấn đề mà Hồ đưa ra.[31] Từ Moscow, Mao và Chu Ân Lai gửi điện cho Lưu nhờ ông chuyển lời thăm hỏi đến vị lãnh tụ Việt Nam. Họ chúc mừng Hồ về việc VNDCCH tham gia “đại gia đình dân chủ phản đế do Liên Sô lãnh đạo” và chúc Hồ sớm thành công trong việc thống nhất đất nước.[32]
Theo lời Hoàng Văn Hoan, đại sứ VNDCCH đầu tiên tại CHNDTQ, Lưu đã bảo Hồ rằng ông biết Pháp sẽ đình chỉ việc công nhận CHNDTQ vì việc Bắc Kinh đã đoàn kết với Việt Minh. Trung Quốc sẽ không sợ hãi, Lưu nói tiếp, vì sau này khi Trung Quốc hùng mạnh lên, người Pháp sẽ phải công nhận nó.[33] Phát biểu của Lưu rất quan trọng vì nó nói rõ rằng Trung Quốc sẵn sàng trả giá trong việc ủng hộ Việt Minh và bỏ qua việc được Pháp công nhận, một bằng chứng biểu lộ cam kết của Bắc Kinh với “chủ nghĩa vô sản quốc tế.” Nó cũng cho thấy việc người Pháp đã hiểu sai chủ ý của Trung Quốc vì một số quan chức tại Pháp đã muốn Bắc Kinh từ bỏ trợ giúp cho Hồ để đổi lại việc được công nhận.
La Quí Ba chụp ảnh chung với các lãnh đạo Cộng sản Việt Nam trước một nhà khách, 1950. Hàng đầu từ trái sang phải: Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, La Quí Ba, Tôn Đức Thắng. (Tài liệu của Tân Hoa Xã)
Chính phủ Trung Quốc đã nhờ đại sứ Liên Sô N.V. Roshchin chuyển đến Kremlin đề xuất của họ là Liên Sô nên mời Hồ đến thăm Moscow và nói chuyện trực tiếp với Stalin. Ngày 3 tháng hai Hồ đi Liên Sô. Tại thủ đô Liên Sô, Stalin đã bảo Hồ rằng trợ giúp Việt Minh chủ yếu là vấn đề của Trung Quốc. Khi tham dự quốc tiệc vinh danh Mao vào ngày 6 tháng Hai, Hồ đã nói với Stalin - “nửa thật nửa đùa”, theo lời Ngũ Tư Quyền - rằng Liên Sô nên ký một hiệp ước với VNDCCH với những điều khoản tương tự như đã ký với CHNDTQ. Nhưng Stalin đã từ chối. Hồ rời Moscow về Bắc Kinh cùng với Mao và Chu vào ngày 17 tháng Hai.[34]
Đến Bắc Kinh vào ngày 3 tháng Ba, Hồ trao đổi thêm với lãnh đạo ĐCSTQ về việc Trung Quốc viện trợ cho VNDCCH. Sau những nhận định về lịch sử và điều kiện hiện tại của mỗi đảng, Lưu đề nghị rằng để tạo điều kiện thuận lợi trong việc Trung Quốc hỗ trợ Việt Nam, VNDCCH nên thiết lập các lãnh sự quán tại Nam Kinh và Côn Minh, thủ phủ của Quảng Tây và Vân Nam. Hồ chấp thuận lời đề nghị này. Trong thời gian ở lại Bắc Kinh, Hồ đã chỉ thị cho Hoàng Văn Hoan rằng từ đây về sau trọng tâm đối ngoại của Việt Nam là Trung Quốc chứ không phải Thái Lan. (từ 1948 đến 1949, Hoàng Văn Hoan đã hoạt động tổ chức Việt kiều tại Thái ủng hộ cuộc kháng chiến chống Pháp.) Hồ bổ nhiệm Hoan là đại diện chính thức của đảng và nhà nước Việt Nam tại Trung Quốc, chỉ thị cho ông bắt đầu công tác chuẩn bị thiết lập đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh.[35]
