Diên Vỹ chuyển ngữ
Nguyên tác: China and the Vietnam Wars, 1950-1975 (New Cold War History)
Tác giả: Địch Cường (Qiang Zhai)
Biên tập: John Lewis Gaddis
Nhà Xuất bản: University of North Carolina Press, Chapel Hill & London
DẪN NHẬP
Trung Quốc và Những Cuộc Chiến tranh Việt Nam, 1950-1975 là một đóng
góp nổi bật cho lịch sử quốc tế về Chiến tranh Lạnh nói chung và cho
lịch sử quốc tế về cuộc Chiến tranh Việt Nam nói riêng. Các nhà sử học
từ lâu đã phỏng đoán về mối quan hệ giữa Cộng hoà Nhân dân Trung Quốc và
Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trong một phần tư thế kỷ chiến tranh tại Đông
Dương, kéo dài từ 1950 đến 1975. Cho đến khi cuốn sách này xuất bản
thì chúng ta mới biết được thực sự.
Với lối viết rõ ràng và thông suốt đáng ngưỡng mộ, Địch Cường đã dùng
hàng loạt những nguồn thông tin đầy ấn tượng từ văn khố Trung Quốc vừa
được công bố, các hồi ký, nhật ký, và tuyển tập tài liệu để kể lại việc
Trung Quốc đã giúp đỡ Cộng sản Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống lại
nguời Pháp và sau đó là người Mỹ. Sau đây là một số khám phá nổi bật từ
nghiên cứu của ông:
Rằng Mao Trạch Đông nhìn nhận phong trào giải phóng dân tộc của Việt
Nam trên khía cạnh ý thức hệ lẫn địa chính trị. Cuộc đấu tranh này nhận
được hỗ trợ mạnh mẽ vì nó là một phần của chiến lược lớn hơn của ông ta
trong việc thiết lập một trật tự thế giới chống đế quốc, nhưng cùng lúc
ông cũng không sẵn sàng tách mục đích này ra khỏi quyền lợi của Trung
Quốc trong việc cân bằng sự đối chọi giữa Liên Sô và Hoa Kỳ. Đây là một
nghiên cứu nổi bật về sự giao thoa giữa quyết tâm cách mạng và chính
sách thực dụng trong suy tính của Mao.
Rằng viện trợ quân sự của Trung Quốc thì rất quan trọng đối với Việt
Minh trong cuộc kháng chiến chống Pháp trước khi có những thoả thuận từ
hiệp định Geneva 1954. Mức độ của nguồn viện trợ này thật là đáng ngạc
nhiên vì lúc ấy Trung Quốc cũng đang tham dự vào Chiến tranh Triều Tiên.
Rằng người Nga và người Trung Quốc đã, như chúng ta vốn nghi ngờ từ
lâu, ép buộc Việt Minh phải chấp nhận việc chia cắt đất nước vào năm
1954, nhưng rồi sau đó Trung Quốc lại hối tiếc, thái độ độ này đã góp
phần vào sự chia rẽ Trung-Sô cũng như việc Bắc Kinh ủng hộ Bắc Việt leo
thang chiến tranh với người Mỹ và Nam Việt Nam trong những năm đầu 1960.
Rằng Trung Quốc đã gửi khoảng 320 nghìn quân hậu thuẫn đến Bắc Việt
trong giai đoạn 1965-68, và hơn một nghìn người trong họ đã bị thiệt
mạng ở đó, và Mao đã sẵn sàng đánh nhau trực tiếp với người Mỹ vào năm
1968 nếu họ đổ bộ lên Bắc Việt.
Rằng Bắc Việt đã không tham vấn Trung Quốc khi họ bắt đầu đàm phán
với người Mỹ vào năm 1968, và ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Bắc Việt
đã giảm thiểu từ đấy, trong khi ảnh hưởng của Liên Sô tăng dần.
Rằng Trung Quốc đã gặp khó khăn rất lớn trong việc giải thích với Bắc
Việt về chuyến thăm Bắc Kinh của Nixon vào năm 1972, rằng họ đã tìm
cách bù đắp bằng cách tăng cường tiếp tế quân sự cho Hà Nội trong giai
đoạn cuối của quá trình đàm phán ngưng bắn, và rằng - bất chấp mối giao
hảo với người Mỹ - Mao vẫn mạnh mẽ hậu thuẫn việc Pol Pot và Khmer Đỏ
nắm chính quyền tại Cambodia vào năm 1975.
