Song Chi
Cứ vào dịp cuối năm là báo chí, cả “lề phải” lẫn “lề
trái”, lại có những bài viết mang tính chất tổng kết lại
những nhân vật, sự kiện nổi bật trong từng lĩnh vực từ chính
trị, xã hội, kinh tế, giáo dục, y tế, văn hóa nghệ thuật, thể
thao…. Chính vì vậy, người viết bài này không có ý định sẽ
làm một việc tương tự. Mà sẽ là một bài viết tự trả lời cho
câu hỏi “Khép lại một năm 2013, bạn sẽ nhớ những gì, những
ai?” .
Nhớ, không hẳn đã theo ý nghĩa tích cực mà nhiều lúc ngược
lại. Buộc phải nhớ vì quá đau lòng, hay quá sốc, quá tức
giận…chẳng hạn.
Với riêng tôi, những khuôn mặt nào, những hình ảnh nào khiến tôi phải nhớ khi nhìn lại năm 2013?
1. Đặng Ngọc Viết và tiếng súng “mạng đổi mạng”.
Vào đầu năm 2012 tiếng súng hoa cải của hai anh em ông Đoàn
Văn Vươn chống lại lực lượng cưỡng chế đất làm 6 người phía
công an và quân đội bị thương nhẹ, tại khu vực đầm Cống Rộc,
xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng đã làm dậy
sóng dư luận xã hội.
Ông Vươn được ví với hình ảnh Jacquou người nông dân nổi dậy
(Jacquou le Croquant) dưới triều Henri IV của Pháp, đồng thời vụ
án chống lại hai anh em ông khiến dư luận nhớ đến vụ án Đồng
Nọc Nạn tương tự dưới thời Pháp thuộc, nhưng khốn thay, kết
thúc lại khác xa!
Tiếng súng ấy là những dấu hiệu báo động quá rõ ràng cho
tình trạng “tức nước vỡ bờ” của người nông dân VN dưới “triều
đại cộng sản”, nhưng nhà cầm quyền đã bỏ ngoài tai. Vì vậy
không có gì lạ khi tiếng súng Đặng Ngọc Viết lại nổ ra, vào
một ngày tháng 9.2013 tại trụ sở UBND tỉnh Thái Bình. Cũng
lại do cưỡng chế mặt bằng, đền bù không thỏa đáng.
Lần này bi thảm hơn, 5 cán bộ của Trung tâm phát triển Quỹ đất
TP Thái Bình trong đó 4 người bị thương, 1 người tử vong và chính
bản thân anh Đặng Ngọc Viết sau đó cũng tự sát. Đã dấn tới
thêm một bước nữa rồi, mạng đổi mạng.
Điều gì, ai đã khiến cho một con người được gia đình, bà con
hàng xóm đánh giá là hiền lành ấy phải có một hành động
tuyệt vọng như vậy, có lẽ ai cũng hiểu, chỉ trừ…nhà cầm
quyền, dù có hiều cũng như điếc như mù.
Hành động của anh Đặng Ngọc Viết, mặt khác, là một trong
số rất nhiều hành vi “tự xử” của người VN trong những năm gần
đây, dưới nhiều góc độ khác nhau, nhưng đều nói lên sự mất
lòng tin của người dân đối với nhà cầm quyền, sự phá sản của
một nền luật pháp từ lâu đã trở thành luật rừng, “luật của
đảng”.
2. Nguyễn Thanh Chấn và vụ án oan 10 năm.
Khi người tù Nguyễn Thanh Chấn được trả tự do sau 10 năm ngồi
tù oan ức và toàn bộ diễn biến của vụ án được phơi bày trên
báo chí, dư luận bàng hoàng về những cách “đánh án” ẩu tả,
cốt làm nhanh để lập công lấy thành tích của công an tỉnh Bắc
Giang và có thể, của công an nhiều địa phương khác nữa chưa
được khui ra; những cách dùng nhục hình để bức cung, ép người
vô tội phải nhận tội, những cuộc đời bị đánh cắp, những mái
ấm gia đình bị xé nát…bởi sự vô cảm, tàn bạo, coi thường con
người, coi thường luật pháp của đám công an điều tra cho tới
thẩm phán và những quan chức cấp cao hơn nữa…
Cũng từ vụ Nguyễn Thanh Chấn, báo chí khui lại hàng chục
vụ án oan khác, cũng cùng một kiểu điều tra tắc trách và
những thủ đoạn bức cung khác nhau, trong đó có những người đã
không may mắn được như ông Chấn là còn sống để mà trở về…
Còn bao nhiêu số phận oan khuất nữa mà dư luận chưa biết
đến? Và sẽ còn nữa…khi nào một thể chế tam quyền phân lập,
cộng với tinh thần thượng tôn pháp luật và tôn trọng nhân quyền
chưa được thiết lập trên đất nước này.
