Thứ Hai, 20 tháng 1, 2014

Suy ngẫm về sự sỉ nhục và quang vinh cho quốc thể.

1. Vì đâu nên nỗi ?
Đến nay, không có kết luận nào mới hơn về những gương mặt người đã góp phần quyết định vào sự thay đổi bộ mặt địa cầu – trong đó có Các Mác. Tuy nhiên, học thuyết Mác về xây dựng chủ nghĩa xã hội đã không thể thực hiện được ở các nước Nông nghiệp.
Ở châu Á, ông nói rõ rằng ông “không có đủ thông tin về nền sản xuất nông nghiệp ở châu Á”, và từ đó đến nay cũng không một lý thuyết gia cộng sản nào phát triển được gì hơn. Tại Trung Quốc, thời Mao từng đưa vai trò của nông dân cách mạng lên cao, nhưng xã hội vẫn phát triển chậm chạp, có lúc đói đến cùng cực chết hàng chục triệu người. Cho đến khi Mao quay sang Mỹ, Đặng công du cầu tài với Mỹ, vừa giúp Mỹ gỡ nhục bằng cú đánh cướp Hoàng sa – 1974, xâm lược chớp nhoáng biên giới -1979 (thất bại), cướp một số điểm đảo ở Trường sa -1988; vừa mở cửa đón tiếp các nhà tư bản vào đầu tư, du nhập công nghệ,… thì mới được như ngày nay.

