Chủ Nhật, 5 tháng 1, 2014

Đọc Thư Trần Huỳnh Duy Thức Ngẫm Về Lê Thăng Long

Bạn Đọc Dân Luận
danluan_l001.jpg
Những ngày qua, dư luận tập trung vào hai lá đơn của Lê Thăng Long về vấn đề anh xin ra khỏi Phong Trào Con Đường Việt Nam – phong trào do anh là đồng sáng lập, và sau đó xin gia nhập ĐCSVN. Nhiều tranh luận khác nhau, hầu hết là phê phán anh. Từ khi ra tù cho đến nay, đây không phải là lần đầu tiên Lê Thăng Long phải hứng chịu sự ném đá của dư luận. Mọi chỉ trích nhắm vào anh Lê Thăng Long trong thời gian qua theo tôi hầu hết đều bắt nguồn từ 2 luận điểm sau:
- Thứ nhất một số người vẫn khăng khăng chắc nịch anh là tay trong cho chính quyền. Do hai nhà đồng khởi xướng Phong Trào Con Đường Việt Nam vì lý do gì mà không thể lên tiếng ủng hộ phong trào do mình khởi xướng. Nên việc anh Lê Thăng Long khởi xướng Phong Trào Con Đường Việt Nam chưa có tính chính danh nhất định.
- Thứ hai đó là đại đa số lý do đều cho rằng Lê Thăng Long là người trục lợi cho riêng mình, do mâu thuẫn nội bộ giới dân chủ, với nội bộ Phong Trào Con Đường Việt Nam mà “trở về với Đảng”.
Tôi sẽ phân tích từng vấn đề một:

Đối với vấn đề thứ nhất tôi khẳng định rằng Lê Thăng Long đã làm đúng tâm tư và nguyện vọng của hai người bạn mình. Mấy ngày qua mọi người chỉ tập trung vào scandal của Lê Thăng Long. Tuy nhiên ít ai để ý đến một bài viết được đăng trên fanpage của người bạn anh, cũng là một trong ba người đồng khởi xướng phong trào Con Đương Việt Nam - anh Trần Huỳnh Duy Thức. Bài viết là bức thư mà anh Thức viết trong trại giam Xuận Lộc gửi cho gia đình để dạy con của mình bài học về ứng xử (Xem tại đây). Bức thư tuy gửi cho con nhưng khi đọc bức thư tôi thoáng thấy trong đó nhiều điểm tương đồng với hành xử của Lê Thăng Long trong thời gian qua. Bức thư được chia gồm 3 phần, phần đầu nói về tình cảm gia đình, phần dạy con về chữ “lợi” và phần so sánh tầm thức dân tộc của hai đất nước Trung Quốc (đại diện cho Phương Đông) và Anh Quốc (đại diện cho phương Tây). Tôi đặc biệt tâm đắc với phần thứ 3 này. Anh Thức lí giải rằng sở dĩ Trung Quốc phát triển hơn các nước châu Âu từ rất sớm (một đất nước thống nhất rộng lớn, đạt được những thành tựu lớn về khoa học kĩ thuật của loài người, có một hệ thống tư tưởng riêng là Nho Giáo,..) tuy nhiên lại bị các nước Phương Tây vượt mặt vào đầu thế kỉ 19 về kinh tế. Và lúc này chính Trung Quốc lại là nạn nhân bị xâu xé bởi các nước Phương Tây, và cả Nhật – một đất nước tận sau này mới tiến hành cải cách theo mô hình phương Tây, nhưng cũng đã đạt được những thành tựu rực rỡ. Điều đó được lý giải bằng cụm từ “tầm thức dân tộc” tiến bộ. Nếu như ở Trung Quốc, những lần biến động chính trị (thay đổi người cầm quyền) đều xoay quanh vấn đề về sắc tộc (người Trung Quốc đặt nặng vấn đề sắc tộc trong quan niệm về độc lập dân tộc và lãnh thổ quốc gia) vì thế các cuộc lật đổ, thay đổi người cầm quyền không bao giờ xuất phát từ động lực tranh đấu cho quyền lợi chính đáng của đại đa số mà chỉ để đưa một thiểu số lên nắm quyền. Ngược lại, ở Phương Tây mà đặc biệt là ở Nước Anh tiêu chí duy nhất để chọn ra người đại diện cho đại đa số dân chúng, cái duy nhất khả dĩ có thể bắt người Anh cầm vũ khí lên và sẵn sàng đổ máu chỉ vì tranh đấu