3. Các “ác mẫu” bạo hành trẻ mầm non.
Vào những tháng cuối năm, dư luận xã hội lại choáng váng
với những câu chuyện về các bảo mẫu bạo hành trẻ mầm non.
Người thì quẳng trẻ xuống đất rồi đánh, đạp đến chết, hai
người khác làm đủ trò hành hạ khi cho trẻ ăn, kinh khủng hơn
là trường hợp hai bảo mẫu bị tố cáo xâm hại bé gái 3 tuổi
và bày cho các trẻ trai khác cùng lớp xâm hại bé gái này…
Có ở đâu như ở VN, con người không được an toàn ngay từ những
năm tháng đầu tiên của cuộc đời, ở những nơi lẽ ra phải an
toàn nhất như nhà trẻ, trường mầm non…
Những “ác mẫu” thản nhiên đối xử độc ác với những đứa trẻ
ngây thơ ấy, có người do ít học thiếu hiểu biết, cũng có
người có học hẳn hoi, nhưng vì sao họ lại hành xử như vậy?
Vì những bức xúc cơm áo gạo tiền cuộc sống khó khăn hàng
ngày không biết trút vào đầu ngoài những đứa trẻ vô tội? Vì
đã quen sống trong một môi trường xã hội mà cái ác cái xấu
nhan nhản còn cái thiện cái tốt đẹp thì ngày càng quá hiếm
hoi? Họ hành xử mà cũng không ý thức hết cái ác của mình do
không được dạy từ bé, không thấm vào người như những ai may mắn
sinh ra và lớn lên trong một môi trường xã hội văn minh, nhân
bản, tôn trọng con người.
Và những việc làm của họ, nếu không bị phanh phui, sẽ tiếp
tục trong một thời gian dài, để lại những sang chấn tinh thần,
những tổn thương về thể chất và tâm lý trong những đứa trẻ để
rồi 10, 20, 30 năm sau, trong số những đứa trẻ bị bạo hành ấy
sẽ nảy nòi ra những Lê Văn Luyện thảm sát cả một gia đình để
cướp vàng, Nguyễn Đức Nghĩa giết bạn gái cũ rồi chặt đầu phi
tang, Trần Trọng Phú chém và đổ xăng thiêu sống bạn gái,
Nguyễn Thị Hạnh dùng dao giết chồng v.v và v.v…
4. Bác sĩ thẩm mỹ ném xác bệnh nhân xuống sông Hồng.
Năm 2013 là năm mà ngành y xảy ra đủ vụ tai tiếng, tình
trạng y đức ngày càng xuống cấp nghiêm trọng, trong đó có vụ
bác sĩ của thẩm mỹ viện Cát Tường, Hà Nội làm chết người
rồi ném xác xuống sông để phi tang. Người ta còn chưa rõ liệu
viên bác sĩ này đã làm những thủ thuật gì với cái xác hay
có thật đã ném xuống sông bởi vì cho đến nay thi thể của
người phụ nữ bất hạnh vẫn chưa được tìm thấy.
Chân dung ông bác sĩ máu lạnh này rồi sẽ còn lưu lại khá
lâu trong ký ức mọi người như một trong những “ca” kinh hoàng
nhất của ngành y VN.
5. Dương Chí Dũng và án tử hình hiếm hoi dành cho tội tham nhũng ở VN cho đến nay.
Trong phiên sơ thẩm ngày 16 tháng 12, Dương Chí Dũng, nguyên Cục
trưởng Cục hàng hải Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng
công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đã bị tuyên án tử hình về tội
tham ô, 28 năm tù về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý
kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, tổng hợp là tử hình.
Tên tuổi của Dương Chí Dũng gắn liền với vụ Vinalines, một
trong 10 đại án tham nhũng của VN, gây thua lỗ, thất thoát hàng
tỷ đô la Mỹ.
