Hà Hiển
Nhà văn Phạm Thị Hoài trong bài viết có tiêu đề “Xã luận đầu năm” của mình đã nhận xét rằng “thông điệp đầu năm” của Thủ tướng Dũng “không có bóng dáng nào của người dân trong đó” và “đối tượng gửi gắm” của nó cũng “phi diện mạo như tác giả của nó”.
Đúng là hầu như “không có bóng dáng của người dân” trong bản “thông điệp” này nhưng mình cho rằng đấy mới là điểm sáng của nó.
Mình không có ý định đi sâu vào nội dung của bản “thông điệp” này nhưng thông qua văn phong của nó có thể thấy rất rõ “đối tượng gửi gắm”
của nó là ai. Nhà văn Phạm Thị Hoài nhận xét đúng – đó không phải là
người dân, nhưng hoàn toàn không phải như nhà văn nhận xét rằng “đối
tượng” đó là “phi diện mạo”.
Nếu để ý thì chúng ta sẽ thấy trong bản “thông điệp” của Thủ tướng,
động từ “phải” được sử dụng nhiều nhất. Theo thống kê của người viết bài
này thì động từ này được sử dụng 40 lần, trong đó hoặc là nó đi với
những chủ ngữ chỉ các đối tượng hoàn toàn có diện mạo như “nhà nước”
phải thế này, “Đảng ta” phải thế nọ, “hệ thống chính trị” phải thế kia…,
hoặc nếu nó không đi với một chủ ngữ xác định thì người đọc cũng dễ
dàng đoán được chủ thể mà người viết muốn hướng đến là ai, ví dụ như
đoạn trích sau: “… phải đặt mối quan hệ giữa dân chủ trực tiếp và dân
chủ đại diện trong tổng thể các giải pháp bảo đảm quyền làm chủ của
Nhân dân. Phải mở rộng dân chủ trực tiếp và hoàn thiện cơ chế bầu cử
Quốc,… phải hoàn thiện cơ chế phản biện xã hội, tăng cường sự tham gia
của người dân vào quá trình xây dựng chính sách và lựa chọn cán bộ…”.
Đọc đoạn vừa trích, ai cũng phải hiểu các đối tượng phải thế nọ phải
thế kia, mặc dù không được nêu cụ thể, không thể là người dân mà phải là
“nhà nước”, là “Đảng ta”, là “Hệ thống chính trị” thôi.
Mình không có ý kiến gì về cảm nhận riêng của nhà văn Phạm Thị Hoài
rằng bản “thông điệp” mà bà Hoài gọi là “xã luận” này của người đứng đầu
chính phủ “không phải là chất lượng sống đáng ước ao” khi “không có bóng dáng người dân”
trong đó. Nhưng mình thì nghĩ nhân dân nói chung chắc không ước ao thấy
có mình ở trong đó. Nếu người dân, những người đã không thể có vai trò
quyết định gì, mà lại bị đòi hỏi phải thế này, phải thế nọ, phải thế kia
thì “chất lượng sống” còn kém “ước ao” hơn nhiều.
Cũng may là trong bài “xã luận” ấy, Thủ tướng gần như đã không đòi hỏi
người dân phải làm gì. Vì thế mà nó có một giá trị thực tế nhất định.
Trong bản “thông điệp” ấy, cứ chữ “phải” xuất hiện ở lĩnh vực nào là
người ta nhìn thấy những món nợ mà “Đảng ta”, “Nhà nước” hay “Hệ thống
chính trị”… còn đang nợ nhân dân ta ở lĩnh vực ấy. Thủ tướng Dũng đã nói
lên được thực tế ấy. Nếu bỏ qua những chuyện xa xỉ như “nghi thức của
văn hóa chính trị” nêu trong bài viết của nhà văn Phạm Thị Hoài thì việc
nói lên được cái thực tế ấy chính là điểm sáng trong bức “thông điệp
đầu năm” này của Thủ tướng.