La Quí Ba (thứ sáu từ phải sang) và vợ là Lý Hàm Trân (thứ năm từ trái sang), chụp ảnh với Hồ Chí Minh (thứ tám từ phải sang) và những quan chức Cộng sản Việt Nam, 1952. (Tài liệu của Tân Hoa Xã)
Đến tháng Tư, Hồ gửi Bắc Kinh một loạt yêu cầu viện trợ bao gồm việc thành lập một trường quân sự tại Trung Quốc, điều động các cố vấn quân sự Trung Quốc đến Việt Nam, và cung cấp vũ khí. Lưu Thiếu Kỳ chỉ huy việc thực hiện công cuộc viện trợ của Bắc Kinh. Ông giúp lựa chọn địa điểm đặt trường quân sự Việt Nam, nhấn mạnh rằng các chức vụ hiệu trưởng và các trưởng khoa phải là người Việt. Hồ chấp nhận đề nghị của Lưu, và trường quân sự sau đấy được thành lập tại Vân Nam.[36]
Để người Việt làm quen với quan điểm quân sự của Mao, Lưu chỉ thị La Quí Ba giới thiệu cho họ mười nguyên tắc quân sự mà Mao đã tổng kết từ tháng Mười hai 1947.[37] Các nguyên tắc này bao gồm: (1) tấn công các lực lượng đơn lẻ và cô lập của địch trước và tấn công các lực lượng mạnh và tập trung của địch sau; (2) chiếm đóng những thành phố nhỏ hoặc trung và các khu vực hẻo lánh trước khi chiếm đóng các thành phố lớn hơn; (3) mục tiêu chính là loại bỏ hiệu lực của địch hơn là chiếm giữ các thành phố; (4) trong mọi trận đánh, tập trung lực lượng mạnh mẽ tuyệt đối để xoá sạch quân địch; (5) không được tham chiến mà không chuẩn bị; (6) nâng cao tinh thần binh lính; (7) tìm cách xoá sạch kẻ thù lúc chúng đang hành quân; (8) khi tấn công các thành phố, kiên quyết chiếm giữ toàn bộ các điểm phòng thủ của địch và các thành phố phòng thủ yếu kém; (9) tịch thu vũ khí và những quân mới tuyển của kẻ thù; (10) tận dụng thời gian giữa các chiến dịch để nghỉ ngơi, tập luyện và củng cố lực lượng.[38]
Về yêu cầu của Hồ trong việc gửi các chuyên gia quân sự sang Việt Nam để làm cố vấn tại các bộ tư lệnh và sư đoàn, và làm sĩ quan chỉ huy ở cấp trung đoàn và tiểu đoàn, giới lãnh đạo ĐCSTQ trả lời rằng họ sẽ gửi cố vấn nhưng không gửi sĩ quan chỉ huy. Vào ngày 17 tháng Tư, Quân uỷ Trung ương ĐCSTQ ra lệnh thành lập Đoàn Cố vấn Quân sự Trung Quốc (ĐCVQSTQ) bao gồm các cố vấn có khả năng giúp đỡ tại những trung tâm quân sự và tại ba sư đoàn Việt Minh và tại một trường đào tạo sĩ quan. Các chuyên gia quân sự sẽ được chọn ra từ các Tập đoàn Dã chiến Quân thứ Nhì, Tam và Tứ. Nhóm CVQS bao gồm bảy mươi chín cố vấn và phụ tá. Tổng số người trong ĐCVQSTQ là 281.[39] Việc Việt Nam yêu cầu sĩ quan chỉ huy Trung Quốc ở cấp trung và tiểu đoàn cho thấy Việt Minh gặp trở ngại rất lớn trong thành phần chỉ huy và cho thấy họ không có kinh nghiệm và tự tin để điều khiển các đơn vị lớn hơn mức đại đội.
