Nguyễn Hưng Quốc
Nhìn lại năm 2013 vừa qua, phần lớn các nhà bình luận chính trị, và
đặc biệt, những người quan tâm đến xu hướng dân chủ hóa, đều cho đó là
một năm đáng buồn.
Nếu năm 2011 là năm của cách mạng mùa xuân, của xu hướng dân chủ hóa ở
một nơi ngỡ như khó có dân chủ nhất: các quốc gia Hồi giáo, năm 2012 là
năm chuyển tiếp, nơi hy vọng và thất vọng, buồn và vui, lạc quan và bi
quan giao thoa với nhau, năm hầu như mọi người đều thắc thỏm, phập phồng
lo lắng, chưa biết tương lai sẽ đi về đâu, thì năm 2013 vừa qua, ngược
lại, là năm các xu hướng phản động có vẻ thắng thế, niềm hân hoan trước
làn gió dân chủ mới thổi tràn đến Trung Đông dần dần nguội tắt, mọi
người bàng hoàng nhận ra con đường tiến đến dân chủ sao mà gập ghềnh,
khúc khuỷu và tối tăm đến vậy.
Ở Ai Cập, Mahomed Morsi trở thành Tổng thống sau cuộc bầu cử dân chủ
đầu tiên trong lịch sử, nhưng đúng một năm sau, lại bị đảo chính và bị
kết tội là phản bội, là chà đạp lên dân chủ. Hiện nay, đất nước này nằm
trong tay các tướng lãnh, đứng đầu là tướng Abdel Fatah al-Sisi. Các
tranh chấp quyền lực trong nội bộ không biết bao giờ mới kết thúc và
triển vọng dân chủ chắc vẫn còn xa vời. Dân chúng, thuộc các phe phái
khác nhau, tiếp tục xuống đường biểu tình và tiếp tục bị giết chết. Hàng
ngàn.
Ở Syria, cuộc nổi dậy của dân chúng dẫn đến nội chiến kéo dài, và có
lẽ, sẽ tiếp tục kéo dài nữa. Một mặt, Bashar al-Assad sử dụng cả vũ khí
hóa học để trấn áp dân chúng, quốc tế chỉ lên tiếng phê phán một cách
vừa phải; mặt khác, trong lực lượng nổi dậy lại xuất hiện khá nhiều phe
nhóm Hồi giáo cực đoan, vốn gắn liền với các tổ chức khủng bố, khiến
không ai muốn giúp đỡ hay can thiệp. Nói chung, ở Syria, bất cứ phe nào
thắng thì dân chủ cũng bị sát hại. Do đó, từ bên ngoài, ai cũng lo lắng
quan sát nhưng không ai muốn nhúng tay vào cả. Sự bàng quan ấy khiến máu
của người dân Syria không ngừng chảy. Đầy trên các đường phố.
Ở Libya, sau khi Muammar Gaddafi bị lật đổ và giết chết, người ta ngỡ
có dân chủ. Nhưng không. Trên đất nước ấy vẫn đầy bất ổn. Bọn khủng bố
và các thế lực quân phiệt vẫn hoành hành. Mới đây, Thủ tướng Ali Zeidan
bị một lực lượng quân sự bắt cóc, sau đó, được một lực lượng quân sự
khác giải thoát: Ngay cả số phận của một thủ tướng cũng bấp bênh. Huống
gì là dân chúng.
Ngay ở Tunisia, nơi bùng phát cuộc cách mạng mùa xuân và cũng nơi là
người ta tưởng sự chuyển tiếp sang dân chủ tương đối dễ dàng, nhanh
chóng và êm ái nhất, vẫn đầy những khó khăn và bất trắc. Lực lượng Hồi
giáo cực đoan vẫn rất mạnh. Sự chia rẽ trong đất nước vẫn còn rất trầm
trọng. Hiện nay, guồng máy quốc gia tạm thời nằm trong tay Thủ tướng
Mehdi Jomaa trong lúc chờ Hiến pháp mới được thông qua. Người ta hy vọng
mọi thứ sẽ ổn thỏa. Nhưng cũng không có gì chắc chắn cả.
Ở Châu Phi, tình hình cũng không khả quan hơn. Sau khi Nelson Mandela
qua đời, tình hình chính trị Nam Phi vẫn đầy rối rắm. Chính phủ hiện
tại bị phê phán là vừa tham nhũng vừa bất lực. Các tệ nạn xã hội vẫn đầy
ngập. Cuộc sống của những người dân bình thường vẫn đầy khốn khó. Nạn
kỳ thị chủng tộc đã thuộc về quá khứ nhưng dân chủ thì vẫn còn trong
giai đoạn manh nha. Tuy Mandela đã từ giã sân khấu chính trị từ lâu,
việc ra đi của ông cũng có ý nghĩa rất lớn: Nam Phi mất đi một biểu
tượng của sự khoan dung và tinh thần dân chủ, người có khả năng đoàn kết
cả dân tộc. Bởi vậy, nguy cơ Nam Phi rơi vào họa độc tài không phải
không có.
