Thứ Hai, 20 tháng 1, 2014

Phỏng vấn về Hải chiến Hoàng Sa và các chiến sỹ Hải quân Việt Nam Cộng Hòa

Phạm Thanh Nghiên

Phần 4

Phạm Thanh Nghiên: Không phải ngẫu nhiên tôi dành phần bốn này để kể về tâm tư của hai nhân vật cách nhau nửa vòng trái đất với sự khác biệt rất điển hình. Từ tuổi tác, khoảng cách địa lý, hoàn cảnh, không gian sinh sống đến xuất thân (chế độ) chính trị đã trở thành một sự tương phản đương nhiên. Nhưng, chính sự khác biệt đến tương phản ấy đã đại diện cho một câu chuyện của những câu chuyện về một giai đoạn lịch sử kéo dài hàng chục năm với sự đau đớn, quằn quại của Dân tộc. Song, đấy cũng là câu chuyện của sự gặp gỡ mang niềm hy vọng. Họ không đại diện cho chế độ chính trị nào (dù tốt hay xấu). Họ là những nguời Việt Nam chân chính với chung một khát vọng bình dị nhưng vĩ đại: Tự do, Dân chủ và Toàn vẹn lãnh thổ cho Đất nước mình.
Nguyễn Văn Hùng sinh năm 1992 tại một vùng quê nghèo khó thuộc miền Trung Việt Nam. Hiện cậu đang theo học ở một trường đại học tại Hà Nội. Cuộc sống thành thị, Internet, truyền thông xã hội, giảng đường đại học và ý thức hoài nghi đã thúc đẩy Hùng, từ một sinh viên với suy nghĩ đơn giản biết quan tâm đến hiện tình đất nước. Lòng tự trọng dân tộc, ý thức trách nhiệm của một thanh niên yêu nước đã thôi thúc Hùng, giúp cậu bước qua nỗi sợ hãi để rồi một ngày, cậu hòa vào giòng người trên đừờng phố Hà Nội, tay giơ cao, miệng hô vang: “Trường Sa- Hoàng Sa là của Việt Nam”. Không ít lần cậu đã bị bắt khi tham gia biểu tình ôn hòa, phản đối Trung Quốc xâm chiếm lãnh hải và bắn giết ngư dân Việt Nam. Khi được hỏi Hùng có tham gia cuộc biểu tình sắp tới do No – U Hà Nội kêu gọi để tuởng niệm 40 năm Hải chiến Hoàng Sa không, Hùng đã trả lời không chút do dự “đương nhiên tôi sẽ tham gia”.

Nghệ sĩ Phan Đình Minh, sinh ra taij miền Bắc, năm 1954 ông di cư vào Nam. Ông đã từng phục vụ trong Quân lực Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975. Sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, ộng đi tị nạn cộng sản và hiện đang định cư tại Hoa Kỳ. Ông cũng chính là người thực hiện Chương Trình “Từ Cánh Đồng Mây” được trực tiếp truyền thanh, truyền hình đi toàn cầu qua đài Saigon Dallas Radio 1600AM, đài truyền hình SBTN hệ thống youtube Hoang Vinh Cali và diễn Đàn Tiếng Nói Tự Do của người Dân Việt Nam.
Cũng như bao nhiêu người Việt xa Tổ Quốc, Hoàng Sa- Trường Sa- Việt Nam luôn là nỗi đau, là nỗi nhớ da diết và là lý tưởng, mục đích sống của ông. Quyết liệt nhưng không hằn thù, rộng lượng, bền chí và cao thượng là những gì tôi cảm nhân đuợc từ ông qua những cuộc trao đổi và nhất là qua cuộc phỏng vấn ngắn ngủi này.
Xin đựợc gọi cuộc phỏng vấn này với cái tên: Phan Đình Minh – Nguyễn Văn Hùng, hai thế hệ một tấm lòng.
Câu hỏi đầu tiên xin đuợc hỏi hai chú cháu, hai nguời biết gì về trận hải chiến Hoàng sa 40 năm về trước?