Dòng dõi gia đình, con đường thăng quan tiến chức, quy trình
bổ nhiệm Dương Chí Dũng…tất cả đều rất “điển hình” cho cái cơ
chế con ông cháu cha, các mối quan hệ thân quen chằng chịt, kết
bè kết cánh của các nhóm lợi ích, và một môi trường vô cùng
thuận lợi cho nạn tham nhũng, hối lộ nảy nở sinh sôi biến
tướng…
Đưa Dương Chí Dũng ra xử là mở màn cho hàng loạt vụ án kinh
tế khác sẽ được đem ra xét xử trong năm tới, và việc tử hình
Dương Chí Dũng được xem như một nỗ lực của nhà cầm quyền VN
trong cuộc chiến chống tham nhũng. Chỉ có điều, xử xong Dương
Chí Dũng nhưng khi cơ chế chưa thay đổi thì cũng sẽ còn những
Dương Chí Dũng khác lại xuất hiện mà thôi.
6. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến-yếu kém về năng lực, vô cảm.
Trong năm 2013, ngành Y bị báo chí, dư luận “cho lên thớt mổ
xẻ” không biết bao nhiêu lần với những vụ như hàng loạt trẻ tử
vong sau khi tiêm vaccine 5 trong 1 Quinvaxem, hàng loạt sản phụ
tử vong do sự thờ ơ tắc trách, vô lương tâm của đội ngũ y bác
sĩ, những vụ chẩn đoán sai, chữa trị sai, phẫu thuật nhầm, vụ
ăn bớt thuốc của bệnh nhân phong tại trung tâm da liễu Hà Đông,
vụ “nhân bản” phiếu xét nghiệm tại BV Đa khoa Hoài Đức, Hà
Nội, “tráo thủy tinh thể” tại BV Mắt, Hà Nội, hàng loạt phòng
khám chui có bác sĩ Trung Quốc và từng có những tai biến
chết người, vụ bác sĩ thẩm mỹ làm chết người xong ném xác
xuống sông phi tang…
Chưa kể, những vấn đề đã tồn tại từ lâu vẫn chưa thấy thay
đổi, cải thiện, khiến người dân bức xúc như nạn quá tải tại
các BV trong các thành phố lớn, viện phí tăng, thực phẩm không
an toàn…
Cùng với “diện mạo” lem luốc của ngành Y, người đứng đầu
ngành, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng bị dư luận
chĩa mũi dùi theo. Khốn nỗi, bà Bộ trưởng lại có lắm câu
phát biểu thuộc loại nói mà không nghĩ khiến dư luận càng dậy
sóng như “Ai thấy bác sĩ nhận phong bì của bệnh nhân thì chụp ảnh gửi
cho tôi” (nói về nạn “phong bì” và đây là một trong giải pháp
mà bà Bộ trưởng đưa ra để nâng cao y đức lương y), “Thiếu giường
bệnh thì… phải hỏi Nhà nước” (trả lời về tình trạng quá tải ở
những bệnh viện tuyến trên), “Lỗi của vắc-xin, thì xử vắc-xin; lỗi
do người tiêm, xử người tiêm; lỗi do kỹ thuật xử lý kỹ thuật...” v.v..
Không chỉ phát ngôn vô cảm, bà Bộ trưởng còn có nhiều hành
vi, việc làm khiến người dân cảm thấy khó mà thông cảm như khi
xảy ra vụ ba cháu bé ở Quảng Trị bị tử vong sau khi tiêm
vaccine, bà Bộ trưởng có việc đi công tác tại đây nhưng lại
không ghé thăm và an ủi ba gia đình bất hạnh, thay vào đó bà đi
dự lễ khởi công nghĩa trang liệt sĩ, chẳng hạn…
Khi xảy ra một vụ việc gì đó, bà Bộ trưởng không đứng ra
nhận trách nhiệm ngay cũng không xin lỗi người dân, mà loanh
quanh né tránh, đổ trách nhiệm cho cấp dưới…cho đến khi bị dư
luận ép quá mới phải lên tiếng thừa nhận một phần trách
nhiệm (vụ thẩm mỹ viện Cát Tường chẳng hạn)…Sự bức xúc của
dư luận dâng cao đến nỗi đã có rất nhiểu ý kiến, thư kiến
nghị yêu cầu bà Bộ trưởng hãy từ chức.
