Mặc Lâm, biên tập viên RFA
01-01-2014
Gần đến ngày kỷ niệm 40 năm Trung Quốc
đánh chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam báo Giáo Dục đăng
tải loạt bài về trận hải chiến giữa hải quân Việt Nam Cộng Hòa và quân
Trung quốc diễn ra từ ngày 17 tới 19 tháng 1 năm 1974 do TS Trần Công
Trục, nguyên trưởng ban Biên giới Chính phủ nghiên cứu và biên tập.
Được tiếp cận thông tin đầy đủ hơn
Mặc Lâm phỏng vấn ông để biết thêm chi tiết. Khi được hỏi động cơ đã khiến ông thực hiện việc này TS Trục cho biết:
TS Trần Công Trục: Thật ra
mà nói việc mất Hoàng Sa vào tay Trung Quốc khiến tôi muốn cung cấp một
số thông tin để cho tất cả bạn đọc trong và ngoài nước được tiếp cận
thông tin đầy đủ hơn, chính xác hơn và rõ ràng hơn về một sự kiện mà có
lẽ không quên được trong quá trình đấu tranh của lịch sử để bảo vệ chủ
quyền, sự toàn vẹn của đất nước.
Tôi nghĩ rằng từ trước tới nay cũng có
khá nhiều thông tin, nội dung của các học giả cũng như các nghiên cứu
người ta đã trực tiếp hoặc là gián tiếp tham gia vào trận hải chiến này.
Tôi là người có điều kiện tiếp cận khai thác một trong các kho lưu trữ
của hải quân Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) cũng như một số nhân chứng tôi tập
trung trên phương tiện truyền thông. Tôi đã tập hợp và đăng lại để cung
cấp cho bạn đọc một bức tranh tương đối khá chi tiết về sự kiện này.
Mặc Lâm: Qua nghiên cứu và
trưng dẫn tài liệu về trận hải chiến này TS nhận xét thế nào về những
người đã hy sinh trong các trận đánh ấy thưa ông?
TS Trần Công Trục: Trận
hải chiến đó những người lính hải quân VNCH là những người con đất Việt.
Họ đã hy sinh dũng cảm đề chiến đấu chống lại kẻ xâm lược để bảo vệ chủ
quyền, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam và như vậy cá nhân
tôi, tôi đánh giá rất cao bởi vì ngoài việc họ là người Việt Nam họ có
truyền thống bất khuất chống trả lại ngoại bang, đứng về pháp lý mà nói
thì những người đó họ đại diện cho nhà nước Việt Nam trong quá trình bảo
vệ và thực thi quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo
Trường Sa của Việt Nam trong quá trình lịch sử lâu dài bảo vệ chủ quyền
của nhà nước này.
Mặc Lâm: Thưa TS nhân kỷ niệm
40 năm ngày mất Hoàng Sa sắp tới theo ông nhà nước có nên tổ chức một lễ
vinh danh 74 chiến sĩ hải quân của VNCH đã hy sinh tại Hà nội hay TP
HCM hay không? Theo ông thì thời điểm 40 năm đã đủ chín cho một hoạt
động như vậy hay chưa?
TS Trần Công Trục: Qua
thông tin mà tôi được biết thì thành phố Đà Nẵng là nơi trực tiếp quản
lý Hoàng Sa họ đang chuẩn bị tổ chức một lễ phát động kỷ niệm ngày mà
Hoàng Sa hoàn toàn bị Trung Quốc chiếm đóng.
Theo tôi điều quan trọng không phải là
tổ chức những buổi lễ hoành tráng hay bằng nghi thức rất rầm rộ nhưng
cái chính là làm sao cho dư luận trong lòng người dân Việt Nam trong và
ngoài nước luôn luôn hướng về quần đảo Hoàng Sa. Cái mảnh đất thiêng
liêng của cha ông Việt Nam từng đổ bao mồ hôi nước mắt để gìn giữ và bảo
vệ nó. Mặc dù bây giờ cũng không còn cái gì trên thực tế nhưng về mặt ý
chí, về mặt tinh thần, về mặt quyết tâm của người Việt Nam không bao
giờ từ bỏ chủ quyền đâu và luôn luôn nhắc nhớ rằng quần đảo Hoàng Sa mãi
mại là lãnh thổ của nước Việt Nam.
Mặc Lâm: Thưa TS nhà nước đã
chấp nhận cho loạt bài này xuất hiện cũng là hình thức chấp nhận sự thật
sau bao nhiêu năm, theo ông nhà nước có nên chính thức mang nó vào sách
giáo khoa cho các thế hệ tiếp theo biết được sự kiện các trận hải chiến
bảo vệ tổ quốc này hay không?
TS Trần Công Trục: Tất cả
vấn đề giáo dục cho học sinh sinh viên, từ tiểu học đến trung học hay
đại học, các cơ sở giáo dục khác thì đã có chủ trương của nhà nước là sẽ
đưa các vấn đề này vào trong sách giáo khoa. Hiện nay thì Bộ Giáo dục
đào tạo đang khẩn trương tiến hành việc đó.
