Cho dù có rất nhiều bài viết từ tối 17-1-2014 đã phải rời khỏi
khuôn báo "lề phải"; cho dù, một lễ đốt nến tưởng niệm dự định diễn ra ở
Đà Nẵng đã đột ngột bị hủy bỏ, mỗi người dân Việt Nam, ở Sài Gòn, Hà
Nội... vẫn lựa chọn một cách riêng để nhớ tới ngày 19-1-1974: Ngày Trung
Quốc dùng vũ lực để chiếm đoạt Hoàng Sa; ngày mà 74 chiến binh Việt Nam
Cộng hòa đã cùng ngã xuống.
Ở đây, nhiều người Việt cũng chọn một cách riêng, cùng bắc nhịp cầu
tưởng nhớ: tưởng nhớ một phần lãnh thổ thiêng liêng chưa biết bao giờ
lấy lại được; tưởng nhớ anh linh của 74 chiến sĩ trận vong; tưởng nhớ
Hoàng Sa nơi mà ngay trong những ngày chia cắt, người Việt, thay vì chĩa
súng vào nhau, đã bắn vào đích thị quân xâm lược.
Gần 200 cá nhân người Việt ở nhiều nơi trên thế giới đã gửi tới tài
khoản Nhịp Cầu Hoàng Sa hơn 500 triệu đồng chỉ sau 12 ngày. Cho dù chúng
ta mới đi được một phần quảng đường: giúp cải thiện nơi ở cho 3 mẹ con
bà quả phụ thiếu tá Nguyễn Thành Trí; giúp bà Huỳnh Thị Sinh mua lại căn
hộ đã bị giải tỏa đặng có nơi đặt di ảnh chồng, trung tá Ngụy Văn Thà;
giúp cựu binh Hoàng Sa Vũ Văn Chu, đang bị liệt, chút thuốc men sau khi
đột quỵ... Nhưng không chỉ là vấn đề tiền bạc, rất nhiều người Việt, ở
mọi lứa tuổi, mọi ngành nghề, đã tham gia "Nhịp Cầu Hoàng Sa" vì muốn
nhắc tới một phần lịch sử.
Anh Phạm Văn Tịch, một người chịu thương tật do chiến tranh Việt Nam,
hiện đang sống ở Berkeley, nhờ một cô gái Hà Nội giúp chuyển khoản 4
triệu đồng. Một cô bé Sài Gòn mới ra trường trích một triệu từ tiền
nhuận bút dịch sách. Một luật sư ở Sài Gòn đã gửi 10 triệu đồng cùng lúc
với một phụ nữ ở Hà Nội (gửi 3 triệu đồng) chỉ vài phút sau khi tài
khoản của Nhịp Cầu Hoàng Sa công bố. Nhiều người, đã cùng chúng tôi dõi
theo từng con số được cập nhật.
Trong khi đó, nhiều bạn đề nghị có thêm các hình thức giản tiện để
các em sinh viên có thể góp xây "Nhịp Cầu" từng 20 nghìn, 50 nghìn...
Vào lúc nửa đêm, có nhiều cuộc điện thoại từ Úc, Mỹ, Canada... gọi về.
Có bạn tuyên bố sẽ tổ chức nhạc hội, có bạn bắt tay ngay vào việc bán
các kỷ vật để lấy tiền ủng hộ...
Sáng kiến tặng tranh, bán đấu giá, của nhà thơ Đỗ Trung Quân đã mang
lại cho chương trình hơn 65 triệu đồng. Bức "Tĩnh vật hoa" của anh, chỉ
sau một đêm đưa lên Facebook đã được một người Việt đang làm việc ở bệnh
viên Boston mua với giá 2000 USD. Bức "Những bông hoa cũ" của họa sĩ
Nguyễn Quốc Dũng đã được bác sĩ Nguyễn Thanh Sơn (Atlanta, Mỹ) mua với
giá 1200 USD... Chị Lê Chung và anh Hiệu Minh đưa bộ sách Bên Thắng Cuộc
mà tôi ký tặng trước khi rời Washington,D.C., ra bán được 501 USD. Theo
chủ nhân mới của "Tĩnh vật hoa", bức tranh sẽ được đưa về Mỹ để luân
lưu đấu giá.
Tối 18-1-2014, khi chúng tôi tới nhà bà Huỳnh Thị Sinh dâng nhang
tưởng nhớ 74 người lính Việt Nam Cộng hòa nằm lại biển Hoàng Sa, cô
Nguyễn Thị Thanh Thảo - con gái thiếu tá hạm phó Nhựt Tảo Nguyễn Thành
Trí - nói: "Suốt 40 năm qua, không một ngày chúng tôi cất di ảnh của ba
tôi khỏi bàn thờ". Thanh Thảo nói câu đó với giọng đầy tự hào. Trong 40
năm qua, không phải gia đình Việt Nam Cộng hòa nào cũng có thể làm, một
việc tưởng đơn giản, như gia đình Thảo.
Cũng chiều 18-1-2014, tại Đức, khi người Việt biểu tình tưởng nhớ sự
kiện Hoàng Sa, người ta thấy trong đó những người mang cờ vàng đứng bên
cạnh những người mang cờ đỏ. Không phải ở đâu người Việt cũng có thể
đứng bên nhau. Chúng ta biết, giữa người Việt với nhau vẫn còn những
"bức tường Berlin" rất cần phá bỏ.
Chúng tôi rất trân trọng những đóng góp lớn; chúng tôi cũng nâng niu
từng 5 chục, 100, được gửi tới tài khoản Nhịp Cầu Hoàng Sa. Những đồng
bạc đó không chỉ nhắm tới mục tiêu giúp các gia đình liệt sỹ dựng lại
mái nhà. Những đồng bạc đó là cát, là đá, mà các bạn góp cùng chúng tôi
xây đắp một nhịp cầu. Nhịp cầu nối những tấm lòng, để người Việt hiểu
thêm người Việt.
Chiều 18-1-2014, trong khói nhang tưởng nhớ các đồng đội của chồng,
hai bà Huỳnh Thị Sinh và Ngô Thị Kim Thanh nghe chúng tôi nhắc lại
trường hợp hy sinh của 64 chiến sỹ Quân đội Nhân dân Việt Nam ở đảo Gạc
Ma ngày 14-3-1988. Hai bà đã lặng đi. Trong cuộc chiến giữ đảo, máu của
những chiến binh người Việt đã trộn cùng máu của những chiến binh cũng
là người Việt.
Hoàng Sa là nơi mà ngay khi đất nước còn chia cắt, người Việt đã
không bắn vào nhau. Hoàng Sa là nơi suốt 40 năm qua, người Việt hiểu rõ
ai mới thực sự có dã tâm xâm lược.
Mỗi người Việt đều có thể chọn một cách riêng để tưởng nhớ Hoàng Sa.
Huy Đức
Tiền Việt Nam và ngoại tệ góp cho chương trình Nhịp Cầu Hoàng Sa, xin
gửi về: DO THANH TRIEU (tức Đỗ Thanh Triều) - số TK : 1000343796 Ngân
hàng Citibank Việt Nam Chi nhánh Ho Chi Minh Swift code: CITIVNVX