quyền lợi cá nhân chính đáng của đại đa số người dân. Tiêu biểu khi vào năm 1066 vua Harold nước Anh (một người Ănglo Xắcxông chính gốc – chủng tộc chính của người Anh) đã bại trận trước công tước Willam xứ Normandi nước Pháp vì không một người dân Anh nào quan tâm đến cuộc chiến tranh giành ngôi vua, chẳng liên quan gì đến họ. Cũng chính những người dân Anh này đã bầu William lên làm Vua vì ông này chấp nhận những đòi hỏi bớt quyền lợi Vua Anh để giảm thuế cho dân Anh, điều thú vị là vị vua này thậm chí còn không nói Tiếng Anh. Lịch sử ghi nhận đây là triều đại Normandi, thời kì nước Anh đạt được những thành tựu văn hoá rực rỡ. Nói quyền lợi của đại đa số là thứ duy nhất khiến người Anh phải đỗ máu để tranh đấu quả không sai, người dân Anh sau hơn một thập kỉ vũ trang chống lại quân đội vua Charles I, đã giải tán nghị viện vì mặc nhiên tăng thuế chuẩn bị cho chiến tranh, đã đưa vua Charles II lên ngôi để chấm dứt cuộc chiến đẫm máu vô nghĩa này. Một điểm thú vị là họ đã bỏ qua tất cả để đã đưa con của chính người mà họ lật đổ lên ngôi vua, chỉ vì người này thỏa điều kiện thực hiện lời hứa đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân. Từ đó người dân Anh rất ít trải qua các cuộc chiến thay đổi chế độ đứng đầu nhà nước vẫn là Vua và Nữ Hoàng cho đến ngày nay, họ chỉ chuyển từ quân chủ sang toàn dân chủ. Điều này cho thấy người dân Anh đã không bị các tên gọi các chế độ và khẩu hiệu lòe bịp, che mờ mắt mà chỉ cần nhìn vào thực tế rằng quyền lợi của họ có bị xâm hại hay không. Chính hiểu biết và ý thức đòi hỏi này tạo ra sự kiểm soát, áp lực buộc bất cứ ai đứng đầu nhà nước ban hành các chính sách đều phải tuân theo một quy luật chung, quy luật tôn trọng số đông.
Mượn câu chuyện anh Thức dạy con để nhìn lại sự kiện Lê Thăng Long làm đơn xin gia nhập Đảng Cộng Sản vừa qua để thấy rằng chúng ta hiện nay vẫn còn tụt hậu quá xa so với dân Anh cách đây tầm hơn mười thế kỉ. Chúng ta thường hay kêu gọi đa đảng đa nguyên, bản chất của tinh thần này là bất kì một đảng phái nào cũng được quyền tồn tại đều có cơ hội ngang nhau trước người dân, chính sách đảng phái nào tốt thì có được sự ủng hộ của đại đa số người dân. Đảng cộng sản Việt Nam cũng là một đảng, nếu như vì đòi đa đảng mà tiêu diệt Đảng Cộng Sản thì thực chất vấn đề mà chúng ta đang làm có khác gì so với cái mà Đảng Cộng Sản VN hiện nay đang làm – và chúng ta vẫn đang chống lại điều đó? Các Đảng Cộng Sản ở Pháp, Nga… không hề bị buộc giải thể, họ chỉ tan rã vì không còn vai trò gì trong sự phát triển, họ vẫn được quyền vận động tranh cử nhưng chính sách không được người dân tin tưởng nên không bầu, đó mới là tinh thần dân chủ thực sự. Nhìn lại, người dân Anh cách đây hơn 10 thế kỉ đã bỏ qua tất cả mà chọn con của kẻ thù một lần nữa làm Vua, vậy thì tại sao nếu như Đảng Cộng Sản thay đổi thực sự người dân Việt Nam không làm được như vậy? Chúng ta thường đề cao quyền con người, quyền mơ ước chính đáng cũng là một phần trong số đó, vậy tại sao chúng ta lại cấm Lê Thăng Long mơ về việc chuyển hóa Đảng? Phải chăng chúng ta đang làm trái những khẩu hiệu quyền con người mà chúng ta đang cổ xúy? Nhìn vào bản chất có khác nào việc Đảng Cộng Sản đang “nói một đàng làm một nẻo” như hiện nay?