Rằng giờ đây ta biết được cuộc Chiến Trung-Việt năm 1979 bắt nguồn từ
mối rạn nứt của liên minh Trung-Việt từ cuối thập niên 1960 và đầu
1970.
Đây chỉ là vài điểm sáng tỏ có được từ tài liệu nghiên cứu mang tính
mở đường này. Lần đầu tiên nó đã làm nổi bật vai trò quan trọng của
Trung Quốc trong Chiến tranh Việt Nam. Trên cả mọi thứ, “Lịch sử Mới của
cuộc Chiến tranh Lạnh” dựa vào việc xem xét lại những gì chúng ta từng
cho rằng mình đã hiểu bằng cách truy cập các tài liệu lưu trữ của “phía
bên kia”. Cuốn sách này là khuôn mẫu của những nghiên cứu thuộc dạng
này. Chắc chắn nó sẽ định hình kiến thức của chúng ta đối với cuộc Chiến
tranh Lạnh tại Đông nam Á trong nhiều thập niên tới.
John Lewis Gaddis
Tháng Năm 1999
GIỚI THIỆU
Quá trình thăng trầm của liên minh Trung-Việt là một trong những diễn
tiến quan trọng nhất đối với lịch sử Chiến tranh Lạnh tại Châu Á nói
chung và với quan hệ ngoại giao Trung Quốc nói riêng [1]. Trong một phần
tư thế kỷ sau khi nước Cộng hoà Nhân dân Trung Quốc (CHNDTQ) ra đời vào
năm 1949, Bắc Kinh đã giúp đỡ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (VNDCCH) đấu
tranh chống lại hai kẻ thù hùng mạnh là Pháp và Mỹ. Trong những năm
1950, các công thức của Trung Quốc được dùng làm khuôn mẫu cho Đảng Lao
động Việt Nam (ĐLĐVN) trong cuộc kháng chiến chống Pháp và trong nỗ lực
tái xây dựng miền bắc. Trong những năm 1960, Bắc Kinh đã cung cấp rất
nhiều viện trợ để giúp Hồ Chí Minh chống lại Hoa Kỳ. Hậu thuẫn của Trung
Quốc rất quan trọng trong việc ĐLĐVN đánh thắng người Pháp vào năm 1954
cũng như trong khả năng chống trả áp lực của Mỹ trong cuộc Chiến tranh
Đông dương Lần 2. Vào thời điểm đoàn kết nhất giữa VNDCCH và Trung Quốc,
Hồ Chí Minh đã xem quan hệ giữa hai bên “vừa là đồng chí vừa là anh
em.” Tuy nhiên, trong đầu thập niên 1970, khi cuộc chiến tranh Việt Nam
bắt đầu giảm cường độ và Trung Quốc đang sắp xếp lại các ưu tiên chiến
lược của mình bằng cách cởi mở với Hoa Kỳ nhằm cân bằng mối đe doạ từ
Liên Sô, mối quan hệ của Bắc Kinh với Hà Nội bắt đầu rạn nứt, với hệ quả
là cuộc giao tranh trực tiếp vào năm 1979.
Nói chung, tầm quan trọng của Trung Quốc trong hai cuộc chiến tranh
Việt Nam đã bị bỏ qua hoặc bị đánh giá thấp trong các tài liệu của Việt
Nam lẫn phương Tây.[2] Các tác giả Việt Nam thường cố ý bác bỏ vai trò
của Trung Quốc để nhằm tạo ra một “lịch sử mang tính dân tộc,”[3] trong
khi việc khó truy câp các tài liệu lưu trữ tại Trung Quốc đã khiến giới
học giả phương Tây giảm thiểu vai trò của Bắc Kinh trong mâu thuẫn Đông
Dương.[4] Không có một nghiên cứu đầy đủ nào về quan hệ giữa Trung Quốc
với VNDCCH trong giai đoạn 1950-1975. Cuốn sách này cố gắng bù đắp sự
thiếu hụt ấy bằng cách trích dẫn những tài liệu mới có từ Trung Quốc để
trình bày một cách đầy đủ quá trình chuyển hoá trong mối quan hệ Trung
Quốc-VNDCCH giữa hai cuộc chiến tranh Đông Dương, trong đó chú trọng vào
những khía cạnh chiến lược, chính trị và quân sự của mối quan hệ trên.
Nghiên cứu này phân tích nguồn gốc chính sách Đông Dương của Bắc Kinh
bằng cách đặt nó vào bối cảnh lịch sử, địa phương và quốc tế, nơi nó
được thảo ra. Nghiên cứu này cũng điều tra các nguyên nhân dẫn đến sự
thăng trầm trong quan hệ Trung Quốc-Việt Nam. Đặc biệt là nó trả lời một
số câu hỏi quan trọng trong việc Trung Quốc dính líu đến Đông Dương.
