Thứ Tư, 8 tháng 1, 2014

Những chặng đường giữ nước cần sự đồng hành

Đội bóng Hoàng Sa FC

Năm 2013 đánh dấu những thành công không nhỏ của ngoại giao Việt Nam. Một cách hiệu quả và không ồn ào, chính phủ đương nhiệm đã chuẩn bị sự hậu thuẫn từ những quan hệ đa phương để tách dần khỏi vòng tay Trung Quốc. Ngay lúc này, trong tháng kỉ niệm 40 năm trận Hải chiến Hoàng Sa, nó đang gây ấn tượng bằng một thái độ mạnh dạn hiếm hoi trong những phát ngôn khẳng định chủ quyền lãnh hải. Sự thay đổi này, bất kể nguyên cớ, cần được nhìn nhận như một khuynh hướng tiến bộ đáng ghi nhận, đồng hành và cảm thông.
Đáng ghi nhận, vì nó là một thành quả không dễ dàng. Xuyên suốt nền độc lập 1000 năm, mối quan hệ với thiên triều Trung Hoa đã luôn là một vấn đề làm đau đầu mọi chính quyền Nam quốc. Tương quan lực lượng, địa chính trị và văn hóa giữa hai bên hiếm khi cho phép chúng ta giữ gìn trọn vẹn cả hòa bình, chủ quyền và danh dự. Bài toán này càng nan giải hơn nữa với những công chức của chính phủ đương nhiệm - những người phải lèo lái một hệ thống đang trên đà sụp đổ, một xã hội bị vỡ vụn và một nhà nước bị mất lòng dân. Tình cảnh bi đát ấy chắc chắn không cho phép họ sử dụng những giải pháp cứng rắn và công khai, đặt nền tảng trên chạm trán quân sự và những hứa hẹn của tàu chiến nước ngoài. Trong tình thế này, mọi cố gắng hiệu quả để bảo vệ biển đảo, độc lập và và hòa bình, dù chưa thể thoát khỏi tư thế truyền thống quen thuộc trong lịch sử của nền ngoại giao Việt Nam, cũng cần được ghi nhận và khuyến khích.

Những cố gắng này đang chờ đợi sự đồng hành của xã hội dân sự. Vào mọi thời, và dưới mọi thể chế, nền hòa bình và độc lập của dân tộc sẽ chỉ được giữ vững nếu cuộc đấu tranh vệ quốc huy động được sức mạnh của mọi thành phần nhân dân. Cần nhớ rằng cách đây không lâu, khi chính phủ chưa đủ sức công khai bước vào cuộc đấu ngoại giao với kẻ bành trướng phương Bắc, chính xã hội dân sự, qua những phong trào lên tiếng mạnh mẽ và rộng khắp, đã bước lên tiền tuyến trong trận chiến chống những luận điệu bịp bợm của quân thù. Chính xã hội dân sự đã thổi bùng và duy trì ngọn lửa yêu nước của toàn dân – sức mạnh quyết định sự tồn vong của Tổ quốc. Cũng chính xã hội dân sự đã mạnh dạn tố cáo mọi hành vi gây hấn và âm mưu nô dịch của Bắc Kinh, để kịp thời đánh động lương tâm của người Việt bốn phương cùng nhân loại tiến bộ. Lúc này, khi cuộc chạy tiếp sức linh hoạt và hiệu quả ấy đã dọn đường cho một chính sách đối ngoại thành công, sự đồng hành giữa chính phủ và nhân dân cần được cổ vũ và tiếp tục giữ gìn, thay vì bị phủ nhận và lãng quên trong tị hiềm bè phái.
Còn rất nhiều việc mà chúng ta có thể cùng làm, và phải cùng làm vì sự tồn vong của dân tộc. Chúng ta đã tiến những bước tiến lớn trong việc khẳng định chủ quyền trên biển Đông. Kể từ cuộc tương tranh Nam Bắc, đây là lần đầy tiên chúng ta cùng khẳng định rằng Việt Nam Cộng Hòa cũng là một nhà nước của người Việt, và cũng có những người lính vệ quốc anh hùng. Bước tiến này vừa là bắt buộc để đảm bảo tính chính đáng về mặt pháp lí của những bằng chứng lịch sử giúp khẳng định chủ quyền của người Việt với quần đảo Hoàng Sa, vừa là bắt buộc để hòa giải và đoàn kết dân tộc Việt Nam trong cuộc đấu tranh giữ nước. Nhưng giờ đây, 40 năm sau trận hải chiến, những người anh hùng giữ đảo năm xưa vẫn đang phải chịu thiệt thòi về mọi mặt. Những nhà nghiên cứu, nhà báo, nhà xuất bản, nhà giáo dục đang canh giữ biển đảo trên mặt trận trí tuệ và thông tin cũng đang phải đối diện với vô vàn khó khăn trong cuộc chiến đấu của mình, phần vì những rào cản vô lí, phần vì chỉ nhận được những khoản hỗ trợ không đủ cho cuộc sinh nhai. Phục hồi danh dự của những người anh hùng dân tộc, tri ân gia đình những liệt sĩ đã ngã xuống để bảo vệ Hoàng Sa, và đầu tư xứng đáng cho mọi công trình nghiên cứu, thông tin, xuất bản, giáo dục đang đóng góp cho cuộc đấu tranh giữ nước là những nhiệm vụ mà toàn xã hội cần nhanh chóng chung tay hoàn thành. Chúng ta tin tưởng rằng trên những mặt trận mới mở ra, xã hội dân sự Việt Nam sẽ tiếp tục bước lên tiền tuyến.
Cuộc đồng hành này cũng đòi hỏi ở cả đôi bên một sự cảm thông và nhẫn nại. Trong một xã hội đã vỡ vụn và một nhà nước bị mất lòng dân, mọi sự chuyển hướng lớn trong chính sách ngoại giao đều tiềm ẩn nguy cơ chia rẽ. Đã đến lúc chúng ta tự điều chỉnh nhịp bước theo một tốc độ mà người đồng hành có thể chấp nhận được, để sẵn sàng cùng tiến về cái đích chung.
Một nước Việt Nam tan vỡ vì định kiến và tị hiềm, một nước Việt Nam huynh đệ tương tàn trên bàn cờ của hai cường quốc giật dây, nay đã rất rõ ràng, không phải là quê hương mà chúng ta muốn để lại cho con cháu.
-- Đội bóng HOÀNG SA FC

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"