Tôi hoàn toàn khẳng định những lý luận của tôi ở trên không hề có tính suy diễn, lật lại hồ sơ vụ án của nhóm Chấn năm 2009, Trần Huỳnh Duy Thức trước đó có xác nhận, đã lên kế hoạch giúp Lê Thăng Long ứng cử vào quốc hội như một phần kế hoạch cho việc cảnh báo các nguy cơ quốc gia, góp tiếng nói cảnh tỉnh đường lối sai lầm lúc đó của Đảng. Khi sự việc không thành công, các bức thư góp ý mà anh gửi cho chủ tịch nước lúc đó là Nguyễn Minh Triết, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đều bị phớt lờ, nên anh đã lập blog viết bài để thu hút sự chú ý của công luận và cảnh tỉnh gián tiếp cho chính phủ – anh đã “thành công”, nhưng theo một cách tiêu cực, chính phủ đã bắt anh với tội danh âm mưu lật đổ chính quyền. Trong suốt quá trình hoạt động của mình, Trần Huỳnh Duy Thức không câu nệ đề ra giải pháp để có được sự thay đổi cần thiết dù có phải hợp tác với các tổ chức, hay cá nhân của Đảng Cộng Sản xuyên suốt các bài viết của anh luôn có một sự góp ý, cảnh tỉnh chứ chưa hề đả phá, đó mới là tinh thần xây dựng mà tôi nghĩ những nhà hoạt động ngày nay nên học tập. Ý tưởng thành lập Con Đường Việt Nam ra đời sau những đóng góp cho Đảng Cộng Sản không mang lại kết quả. Ngày nay sau khi thành lập và duy trì Phong Trào Con Đường Việt Nam hoạt động khá ổn định, Lê Thăng Long bước tiếp con đường mà anh đã chọn là “hòa hợp – hòa giải dân tộc” để tạo nên sự thay đổi, thậm chí theo tôi hơn ai hết ở Lê Thăng Long có một thứ mà ko phải ai cũng có được đó là sự khiêm nhường và đức hi sinh, đằng sau những người tài giỏi luôn có những người hỗ trợ và hi sinh âm thầm. Theo tôi Lê Thăng Long rất dũng cảm khi rời khỏi Phong Trào Con Đường Việt Nam mà anh đã dày công xây dựng, việc làm đó cá nhân tôi cho rằng không làm suy suyển Phong Trào Con Đường Việt Nam mà càng khẳng định phong trào này được lập ra với mục đích duy nhất là cổ xúy quyền con người mặc cho ai là người thành lập hay tiếp bước.
Trong cách nhìn nhận và giải quyết vấn đề giữa Lê Thăng Long và Trần Huỳnh Duy Thức có những điểm giống nhau. Chúng ta cùng xem xét hai đoạn trích sau từ Thư dạy của anh Thức và đơn xin gia nhập Đảng của anh Long:
“- Lý do thứ 3: tôi muốn sớm làm thành công một sứ mệnh nhỏ đó là làm cho ĐCSVN và CQVN sẽ “ngồi cùng mâm” với những lực lượng hoạt động dân chủ, vì quyền con người cho nhân dân Việt Nam. Gần đây tôi thấy cả hai bên “lề phải” và “lề trái” đều bàn luận rất nhiều về chủ đề quyền con người cho nhân dân Việt Nam. Tôi rất mừng về điều này. Có nghĩa rằng “lề phải” và “lề trái” đã nhìn về cùng một hướng”- Lê Thăng Long
“Đọc sách của Trung Quốc thì tụi con thường thấy họ đề cao và kêu gọi quan lại hi sinh quyền lợi của mình và gia đình mình để chăm lo cho lợi ích của dân chúng. Nhưng tụi con sẽ thấy quan điểm “không chăm lo được cho mình và gia đình mình thì nói gì đến chăm sóc cho quần chúng” lại rất phổ biến ở Anh và các nước phương Tây. Tuy vậy, như ba viết ở thư trước không nên du nhập thụ động hay buông thả theo các xu hướng văn hoá mới, mà phải tiếp nhận chúng một cách chủ động để tạo ra sự giao thoa tích cực. Văn hoá chỉ giao thoa được khi nó tìm ra được các điểm cân bằng” – Trần Huỳnh Duy Thức
Đối với sự đối lập ở hai đoạn trích trên lần lượt là “Lề trái” vs - “Lề phải”“Văn hóa phương Đông” so với “Văn hóa phương Tây” chúng ta không thể đòi hỏi ngay lập tức có sự hòa quyện, bắt một bên này phải theo bên kia được. Đối với Trần Huỳnh Duy Thức để đạt được sự giao thoa cần phải tìm ra một “điểm cân bằng”, cũng tương tự như vậy với Lê Thăng Long đó là làm sao cho cả hai “cùng nhìn về một hướng”. Việc Lê Thăng Long gia nhập Đảng Cộng Sản mấy ngày qua hầu hết lề trái gán cho anh cái danh kẻ phản bội dân chủ, hai mang. Riêng tôi xin phép gọi anh là đại sứ cho những người dân chủ, người hòa giải dân tộc Việt Nam, cái mà mọi người vẫn kêu gọi ầm ầm vào ngày 30/4 nhưng chỉ dừng lại ở lời nói. Còn anh Lê Thăng Long vì sao lại nhận những lời sỉ vả cho dù phương pháp của anh có không hợp nhãn mọi người, nhưng theo tôi hãy cứ ủng hộ và khuyến khích cho những hành động này đi đã vì nhiều người nói nhưng mấy người dám làm.
