Ngọc Lan/Người Việt
WESTMINSTER, California (NV) - Một buổi họp báo của một số tổ chức
chuẩn bị đi Geneva vận động nhân quyền cho Việt Nam diễn ra vào tối Thứ
Ba, 14 Tháng Giêng, 2014 tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt,
California.
Phái đoàn bao gồm Luật sư Trịnh Hội, đến từ Úc, tham dự với tư cách
phát ngôn nhân, cô Ann Phạm, công dân Canada, thiện nguyện viên của tổ
chức VOICE, một số phụ huynh của những nhà đấu tranh dân chủ đang bị cầm
tù, đến từ Việt Nam, là ông Trần Văn Huỳnh (thân phụ kỹ sư Trần Huỳnh
Duy Thức), bà Nguyễn Thị Kim Liên (thân mẫu các anh Ðinh Nhật Uy và Ðinh
Nguyên Kha), bà Nguyễn Thị Trâm, (thân mẫu Luật Sư Lê Quốc Quân).
Ðặc biệt, phái đoàn còn có sự hiện diện của nhà báo, blogger Ðoan
Trang, đến từ Việt Nam, một trong số những phóng viên nổi tiếng trong
nước, từng làm qua nhiều tờ báo lớn nhưng sau đó bị buộc phải nghỉ việc
bởi tư tưởng tự do dân chủ và những cuộc tham gia biểu tình chống Trung
Quốc của cô.
Blogger Nguyễn Anh Tuấn (bìa trái) và nhà báo, blogger Ðoan Trang (thứ hai, từ trái) tại buổi họp báo tại tòa soạn nhật báo Người Việt trước chuyến đi vận động nhân quyền cho Việt Nam. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
Bên cạnh đó, còn có sự có mặt của blogger Nguyễn Anh Tuấn, 23 tuổi,
người được biết đến sau khi anh viết “Ðơn Tự Thú” vào năm 2011 gửi chính
quyền CSVN, đòi họ “truy tố bản thân” vì anh “tự nhận mình có tội đã
tàng trữ những tài liệu từng là căn nguyên khiến Tiến Sĩ Cù Huy Hà Vũ bị
truy tố ra tòa và bị kết án 7 năm tù giam và 3 năm quản chế.”
Trả lời câu hỏi của một số người tham dự họp báo về mục đích của
chuyến đi, Luật Sư Trịnh Hội cho biết: “Sự mong mỏi của tất cả thành
viên trong đoàn là qua chuyến đi này người dân Việt Nam trong nước và
cộng đồng người Việt hải ngoại hiểu thêm về tiến trình UPR - Kiểm Ðiểm
Ðịnh Kỳ Phổ Quát về tình hình nhân quyền (Universal Periodic Review).
UPR là tiến trình do Liên Hiệp Quốc và Hội Ðồng Nhân Quyền ấn định, tổ
chức 4 năm một lần. Trong dịp này, tình hình nhân quyền của 193 quốc gia
thành viên Liên Hiệp Quốc sẽ được đánh giá, xem xét.
Theo lời Luật Sư Trịnh Hội, chương trình làm việc của phái đoàn sẽ
bao gồm việc tiếp xúc và làm việc với Văn Phòng Cao Ủy của Liên Hiệp
Quốc về Nhân Quyền (OHCHR) cùng các cơ quan quốc tế khác liên quan đến
cuộc điều trần về báo cáo UPR của Việt Nam ngày 5 Tháng Hai tại Geneva,
Thụy Sĩ.
Bên cạnh đó, phái đoàn cũng sẽ gặp gỡ đại diện Quốc Hội và Bộ Ngoại
Giao Hoa Kỳ, Nghị Viện Châu Âu, Quốc Hội Úc, các tổ chức Ân Xá Quốc Tế,
Frontline Defenders, International Service for Human Rights (ISHR) và
các tổ chức phi chính phủ khác, kể cả cộng đồng người Việt tại các nơi.
Phái đoàn cũng sẽ tham dự các sự kiện bên lề phiên điều trần UPR cùng
với sự tham dự của các phái đoàn ngoại giao, các tổ chức bảo vệ nhân
quyền quốc tế và giới truyền thông.
Nếu như Luật Sư Trịnh Hội kỳ vọng chuyến đi này “sẽ tạo ra những thay
đổi tích cực đối với chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy và bảo vệ
nhân quyền với tư cách là một thành viên của Hội Ðồng Nhân Quyền Liên
Hiệp Quốc” thì mỗi thành viên trong phái đoàn tham dự cũng có những mục
đích và nguyện vọng của riêng mình.