NVH: Tôi sinh ra vào năm 1992 nghĩa là sau khi trận hải chiến Hoàng Sa đã diễn ra gần 20 năm. Là một sinh viên tôi quan tâm tới tình hình đất nước. Qua việc tự tìm hiểu, tự tìm kiếm các thông tin đa chiều nên nay tôi mới biết đến cuộc chiến đó. Và năm nay, một điều rất khác lạ là chính hệ thống truyền thông “lề đảng” cũng đưa tin về trận hải chiến Hoàng Sa 40 năm về trước.
Nghệ sĩ Phan Đình Minh
Nghệ sĩ Phan Đình Minh
PĐM: Là một người sống tại miền Nam và phục vụ trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975 tôi biết rất nhiều về lịch sử cũng như cuộc chiến Hoàng Sa.
Chúng ta có đầy đủ tài liệu để chứng minh, khẳng định chủ quyền HS- TS là của Việt Nam, hay nói chính xác là vào thời điểm đó, Hoàng Sa – Trường Sa thuộc chủ quyền của chính quyền VNCH.
Câu hỏi dành cho Hùng, bạn nghĩ sao về sự hy sinh của 74 chiến sĩ hải quân Việt Nam Cộng Hòa năm đó?
NVH: Đối với tôi, sự hy sinh của 74 người lính là thể hiện tình yêu đất nước, yêu tổ quốc đã hy sinh xương máu của mình để bảo vệ Hoàng Sa , không chỉ là bảo vệ cho Hoàng Sa – Truờng Sa mà chính  là bảo vệ Tổ quốc Việt Nam của chúng ta.
Thưa chú Minh, chú nghĩ sao về những đồng đội của mình ạ?
PĐM: Hãnh diện, ngưỡng mộ, biết ơn, tự hào là những gì tôi muốn bày tỏ và muốn dành cho họ, những đồng đội yêu quý của tôi. Những con người can trường này đã sống và hy sinh như trong bài Quốc ca đã thôi thúc: “Này công dân ơi đứng lên đáp lời sông núi, đồng lòng cùng đi hy sinh tiếc gì thân sống…” Tất cả những người chiến sĩ của QL/VNCH luôn đặt Tổ Quốc, Danh Dự và Trách Nhiệm lên Trên Hết, trong cuộc sống của mình dù ở bất cứ nơi nào hay bất cứ hoàn cảnh nào.
Thế còn những người lính của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã hy sinh ở biên giới năm 1979 và 1984 thì sao thưa chú? Sự hy sinh của họ so với sự hy sinh của Trung tá Ngụy Văn Thà và đồng đội của ông thì sao?
PĐM: Tôi kính trọng và biết ơn những người đã hy sinh cho Tổ Quốc và nhân dân Viêt Nam. Đúng là những người lính miền Bắc không viết công hàm dâng biển đảo cho Tầu.  Nhưng, những người lính miền Bắc trước ngày 30-4-1975, họ đâu có đánh nhau để bảo vệ Tổ Quốc và Nhân dân.  Những  lãnh đạo cộng sản đã ra lệnh cho những người lính miền Bắc công khai thừa nhận rằng: “Ta (cộng sản) đánh là đánh cho Nga cho Tầu”.  Trung Tá Ngụy Văn Thà và đồng đội của ông, cũng như tất cả chúng tôi – những quân nhân Việt Nam Cộng Hòa không đánh cho Mỹ hay cho đế quốc nào. Chúng tôi chiến đấu để bảo vệ nền Tự Do, Dân Chủ, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Còn bạn thì sao, bạn nghĩ gì về sự hy sinh của những nguời lính thuộc hai chiến tuyến bảo vệ đất nước?
NVH: Đã là lính khi ra trận, họ đều nêu cao tinh thần cảnh giác để bảo vệ Tổ quốc. Đừng để sự hy sinh nào của họ là vô nghĩa. Dù là hai bên chiến tuyến thì họ cùng chung mục đích là bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc.