Đối với vấn đề thứ hai tôi có đọc được một comment như thế này trên các báo lề trái:
“Chuyện Lê Thăng Long như thằng khùng điên. Chắc là ganh tỵ bị Lê Công Định ra tù lãnh đạo, nên Long như kẻ thừa nên tuyên bố cho oai đó thôi. Nói gì thằng khùng này.”
“Anh Long cũng mệt mỏi với kiểu đẻ con ra nhưng bị thằng khác dắt mũi không tức sao được. Đúng là Phong trào CĐVN đã bị hướng lái hoạt động theo nhóm tôn giáo cực đoan của nhóm Đinh Hữu Thoại, Bùi Hăng, Hoàng Vi (Việt Tân) và nhóm bất mãn của Lê Hiếu Đằng, Long không giám đeo đuổi, rút lui là đúng với hoàn cảnh.”
“Cái phong trào của anh Long nếu đi đúng mục đích rất tốt. Nhưng bị điều chỉnh bởi gia đình anh Thức và nhóm Dòng chúa cứu thế, không theo tôn chỉ ban đầu. các giải thưởng về Phong trào cũng bị ấn định trước. Anh Long trở thành cái khăn trải bàn nên ra đi là đúng quy luật. Những người như Bùi Hăng, Hoàng Vi, Phương Dung, Dương thị Tân chỉ kiếm cớ phá hoại, gây tiếng chửi bới chính quyền VN để kiếm ăn thì làm gì có tâm mà làm dân chủ. Bọn này chỉ là lũ mèo mả gà đồng. Làm ảnh hưởng đến uy tín của anh em dân chủ. Chúng hoạt động theo kiểu cực đoan tôn giáo, di sản cờ vàng.”
Lại mượn thư của Trần Huỳnh Duy Thức dạy con gái mình. Nhưng lần nay tôi muốn bàn về phần thứ hai của bức thư, đó là về mối quan hệ giữa lợi và nghĩa. Anh cho rằng một phần lý do mà phương Đông tụt hậu hàng trăm năm so với sự phát triển của các nước Phương Tây mặc dù có xuất phát điểm tốt hơn, bên cạnh các yếu tố về “tầm thức dân tộc” thì Nho Giáo cũng là một lý do ảnh hưởng. Điểm chung của Nho Giáo và lý tưởng cộng sản là triệt tiêu đi quyền tranh đấu cho quyền lợi cá nhân, đối với cộng sản đó là hi sinh quyền lợi riêng vì lợi ích chung, còn với nho giáo là sự triệt tiêu giữa nghĩa và lợi. Như anh Thức nói “Nho giáo xây dựng hai mặt đối lập nhau giữa “nghĩa” và “lợi” thậm chí là phủ định lẫn nhau. Nó cho rằng người ta vì lợi mà mất nghĩa muốn có nghĩa thì phải từ bỏ lợi, không thể vừa có được lợi vừa có được nghĩa và nghĩa thì có thể tạo ra lợi nhưng lợi không thể tạo ra nghĩa.”. Nho Giáo thời gian đó là một cái phao cứu sinh cho giới tập quyền phong kiến đại diện là vua và quan vịn vào, trong bối cảnh các phong trào đòi hỏi quyền lợi cho các giai cấp đang lên ở Trung Quốc thời kì đó với các “thuyết tư tưởng tiến bộ hơn của Mặc Gia (vì lợi ích của giới tiểu thủ công nghiệp), Dương Gia (đại diện cho lợi ích của người sở hữu đất đai nhỏ - tiểu nông và địa chủ nhỏ) hay Nông Gia (vì lợi ích của người nông dân)” - Thì Nho Giáo như một công cụ hữu hiệu kêu gọi dân chúng hãy từ bỏ quyền lợi cá nhân vì nghĩa. Tương tự như vậy là học thuyết cộng sản cũng kêu gọi người dân hi sinh quyền lợi cá nhân cho lợi ích chung, nhưng lợi ích chung đâu không thấy mà chỉ thấy các lãnh đạo đãng giàu lên trông thấy nhờ tham nhũng, con cái họ từ bỏ nền giáo dục do các lãnh đạo xây dựng để du học nước tư bản dãy chết để rồi trở về tiếp tục…làm lãnh đạo, làm ông này bà kia. Mọi