Một số vấn đề này liên quan đến bản chất những mục tiêu của Bắc Kinh đối
với Việt Nam và quá trình thực hiện các chính sách của họ. Tại sao Mao
lại quyết định công nhận nước VNDCCH và cung cấp cố vấn quân sự và viện
trợ cho Việt Minh ngay sau khi giành được quyền lực ở Trung Quốc? Các
cố vấn Trung Quốc đóng vai trò gì trong việc Hồ Chí Minh đánh thắng
người Pháp? Tại sao Bắc Kinh lại tham gia vào Hội nghị Geneva năm 1954
và cổ vũ cho việc chia cắt Việt Nam? Trung Quốc đã đóng vai trò gì trong
nỗ lực khôi phục miền bắc của VNDCCH sau 1954? Trung Quốc đã phản ứng
ra sao với quyết định của Hà Nội trong việc vực dậy cuộc chiến tranh
cách mạng tại miền nam vào năm 1959? Mao đã phản ứng ra sao khi
Washington leo thang chiến tranh tại Việt Nam vào giữa thập niên 1960?
Và mong muốn của Mao trong việc tái tổ chức đất nước và xã hội Trung
Quốc đã ảnh hưởng đến các quyết định về Việt Nam của ông ra sao?
Bản đồ Đông Dương. Nguồn: Jacques Dalloz, Chiến tranh Đông Dương 1945-54 (Dublin: Gill & Macmillan, 1987)
Những câu hỏi sâu hơn nổi lên từ những tương tác giữa Trung Quốc với
các đồng minh Sô Viết và Việt Nam. Liệu đã có sự phân chia nhiệm vụ giữa
Mao và Stalin trong những năm đầu Trung Quốc can dự vào Việt Nam? Mâu
thuẫn Trung-Sô đã ảnh hưởng đến chính sách của Bắc Kinh và quan hệ của
nó với Hà Nội như thế nào? Trung Quốc và VNDCCH đã có những dị biệt gì
trong việc phát động chiến tranh và theo đuổi hoà bình? Việc Trung Quốc
chuyển hướng chiến lược đầu thập niên 1970 đã ảnh hưởng đến quan hệ với
VNDCCH ra sao? Và những dị biệt văn hoá, truyền thống nghi kỵ trong lịch
sử và tranh chấp khu vực đã ảnh hưởng thế nào đến mối hợp tác
Trung-Việt?
Cả hai nước Lào và Cambodia tồn tại trong dưới cái bóng của các cuộc
chiến tại Việt Nam, và tranh chấp tại Việt Nam thường lan sang hai quốc
gia này. Nghiên cứu này cũng đề cập đến phản ứng của Bắc Kinh đối với
những tiến triển tại Lào và Cambodia, đặc biệt là khi chúng có liên quan
đến những sự kiện tại Việt Nam. Nó đặt phản ứng của Bắc Kinh vào bối
cảnh của chính sách ngoại giao tổng thể cũng như những quan tâm đặc biệt
riêng đối với Việt Nam.
Nhìn rộng hơn, chúng ta rút ra được điều gì từ chính sách ngoại giao
của Mao qua việc phân tích cụ th thái độ và hành động của Trung Quốc đối
với Việt Nam? Xa hơn, chúng ta rút ra được kết luận gì về việc xây dựng
và quản lý đồng minh của phe Cộng sản trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh
qua việc điều tra chi tiết quá trình thăng trầm của mối quan hệ Bắc
Kinh-Hà Nội?
Các chương kế tiếp sẽ nhận diện những động cơ đầy phức tạp phía sau
chính sách Đông Dương của Bắc Kinh. Việc cân nhắc những thực thế địa
chính trị là một yếu tố trọng tâm trong tính toán của Mao. Trong suốt
thập niên 1950 và hầu hết thập niên 1960, Mao đã xem Hoa Kỳ là mối đe
doạ chủ yếu đối với nền an ninh và cách mạng Trung Quốc. Vì thế việc hậu
thuẫn Hồ chí Minh và Pathet Lào giúp Mao thoả mãn mục đích làm suy yếu
ảnh hưởng của Mỹ tại Đông nam Á và đẩy lùi nỗ lực kềm chế Trung Quốc của
Washington. Vào cuối thập niên 1960 đầu 1970, khi Mao nhận thức mối đe
doạ lớn hơn từ Liên Sô và đe doạ nhỏ hơn từ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông bắt
đầu sửa đổi lại chính sách của mình và khuyến khích Bắc Việt thoả thuận
một giải pháp hoà bình.