Còn ở ta, nước nông nghiệp thứ hai – khá hơn – trong “phe XHCN” còn sót lại, đã từng hô khẩu hiệu (nghe nói từ ý của Lê-nin) “bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội” trong hàng chục năm dài, nhưng kết quả thì ai cũng biết: Không thực hiện khoán, không quay lại cách sản xuất TBCN (gọi là đổi mới), thì chế độ này đã chết nhăn răng từ hai lăm năm trước. Ngẫm lại, tác phẩm “Hai mươi năm xây dựng CNXH ở miền Bắc” của TBT Lê Duẩn chỉ là một con số không.
Mác không lường được rằng, Mỹ – một nước tiên tiến bậc nhất ngày nay, mà khi sang Hà Nội lập lại quan hệ b́nh thường, TT. B. Clinton vẫn nói Mỹ là nước nông nghiệp phát triển (từ nông nghiệp đến công nghiệp) và đến nay vẫn là nước xuất khẩu nông sản cũng như thực phẩm chế biến đứng đầu thế giới.
Mác cũng không ngờ một nước nhỏ như Hà Lan chỉ sản xuất nông nghiệp là chính – diện tích đất đai ít và điều kiện sản xuất rất khó khăn do có phần đất thấp hơn mặt biển – hàng năm vẫn bán kìn kịn hoa tu-lip sang Đức, nay lại là nước xuất khẩu nông sản đứng hàng thứ nhì thế giới mà chủ yếu cũng là bán vào quê xứ của chính ông.
Vài thí dụ điển hình như thế để nói cho rõ về lập thuyết của ông đã giúp chỉnh đốn và phát triển thế giới TBCN “đang giẫy chết” bên bờ “vực thẳm” thế nào. Đồng thời, lý giải vì sao các xứ “thiên đường” vẫn triền miên “khủng hoảng lý luận” về “con đường đi lên CNXH” bấy lâu nay. Đến nỗi TBT Nguyễn phú Trọng gần đây cũng thẳng thắn nhận định rằng, đến cuối thế kỷ (21) này chắc gì đã qua được bước quá độ tiến lên…
2. Nguy cơ đã tới
Bao nhiêu năm trước, có thể ngay từ ngày lập nước dân chủ cộng hòa, Đảng – Nhà Nước đều kêu gào chống tham ô lãng phí. Có thời tỏ ra quyết liệt lắm, nhưng rồi đâu cũng vào đấy, như cụ Tiên Điền đã phán: “…mỗi ngày lại một nhiễu nhương nên lề…”
Từ khi ra Luật phòng chống tham nhũng, rồi Thủ tướng tuyên bố nếu không chống được (tham nhũng) thì xin từ chức … cho đến nay đã 8 năm. Cũng không biết có bao nhiêu lần, bao nhiêu vị tầm “lãnh đạo” đã kêu lên: Tham nhũng là một nguy cơ quyết định tồn vong (Đảng, Chế độ). Từ những vụ việc nhỏ tiền triệu không gỡ nỗi, thì nay đã thấy tham ô ăn mất vốn hàng trăm ngàn tỉ đồng; đút lót nhau nhiều tỉ; mua quan bán chức hàng triệu đô-la… Mọi sự vụ đều thành dây, thành hệ thống, thành tập đoàn tư lợi,..lên đến hàng tối cao như TBT Trọng xác định là “có tổ chức”.
Bên cạnh chúng ta, “Đảng anh em” là TQ cũng y chang vậy. Ngay khi lên chức, CT. Tập cận Bình cũng hô hào cảnh báo nguy cơ tham nhũng gây sụp đổ Đảng cầm quyền và chế độ. Những sự việc tham nhũng động trời dính dấp đến gia đình của Chủ tịch nước, của Thủ tướng, của nhiều vị trong BCT, nhiều vị cầm đầu các bộ ngành, địa phương,… chẳng bút mực nào ghi xiết.
Nhưng tại sao không thấy một nước TBCN nào phải trương khẩu hiệu ấy? Họ có tham nhũng không, có đấy. Họ có lãng phí không, có đầy. Nhưng không dẫn đến “nguy cơ” quyết định tồn vong là vì bộ máy cầm quyền bị/được giám sát độc lập nên khó lộng quyền, lạm quyền. Hiến pháp thân dân, luật pháp nghiêm minh, tư pháp không phụ thuộc nhà nước mới hạn chế được khuyết tật của đảng cầm quyền. Mà đảng cầm quyền luôn phải nghiêm túc giữ mình không vi phạm hiến pháp, luật pháp trước sự quan sát, phân tích của các thế lực phản biện xã hội, của các đảng không cùng liên minh, các đảng phái đối lập. Nghĩa là có sự thực thi dân chủ, pháp trị mà không độc tài toàn trị.
3. Làm gì ?
Người xưa đã dạy nước nhà được hay mất đều có trách nhiệm của kẻ thất phu (quốc gia hưng vong thất phu hữu trách). Nay chỉ có bộ máy cầm quyền với đỉnh cao trí tuệ được độc quyền yêu nước, độc quyền trách nhiệm và độc quyền ăn trên ngồi trốc,… xem khinh phường thất phu, liệu có bền không ? Chắc chắn không, mà sẽ sớm sụp đổ bắt đầu từ lòng dân hết tin, sĩ phu bỏ mặc.
Mới đây, cựu trưởng ban tư tưởng trung ương cũng hô hào cảnh báo về tình trạng suy thoái và tự diễn biến trong cán bộ đảng viên, cả những người đã và đang có quyền cao chức trọng. Ông TBT đứng đầu đảng cầm quyền cũng nêu bật sự suy thoái ở khắp nơi, ở các thứ bậc. Điều đó cho thấy rằng phong trào cộng sản thế giới một thời đã dâng cao, đã góp phần tích cực vào sự tiến bộ của loài người nói chung, nước ta nói riêng – nay đã đến thời kỳ thoái trào sau cùng đúng như quy luật thịnh suy, không phép mầu nào gượng lại.
Dự báo về sự nổ tung quả bóng địa ốc, bốc hơi của thị trường chứng khoán, rút vốn và rút lui công nghệ,… sẽ dẫn đến sự sụp đổ nền kinh tế Trung Quốc – đồng thời “văng miểng” đến ta, gây suy thoái kinh tế nghiêm trọng – đang hiện rõ dần mà không kịp trở tay. Do vậy, không thể chờ đợi một cơ may nào nữa, lực lượng cầm quyền phải sáng suốt quyết định: Phải thực hành tâm niệm “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh!” theo những gương sáng đời đời “sống anh dũng chết vinh quang !” trong lịch sử hào hùng.
Nguy cơ Trung Quốc chơi cây bài vớt vát cuối cùng là đánh chiếm các đảo trên biển Đông nước ta trước khi ta đủ sức bảo vệ (và các cường quốc quay lưng) là có thể sớm xảy ra. Dù họ có bịa đặt và khiên cưỡng về quyền chủ quyền, nhưng đó sẽ là cơ hội tập trung quyền lực, tập trung nhân tâm để Trung quốc tạm thời vượt qua thế bủa vây, tìm kế sách gượng dậy.
Đối sách của nước ta sẽ không có con đường nào khác là hòa giải, đoàn kết và dân chủ hóa với xã hội dân sự. Từ dưới lên trên cần thực sự vì dân vì nước, bảo đảm trật tự kỷ cương, thanh lọc toàn thể bộ máy,… Trước nhất là khởi kiện Trung Quốc lên Tòa quốc tế để khẳng định chủ quyền; và gần nhất là sửa đổi luật tổ chức Quốc hội và Hội đồng nhân dân theo hướng tiên tiến, thích hợp với mục tiêu dân chủ, văn minh và công bình xã hội.
Ủng hộ những sáng kiến tiến bộ trong thông điệp đầu năm của Chính phủ – càng sớm càng tốt – nước ta cần có thiết chế pháp luật tạo điều kiện cho toàn dân tham gia bài trừ tệ tham nhũng, thu hồi cho công quỹ tất cả tài sản bất minh, giao từng phần tài nguyên đất nước cho địa phương và nhân dân quản lý khai thác, bảo vệ. Chấm dứt tình trạng trung ương tuyệt đối tập quyền, mạnh mẽ giải tán các đơn vị kinh tế nhà nước yếu kém, thua lỗ…
Trước khó khăn giặc ở sát nhà, lâu nay đã len lỏi khoét sâu vào nội bộ và đang có kế hiểm bao vây thôn tính, ta cần cảnh giác hơn nữa vì sự hưng vong của tổ quốc, sự trường tồn của dân tộc; để dập tắt từ trứng nước mọi âm mưu nguy hiểm, quyết tâm gìn giữ và thu hồi đất đai biển đảo thiêng liêng; chứng tỏ sự minh chính của quốc gia để khêu gợi lòng nhân ái của nhân dân Trung hoa chân chính, của cộng đồng các nước văn minh cùng hợp tác vì sự tồn tại và phát triển lâu bền.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"