người đang cổ xúy nhân quyền, chống lại áp bức bất công phải chăng là đang chống lại những cái chướng tai gai mắt ấy? Vậy mà mọi người lại phạm một sai lầm là triệt tiêu đi quyền mưu cầu lợi ích cá nhân chính đáng của người khác, kể cả là những người đang hoạt động dân chủ. Mọi người dường như đang bị ý thức hệ của tư tưởng nho giáo ăn sâu vào đầu óc khi cho rằng đã hoạt động dân chủ thì phải từ bỏ những lợi ích cá nhân. Họ là người, không phải là siêu nhân để mà không có chỗ ở, không ăn uống, ngủ nghỉ mà chạy nhông nhông suốt ngày cổ xúy nhân quyền để rồi bị đàn áp đánh đập. Chính cái tư tưởng nghĩa lợi đối nghịch đó mà như anh Thức nói là đã sinh ra một thế hệ đạo đức giả cũng muốn có lợi có tiền nhưng lại sợ thiên hạ nói mình bất nghĩa, trong trường hợp này là mượn danh dân chủ. Tôi xin mở rộng ra nữa là sinh ra cả một thế hệ ăn không được thì phá cho hôi thay vì góp ý chung tay để xây dựng và cùng có lợi thì ngồi đâm chọt vì thấy người khác hưởng thành quả từ những gì họ đã hi sinh vì những giá trị tốt đẹp, lúc họ bị đánh đập bị bắt bớ thì anh ở đâu? Với những gì đã trải qua hơn ai hết họ đáng được hưởng những điều đó. Đối với tôi, tôi đồng ý quan điểm với anh Thức “Con người hành động vì lợi không có gì là sai trái cả. Hành động tốt hay xấu là do cách người ta làm ra lợi và dùng lợi ứng xử với những người khác nhau như thế nào. Lợi và nghĩa không phủ định nhau mà có thể cùng tồn tại với nhau trong cùng một hành động” - trích thư dạy con của Trần Huỳnh Duy Thức.
Đối với anh Lê Thăng Long, sẽ rất ít người làm được như anh ấy, hãy nhìn vào cái lợi nào khi anh ấy từ bỏ Phong Trào Con Đường Việt Nam để gia nhập ĐCS? Là một nhà chính trị ở Việt Nam, kể cả nếu nói một cách vì quyền lợi cá nhân là theo chính quyền, hay theo dân chủ đi nữa thì ai cũng hiểu rằng chỉ chọn được một bên. Người vào chính quyền thì mong mỏi thăng quan tiến chức chia phần chia miếng. Người chọn dân chủ bên cạnh sự búc xúc với các đàn áp bất công, đòi hỏi quyền con người, họ cũng phải xây dựng tên tuổi, danh tiếng qua các bài viết, qua các hoạt động. Chúng ta thẳng thắn nhìn nhận vào vấn đề này một cách đúng đắn, đừng vì sợ người khác nói mình đạo đức giả mà lấp liếm đi, cần thiết xây dựng tên tuổi danh tiếng chứ sao không? Một mai nếu nhỡ bị chính quyền bắt, không ai biết đến mình, thì ai sẽ kêu gọi tự do cho mình? Hơn ai hết Lê Thăng Long, một nhà hoạt động dân chủ hiểu điều đó. Vào hoàn cảnh của anh khi từng là tù nhân của chế độ, dù muốn dù không, dù thật tâm hay vì hoàn cảnh chính quyền đã đẩy anh về bên dân chủ. Theo mọi người, đơn xin gia nhập đảng là thế nhưng phần trăm cơ hội để anh được chấp nhận là bao nhiêu? Bao nhiêu người tin anh sẽ là đảng viên cộng sản. Cả bản thân anh còn không tin điều đó, đọc một bài xúc xiểm anh của một người (mà tôi không nhớ tên) cho anh là “ngu quá mức” vì còn không biết điều lệ vào đảng đầu tiên là phải được giới thiệu bởi hai đảng viên. Theo tôi, anh có thể