Tinh thần trách nhiệm quốc tế và nghĩa vụ phải giúp đỡ một đảng Cộng
sản anh em cũng như việc đẩy mạnh cuộc cách mạng chống đế quốc tại châu Á
là một yếu tố quan trọng, thường mang tính quyết định trong chính sách
của Mao về Việt Nam. Những hành động của Bắc Kinh về Đông Dương thường
được thúc đẩy bởi viễn kiến của Mao về vị trí của Trung Quốc trên thế
giới. Khi cống hiến cả đời cho cách mạng, Mao nhắm vào việc thay đổi
không chỉ nước Trung Quốc cũ mà cả trật tự thế giới cũ. Thể chế thực dân
Pháp tại Đông Dương bao gồm thành phần của một trật tự thế giới bất
công và sai trái mà Mao mong muốn dẹp bỏ. Trong suy nghĩ của Mao, nếu
không có một thay đổi chống lại hệ thống quốc tế hiện thời, chiến thắng
vừa có được của Cộng sản tại Trung Quốc sẽ không được bảo đảm, củng cố
và chính danh. Trong khi trật tự quốc tế cũ đã khiến Trung Quốc phải
chịu đau khổ và nhục nhã, thì việc thành lập một trật tự mới sẽ đóng góp
cho sự tái sinh và thịnh vượng của Trung Quốc. Mao đặt nền an ninh và
thịnh vượng trong nước ngang hàng với việc phát triển phong trào phản đế
và các cuộc cách mạng vô sản trên thế giới. Một thế giới gồm các quốc
gia Cộng sản cùng chí hướng sẽ là một bảo đảm tốt nhất cho chính quyền
của Mao tại Trung Quốc. Mao xen lẫn các quan tâm về vấn đề an ninh với ý
thức hệ trong suy nghĩ của mình. Mao và các đồng sự xem cuộc cách mạng
của mình tương tự với các phong trào giải phóng dân tộc khác tại các
quốc gia đang phát triển và cho rằng khuôn mẫu Trung Quốc thì quan trọng
đối với các phong trào ấy. Xa hơn, Mao can thiệp vào Đông Dương để tự
tạo dựng hình ảnh Trung Quốc trên thế giới.
Tuy nhiên Mao không theo đuổi những mục tiêu cách mạng của mình tại
Đông nam Á với cùng cường độ trong khoảng thời gian được đề cập trong
cuốn sách này. Mặc dù đồng cảm với phong trào chống đế quốc thực dân
trên thế giới, Mao cũng không muốn gây chiến với Hoa Kỳ. Vị lãnh tụ
Trung Quốc này là một người thực tế, có đủ khả năng để chỉnh sửa chính
sách khi gặp phải những khó khăn kinh tế trong nước hoặc những áp lực từ
nước ngoài. Ông có khả năng vượt qua những thoái bộ chiến thuật trong
nhiều lần nhưng luôn giữ vững lập trường của mình. Ví dụ như từ năm 1954
đến 1960, ông giảm bớt sự ủng hộ của Bắc Kinh đối với phong trào phản
kháng tại Đông Dương để Trung Quốc có thể tập trung phát triển kinh tế
trong nước. Mao không ngần ngại đề xuất chiến thuật ôn hoà hoặc nhượng
bộ nếu thấy thế lực phản động đang quá mạnh để phong trào cách mạng có
thế tiếp tục đấu tranh. Đấy là lý do tại sao ông đã chấp nhận một chia
rẽ hoà bình tại Việt nam tại Hội nghị Geneva năm 1954 và can ngăn nỗ lực
thống nhất đất nước của Hồ Chí Minh lúc ấy. E sợ việc Mỹ can thiệp vào
Việt Nam nếu chiến tranh tiếp diễn, Mao không muốn Trung Quốc dính líu
đến một cuộc chiến tương tự như tại Triều Tiên, vốn sẽ làm Trung Quốc
trệch hướng quá trình tái xây dựng rất cần thiết trong nước. Nỗi lo
trước sự can thiệp của Mỹ cũng giải thích được quyết định của Mao trong
việc đưa Lào trở lại tình trạng trung lập trong Hội nghị Geneva 1961-62.