Ông Trần Văn Huỳnh, thành viên phong trào Con Ðường Việt Nam, nói
rằng “động cơ duy nhất của tôi là đi tìm, vận động đòi trả tự do cho con
tôi đã bị kết án oan sai, 16 năm tù. Ðồng thời, là một thành viên của
phong trào Con Ðường Việt Nam, tôi cũng muốn lên tiếng nhà nước Việt Nam
phải cải thiện tự do nhân quyền, công nhận quyền con người, làm sao cho
mọi người biết được quyền con người mà mình có, chứ không phải đi xin,
để mà tự mưu cầu hạnh phúc cho bản thân và những người khác.”
Bà Nguyễn Thị Kim Liên nói một cách chân chất: “Tôi đi qua đây để yêu
cầu Liên Hiệp Quốc coi lại bản án mà nhà cầm quyền độc tài cộng sản đã
chụp lên đầu những đứa trẻ này [Ðinh Nguyên Kha và Ðinh Nhật Uy], những
bản án vô lý đến man rợ. Những đứa trẻ, như con tôi, chỉ có yêu nước,
yêu biển đảo thôi, nó chỉ chống Trung Cộng, chống tham nhũng mà lại bị
như vậy.”
Với blogger Nguyễn Anh Tuấn, đại diện Mạng Lưới Blogger Việt Nam, thì
“từ khi tham gia hoạt động, em thấy tình hình nhân quyền bị vi phạm
trầm trọng, nhưng chỉ có những người Việt quan tâm đến nhân quyền, đến
cộng đồng quốc tế biết, còn lại người ta ít có thông tin, ít chú ý. Khi
nhận ra những điều đó, chúng em thấy, dù bên ngoài này cung cấp thông
tin, nhưng có những thông tin từ người trong nước cũng cần được mọi
người khắp nơi biết đến. Ðó là lý do có chuyến đi lần này.”
“Cũng trong mục đích đó, chuyến đi còn để thu thập thêm những hiểu
biết về quyền con người để về phổ biến những tư tưởng đó đến người dân,
yêu cầu nhà nước tôn trọng quyền tự do của con người.” Blogger Nguyễn
Anh Tuấn nói thêm.
Theo nhà báo, blogger Ðoan Trang thì mục đích chuyến đi của cô là với
“tính cách một nhà báo đấu tranh nhân quyền cho Việt Nam, muốn cho
người dân hiểu hơn về vấn đề nhân quyền.”
Tuy nhiên, nhìn về tình hình phong trào đấu tranh trong nước ở giai
đoạn hiện tại, nhà báo Ðoan Trang cho là “ngày càng mạnh hơn rất nhiều.”
Bởi, theo Ðoan Trang, lần đầu tiên cô đưa tin về Hoàng Sa-Trường Sa
là năm 2001, “khi đó chỉ có một mẩu tin khoảng độ 100 chữ được dịch lại
từ một bài báo của Washington Times, với nhan đề 'Trung Quốc đưa tàu
chiến đến Trường Sa', vậy mà thời gian đó cả tòa soạn đều sợ, gần như tê
liệt, thậm chí không dám nói Trường Sa là của Việt Nam.”
“Tuy nhiên đến năm 2007, khi phong trào biểu tình chống Trung Quốc
bắt đầu nổ ra, những bài báo nói bóng gió xa gần về sự đồng thuận cũng
xuất hiện lác đác, dù rằng có tổng biên tập bị khiển trách, phóng viên
bị đuổi việc... Nhưng giờ thì tình hình lại khác nhiều hơn, báo chí có
nói nhiều hơn về những vấn đề này.” Ðoan Trang nêu nhận xét.
Thành phần phái đoàn gồm đại diện các tổ chức VOICE, Mạng Lưới
Blogger Việt Nam, Dân Làm Báo, Con Ðường Việt Nam, No-U Việt Nam, Hội Ái
Hữu Tù Nhân Chính Trị và Tôn Giáo Việt Nam, và thân nhân một số tù nhân
chính trị. Ngoài những đại diện đã đến được Hoa Kỳ và sẽ sang Geneva
tham dự cuộc điều trần, một số đại diện khác sẽ sang thẳng Geneva vào
những ngày đầu Tháng Hai.