Ngày xưa những nguời lính VNCH bị gán với từ “ngụy”, bạn Hùng và chú Minh nghĩ sao về điều ấy?
NVH: Tôi nghĩ đó là đường lối tuyên truyền của nhà nước Cộng sản VN. Họ luôn kiếm mọi cách để hạ nhục đối phương (mà họ coi là kẻ thù), để lừa bịp dân chúng. Sự đánh tráo khái niệm cũng chính là một thủ đoạn chính trị mà họ rất ưa dùng. Cho tới tận ngày hôm nay. “Ngụy” là một từ cực kỳ miệt thị, mang nghĩa xấu xa. Nhưng nếu chịu khó tìm hiểu, xét trên thực tế cũng như sự thật lịch sử thì chính quyền VNCH có bầu cử tự do. Không thể và không bao giờ đựoc phép gọi một chính quyền có bầu cử tự do là “ngụy quân, nguỵ quyền” đuợc. Nhân đây cũng xin nói thêm, cũng là dẫn chứng lịch sử thôi. Theo sách giáo khoa phổ thông môn lịch sử mà học sinh Việt Nam đựoc học thì năm 1945, ông Hồ cũng như như đảng cộng sản VN đã nổi dậy “cướp chính quyền”. Từ “cướp chính quyền” chính là nguyên văn chúng tôi được học. Một bên là đi cướp, một bên dân chúng đuợc tự do bầu cử. Vậy, ai là “ngụy” thì điều này đã rõ, chúng ta không cần phải bàn thêm. Gán cho những nguời anh hùng như thế từ “ngụy” không những vô ơn mà còn thể hiện sự hèn hạ, giả dối, gian manh của những kẻ tự xưng chính nghĩa. Chúng ta cần phải lấy lại danh dự cho họ, dành lại dân tộc này, đất nước này để sự hy sinh đó trở nên vẻ vang như chính sự vẻ vang vốn có của nó. Đã đến lúc, vén bức màn lịch sử lên rồi.
PĐM: Xin hỏi lại bạn Nghiên, bạn có thấy tôi hoặc bất cứ một cựu quân nhân cán chính VNCH nào lại giống hay thực sự là “ngụy” không? Những hình ảnh dựng nước, giữ nước,  phục vụ nhân dân vẫn sống mãi trong lòng người dân VN từ trước và sau 1975. Cũng cần nên nhắc lại là những người lính VNCH đã không để, đã không dâng một tấc đất nào cho ngoại bang.  Bây giờ bạn nhìn lại tâp đoàn lãnh đạo của đảng cộng sản VN đi. Họ đã làm gì đối với quê hương VN của chúng ta sau 1975? Họ có phải là bọn Hán ngụy hay không?
Vậy có nên vinh danh những nguời lính VNCH ở trận chiến HS năm 1974 không? Nếu có, chú Minh và bạn Hùng có sẵn sàng tham gia không?
PĐM: Tôi không nghĩ là nên mà chúng ta phải vinh danh, biết ơn những người đã nằm xuống cho Tổ Quốc trường tồn. Bây giờ mới nghĩ thì hơi trễ, nhưng có nghĩ là tốt. Nhưng đó là các bạn trẻ thôi chứ chúng tôi, nhất là những nguời lính, nguời dân từng sống dưới chế độ VNCH và hiện đang ở tại Hải ngoại thì vẫn luôn tưởng nhớ đến những vị anh hùng Dân tộc đó.
NVH:  Sau khi tìm hiểu, tôi mới biết về sự hy sinh đó (Lịch sử Việt Nam hôm nay không hề nhắc đến). Tôi nghĩ điều đó là rất cần. Không thể để sự hy sinh xương máu của họ bị chôn vùi mãi và cần lên án bất cứ một sự ngăn cản nào về việc vinh danh họ. Vinh danh những nguời có công với dân, với nuớc chính là việc làm tối thiểu của nguời sống. Đó còn là một sự an ủi cho chính chúng ta và là một điều cần thiết, tốt đẹp để thế hệ sau noi theo.
