Chủ Nhật, 5 tháng 1, 2014

Thông điệp lạ của Thủ tướng!

Chu Hảo *
Thông điệp đầu năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ có đôi điều mới và lạ.
Lạ là bởi vì xưa nay các vị lãnh đạo nước nhà thường viết thư hoặc làm thơ động viên gửi đồng bào vào dịp Tết Âm lịch, chứ hình như chưa ai gửi thông điệp vào đầu năm Dương lịch. Thông điệp trong tiếng Việt thường được dùng để chỉ các phát biểu chứa các nội dung quan trọng của đại diện nước này với nước khác, hoặc với quốc hội và nhân dân nước mình.
Ở nhiều nước, ngoài Thông điệp đầu năm thường là văn kiện công bố lời cam kết thực hiện chính sách mới và chương trình hành động trong năm tới của người đứng đầu cơ quan hành pháp đối với toàn dân. Thông điệp này của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng rõ nét tương tự như vậy. Ban đầu có vẻ hơi lạ, nhưng trước lạ sau quen, hy vọng đây sẽ là một tiền lệ tốt: Đầu năm dân nghe Thủ tướng nói gì để cuối năm xem Thủ tướng làm được những gì theo tinh thần "dân biết, dân bàn, dân cùng làm và dân kiểm tra".

Tuy Thông điệp chỉ đề cập đến những vấn đề mà Thủ tướng coi là cấp thiết phải công bố trong dịp này; còn các vấn đề cũng hết sức quan trọng như bảo vệ chủ quyền biên giới và hải đảo, giáo dục, y tế và tệ nạn tham nhũng…chưa được nói tới nhưng chúng ta hy vọng Thủ tướng cũng sẽ tỏ ra quyết liệt về những vấn đề đó trong các dịp khác.
Những ý tưởng về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và thực hiện đổi mới nền nông nghiệp nước nhà đã được Thủ tướng nhấn mạnh ở nhiều bài phát biếu khác và hoàn toàn khả thi.
Những điểm mới nằm ở trong phần đầu của Thông điệp, đoạn nói về thể chế và mở rộng dân chủ. Chỉ trong vài trang giấy mà đã nhắc lại cụm từ “dân chủ” gần 20 lần và cụm từ “quyền làm chủ của nhân dân” suýt soát 10 lần. Hiếm thấy có một văn kiện chính trị nào mà các cụm từ này lại được nhắc đi nhắc lại một cách rốt ráo như vậy.
Thủ tướng đã thấy chỉ rõ rằng: “Đây là lúc chúng ta cần có thêm động lực để lấy lại đà tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững. Nguồn động lực đó phải đến từ Đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân”. Đó là chương trình hành động, là cam kết của người đứng đầu cơ quan hành pháp nước nhà.
Trong đoạn này những giá trị cốt lõi và phổ quát của nền dân chủ hiện đại đều được Thủ tướng nhắc đến với sự đoan chắc phải được thực hiện, nhưng thực hiện thế nào là điều không mấy dễ dàng.
Đây cũng là lần đầu tiên người đứng đầu cơ quan hành pháp nước nhà tuyên bố với toàn dân tinh thần cót lõi của pháp luật “Người dân có quyền được làm tất cả những gì pháp luật không cấm và sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép”.
Pháp luật không thể ngăn cấm những gì đã được ghi trong Hiến Pháp. Vậy thì người dân phải được thực thi ngay các quyền tự do ngôn luận, biểu tình, lập hội… mà không làm bất ổn chính trị xã hội và an ninh quốc gia, không phải đợi các luật cứ bị “treo” mãi nữa.
Đồng thời người dân cũng sẽ có ý thức hơn trong việc vượt qua nỗi sợ hãi tố cáo người của công quyền làm trái quy định của luật pháp.
Ngoài ra Thông điệp của Thủ tướng cũng cam kết những điều hệ trọng khác như: thực thi các quyền dân chủ trực tiếp để đảm bào hiệu quả của dân chủ đại diện, hoàn thiện cơ chế phản biện xã hội, Xây dựng, sửa đổi các luật để thực hiện Hiến pháp v.v… Toàn là những điều nhân dân khát khao chờ đợi thực thi, nhưng cũng biết là chẳng mấy dễ dàng. Có cảm tưởng như Thủ tướng đang dũng cảm "lấy đá ghè vào chân mình"!
Lạ rồi sẽ trở thành quen, chúng ta mong năm nào Thủ tướng cũng có những thông điệp mới mẻ và cam kết thực hiện đến toàn dân như thế!
Chu Hảo
*Giáo sư - Tiến sĩ vật lý Chu Hảo sinh năm 1940, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ. Hiện đang là Giám đốc - Tổng biên tập NXB Tri Thức.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"