Mao ủng hộ hình thức trung lập của Lào lúc ấy không phải vì ông muốn
tạo ra tình trạng trung lập vĩnh viễn ở nước này, như Liên Sô mong muốn,
mà bởi vì ông muốn tạo thêm thời gian để Pathet Lào củng cố và phát
triển lực lượng, tiến đến giành lấy quyền lực. Trong tính toán của Mao,
nhượng bộ và ôn hoà không có nghĩa là từ bỏ; cách mạng cần phải qua từng
giai đoạn. Mao hiểu rõ câu châm ngôn của Lenin “một bước lùi hai bước
tiến” khi tiến hành cách mạng. Và từ kinh nghiệm của chính mình, ông kết
luận rằng việc chuẩn bị cho chuyển biến cách mạng là một cuộc đua đường
dài chứ không phải là cự ly ngắn.
Tính cách cá nhân là yếu tố quan trọng thứ ba trong quá trình hình
thành thái độ của Bắc Kinh đối với cách mạng Việt Nam. Khi cân nhắc viện
trợ cho Việt Minh, giới lãnh đạo ĐCSTQ không thể bỏ qua mối quan hệ cá
nhân mật thiết và tình đoàn kết cách mạng mà họ và Hồ Chí Minh đã có
được trong những năm cùng nhau chiến đấu trước đây. Có cùng những giá
trị và niềm tin giống nhau, họ đã trải qua những khó khăn trở ngại tương
tự nhau. Hồ đã làm bạn với những đảng viên ĐCSTQ kỳ cựu như Chu Ân Lai,
Lưu Thiếu Kỳ, Hoành Nhược Phi, Bành Phái, và Lý Phú Xuân từ những năm
1920, khi ông hoạt động trong Đảng Cộng sản Pháp và sau đó đóng vai đại
diện của Đệ Tam Quốc tế hỗ trợ phong trào công nhân và nông dân tại
Quảng Đông. Trong thời kỳ nội chiến ở Trung Quốc vào những năm cuối
1940, chính quyền của Hồ đã cung cấp nơi trú ẩn cho quân đội ĐCSTQ từ
miền nam Trung Quốc khi họ rút quân sang Việt Nam để tránh quân đội Quốc
Dân Đảng tấn công. Qua quyết định giúp đỡ Việt Minh vào năm 1950, Mao
nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trao đổi tình hữu nghị giữa hai bên.
Cuối cùng, chủ ý sử dụng cuộc đấu tranh quốc tế để phát triển lịch
trình chính trị trong nước thường được đặt ở vị trí quan trọng trong các
cân nhắc của Mao về Việt Nam. Việc này thể hiện rõ rệt vào năm 1962 khi
Mao chỉ trích những đề xướng được xem là xét lại trong chính sách đối
ngoại từ nội bộ đảng và nhấn mạnh lần nữa sự cần thiết phải chống lại
chủ nghĩa đế quốc và ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc, bao gồm cuộc
đấu tranh tại Việt Nam. Sự tái nhấn mạnh việc ủng hộ sự nghiệp phản đế
trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng đã tạo cho Mao một
công cụ hữu hiệu để vận động hậu thuẫn từ trong nước cho quá trình “diễn
tiến cách mạng” của ông, và để dẹp bỏ những chướng ngại bên trong giới
lãnh đạo đảng, vốn đang bị chia rẽ bởi những thảm hoạ của chương trình
Bước Đại Nhảy Vọt. Tương tự, giữa những năm 1965 và 1966 Mao đã dùng
nguyên cớ cần thiết phải ủng hộ cuộc chiến tranh của Hà Nội chống lại
Hoa Kỳ để phát động một chiến dịch chống đế quốc trong nước, để phục hồi
tinh thần cách mạng cấp tiến và để vận động quần chúng đấu tranh chống
lại những lãnh đạo “xét lại” trong đảng, những người đang muốn đi theo
con đường của Liên Sô nhằm phục hồi chủ nghĩa tư bản tại Trung Quốc. Nói
chung, chính sách Đông Dương của Bắc Kinh là kết quả của một tổng thể
bao gồm thực tế địa chính trị, niềm tin ý thức hệ, tính cách cá nhân, và
các hoàn cảnh chính trị.
Cuốn sách này nhấn mạnh vai trò của khía cạnh con người trong việc
làm nên lịch sử. Trước hết là Mao đầy quyền lực với những ý tưởng và tầm
nhìn kiến tạo cơ cấu chung cho chính sách về Việt Nam của Trung Quốc.