Không phải chỉ nhân sự kiện này mà trong
toàn bộ đều có cuộc hải chiến Hoàng Sa năm 1974. Tôi là người đã được
mời tham gia trong một số cuộc họp trao đổi, thảo luận chuẩn bị cho tài
liệu giáo dục này cho Bộ Giáo dục đào tạo.
Kinh nghiệm đàm phán
Mặc Lâm: Ông là một viên chức
có kinh nghiệm đàm phán với Trung Quốc về vấn đề biên giới, theo TS nhận
xét thì những điểm mạnh hay yếu của họ là gì?
TS Trần Công Trục: Rõ ràng
là trong các cuộc đàm phán để giải quyết các tranh chấp về biên giới
lãnh thổ trên đất liền hay trên biển thì luôn luôn hết sức khó khăn phức
tạp thậm chí kéo dài. Khi đã ngồi vào bàn đàm phán nói chuyện với nhau
để tìm ra chân lý thì không phải là dễ, nó đòi hỏi thiện chí về mặt
chính trị đồng thời xuất phát từ các thực tiễn khách quan đôi bên phải
cầu thị để tìm ra đùng sự thật của nó.
Đương nhiên khi ngồi vào đàm phán thì
mỗi anh đều phải khai thác điểm mạnh của mình, chân lý của mình và đồng
thời tìm ra điểm yếu của đối phương để làm sao đó có thể chứng minh được
quan điểm đứng đắn của mình trong quá trình đàm phán. Rõ ràng là Trung
Quốc họ cũng có những điểm mạnh bởi vì họ là nước rất lớn, đã đàm phán
rất nhiều với các nước có liên quan đến vấn đề biên giới trên bộ trên
biển.
Lực lượng tham gia đàm phán và nghiên
cứu của họ khá đông đảo và được đào tạo rất bài bản. Họ cũng có bước đi
khá kỹ, tôi nghĩ đây là điểm mạnh của phía Trung Quốc.
Tôi không muốn nói là yếu nhưng tôi nghĩ
rằng họ cũng có những vấn đề. Chẳng hạn họ lập luận chưa được cụ thể rõ
ràng. Quan điểm về mặt pháp lý thì bằng chứng mà họ khẳng định những
yêu sách của họ là đứng đắn thì rất yếu. Thí dụ cả cộng đồng quốc tế
cũng như các học giả, chính khách đều nhìn thấy những yêu sách Trung
Quốc đưa ra đòi hỏi chủ quyền của họ đến 80% Biển Đông nằm trong đường
lưỡi bò là một chính sách rõ ràng vô lý, không căn cứ vào bất kỳ cơ sở
pháp lý, bất kỳ tiêu chuẩn pháp lý nào của luật pháp quốc tế cả.
Đấy là một điểm rất yếu. Khi họ tìm cách
khẳng định thực tế và tranh giành sự công nhận cái yêu sách vô lý đó và
nếu như các bên có liên quan trực tiếp ngồi đàm phán không nhận rõ
những điều đó để có những bước đấu tranh thích hợp trong bàn đàm phán có
thể rất là khó khăn.
Hay là quyền thủ đắc lãnh thổ hai quần
đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho đến nay theo tôi được biết Trung Quốc hay
đưa ra lập luận rằng Trung Quốc có chủ quyền lịch sử vì người Trung Quốc
đã phát triển, đã khai phá đã làm ăn từ lâu đời rồi… những điều đó có
đúng với nguyên tắc luật pháp được áp dụng và được thế giới thừa nhận
hay không lại là chuyện khác. Hiện nay có rất nhiều quan điểm đưa ra
khác nhau nên chúng ta cần phải chuẩn bị để có thể chứng minh trong các
cuộc đàm phán và đây là những điều mà tôi nghĩ là điểm yếu của họ.
Mặc Lâm: Thưa ông lịch sử cho
thấy Mỹ đã quay lưng với Hoàng Sa vì những thỏa thuận của họ đối với Bắc
Kinh trong năm 1974. Bây giờ họ lại quay lại Biển Đông trong mục tiêu
trở lại châu Á Thái Bình Dương nhằm tranh giành ảnh hưởng với lá chủ bài
là bảo vệ các nước nhỏ và giám sát Trung Quốc. Theo ông thì Việt Nam
nên làm gì để tránh vết xe đổ của lịch sử nhưng không mất đi cơ hội dựa
vào Mỹ làm đối trọng với Trung Quốc?
TS Trần Công Trục: Vâng,
tôi nghĩ rằng quan điểm của nhà nước Việt Nam ta thì như các bạn đã biết
trong bất kỳ hoàn cảnh nào cho dù lúc thuận lợi hay lúc khó khăn nhất
trong các cuộc đấu tranh thì Việt Nam luôn luôn kêu gọi sự đoàn kết đại
dân tộc, luôn luôn kêu gọi tinh thần tự lực tự cường và tự bản thân
người dân Việt Nam phải đòan kết để bảo vệ lấy cái chủ quyền và sự toàn
vẹn lãnh thổ của mình.