biết được mọi việc nhưng điều anh mong muốn là gióng lên ngay một tiếng chuông cho Đảng CSVN trước thực trạng “bỏ đảng” và anh muốn đảng hãy thay đổi. Vậy anh làm điều đó để làm gì khi ra cả tuyên bố thông cáo báo chí, để hủy hết uy tín và tên tuổi của mình là nhà khởi xướng Phong Trào Con Đường Việt Nam trong giới dân chủ? Nói theo cách chúng ta thường nói đó là thân bại danh liệt. Nhìn những comment trên tôi không thấy gì khác ngoài sự mù quáng do thù oán và lòng đố kị. Đã vì một mục tiêu cao cả đó là mang lại sự thay đổi về đường lối chính trị, về cách điều hành và cổ xúy cho nhân quyền nhưng mọi người một đàng còn phân biệt về đảng phái, về nhóm này nhóm nọ thì theo tôi thật quá thiển cận. Như đã nói ở trên, chúng ta nên học tập tinh thần của người Anh, không cần biết đảng nào, nhóm nào, miễn là đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân thì chúng ta nên ủng hộ. Sở dĩ nhiều người lên tiếng trong giới dân chủ nhưng tất cả chỉ dừng ở lời nói mà không có một thành tựu đáng kể nào, vì thiếu những người có cái tầm và sự dũng cảm như Lê Thăng Long, anh đã thành lập Phong Trào Con Đường Việt Nam với tôn chỉ mà trước đến giờ hầu hết chưa có nhóm nào nghĩ đến đó là “không phân biệt đảng phái, miễn là cổ xúy cho nhân quyền thì có thể làm thành viên của Phong Trào Con Đường Việt Nam”, thì nay để thực hiện được việc làm cho lề trái và lề phải nhìn về cùng một phía, cái anh muốn chuyển hóa Đảng ngay lập tức chính là làm cho Đảng trở nên tương đồng với Phong Trào Con Đường Việt Nam mà anh đã khởi xướng, có sự tương đồng, có điểm cân bằng thì cả lề trái và lề phải mới có một tiếng nói chung. Thậm chí rằng, nhiều người không làm được gì nhưng vì thích cái danh hão mà hùa vào đám đông phê phán Lê Thăng Long như gián tiếp khẳng định nói rằng: “thấy chưa ngày trước tôi đã nói đúng, Lê Thăng Long là tay trong cộng sản, rồi đăng trên blog mình để nâng cao tên tuổi”. Tôi không có blog, tôi cũng chẳng phải một nhà hoạt động, tôi không cần danh tiếng hay người khác phải biết về mình, tôi chỉ viết vì thấy không công bằng cho những con người đang đứng ra hi sinh nhưng không được nhìn nhận đúng đắn. Chính vì vậy tôi không để danh tính hay blog gì ở đây tôi chỉ xin nhờ Dân Luận như một kênh để bài viết của tôi được truyền tải đến nhiều người.
Mượn lời anh Thức mà tôi thấy rất hay để kết luận lại “Nhìn rộng và sâu hơn nữa từ khía cạnh cân bằng và giao thoa văn hoá thì cần thấy rằng ứng xử của cá nhân nói riêng và số đông nói chung không nên có văn hoá phủ định những gì khác mình. Mình có quyền phê phán những gì thấy không tốt cho mình hoặc cho lợi ích chung để những điều đó có thể trở nên tốt hơn. Với thái độ như vậy thì con người sẽ tìm ra được những điểm chung để cân bằng lợi ích của nhau. Còn khi người ta chỉ nhằm mục đích phủ định lẫn nhau thì sẽ luôn xung đột lật đỗ lẫn nhau và đi kèm với các hành vi bạo lực rất khó tránh khỏi”.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"