Để đáp ứng yêu cầu của Hồ về tiếp tế quân sự, Lưu Thiếu Kỳ bảo La Quí Ba rằng ĐCSTQ sẽ “làm hết sức mình để thoả mãn yêu cầu của Việt Nam.” Đối với nhu cầu về các mặt hàng phi quân sự của Việt Nam như quần áo, thuốc men và máy móc, Lưu phác thảo một nguyên tắc rất hào phóng: “Nếu Việt Nam không có hoặc thiếu nguyên liệu để trao đổi, những mặt hàng này tạm thời được xem như viện trợ quân sự. Trong tương lai khi có thể trao đổi chung được và khi Việt Nam có thể xoay trở được nguyên liệu, [chúng ta] sẽ yêu cầu họ trả lại một phần các mặt hàng này. Hiện tại vì họ không thể trả được, chúng ta sẽ không nhắc đến. Chúng ta nên chú trọng vào việc giúp đỡ họ đánh bại chủ nghĩa đế quốc một cách hiệu quả và nên đặt những vấn đề khác xuống hàng thứ yếu.”[40]
Ngày 27 tháng Sáu 1950, Mao, Lưu Thiếu Kỳ và Chu Đức đón tiếp các thành viên cao cấp của ĐCVQSTQ tại Bắc Kinh. Để chuẩn bị cho họ làm việc tại Việt Nam, lãnh đạo đảng đã yêu cầu Hồng Thuỷ (Vũ Nguyên Bác)(tướng Nguyễn Sơn - ND), một tướng người Việt trong QĐGPNDTQ trình bày một khoá ngắn hạn về địa lý, khí hậu và các diễn biến quân sự tại Việt Nam. Vào cuối tháng Bảy, ĐCVQSTQ được chính thức thành lập tại Nam Kinh với Tướng Vi Quốc Thanh làm trưởng đoàn, Mai Gia Sinh và Đặng Dật Phàm làm phó đoàn. Tại Nam Ninh, Hoàng Văn Hoan đã cung cấp thêm thông tin về tình hình Việt Nam cho ĐCVQSTQ.[41]
Nôn nóng trong việc chính thức hoá quan hệ ngoại giao, Hồ Chí Minh đề nghị trao đổi đại sứ với CHNDTQ. Trong một bức điện gửi vị lãnh tụ Việt Nam vào ngày 7 tháng Bảy 1950, Chu Ân Lai đã từ chối yêu cầu của Hồ trên cơ sở là chiến sự tiếp diễn tại Việt Nam khiến VNDCCH “bất tiện” trong việc tiếp nhận đại sứ từ các nước khác. Chu nói rằng sẽ hợp lẽ hơn khi cứ để La Quí Ba làm đại diện liên lạc cho ĐCSTQ và nán lại việc thông báo ông làm đại sứ Trung Quốc.[42] Trong lúc ấy, Hồ cũng gửi yêu cầu tương tự đến Moscow. Trong khi đồng ý đón nhận đại sứ của chính phủ Hồ, Bộ Ngoại giao Liên Sô xem việc bổ nhiệm một đại sứ Sô Viết tại VNDCCH thì không phù hợp vì chính phủ Việt Nam vẫn chưa có một địa điểm văn phòng lâu dài.[43]
Từ tháng Tư đến tháng Chín 1950, Trung Quốc đã gửi cho Việt Minh một lượng lớn hàng quân sự và phi quân sự bao gồm 14 nghìn súng trường và súng ngắn, 1.700 súng máy và súng trường không giật, 150 súng cối, 60 đại bác và 300 súng bazooka cùng với đạn dược, thuốc men, dụng cụ liên lạc, quần áo và 2.800 tấn lương thực.[44] Quân Việt Minh rất thích loại súng bazooka và súng trường không giật, họ gọi chúng là “khoẻ như voi.”[45] Quyết định giúp đỡ Việt Minh của Mao vô cùng đặc biệt trong hoàn cảnh cuộc chiến Triều Tiên bắt buộc ông phải đình chỉ việc đánh chiếm Đài Loan.
(còn tiếp)

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"