Ông là người quyết định việc giúp đỡ Hồ Chí Minh, thương thảo với các
cường quốc phương Tây, đối đầu với áp lực từ Mỹ, bác bỏ những đề nghị
của Liên Sô, hoặc tăng cường quan hệ với Washington trong những thời
điểm quan trọng. Kế đến là những đồng sự thân tín của Mao và những lãnh
đạo thứ nhì trong đảng, bao gồm Chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ, Thủ tướng
Chu Ân Lai, tổng bí thư đảng Đặng Tiểu Bình, Bộ trưởng Ngoại giao Trần
Nghị, Đại sứ La Quí Ba, các tướng Trần Canh và Vi Quốc Thanh, những nhân
vật đã trung thành thực thi những quyết định ngoại giao và quân sự của
Mao đối với Việt Nam. Những chương kế tiếp sẽ liệt kê và đánh giá cụ thể
một Mao Trạch Đông đầy lôi cuốn như là một nhà cách mạng nhìn xa trông
rộng, một Lưu Thiếu Kỳ cẩn trọng như một nhà tổ chức kỹ lưỡng việc tiếp
tế cho Việt Minh, một Chu Ân Lai lão luyện trong vai trò của nhà ngoại
giao thông minh tại các hội nghị quốc tế, một Đặng Tiểu Bình cứng rắn
khi thương lượng với Bắc Việt, một Trần Nghị thẳng thắn là tiếng nói của
Mao trong các vấn đề quốc tế, và Trần Canh cùng Vi Quốc Thanh dày dạn
trận mạc trong vai trò cố vấn quân sự trên chiến trường Việt Nam. Họ đã
đạt được chiến thắng nhưng cũng mắc phải sai lầm. Tiếng nói của họ làm
nên chính sách của Trung Quốc và ứng xử của họ để lại dấu ấn sâu đậm
trong mối quan hệ Trung-Việt.
Quan hệ Bắc Kinh-Hà Nội bao gồm cả đồng thuận lẫn mâu thuẫn, hợp tác
và đối đầu. Nghiên cứu này sẽ tìm hiểu bản chất và các động lực của mối
quan hệ này và đặt nó vào trong bối cảnh lịch sử phức tạp của chính nó.
Trong suốt lịch sử của mình, người Việt có một thái độ yêu/ghét đối với
Trung Quốc. Một mặt, họ có truyền thống hướng về Trung Quốc để tìm kiếm
khuôn mẫu và nguồn cảm hứng. Các vua chúa Việt Nam đã bắt chước và vận
dụng những phương pháp và tổ chức của Trung Quốc để biến mình thành một
lực lượng chính danh. Bày tỏ lòng kính nể đối với triều đình bề trên
Trung Quốc là con đường duy nhất để tránh chiến tranh của người Việt, và
chấp nhận những định chế văn hoá của Trung Quốc đã trở thành thói quen
của giới cầm quyền Việt Nam. Mặt khác, người Việt luôn mong muốn gìn giữ
độc lập cũng như truyền thống văn hoá của mình.
Trong những thập niên 1950 và 1960, Cộng sản Việt Nam phải đối diện
với những kẻ thù hùng mạnh là người Pháp và người Mỹ khi tìm cách thống
nhất đất nước. Hồ Chí Minh đã tích cực tìm kiếm tham vấn và vũ khí từ
Trung Quốc. Nhưng thái độ nghi ngờ vẫn hề biết mất. Ví dụ Trung Quốc
nghi ngờ Hà Nội muốn sát nhập Lào and Cambodia vào với mình thành một
“Liên bang Đông Dương” trong khi Bắc Việt cũng dè chừng mối “quan hệ đặc
biệt” với Lào khi Trung Quốc tăng cường viện trợ cho Pathet Lào.
Quan hệ CHNDTQ-VNDCCH bao gồm việc hội nhập và chia sẻ quyền lợi. Hai
quốc gia có cùng một triển vọng ý thức hệ và một quan tâm chung về sự
can thiệp của người Mỹ vào Đông Dương, nhưng giới lãnh đạo Hà nội muốn
tránh xa mối nguy hiểm của việc phải vướng vào mối quan hệ phụ thuộc với
Trung Quốc. Một khi giới lãnh đạo Hà Nội và Bắc Kinh vẫn còn có các mục
tiêu chung là chấm dứt sự hiện diện của Hoa Kỳ trong khu vực, những
quyền lợi riêng rẻ trên sẽ nhượng bộ cho các điểm thoả thuận của hai
bên. Nhưng vào năm 1968 mối quan hệ Trung-Việt đã chuyển nhanh sang
chiều hướng xấu khi Washington vừa đưa ra một bước thăm dò trong việc
nới lỏng cam kết với Nam Việt. Trong tình hình mới, quyền lợi chiến lược
của Bắc kinh bắt đầu có sự khác biệt cơ bản so với Hà Nội. Trong khi
lúc này Trung Quốc xem Hoa Kỳ như là một tiềm năng đối trọng để chống
lại Liên Sô, những đồng chí Việt Nam vẫn tiếp tục xem Washington là đối
thủ nguy hiểm nhất. Sau khi quân đội Hoa Kỳ rút quân khỏi Việt Nam và
đất nước được thống nhất, những tranh chấp song phương giữa Hà Nội và
Bắc Kinh về Cambodia, về bất đồng lãnh thổ trên biển Đông và việc đối xử
với người gốc Trung Quốc tại Việt Nam bắt đầu gia tăng, dẫn đến cuộc
chiến tranh biên giới vào năm 1979.