Nhưng tất nhiên, trong một chế độ như chế độ cộng sản ở VN,
từ chức là một khái niệm vô cùng xa lạ đối với các quan
chức, và bà Bộ trưởng Y tế vẫn tiếp tục tại vị bởi vì,
trong suy nghĩ của bà, các ngành khác thì cũng có khá gì hơn,
vả lại, biết bao nhiêu người bât tài kém đức, làm sai, mà có
từ chức đâu, vậy tại sao lại đòi hỏi bà phải từ chức?
7. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và cái tầm quá thấp của người đứng đầu đảng cộng sản VN.
Nếu như những năm trước ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thường
hay bị dư luận săm soi nhiều vì vai trò, trách nhiệm của người
đứng đầu chính phủ trước tình trạng yếu kém, khủng hoảng
toàn diện của nền kinh tế, nạn tham nhũng ngày càng tăng, sự
thua lỗ của hàng loạt tập đoàn kinh tế quốc doanh…cũng như
những đồn đoán về sự đấu đá, tranh giành nội bộ, việc ông bị
kỷ luật trong Hội nghị TƯ 6…thì năm nay đúng là năm của ông
Tổng Trọng!
Ông Tổng Bí thư đã chứng tỏ mình là một con người cực kỳ
bảo thủ, xơ cứng về tư duy, có tầm nhìn hết sức hẹp hòi qua
vụ sửa đổi Hiến pháp 1992. Bỏ qua mọi lời góp ý, phản biện
của hàng trăm nhân sĩ trí thức trong ngoài nước, đắp tai ngoảnh
mặt làm ngơ trước khát vọng muốn thay đổi của đa số người
dân, mù lòa trước nhu cần cần kíp phải thay đổi của đất nước
và xu hướng chung của thế giới, người đứng đầu đảng cộng sản
VN đã chỉ đạo Bộ Chính trị, cả Quốc hội thông qua bản Hiến
pháp 2013 vô cùng lạc hậu, phản động. Trong đó mọi nguyên nhân
dẫn đến sự trì trệ lạc hậu của đất nước, tạo ra những mâu
thuẫn nặng nề trong xã hội từ luật sở hữu đất đai, vai trò
chủ đạo của kinh tế nhà nước, vai trò độc đảng của đảng cộng
sản VN…tiếp tục được giữ nguyên.
So với ông Tập Cận Bình, Tổng Bí thư ĐCS Trung Quốc, Chủ
tịch nước CHND Trung Hoa, ông Nguyễn Phú Trọng rõ ràng thua xa
lắc về bản lĩnh, tư duy, tầm nhìn chiến lược. Trong lúc đảng
cộng sản TQ dưới sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình đang có
những bước thay đổi mạnh mẽ thì đảng cộng sản VN dưới sự
lãnh đạo của ông Nguyễn Phú Trọng càng bảo thủ, phản động, đi
thụt lùi hơn bao giờ hết.
Trong năm 2013, người dân cũng được nghe được thấy nhiều câu
phát biểu“để đời” của ông Tổng Trọng. Chẳn hạn, nói về vấn
đề tham nhũng ở VN: “…Cái gì cũng phải tiền, không tiền không
trôi, như ngứa ghẻ phải gãi rất khó chịu”. Hoặc ví von: “Đường
Tăng khi xưa đi lấy kinh sang đất Phật cũng phải hối lộ mới lấy được
kinh. Cho nên chúng ta phải xem xét bình tĩnh, tỉnh táo, sáng suốt. Phải
có cái nhìn khoa học, biện chứng về tham nhũng”. Nói về việc xây
dựng CNXH thì: " Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở
Việt Nam hay chưa." v.v…
Thường xuyên nhai đi nhai lại những cụm từ CNXH, kiên trì đi
theo con đường chủ nghĩa Mác Lênin, và tư tưởng Hồ Chí Minh soi
sáng, kiên quyết giữ vững vai trò lãnh đạo độc tôn của ĐCS,
rồi nào cảnh giác trước các thế lực thù địch chống phá, đòi
đa nguyên đa đảng v.v…
Giáo sư Tương Lai, cựu viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam, nói về
ông Nguyễn Phú Trọng qua bài diễn văn khai mạc Hội nghị Trung ương 7:
“...có lẽ đã hết thuốc chữa. Cho tới bây giờ vẫn là giọng điệu từ
giáo trình của Đảng cách nay mấy chục năm bây giờ vẫn nói như thế mà
không thấy rằng cái điều đó nó đang kiềm hãm cả dân tộc này.”
8. Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời-nhìn lại bi kịch của một vị tướng, cũng là bi kịch của cả dân tộc.
Ngày 4 tháng Mười, đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tư lệnh tối
cao Quân đội nhân dân Việt Nam qua đời. Cái chết của vị tướng già
từ lâu đã rời khỏi sân khấu chính trị VN và cũng từ lâu bị
phần lớn mọi người quên lãng do tuổi tác, bệnh tât, bỗng gây ra
những hiệu ứng bất ngờ. Sự thương tiếc của đám đông trong đó
có vai trò không nhỏ do truyền thông, tang lễ cấp nhà nước được
tổ chức lớn không ngờ từ những con người trước đó đã bỏ
ngoài tai mọi lời góp ý của vị tướng già và trước đó nữa,
từ thời ông Lê Duẩn cho tới những người kế vị còn thẳng tay
trù dập, sỉ nhục ông.
Trong lúc nhà cầm quyền tổ chức tang lễ linh đình, sử dụng
cái chết của đại tướng Võ Nguyên Giáp để níu kéo lại chút
“hào quang” chiến thắng của thời chống Mỹ chống Pháp, để tiếp
tục mỵ dân về tính chính danh của đảng cộng sản…thì cái
chết của ông Giáp lại sới lại những quan điểm khác nhau về
chính tài năng, nhân cách của ông, về cả cuộc chiến tranh,
những “chiến thắng” và cái giá phải trả, khơi lại những vết
thương, sự chia rẽ chưa bao giờ mất đi trong người VN do quá khứ,
xuất thân, quan điểm khác nhau…
Tình cờ trong năm 2013 một vĩ nhân khác của thế giới cũng ra
đi, Nelson Mandela, một biểu tượng cho cuộc đấu tranh chống nạn
phân biệt chủng tộc, vị tổng thống da màu đầu tiên của Nam Phi.
Nhưng nếu như Nelson Mandela đã chọn một con đường tha thứ, hòa
giải sau khi nắm được chính quyền và ra đi để lại một di sản
là đất nước Nam Phi không còn chìm đắm trong nạn phân biệt
chủng tộc, tự do, dân chủ, thịnh vượng…thì các ông Hồ Chí
Minh, Võ Nguyên Giáp đã chọn con đường khác hẳn và cái di sản
họ để lại là một đất nước VN như thế nào chúng ta đã rõ.
Nên trong bi kịch cá nhân của Võ Nguyên Giáp-bị nghi ngờ,
thất sủng, bị sỉ nhục bởi chính các đồng chí, đàn em của
mình, là bi kịch của một con người đã chọn sai đường, phụng
sự cho một lý tưởng sai lầm. Và đó cũng là bi kịch của dân
tộc VN, dù có cái khác, là không phải người VN nào cũng tự
chọn cho mình sự sai lầm ấy.
9. Luật gia Lê Hiếu Đằng và cuộc chiến vượt qua chính mình.
Trong năm 2013 có khá nhiều người lên tiếng, có những người
tiếp tục bước vào nhà tù nhỏ vì bày tỏ ôn hòa chính kiến
của mình…trong đó luật gia Lê Hiếu Đằng là một trường hợp nổi
bật, đặc biệt.
Theo Wikipedia, “Lê Hiếu Đằng là luật gia, Phó chủ nhiệm Hội đồng Tư
vấn về Dân chủ và Pháp luật thuộc Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam, nguyên là phó Tổng Thư Ký Ủy ban Trung Ương Liên Minh các lực
lượng Dân tộc, dân chủ và Hòa bình Việt Nam, Nguyên Tổng thư kí Uỷ Ban
nhân dân Cách mạng khu Sài Gòn Gia Định, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt
trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam ở TP HCM.
Tính tới 2013, ông 45 năm là Đảng viên Đảng CSVN. Ông là một trong
các “lãnh tụ” sinh viên trước đây đã có một thời kỳ lẫy lừng trong phong
trào đấu tranh tại Sài Gòn và các đô thị Miền Nam trước 1975, thành
viên Ban chấp hành Tổng hội Sinh viên Sài Gòn và Trường Đại học Luật
khoa Sài Gòn.”