PTN: Chú Minh và bạn Hùng có thấy những tuơng đồng hay khác biệt gì giữa những nguời lính ngày xưa hy sinh bảo vệ biển đảo và những công dân VN ngày nay xuống đường thể hiện lòng yêu nuớc và phản đối TQ xâm lấn HS, TS và Biển Đông?
PĐM: Những người lính ngày xưa hy sinh bảo vệ biển đảo và những công dân VN ngày nay xuống đường đều có chung một lý tưởng, một lòng yêu nước như nhau.  Nhũng người lãnh đạo CS VN ngày xưa và hôm nay đều có cùng một mục đích như nhau: dâng đất biển cho Tầu để đựơc đảm bảo quyền thống trị độc tài tại Việt Nam.
NVH: Đối với tôi, điều đó rất khó nói về sự tương đồng hay khác biệt, nhưng tôi nghĩ bất cứ sự hy sinh nào đó, để bảo vệ Tổ Quốc khỏi sự xâm lấn tàn bạo của ngoại bang điều đáng ca ngợi, đều đáng ca ngợi để những thế hệ trẻ ngày nay và mai sau sẵn sàng bước đứng lên bảo vệ Đất nước của mình.
40 năm kể từ ngày 74 chiến sĩ VNCH hy sinh để bảo vệ biển đảo, ngày hôm nay HS vẫn bị chiếm đóng bỏi TQ. Chúng ta nên có những hành động, công việc cụ thể gì mà cá nhân mỗi người có thể thực hiện hay tham gia góp phần?
PĐM: Lúc nào chúng ta cũng phải tuyên bố với thế giới “HS-TS là của Việt Nam” tại bất cứ nơi nào, hoàn cảnh nào nếu chúng ta có cơ hội. Tiếc là những người cầm quyền hôm nay tại VN đã và đang ra sức ngăn cản chúng ta làm như vậy. Họ sẵn sàng đàn áp các cuộc biểu tình ôn hòa bày tỏ lòng yêu nước của người dân. Và chính nguời đang phỏng vấn tôi đây, cô Phạm Thanh Nghiên cũng là một dẫn chứng. Cô đã bị bắt giam, bị kết án 4 năm tù giam chỉ vì Tọa kháng với khẩu hiệu “Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam”. Đúng là một nghịch lý rất đau đớn cho người dân Việt Nam.
NVH: Tôi mong muốn một giải pháp ôn hòa, phía Trung Quốc không dùng quyền lực, sức mạnh vũ lực thể hiện sự tham lam của mình mà ngang nhiên xâm lấn biển đảo Việt Nam. Phía Việt Nam, mỗi người dân cần lên tiếng nói để bảo vệ biển đảo quê hương.
Hiện No- U đang có lời Kêu gọi đồng bào tham gia Lễ tưởng niệm 40 hải chiến Hoàng Sa năm 1974 vào 8 giờ 30 phút ngày 19 tháng 1 tại Hà Nội. Hùng nghĩ sao về việc này và bạn có dự tính tham gia không?
NVH: Vâng, đương nhiên tôi sẽ tham gia. Tôi nghĩ điều đó là tốt, khi chúng ta tưởng niệm những người đã khuất để bảo vệ Tổ Quốc là để đời đời này, thế hệ ngày nay mãi mãi không quên công ơn xương máu của những người đã ngã xuống.
Nhưng bạn đã từng bị bắt giữ, bị câu lưu và bị gây khó khăn trong cuộc sống cũng như trong việc học hành chỉ vì tham gia biểu tình ôn hòa bày tỏ lòng yêu nước? Bạn vẫn muốn tham gia ư?