Nghiên cứu này lần đầu tiên vận dụng những nguồn tài liệu do Trung
Quốc công bố trong vài năm gần đây. Những tài liệu mới này được xếp vào
bốn loại: nguồn hồ sơ lưu trữ, các tuyển tập tài liệu đã được xuất bản,
hồi ký và nhật ký, và các tài liệu gián tiếp dựa trên các nguồn lưu trữ.
Nguồn Hồ sơ Lưu trữ
Nguồn Hồ sơ Lưu trữ
Trong khi các nhà nghiên cứu không được truy cập những tài liệu lưu
trữ quan trọng như Văn khố Trung ương ĐCSTQ và Văn khố Bộ Ngoại giao tại
Bắc Kinh, các văn khố địa phương của đảng tại các tỉnh thì ít nghiêm
ngặt hơn và hợp tác hơn với các học giả. Trong thời gian 1995 và 1996,
tôi đã có hai chuyến đi nghiên cứu đến Văn khố Chính quyền Nhân dân tỉnh
Giang Tô. Kho tài liệu này bao gồm các chỉ thị do Uỷ ban Trung ương
ĐCSTQ tại Bắc Kinh gửi cho các lãnh đạo tỉnh giải thích vai trò của
Trung Quốc trong hàng loạt những vấn đề quốc tế bao gồm Đông Dương. Từ
năm 1958 đến 1966, Văn phòng Đối ngoại ca Uỷ ban Nhà nước triệu tập các
cuộc họp hàng năm về công tác đối ngoại tại Bắc Kinh, trong đó các cán
bộ từ trung ương đảng và các cơ quan chính quyền như Ban Liên lạc Quốc
tế ĐCSTQ, Bộ Ngoại giao và Uỷ ban người Hoa Nước ngoài báo cáo và giải
thích cho các cán bộ chuyên về ngoại giao cấp tỉnh những diễn tiến mới
của quan hệ ngoại giao Trung Quốc. Nhiều bài phát biểu và tài liệu nội
bộ từ những hội nghị này được lưu giữ tại Văn khố tỉnh Giang Tây. Những
tài liệu này trình bày quan điểm và phản ứng của lãnh đạo Trung Quốc đối
với những diễn biến trên thế giới nói chung và Đông Dương nói riêng
chính xác hơn so với các tường thuật từ báo chí Trung Quốc thời kỳ ấy.
Các Tuyển Tập Tài Liệu Đã Xuất Bản
Trong những năm gần đây Bắc Kinh đã xuất bản nhiều tuyển tập gồm các
bản thảo, bài viết, trao đổi và phát biểu của các lãnhđạo như Mao, Lưu
Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai. Những bộ sách này bao gồm vô số những bức điện tín
từ các lãnh đạo trên gửi đến các cố vấn Trung Quốc tại VNDCCH cũng như
vô số những ghi chép từ các trao đổi giữa họ và đối tác Việt Nam. Những
bộ sách quan trọng nhất cho cuộc nghiên cứu này gồm Kiến quốc Dĩ lai Mao Trạch Đông Văn cảo (Bản thảo của Mao Trạch Đông từ khi lập nước cho đến nay) gồm 18 bộ (Bắc Kinh XB 1987-98), Mao Trạch Đông Quân sự Văn tập (Tuyển tập các bài viết quân sự của Mao Trạch Đông) 6 bộ (Bắc Kinh XB 1993), Mao Trạch Đông Ngoại giao Văn tuyển (Tuyển tập các bài viết ngoại giao của Mao Trạch Đông) (Bắc Kinh XB 1994), Chu Ân Lai Niên Phả, 1949-1976 (Biên niên ký của Chu Ân Lai) 3 bộ (Bắc Kinh XB 1997), Chu Ân Lai Ngoại giao Văn tuyển (Tuyển tập các bài viết ngoại giao của Chu Ân Lai) (Bắc Kinh XB 1990), Chu Ân Lai Ngoại giao Hoạt động Đại Sự ký, 1949-1975 (Ký sự những hoạt động ngoại giao của Chu Ân Lai) (Bắc Kinh XB 1993), Lưu Thiếu Kỳ Niên Phả (Biên niên ký của Lưu Thiếu Kỳ), 2 bộ (Bắc Kinh XB 1996).