Trong năm 2013 ông Lê Hiếu Đằng đã có nhiều hoạt động, nhiều
phát ngôn ảnh hưởng tích cực đến phong trào dân chủ trong nước.
Đặc biệt trong những ngày nằm bịnh, luật gia Lê Hiều Đằng đã
công khai nói lên những suy nghĩ của mình vể ĐCSVN, về tương lai
của đất nước, về việc cần việc cần thiết phải dân chủ hóa, xây
dựng thể chế đa đảng, kêu gọi thành lập chính đảng mang tên Đảng Dân chủ
Xã hội tại Việt Nam…
Tiếp theo, ông tuyên bố từ bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam vì theo
ông, "Đảng Cộng sản Việt Nam bây giờ không còn như trước (đấu tranh giải
phóng dân tộc) mà đang suy thoái biến chất, thực chất chỉ là đảng của
những tập đoàn lợi ích, trở thành lực cản cho sự phát triển đất nước,
dân tộc, đi ngược lại lợi ích dân tộc, nhân dân”
Ngoài ông Đằng, còn có nhà báo, tiến sĩ Phạm Chí Dũng,
bác sĩ Nguyễn Đắc Diên cũng tuyên bố từ bỏ ĐCS, tiếp nối
những người công khai hoặc âm thầm rút lui khỏi đảng cộng sản
lâu nay. Và điều đó hy vọng sẽ tạo ra một phong trào ly khai ĐCS
trong thời gian sắp tới hay ít nhất cũng khiến cho những ai
đang có ý định vào đảng, hoặc vẫn còn là đảng viên ĐCS, phải
suy nghĩ.
10. Những con người đang thầm lặng hy sinh cho dân tộc này thức tỉnh.
Đó là những người yêu nước đang phải trả giá bằng những
bản án phi lý phi nhân, nhưng trong nhà tù họ vẫn tiếp tục bị
hành hạ, xách nhiễu, tước đoạt mọi quyền lợi tối thiểu của
một tù nhân, khiến một số người phải dùng đến cách đấu tranh
cuối cùng là tuyệt thực như tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ,
blogger Điếu Cày, luật sư Lê Quốc Quân…
Từ phía sau song sắt, đôi khi tin tức về sự trả thù của nhà
cầm quyền đối với những tù nhân lương tâm lại lọt được ra
ngoài, từ kỹ sư Trần Huỳnh Duy Thức, nhà báo Tạ Phong Tần,
thầy giáo Đinh Đăng Định người đang bị bịnh ung thư chờ chết,
nhà hoạt động Đỗ Thị Minh Hạnh đang mang bệnh trong người…Và
cả cái chết âm thầm của người tù chính trị, cựu Thiếu Úy Không
Quân VNCH Bùi Đăng Thủy, nối tiếp những cái chết ngoan cường
trong thầm lặng của các ông Nguyễn Văn Trại, Trương Văn Sương…
Đó là những người nối tiếp bước chân vào nhà tù nhỏ trong
năm nay, 14 thanh niên Công giáo, Tin lành; nhà báo, blogger Trương
Duy Nhất, nhà văn Phạm Viết Đào, nhà bất đồng chính kiến Ngô
Hào, những thanh niên trẻ như Nguyễn Phương Uyên đã được trả tự
do, hai anh em Đinh Nhật Uy, Đinh Nguyên Kha một đã ra tù một vẫn
tiếp tục nằm phía sau song sắt…
Tất cả họ đang thầm lặng hy sinh cho dân tộc này thức tỉnh.
Trên chặng đường đấu tranh vì một tương lai tự do, dân chủ,
tốt đẹp hơn cho đất nước, cho dân tộc, cần rất nhiều người
đồng hành, tiếp sức nhau. Mỗi người chỉ cần đặt một viên gạch
lót đường cho người sau bước tiếp, mỗi người nhóm lên một đốm
lửa góp phần xua tan màn đêm đen tối và cứ thế, cho đến ngày
cả hàng triệu người đứng dậy.
Và đó là những khuôn mặt đọng lại trong tôi trong năm 2013,
theo nhiều nghĩa, tiêu cực và tích cực, gây ra những cảm xúc
khác nhau…