Đương nhiên điều đó không có nghĩa là
Việt Nam tự cô lập với thế giới. Việt Nam sẵn sàng kêu gọi sự ủng hộ
đoàn kết của các quốc gia trên thế giới và đánh giá rất cao vai trò
cường quốc của các nước lớn và Việt Nam sẵn sàng nhận những sự ủng hộ đó
nếu những giúp đỡ ấy có tính chất vô tư, xây dựng và đúng ý nghĩa. Việt
Nam sẽ có thể chấp nhận nhưng đồng thời qua đó Việt Nam có thể nhận ra
được những ai, những người nào muốn lợi dụng điều này vì lợi ích của họ
và thậm chí cũng có thể biết được họ có thỏa thuận trên lưng của người
Việt Nam trong quá trình đấu tranh gìn giữ chủ quyền và lãnh thổ quốc
gia hay không.
Tôi cho rằng trong các đường lối chủ
trương mà các nhà lãnh đạo Việt Nam đã từng công bố như bài diễn văn của
thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Shangri-La thì Việt Nam đã nói rất rõ
rằng đánh giá rất cao vai trò của các cường quốc như Hoa Kỳ, Trung Quốc
trong khu vực châu Á Thái bình dương này, và muốn họ thể hiện vai trò đó
trong hướng giúp đỡ cho các bên ngồi lại với nhau để giải quyết một
cách hòa bình các tranh chấp đó. Đừng để tranh chấp xảy ra trở thành một
cuộc xung đột có thể dẫn đến cuộc chiến tranh đẫm máu bất lợi cho hòa
bình và ổn định của khu vực và thế giới.
Việt Nam không muốn đứng về nước này mà
chống nước kia. Tôi nghĩ rằng đấy là một chính sách đứng đắn và đấy là
bản lĩnh của người Việt Nam và tôi cho rằng điếu đó là rất đúng. Riêng
cá nhân chúng tôi cho rằng nhà nước nên tiếp tục con đường đó và chắc
chắn con đường này sẽ được ủng hộ rất tích cực, rất có hiệu quả của các
quốc gia đặc biệt là những nước lớn.
Tôi cũng thấy rằng rõ ràng trong bối
cảnh hiện nay việc Hoa Kỳ xoay trở lại khu vực này thì tôi nghĩ họ cũng
đã nhận rõ ràng nguy cơ của sự mất cân bằng trong khu vực này và họ muốn
tái lập sự cân bằng đó. Và chính sự cân bằng đó sẽ giúp cho việc giữ
gìn sự ổn định trong khu vực và tạo cơ hội cho các bên có thể ngồi lại
với nhau giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.
Mặc Lâm: Xin được đưa ra câu
hỏi chót. Thưa TS sự xuất hiện loạt bài hải chiến Hoàng Sa lần đầu tiên
trên cơ quan chính thống cho thấy có sự thay đổi lớn trong cách đối phó
với vấn đề Biển Đông của nhà nước, theo TS thì bước kế tiếp Việt Nam cần
phải làm gì thêm nữa?
TS Trần Công Trục: Với tấm
lòng của một người Việt Nam chúng tôi muốn nêu lên sự thật lịch đó và
vấn đề pháp lý có liên quan để mọi người chia sẻ. Tôi cũng muốn rằng qua
loạt bài này tôi sẽ nhận được thêm rất nhiều những bộ phim của các học
giả có tiếng tăm trong và ngoài nước đặc biệt là những chiến sĩ hải quân
VNCH trước đây đã từng tham gia các trận đánh này có thể làm cho tư
liệu đứng đắn hơn, xác thực và hoàn chỉnh hơn để ghi lại cho con cháu
ngày sau biết rõ một sự kiện như vậy trong quá trình đấu tranh của dân
tộc.
Đương nhiên tôi cho rằng sự quan tâm và
đồng lòng đó làm tôi rất xúc động bởi vì được rất nhiều bạn đọc trong
ngoài nước quan tâm. Đặc biệt là các học giả rất quan tâm họ cũng chia
sẻ và động viên tôi. Tôi cho rằng muốn giải quyết hòa bình những vấn đề
một cách cơ bản lâu dài thì không nên dùng ý chí chủ quan của các bên,
mà phải trên cơ sở thông tin khoa học khách quan, hiểu biết lẫn nhau thì
mới có thể ngồi được với nhau để giải quyết vấn đề. Nếu tất cả mọi
người chỉ dựa vào ý kiến chủ quan của mình thì chắc chắn sẽ không bao
giờ gặp nhau và sẽ khó có thể thuận lợi.
Công việc đầu tiên đối với chúng tôi là
sẽ tiếp tục việc tập hợp những người học giả, những người nghiên cứu,
những người đã từng có cống hiến, đóng góp vào những sự kiện lịch sử này
để cùng nhau nghiên cứu, tìm cách bổ xung hơn nữa những tư liệu để phục
vụ cho cuộc đấu tranh đặc biệt là những cuộc đàm phán trong tương lai.
Mặc Lâm: Xin cám ơn ông.