Hồi Ký Và Nhật Ký
Nhiều quan chức đảng, chỉ huy quân sự, nhà ngoại giao, thư ký và
thông dịch viên về hưu đã xất bản những hồi ký và nhật ký cá nhân của
mình trong thập niên vừa qua. Trong vài trường hợp, các tác giả nhờ vào
những phụ tá trẻ giúp họ đối chứng tài liệu trong các văn khố. Những
nhật ký và hồi ký này thường cho thấy những động cơ và tính toán ngầm
đằng sau những trường hợp đơn thuần về chính sách. Không những chúng
cung cấp những bằng chứng mới về những lời phát biểu của Mao vốn thường
không tìm thấy ở nơi khác, mà còn là một cửa sổ quan trọng cho thấy
những gì ông đã đọc. Từ đó ta có thể tự do tìm hiểu mối tương giao trong
các hoạt động của Mao với những đồng sự cao cấp và thư ký của mình. Từ
những câu chuyện này, ta có thể nhận hiểu được quá trình thảo chính sách
cũng như quan điểm của Mao. Những nhật ký và hồ ký cá nhân có ích nhất
cho cuộc nghiên cứu này bao gồm Bạc Nhất Ba, Trần Canh, Hu Zhengqing, Lý
Việt Nhiên, La Quí Ba, Shi Zhe, Tong Xiaopeng, Vương Bỉnh Nam, Ngũ Tu
Quyền, Hùng Hướng Huy, Zeng Sheng, và Zhang Dequn[5].
Những Bài Viết Gián Tiếp
Kể từ giữa thập niên 1980, một số lớn các tài liệu gián tiếp dựa trên
các nguồn lưu trữ đã xuất hiện tại Trung Quốc. Chúng bao gồm lịch sử
tổng quát về đảng, quân đội, và ngoại giao, các tiểu sử, chuyên khảo và
bài viết. Tác giả của chúng đa số từ Bắc Kinh, hoặc là một tập thể các
tác giả do đảng tập hợp hoặc các học giả làm việc riêng rẻ được phép
truy cập các kho lưu trữ. Những tác phẩm này thường trích dẫn các tài
liệu lưu trữ nổi bật. Nhưng vì những cấm đoán của đảng, họ chỉ đề cập
đến các nguồn tài liệu này mà không nói rõ nơi lưu trữ chúng.
Khi tìm hiểu những nguồn tài liệu mới đã nói ở trên, tôi đã tránh
không để lòng phấn chấn về việc khám phá ra chúng làm ảnh hưởng đến thái
độ nghiêm khắc cũng như tính nhạy cảm của mình đối với nội dung vốn vô
cùng quan trọng trong việc xem xét bất kỳ bộ phận nào của các thông tin
lịch sử. Khi sử dụng các tuyển tập tài liệu đã xuất bản, tôi hoàn toàn
biết rõ rằng chúng đã được giới biên tập viên của đảng lựa chọn, thường
là với mục đích chính trị, và chúng có thể không phải là những tài liệu
hoàn hảo. Tôi đã cố gắng làm việc một cách cẩn trọng với những bộ văn
tuyển này, loại bỏ một lượng lớn những cường điệu và bí ẩn. Tôi cũng đã
đối xử với các hồi ký với sự cẩn trọng tương tự, hoàn toàn nhận thức
được rằng ký ức của con người thì rời rạc và có thể không đúng sự thật
và hồi tưởng của các cá nhân thường là để tự đề cao mình. Mỗi khi có
thể, tôi đã đối chiếu và xác nhận các câu chuyện, chỉ ra những dị biệt
và mâu thuẫn. Khi làm việc với các tài liệu gián tiếp dựa trên văn bản
lưu trữ, tôi nhận thức rõ rằng mình phải dựa vào sự xét đoán của các tác
giả cũng như sự thiếu sót trong các nguồn tài liệu mà các tác giả ấy
được phép truy cập.