Ở Zimbabwe, Robert Mugabe, 91 tuổi, vẫn tiếp tục cai trị. Vừa cai trị
vừa ngủ gà ngủ gật trong các phiên họp quan trọng. Nhưng vẫn cai trị
một cách độc đoán và tàn bạo. Vẫn trấn áp mọi lực lượng đối lập và vẫn
tiếp tục nhấn cả nước chìm đắm dưới đáy sâu của sự cùng khốn và tuyệt
vọng.
Ở Châu Âu, nơi dân chủ bị đe dọa trầm trọng nhất là Nga. Năm 2012,
Vladimir Putin trở lại ngôi vị Tổng thống lần thứ hai (sau hai nhiệm kỳ
đầu, từ 2000 đến 2008 và sau một thời gian làm Thủ tướng, từ 2008 đến
2012). Lần này, bản chất cứng rắn của ông càng lộ rõ. Phần lớn những
người đối lập đều bị trấn áp. Về phương diện đối ngoại, Putin có tham
vọng biến Nga thành một đế quốc; về phương diện đối nội, thành một quốc
gia độc tài. Nền dân chủ ở Ukraine cũng đang trong giai đoạn khủng hoảng
với những cuộc biểu tình và trấn áp biểu tình căng thẳng trên các đường
phố vào các tháng cuối năm.
Ở Châu Á, hầu như chỉ có Miến Điện là đi đúng hướng, từ quân phiệt
dần dần chuyển sang dân chủ, dù chỉ mới là bước đầu, còn khá rụt rè, với
sự nhân nhượng và hòa giải của Tổng thống U Thein Sein và sự tham chính
của Aung San Suu Kyi. Tuy nhiên, gần đây, Miến Điện vẫn chìm ngập trong
các cuộc bạo loạn của các lực lượng Hồi giáo và cả Thein Sein lẫn Suu
Kyi đều bị nhiều người trên thế giới phê phán là không bảo vệ các thành
phần Hồi giáo ấy đủ. Ở Bắc Hàn, Kim Jong-un, đối với quốc tế, càng hung
hăng; đối với quốc nội, càng tàn bạo. Ở Thái Lan, dân chủ lại bị thử
thách bởi tinh thần đảng phái với các cuộc biểu tình chống chính phủ
càng lúc càng nhiều và càng đông. Ở Bangladesh, mấy tháng trước cuộc bầu
cử dự định sẽ tổ chức vào ngày 5/1/2014, các cuộc biểu tình và bạo động
không ngừng xảy ra khiến cả mấy chục người chết. Ở Sri Lanka, cuộc
tranh đấu giành độc lập của người Tamil vẫn tiếp tục, có thể đẩy chế độ
Rajapaksa vào chỗ khủng hoảng. Ở Trung Quốc, từ lúc Tập Cận Bình lên nắm
quyền, đối với dân chúng, gọng kềm của đảng và nhà nước càng siết chặt;
đối với các nước trong khu vực, tham vọng bành trướng càng ngày càng
mạnh và thái độ càng ngày càng ngang ngược.
Nhìn chung trên phạm vi toàn thế giới, con đường phát triển của dân chủ dường như đang khựng lại. Như một thoái trào.
Trong cơn thoái trào ấy, nạn nhân đầu tiên chính là tự do ngôn luận.
Ở Châu Phi, từ Somalia đến Eritrea, Sudan, Djibouti, Ethiopia, Mali,
Cộng hòa Trung Phi, Chad, v.v. ở đâu báo chí cũng bị trấn áp, các ký giả
nếu không bị giết chết thì cũng bị bắt bớ và ngược đãi, chế độ kiểm
duyệt được thiết lập, ngăn cản mọi tiếng nói đối lập và độc lập.
Ở Châu Á, ngoài Bắc Hàn, hai nơi tự do ngôn luận bị siết chặt nhất là
Trung Quốc và Việt Nam. Trong năm qua, ở Trung Quốc, cả hàng trăm người
bị bắt vì tội “gieo rắc tin đồn”. Ở Việt Nam, những người lên tiếng phê
phán nhà cầm quyền, thậm chí, chỉ tiết lộ một số thông tin về các cuộc
đấu đá trong nội bộ nhà cầm quyền (như trường hợp của Phạm Viết Đào và
Trương Duy Nhất) bị bắt bớ và giam cầm cũng rất nhiều. Theo World Press
Freedom Index, năm 2013, Việt Nam vẫn nằm dưới đáy của quyền tự do ngôn
luận, xếp vào thứ 172, chỉ trên Syria (thứ 176), Somalia (175), Iran
(174) và Trung Quốc (173), nhưng lại thua cả Cuba (171), Sudan (170) và
Yemen (169); càng thua xa Miến Điện (151), Campuchia (143) và
Afghanistan (128).
Chuyện thế giới, đã có nhiều người thuộc các nước khác lo toan và buồn. Riêng chuyện Việt Nam, chỉ có chúng ta buồn.
Không những buồn, còn đau nữa. Không những chỉ có những người bị bắt
bớ và giam cầm đau, cả những người ở ngoài tù ngục, thậm chí, ở hải
ngoại, rất xa tù ngục, cũng thấy rất đau.
Đau hơn cả bị thiến.
Niềm hy vọng bị thiến.