NVH: Đúng là như thế. Nhưng lòng yêu nước và ý thức trách nhiệm. Lòng tự tôn Dân tộc thôi thúc tôi. Điều đó giúp tôi vượt qua nỗi sợ hãi. So với những anh hùng năm 1974, thì hành động của chúng tôi hôm nay chỉ là bày tỏ ý chí của mình thôi. Nó rất nhỏ bé.
Từ ngàn năm nay, qua bất kỳ thời đại nào, chế độ nào nguời dân VN ta đều thể hiện lòng yêu nước nồng nàn. Tuy nhiên,trong khoảng vài chục năm trở lại đây, lòng yêu nước của nguời dân VN dường như bị suy giàm. Cụ thể là có rất ít những bạn trẻ rất cố gắng để truyền bá sự thật hiện tại và lịch sử HS – TS bất chấp khó khăn, thậm chí tù đầy trong khi rất nhiều bạn khác luôn muốn chối bỏ sự thật lịch sử? Tại sao lại có hiện thực này?  Xin mời bạn Hùng trả lời trước.
NVH: Sở dĩ có sự chối bỏ lịch sử cũng do sự sợ hãi, hay có thể họ nghĩ chuyện đã qua nhắc lại làm gì. Cũng có thể do sự kìm hãm thông tin làm cho nhiều bạn trẻ ngày nay không hề biết gì đến nhiều sự kiện lịch sử, trong đó có trận hải chiến Hoàng Sa. chúng ta là những người đã biết và hiểu rõ điều đó, nay chúng ta phải lên tiếng nói để nhiều người bạn trẻ khác cũng bỏ qua được nổi sợ hãi để cùng lên tiếng để sự hý sinh của 74 người lính không bị lãng quên.
PDM: Nhập gia tùy tục, sông tùy khúc…các bạn đang sống trong một chế độ bị kiềm chế mọi sự, mọi điều. Nếu các bạn được tự do suy nghĩ , tôi nghĩ các bạn sẽ hành động theo tiếng gọi của lương tri. Tôi nghĩ, ẩn sâu trong tâm hồn mỗi nguời dân VN đều có lòng yêu nước. Khi sự thật lịch sử đựoc giải mã, khi các bạn đã tiến một bước trong nhận thức thì lòng yêu nước sẽ đựợc biểu hiện.Trong phạm vi hiểu biết, sức lực và mong muốn của mình, tôi sẽ giúp họ để truyền bá về sự thật lịch sử VN, nhất là về HS-TS.
Chú Minh và bạn Hùng nghĩ sao khi 40 năm sau những thế hệ tuơng lai sẽ đánh gía và nghĩ gì về thế hệ ngày hôm nay khi họ cùng chung nhau tổ chức Kỷ niệm 80 năm hải chién HS năm 1974?
PĐM: Chúng ta hãnh diện về tiền nhân yêu nước như thế nào thì thế hệ mai sau cũng sẽ tìm hiểu và hãnh diện về những gì chúng ta làm hôm nay. Tất nhiên, tôi nói chữ chúng ta là chỉ những người dân Việt Nam. Còn chính quyền cộng sản VN, đương nhiên sẽ không bao giờ có cái vinh dự đó. Ngược lại, họ sẽ bị con cháu chúng ta và lịch sử phán tội. Dù sao, cũng như các bạn, tôi mong không bao lâu nữa, chúng ta sẽ có niềm vui trọn vẹn. Chúng ta sẽ không phải hô “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam” vì khi đó, Giang sơn Tổ quốc đã đựơc nối liền.
NVH: Tôi thiết nghĩ khi kỉ niệm 80 năm hải chiến HS năm 1974 thì đất nước đã thay đổi, mọi người dân đều đã biết và họ sẽ hiểu ra sự hy sinh đó cao quý vô cùng. Và tin chắc rằng khi đó chúng ta đã dành được Hoàng Sa, Trường Sa về cho Tổ Quốc. Hạnh phúc lắm!
Rất cảm ơn chú Phan Đình Minh và bạn Nguyễn Văn Hùng đã dành cho Phạm Thanh Nghiên một cuộc trò chuyện rất đặc biệt này.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"