Thứ Sáu, 10 tháng 1, 2014

Văn hóa ứng xử của người Việt qua vụ bạo loạn tại nhà máy Samsung Thái Nguyên

Việt Hoàng
“…Phương pháp cai trị của chế độ cộng sản đặt trên hai chân chính là “dối trá và bạo lực”, kẻ nào không thể lừa dối được thì chính quyền dùng bạo lực để đối phó. Khuất phục bằng bạo lực thay cho thuyết phục. Xã hội Việt Nam ngày hôm nay đã trở nên dối trá và hung bạo một cách khó tưởng tượng…”
Sáng ngày 9/1/2014 tại nhà máy Samsung đóng tại tỉnh Thái Nguyên đã xảy ra một cuộc xung đột nghiêm trọng giữa một nhóm công nhân của nhà máy và tổ bảo vệ. Theo báo chí thì vụ việc bắt đầu từ một lý do rất đơn giản, một công nhân vì không đeo thẻ nên bảo vệ nhà máy không cho vào, lời qua tiếng lại dẫn đến việc công nhân đó bị tổ bảo vệ dùng roi điện đánh ngất xỉu. Sự việc đã gây bức xúc cho nhóm công nhân khiến họ lao vào tấn công lực lượng bảo vệ. Do yếu thế nên nhóm bảo vệ rút vào trong các công-te-nơ cố thủ và nhóm công nhân đã châm lửa và chất các xe máy xung quanh rồi đốt. Lực lượng công an cơ động được điều xuống hiện trường để vãn hồi trật tự đã bị các nhóm công nhân tấn công bằng những cơn mưa gạch đá.

Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên lập tức lên tiếng khẳng định rằng đây chỉ là mâu thuẫn nhất thời giữa nhóm công nhân và bảo vệ nhà máy chứ không liên quan gì đến công ty chủ quản là tập đoàn Samsung của Hàn Quốc. Việc chính quyền nhanh chóng lên tiếng trấn an các nhà đầu tư có lý do của nó. Trong năm 2013 nhiều ngàn doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam tiếp tục bị phá sản, chỉ duy nhất khối FDI, tức là các nhà đầu tư nước ngoài là ít bị ảnh hưởng nhất vì họ có thị trường quốc tế và là những tập đoàn lớn và dày dạn kinh nghiệm. Tập đoàn Samsung là một trong số đó. Năm 2013 Samsung Việt Nam đã xuất khẩu hơn 23 tỉ đôla, tương đương gần 20% GDP của cả nước Việt Nam. Samsung đang mở rộng nhà máy ở Thái Nguyên với số tiền đầu tư lên đến 2,5 tỉ đôla trong giai đoạn đầu và dự kiến cho giai đoạn hai là 1,2 tỉ đôla, đưa tổ hợp Samsung tại Thái Nguyên trở thành nhà máy lớn nhất của Samsung trên thế giới.
Sự kiện xảy ra hôm 9/1/2014 đã làm xấu đi hình ảnh của Việt Nam trong con mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Cho dù thực tế các doanh nghiệp FDI có xuất khẩu được nhiều tỉ đô la đi chăng nữa thì số tiền thuế mà họ đóng góp cho Việt Nam cũng không đáng là bao (Samsung xuất khẩu hơn 23 tỉ đô la trong năm 2013 nhưng chỉ đóng thuế 49 triệu đôla). Tuy nhiên mặt tích cực từ các doanh nghiệp FDI là đã tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân Việt Nam và du nhập tác phong làm việc trong môi trường công nghệ hiện đại, rất cần đến sự nghiêm túc và kỷ luật. Việt Nam chắc chắn còn cần và phụ thuộc vào khối doanh nghiệp FDI trong nhiều năm tới. Đặc biệt cần chú ý đến các nhà đầu tư từ Nhật bản, những người đang tìm kiếm môi trường đầu tư mới sau khi sóng gió giữa Nhật và Trung Quốc ngày càng nổi lên dữ dội và căng thẳng. Việt Nam có là điểm đến của các nhà đầu tư hay không còn phụ thuộc rất lớn vào nỗ lực của chính quyền Việt Nam.
Nguyên nhân nào đã dẫn đến sự cố đáng tiếc như trên? Theo chúng tôi thì chính văn hóa ứng xử của người Việt là nguyên nhân chính gây ra nhiều sự việc tương tự như vậy, trong quá khứ, hiện tại lẫn cả tương lai. Văn hóa đó là cái gì? Đó là thứ “văn hóa dối trá và bạo lực”. Thứ văn hóa này có nguồn gốc từ lịch sử, từ chính cái nôi Khổng Giáo. Con người của nền văn hóa đó bình thường thì rất hèn nhát, nhỏ bé vì “cái tôi” của mỗi người luôn bị xã hội lên án như là “chủ nghĩa cá nhân” ích kỷ, cần phải tiêu diệt… nhưng khi có nơi trú ẩn an toàn (trong đám đông) thì cái tôi, cái bản năng phản kháng (của mỗi người) bị đè nén lâu ngày lại bùng dậy dữ dội, nó trở nên vô cùng dã man và họ sẵn sàng sử dụng bạo lực một cách mù quáng, thậm chí mất đi nhân tính. Việc người dân các thôn làng đánh những kẻ trộm chó dã man cho đến chết là một ví dụ. Trong nền văn hóa Khổng giáo đó con người bắt buộc phải dối trá vì họ không thể sống với con người thật của mình được, họ phải suy nghĩ và nói năng theo lý lẽ của đám đông, của xã hội mà thực chất là họ phải sống và suy nghĩ theo mong muốn và sự áp đặt của chính quyền. Vì phải sống trong sự áp đặt thời gian quá lâu nên sự phản kháng và sự chịu đựng của người dân cũng sẽ bị dồn nén rất căng, khi có cơ hội nó sẽ bật rất mạnh.
Sau khi chế độ phong kiến tại Việt Nam sụp đổ thì chế độ cộng sản kế thừa và chủ nghĩa cộng sản thực chất là một chế độ phong kiến biến thái. Thay vì chấp nhận xã hội dân sự và những phản kháng ôn hòa của người dân để triệt tiêu đi những mầm mống nổi loạn trong mỗi con người (mang nặng văn hóa Khổng giáo) thì chính quyền Việt Nam tiếp tục chọn con đường là trấn áp mọi tiếng nói bất đồng dù ôn hòa nhất. Phương pháp cai trị của chế độ cộng sản đặt trên hai chân chính là “dối trá và bạo lực”, kẻ nào không thể lừa dối được thì chính quyền dùng bạo lực để đối phó. Khuất phục bằng bạo lực thay cho thuyết phục. Xã hội Việt Nam ngày hôm nay, sau 69 năm sống dưới “ánh sáng của đảng” đã trở nên dối trá và hung bạo một cách khó tưởng tượng. Người ta sẵn sàng giết người vì những lý do cực kỳ vớ vẩn như va chạm giao thông hay cãi cọ nhau. Bạo lực luôn được chính quyền sử dụng và khai thác một cách tối đa, nó luôn được chọn trước tiên thay vì phương pháp đối thoại để tìm tiếng nói chung. Cứ nhìn cách chính quyền Việt Nam đối phó với những người bất đồng chính quyền tại Việt Nam là thấy rõ. Nhà giáo Đinh Đăng Định bị ung thư giai đoạn cuối và dù được cộng đồng quốc tế lẫn dư luận tiến bộ Việt Nam yêu cầu nhiều lần nhưng chính quyền vẫn không chịu trả tự do cho ông. Hay mới đây nhất là việc ông Huỳnh Ngọc Tuấn, cựu tù nhân chính trị đến thăm anh Phạm Văn Trội đã bị công an xã Chương Dương, huyện Thường Tín, Hà Nội đánh gãy xương ức… Việc công an đánh chết dân khi bị mời đi làm việc đã không còn là chuyện hiếm mà đã trở thành chuyện thường ngày ở huyện. Trong khi đó những người bất đồng chính kiến luôn tìm cách đối thoại và cư xử rất ôn hòa đối với chính quyền, ông Huỳnh Ngọc Tuấn dù bị công an đánh gãy xương ngực nhưng thái độ ông vẫn bình tĩnh, không hề kêu gọi báo thù bằng bạo lực. Ngay cả chúng tôi, khi nghe tòa tuyên án ông Dương Chí Dũng tử hình cũng không hề thấy vui, ngược lại còn thấy buồn vì thương cho những đứa trẻ sắp bị mất cha, cho người vợ phải mất chồng. Đó là điều không ai muốn. Dương Chí Dũng cũng chỉ là nạn nhân của chế độ mà thôi. Do chính quyền luôn dùng bạo lực để đối phó với người dân, nên người dân cũng đã phản ứng lại chính quyền bằng… bạo lực. Chuyện người dân tấn công công an hay đập phá các các nhà máy, công ty không còn là chuyện lạ. Nhà dột từ nóc, bạo lực sinh ra bạo lực, chính quyền thế nào thì người dân như thế ấy…
Không có đa đảng, không có tự do báo chí và không có xã hội dân sự, không có đảng đối lập để giám sát chính quyền thì những bất công, tham nhũng, bạo lực và sự dối trá tại Việt Nam sẽ không bao giờ chấm dứt. Một đảng không thể nào tự sửa chữa để hoàn thiện được mình, phải có sự xuất hiện của các đảng phải đối lập, ôn hòa và có trách nhiệm để làm đối trọng. Có thế mới có thể tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa các đảng chính trị và đảng cầm quyền mới có thể hành xử một cách văn minh, tôn trọng con người và nhất là chấm dứt việc sử dụng bạo lực một cách tràn lan như hiện nay. Đối thoại và minh bạch sẽ thay cho bạo lực và dối trá. Việc góp công sức và sự ủng hộ của người dân Việt Nam, đặc biệt là từ giới trí thức Việt Nam trẻ cho việc hình thành một tổ chức đối lập dân chủ là việc không thể trì hoãn lâu hơn được nữa. Xã hội Việt Nam đã bị dồn nén quá chặt và quá lâu rồi, nếu không có cách tháo van một cách an toàn thì cả xã hội sẽ bùng nổ và đổ vỡ là điều sẽ phải đến, dù không ai muốn.
Việt Hoàng

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"